Quyền lực của nhà phê bình
Tôi đã từng viết một bài về mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình và cho rằng giữa những người này nên là bạn hơn là thù. Thực ra, bạn bè là cách nói cho hài hoà chứ thực ra người làm phê bình có những quyền năng lớn lao nếu như người ta làm đúng ý nghĩa của nó.
Một ví dụ thế này, khi một cuốn sách được in ra thì người viết sẽ tin vào ai khi đánh giá tác phẩm của mình? Tin vào những độc giả thông thường, hay những siêu độc giả – những nhà phê bình? Tất nhiên ta không cần ngả về phía nào quá lớn, công chúng bình dân hay bạn đọc tinh hoa nhưng những nhà phê bình uy tín luôn có những quyền lực của mình, thậm chí là rất lớn.
Nekrasov là một nhà thơ có tiếng của nước Nga, khi Nekrasov xuất bản tập thơ đầu tay, báo chí và dư luận tung hô ông hết lời và nhà thơ trẻ cứ nghĩ rằng đó là một thành tựu lớn lao thật. Đến khi nhà phê bình Belinski đọc tập thơ và ông viết một bài đăng báo. Ông cho rằng tập thơ của Nekrasov viết chung chung, dễ dãi, nghèo nàn, không có cảm xúc nào đáng kể và kết luận đó là một tập thơ dở. Đó là một cú sét đánh với Nekrasov.
Sau khi đọc bài phê bình của Belinski, nhà thơ trẻ đã âm thầm đến các hiệu sách để thu hồi bằng hết tập thơ của mình rồi… mang đốt. Nhà thơ trẻ đã tin rằng nhà phê bình nói đúng và đã có những điều chỉnh. Sau này Nekrasov trở thành một nhà thơ nổi tiếng của nước Nga.
Nhà phê bình Belinski.
Ta nhớ rằng khi đó ở nước Nga, Belinski là một nhà phê bình có quyền năng rất lớn. Ông đọc nhiều và theo dõi sát sao văn học Nga và thường đưa ra những lời bình luận rất nặng kí. Quyền năng của Belinski mạnh đến mức người ta ví rằng phòng làm việc của Belinski là “trung tâm của nền văn học Nga” lúc bấy giờ. Nghĩa là những gì nhà phê bình thu vào và phát đi ở đó thể hiện nhịp đập của nền văn học Nga.
Belinski như một vị quan toà tối cao có quyền phán xét và điều đặc biệt, nhà phê bình này có những dự báo rất chính xác. Ngay khi F. Dostoevsky mới xuất hiện, ông đã bảo rằng, “Dostoevsky sẽ trở thành người vĩ đại”. Và lời tiên đoán của Belinski đã được chứng minh, F. Dostoevsky, cùng với Lev Tolstoy đã trở thành những nhà văn Nga vĩ đại nhất.
Sự ảnh hưởng của Belinski còn được tiếp tục. Các nhà văn khi viết sách thường đề tặng những người thân, bạn bè, những người đặc biệt với mình, nhưng khi Turgenev, một nhà văn nổi tiếng của nước Nga viết cuốn “Cha và con”, một trong những cuốn tiểu thuyết lớn của văn học Nga thế kỉ 19 đã dành lời đề tặng cuốn sách cho nhà phê bình Belinski!
Ngay cả một nhà văn lớn như Gogol cũng chịu tác động rất lớn của giới phê bình. Năm 1829, Gogol bí mật in một cuốn trường ca và gửi nhờ các hiệu sách bán hộ. Cuốn sách chẳng ai mua nhưng Gogol vẫn còn chút hi vọng ai đó sẽ đánh giá đúng được mình. Và đã có người đánh giá đúng được Gogol.
Có một bài phê bình trên báo, chê bai cuốn sách của Gogol thậm tệ. Nhà văn lớn của nước Nga như bị đánh gục hẳn. Gogol cùng với người đầy tớ trung thành của mình âm thầm đi thu lại quyển sách để… đốt bỏ.
