Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh: Phê bình để kích thích sáng tạo – Hội Nhà Văn Việt Nam

Vanvn- Hoàng Thụy Anh vừa làm thơ, vừa viết phê bình. Chị đã dành nhuận bút thơ cho việc in sách phê bình, thỏa đam mê, làm chiếc cầu nối cho đông đảo bạn đọc đến gần hơn với văn chương đương đại. Dưới đây là cuộc trò chuyện với chị về bếp núc của việc phê bình.

* Phóng viên (PV): Những bài phê bình cũng như những cuốn sách xuất bản gần đây của chị tập trung nhiều vào các gương mặt hôm nay, trong đó có những người viết trẻ, vì sao vậy?

– Đối tượng thường trực của tôi là các gương mặt đương đại. Chính nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã nhận định “Tinh thần quan tâm thường trực văn chương cùng thời là nét ưu trội của ngòi bút phê bình Hoàng Thụy Anh”. Tôi thích dấn thân vào mảng văn học đang tiếp diễn, chưa ổn định ngõ hầu thỏa mãn những khám phá của mình. Sự lựa chọn này giúp tôi thâu tóm kịp thời, phần nào đó diện mạo văn chương Việt Nam đương đại.

Tôi quan tâm đến các cây bút trẻ, bởi, sứ mệnh của nhà phê bình không phải chỉ chăm chắm với những tác giả đã thành danh, tên tuổi mà cần quan tâm, động viên các cây bút trẻ, để họ cảm thấy không bị lẻ loi, để họ cố gắng hơn, tự tin hơn khi thật sự tham dự vào đời sống văn chương.

* Tập tiểu luận-phê bình “Sự thật là đóa hoa lộng lẫy” của chị vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản có 24 bài viết, có sự giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học, phải chăng đó là cách để sách không bị rơi vào tình cảnh khô cứng hay chỉ đơn thuần là trực giác?

– Đối với lĩnh vực sáng tác, tình cảm có phong phú, dồi dào thì mới chuyển tải được tư tưởng, quan niệm; và tư tưởng, quan niệm bền vững thì tình cảm mới đi đúng hướng. Đối với lĩnh vực phê bình, yêu cầu này càng đòi hỏi khắt khe hơn. Người viết phê bình cần phải linh hoạt các điểm nhìn, dung hòa giữa nghệ thuật và khoa học, mới có thể giải mã được tính nghệ thuật của tác phẩm. Chia tách phê bình nghệ thuật-cảm xúc và phê bình khoa học-lý trí xem ra là việc làm không xác đáng, bởi, cảm xúc chỉ có giá trị và được xác nhận khi tương tác với lý trí, ngược lại, lý trí giảm được sự khô khan, cứng nhắc khi có sự hỗ trợ của cảm xúc. Cho nên, cần phải thấy được mối quan hệ giữa con người nghệ sĩ/cảm xúc và con người học thuật/lý trí trong phê bình.

* Để giải mã được tác phẩm, theo chị người phê bình phải có tố chất gì và cách gì để tác phẩm đến tay bạn đọc?

– Không chỉ nhà phê bình mà ngay cả người sáng tác đều cần chú ý hai yếu tố song hành “đọc và viết”. Đối với người viết phê bình, còn yêu cầu khả năng tiếp cận, thẩm thấu lý thuyết lý luận mới, năng lực vận dụng phương pháp, mổ xẻ, phân tích, cảm thụ tác phẩm trên tinh thần bao quát, đối thoại, phản biện.

Đối với tôi, khi viết phải chấp nhận những thiệt thòi, đó là những thiệt thòi về sức khỏe, về thời gian. Thời gian của tôi đảo lộn so với cả nhà. Những cơn đau liên tục ghé thăm. Thứ nữa, đến khi sản phẩm được in, lại phải lo lắng, bươn chải “buôn bán” để thu hồi số tiền bỏ ra. Nhiều khi thấy chuyện tự mình bán sách mình “sao sao” ấy, nhưng biết làm sao được, không lẽ để những đứa con ấy mãi mãi nằm trên giá sách.

* Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, nhà phê bình không chỉ là người chỉ ra cái hay, cái chưa hay của cuốn sách, tác giả, mà còn đồng hành cùng tác giả trên con đường sáng tạo?

– Đúng vậy, khi tiếp cận một văn bản, nhà phê bình không chỉ bấu chặt vào văn bản đó mà còn từ văn bản đó, biết tạo sinh văn bản khác, mở ra những góc nhìn mới cho tác giả và người đọc. Lúc này, văn bản được tạo sinh bởi nhà phê bình sẽ phát huy vai trò kích thích sáng tạo đối với tác giả.

* Chị kỳ vọng gì ở các nhà phê bình trẻ, trong việc đồng hành, chia sẻ, khích lệ các cây bút văn chương trẻ thời gian tới?

– Kỳ vọng nhiều lắm. Nhưng có lẽ kỳ vọng nhất là các bạn trẻ không bao giờ ngừng việc “đọc và viết”. Chỉ có sự đọc và viết mới làm nên giá trị của người sáng tác.

* Xin cảm ơn chị! 

***

Cùng sẻ chia chặng đường văn với con gái, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, cha của Hoàng Thụy Anh cũng xuất bản tập thơ “Người câu gió”, vẫn với lối thơ tự do, sâu sắc và đầy triết lý. Ông sinh năm 1945 ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Dù tuổi gần bát thập nhưng ông vẫn không ngừng đi và sáng tác, liên tục cho ra đời những tác phẩm mới, với những chiêm nghiệm của một đời thăng trầm, nhưng luôn tự làm mới mình trong thơ ca.

NGUYỄN VĂN HỌC/THỜI NAY (thực hiện)

Rate this post