Ngòi bút Thép Mới

Ngòi bút Thép Mới

TIỂU SỬ NHÀ VĂN,
nhà báo Thép Mới
(BÚT DANH KHÁC: ÁNH HỒNG)
(1925 – 1991)

TIỂU
sử:

   *
Tên khai sinh: Hà Văn Lộc, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1925 tại thành phố Nam
Ðịnh. Ðảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
(1957)

   * Nhà văn Thép Mới tham gia
cách mạng từ trước tháng 8-1945. Ông đã trải qua nhiều công tác và chức
VỤ: PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO NHÂN DÂN, ỦY VIÊN BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM, TỔNG BIÊN TẬP BÁO
GIẢI PHÓNG, ỦY VIÊN
BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM, ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM CÁC KHÓA II VÀ III.

   – Ông đã được tặng Huân
chương Ðộc lập hạng nhì và nhiều huân chương khác. Sau năm 1975 sống và
công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, ông mất ngày 28 tháng 8 năm 1991.

TÁC
phẩm chính:   

– Cây tre Việt Nam (thuyết minh
phim, 1958); Hiên ngang Cu-ba (Bút ký, 1962); Ðiện Biên phủ, một danh
từ Việt Nam (bút ký, 1965); Trường Sơn hùng tráng (bút ký, 1967);
NGUYỄN ÁI QUỐC
đến với Lê-nin (thuyết minh phim, 1980); Ðường về Tổ quốc
(thuyết minh phim, 1980)

Ngòi bút Thép Mới

   Lần đầu tiên trên cơ quan ngôn
luận của Trung ương Ðảng ta, tờ Cờ Giải Phóng, ngay sau Cách mạng
Tháng Tám 1945, đăng trên trang nhất một bài văn trong trẻo, tươi mới, mềm
mại, dịu dàng, điều chưa từng có trên báo Ðảng nhiều năm vì mải tập trung
vào mục tiêu đấu tranh với giai cấp thống trị. Bài Trung thu độc lập
tả một chiến sĩ giải phóng quân đêm đứng gác trong gió núi trăng ngàn,
trăng thu đẹp vô cùng, anh nghĩ đến lớp lớp em thơ ở mọi vùng đất nước,
gửi đến các em những tình cảm âu yếm, đặt niềm tin nơi các em, những chủ
nhân tương lai của nước nhà. Người đọc đều xúc cảm trước những tình
cảm thân thiết ấy và có cảm tình với tác giả, một cái tên còn mới mẻ:
Thép Mới.

   Một năm sau, vào những ngày
chính quyền cách mạng đang đứng trước bao hiểm nguy, trên báo Ðảng, tờ Sự
Thật, nối tiếp tờ Cờ giải Phóng, đăng một bài báo của Thép
Mới gây xôn xao dư luận. Khác với giọng văn đầm ấm, tình cảm trong Trung
thu độc lập, bài phóng sự điều tra Tại sao tôi đi tống tiền
phơi bày tanh bành những tội ác giết người cướp của và cuộc sống bẩn thỉu
của bọn phản động Quốc dân đảng bị công an ta khám phá tại sào huyệt của
chúng ở phố Ôn Như Hầu, Hà Nội. Với bài báo sắc sảo này, Thép Mới đã là
một tên tuổi.

   Cho đến tận bây giờ, lớp
người cao tuổi vẫn nhớ hàng loạt bút ký, phóng sự, ghi chép của Thép Mới in
đều đặn hằng tuần trên báo Sự Thật thời kỳ đầu kháng chiến chống
Pháp: những Kháng chiến sau lũy tre, trên đồng lúa, Mồ hôi và máu trên
nắm thóc, Sức mạnh từ đất dấy lên, Trong thế giới công binh xưởng…
Hàng loạt bài báo của Thép Mới được viết với một bút pháp hoàn toàn mới:
nhịp nhanh, chất văn hiện đại, tinh thần phơi phới, lạc quan, với giọng điệu
sinh động, tươi trẻ. Ðọc những bài báo ăm ắp hơi thở cuộc sống chiến
đấu ấy, người đọc thấy hiển hiện lên, trong khung cảnh kháng chiến ở khắp
mọi vùng, nhân dân và bộ đội ta từ đồng bằng đến rừng núi đã lao động
và chiến đấu oanh liệt như thế nào. Những bài báo làm mọi người dù trong
thiếu thốn vất vả gian khổ hiểm nguy vẫn vững vàng tin vào thắng lợi cuối
cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ.

   Cũng trên tờ báo Ðảng, sau
giải phóng biên giới, lần đầu tiên người đọc xúc động trước sự nhiệt
tình ủng hộ của nhân dân thế giới trước cuộc cách mạng giải phóng dân tộc
ta qua phản ánh của Thép Mới trong Thư về nước viết từ nước ngoài
gửi về. Ðây là bài đầu tiên về quốc tế của Thép Mới qua chuyến đi lần
đầu mấy nước anh em. Liền sau đó, cuốn sách mỏng đầu tay của Thép Mới do
Nhà xuất bản Văn nghệ ở Việt Bắc in năm 1951. Quyển Trách nhiệm này
là thiên bút ký mang nội dung như Thư về nước. Từ đây, người đọc
được biết Thép Mới ở một lĩnh vực phản ánh khác: phong trào các nước ủng
hộ nhân dân ta và đời sống quốc tế.