Qua những ví dụ trên cho thấy quyền năng của nhà phê bình lớn đến thế nào. Khi người viết còn đang phân vân, hồi hộp không biết tác phẩm của mình xuất sắc đến mức nào thì nhà phê bình có thể cho anh ta một quả búa tạ!
Tác phẩm coi như hỏng và người viết biết đó là thất bại. Nhưng nhà phê bình đôi khi là bà đỡ, là niềm tin cho người viết tiếp tục con đường sáng tạo. Tôi tin rằng chính lời tiên tri của Belinski dành cho Dostoevsky lúc trẻ đã khiến cho nhà văn có động lực và ý chí để viết. Bởi ta biết rằng Dostoevsky đã từng chịu những pha cực kì khốn khó trong đời và không phải tác phẩm nào của ông cũng thành công và có một giai đoạn người ta đã hoài nghi về ông và cả lời tiên tri của Belinski. Nhưng cuối cùng thì Dostoevsky vẫn vĩ đại và Belinski đã nói đúng.
Những nhà phê bình lớn luôn là những người đầy quyền năng. Tôi đã từng viết về Hoài Thanh và cuốn phê bình “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng của ông. Những người được anh em Hoài Thanh – Hoài Chân chọn lựa và đưa thơ họ cùng lời bình vào đã giúp cho những người ấy có một vị thế sáng và sang trọng trong nền văn học Việt. Hoài Thanh đã lập ra một sân chơi đầy quyền lực của mình và những gì được ông chọn vì thế mà sống lâu bền hơn, được nhiều người biết đến hơn.
Nhà phê bình Hoài Thanh.
Hoài Thanh đã vinh danh những nhà thơ xứng đáng và tác phẩm của họ. Tất nhiên sau này có những ý kiến cho rằng Hoài Thanh đã bỏ sót hoặc thiên vị một vài người nhưng rõ ràng, những người được ngồi vào cái chiếu hoa của “Thi nhân Việt Nam” đã thuận lợi hơn rất nhiều so với những người khác. Nhà phê bình tạo ra quyền năng cho mình, tạo ra một sân chơi độc lập với các nhà văn và có sức ảnh hưởng rất đáng kể.
Nhà phê bình văn học người Đức Marcel Reich-Ranicki thậm chí còn được coi là “giáo hoàng của văn học Đức”. Tại sao người ta lại gọi ông là “giáo hoàng”? Vì ông đọc và viết nhiều và những nhận xét của ông rất thẳng thắn, không chịu bất cứ áp lực nào. Ông theo dõi văn học Đức sát sao và một thời gian dài giữ những mục văn học trên báo chí, phát thanh, truyền hình Đức. Những phát ngôn của ông, những bài điểm sách, giới thiệu tác giả, tác phẩm của ông có ảnh hưởng rất lớn. Các bài tổng kết đánh giá của ông về văn học luôn có sức nặng. V
í dụ ông khen một quyển sách nào đó và ngay lập tức nó sẽ được giới phê bình chú ý và bán chạy, hoặc khi ông đưa ra lời chê trách thì dường như cuốn sách đó đã sẵn sàng nằm trong danh sách bán ế. Một người thẳng thắn, giữ nhịp và theo dõi văn học sát sao như vậy đã có một ảnh hưởng rất lớn đến người đọc.
Có một lần Marcel Reich-Ranicki tham dự một chương trình nói về Gunter Grass, người khi đó đã rất nổi tiếng với tiểu thuyết “Cái trống thiếc” và là bạn thân thiết của ông. Nhưng mặc thế, Marcel Reich-Ranicki vẫn không ngần ngại chê những nhược điểm của Gunter Grass ngay trên sóng truyền hình. Vì sự thẳng thắn và ảnh hưởng rộng lớn, danh hiệu “giáo hoàng văn học Đức” dành cho ông cũng không phải là một điều quá phóng đại.
Ở Việt Nam, khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lần đầu xuất hiện trên báo Văn nghệ với những truyện ngắn giàu cá tính và mới mẻ của mình, dư luận đã hết sức ngỡ ngàng. Người ta đặt dấu hỏi và băn khoăn về ông.
Hoàng Ngọc Hiến là người viết bài phê bình đầu tiên về ông, “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã dự đoán rất chính xác về Nguyễn Huy Thiệp, ông cho rằng nhà văn sẽ gây ra những sóng gió lớn và con đường văn chương của ông cũng không được yên ổn.
Nguyễn Huy Thiệp sau đó được nhiều người ưa thích và cũng nhận không ít những công kích cay nghiệt và có lẽ Nguyễn Huy Thiệp trở thành một trong những nhà văn Việt gây tranh cãi nhiều nhất. Rõ ràng, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã có dự đoán rất sớm và chính xác về Nguyễn Huy Thiệp. Điều đó đã thể hiện tầm nhìn và tài năng của người làm phê bình. Quyền năng của nhà phê bình đôi khi chỉ cần họ dự đoán đúng hay tiên cảm sớm về một ai đó, một tác phẩm nào đó.
Tôi là người thích sách và hay đọc sách. Ở Việt Nam không có nhiều chuyên trang giới thiệu về sách và tôi đã theo dõi một trang blog của một nhà phê bình rất cá tính và thậm chí cực đoan trong một thời gian dài. Những trang viết của anh ta thường gây một tác động tương đối đến người đọc. Những bảng xếp hạng hàng tháng về sách của anh ta có tác động không nhỏ đến những người thích đọc sách.
Thậm chí khi đứng trước một thị trường sách khổng lồ, những người đọc bối rối không biết chọn cuốn nào thì những người đọc trang blog kể trên – đồng thời là fan hâm mộ của nhà phê bình chỉ việc chìa ra bảng xếp hạng sách anh ta đã chọn để mua. Những ý kiến này đôi khi cực đoan và bảo thủ nhưng không phải không có lý. Cũng giống như Marcel Reich-Ranicki, người đó đã từng khiến những quyển sách bán rất chạy hoặc ế trầm trọng do tác động bởi những nhận xét của mình.
Nhà phê bình Marcel Reich – Ranicki.
Như vậy, khi làm đúng với trách nhiệm và chuyên nghiệp, những nhà phê bình có uy tín và công tâm sẽ tạo ra được một trường ảnh hưởng đáng kể xung quanh mình. Sự thẳng thắn, khách quan và cá tính sẽ khiến quyền lực của phê bình được mài sắc. Nhà phê bình tự tạo ra một sân chơi riêng của mình và anh ta có quyền trên địa hạt ấy.
Một nhà văn đã nói với tôi rằng, nếu nhà phê bình giỏi và tài năng cỡ ấy, sao anh ta không tự sáng tác đi. Đây là một đòi hỏi hoàn toàn sai lầm vì ở mỗi vị trí nghề nghiệp, mỗi người có một công năng của riêng mình. Nhà phê bình chỉ ra cái hay cái dở của tác phẩm nhưng không phải vì thế mà anh ta phải viết cho riêng mình với những quan điểm của anh ta.
Sự phân chia nghề nghiệp rất rõ ràng và mỗi người có một địa hạt riêng. Nhà văn tạo ra tác phẩm và nhà phê bình phê bình những sáng tác ấy. Tất nhiên có những nhà văn kiêm nhà phê bình và ngược lại, nhưng vấn đề này sẽ bàn một dịp khác. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, khi nhà phê bình thực thi cái quyền hạn nghề nghiệp của mình một cách công tâm và thẳng thắn, cùng với tài năng và niềm đam mê, anh ta sẽ tạo ra một quyền lực rất lớn mà đôi khi chính anh ta cũng không nhận ra.