   Những cuốn sách mang đề tài
này của Thép Mới lần lượt ra đời: Hữu nghị và Như anh em
một nhà phản ánh các chuyến thăm các nước của Ðoàn đại biểu Ðảng và
Chính phủ ta do Hồ Chủ tịch dẫn đầu. Hai tập này tập hợp các bài đã đăng
trên báo Nhân Dân, những bài mà tất cả các tầng lớp bạn đọc đã
từng ngày từng ngày hào hứng theo dõi từng chi tiết nhân dân và nguyên thủ
các nước đón tiếp trọng thể, nhiệt tình Ðoàn đại biểu Việt Nam, tự hào
và sung sướng về Bác Hồ được bầu bạn thế giới yêu kính; và cũng qua loạt
bài này, chúng ta thêm hiểu về các nước anh em.

   Rồi tập bút ký Hiên ngang
Cu-ba ra đời. Thép Mới đến Cu-ba đầu năm 1962. Ngay mùa hè 1962 sách ra
mắt bạn đọc. Trước khi in thành sách, các bài của tác giả xuất hiện ào ạt
trên báo Nhân Dân và báo Văn Nghệ, được đông đảo bạn
đọc háo hức chờ đón. Lần đầu tiên qua Thép Mới, chúng ta biết về
“dải đất đẹp nhất trần gian mà mắt người đã thấy” (Cri-xtốp
Cô-lông), biết “loài cọ pan-ma rê-an đi xuyên hòn đảo đâu đâu cũng
gặp, nhiều như tre của Việt Nam ta… Mía san sát khắp nơi, chỗ nào cũng mía
là mía… Cu-ba đẹp vì cọ, giàu vì mía”. Qua Thép Mới, chúng ta biết
tường tận chiến thắng ở bãi biển Hi-rôn mùa hè 1961, quen với “những
tâm hồn Cu-ba bốc lửa” hăng say lao động và sẵn sàng tay súng bảo vệ
nền tự do vừa giành được. Ðọc những bài Thép Mới viết về Cu-ba, nhen lên
trong lòng ta niềm tin yêu và cảm phục nhân dân cách mạng ở đất nước xa
xôi bên kia bán cầu. Hiên ngang Cu-ba là tác phẩm thành công nhất của
Thép Mới viết về đề tài quốc tế.

   Rực rỡ nhất trong các văn phẩm
Thép Mới là Cây tre Việt Nam. Văn phẩm này được coi là một trong
những áng văn hay nhất của văn chương đương đại Việt Nam, được đưa vào
sách giáo khoa từ rất sớm. Suốt mấy thập niên nay, hàng triệu học sinh các
thế hệ thuộc lòng đoạn mở đầu thiên tráng ca này: “Ðất nước ta có
muôn ngàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân
thuộc nhất vẫn là tre nứa. Nứa Ðồng Nai, tre Việt Bắc, tre ngút ngàn Ðiện
Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi”. Thép Mới ca ngợi chiến công của
cây tre xưa cũng như nay, mỗi khi tổ quốc lâm nguy, đã cùng nhân dân ta
đánh giặc, và ghi công tre: “Muôn ngàn đời ghi nhớ chiếc gậy tầm vông
đã dựng nên Thành đồng Tổ quốc, và sông Hồng bất khuất có cái chông
tre”. Cây tre quen thuộc thân thiết xanh các làng quê, tre thành các vật
dụng trong đời sống thường ngày của tất cả mọi người… Sinh thời, Thép
Mới thường nói với các phóng viên mới vào nghề: “Viết phải có văn,
văn phải có hồn, nghĩa là phải có tình cảm. Nhưng chưa đủ, riêng với mình
còn phải có nhạc nữa”. Ngòi bút Thép Mới đã thể hiện được điều đó
nhuần nhuyễn nhất trong Cây tre Việt Nam. Thiên tráng ca lộng lẫy chất
chiến đấu và chất trữ tình này, Thép Mới đã thả hồn mình vào các câu
văn đoạn văn, rung lên điệu nhạc lúc hào hùng, lúc dịu êm lôi cuốn, quyến
rũ tất cả người đọc. “Ðây là tuyệt bút của Thép Mới”, sự đánh
giá này chính xác.

   Thép Mới viết báo, viết văn từ
thời còn là sinh viên trường Luật. Anh sinh viên Hà Văn Lộc đã viết những
bài đầu đời của mình đăng trên các báo Tự Trị, Gió Mới
của Tổng hội sinh viên trước Cách mạng Tháng Tám. Tham gia hoạt động cách
mạng từ thời kỳ bí mật, sau Tổng khởi nghĩa anh được điều động về công
tác tại cơ quan báo của Trung ương Ðảng liên tục đến khi đột ngột từ
trần. Bút danh Thép Mới do đồng chí Trường-Chinh, Tổng Bí thư Ðảng trực
tiếp phụ trách báo Cờ Giải Phóng, đặt cho.

   Thép Mới là một tài năng hiếm
có, một nhà báo tài ba, dư luận rộng rãi đều công nhận. Song bạn đồng
nghiệp quốc tế đánh giá cao hơn. Sau hai năm Hiên ngang Cu-ba ra đời,
năm 1964 báo Gran-ma của Trung ương Ðảng Cộng sản Cu-ba, bản in tiếng
Pháp, đăng bài giới thiệu Thép Mới; câu kết của bài có một từ đánh giá
ngòi bút Thép Mới: génie (thiên tài).

NGUYỄN HẢI

Rate this post