Nhà báo Thép Mới đôi điều nhớ lại
Lúc vui câu chuyện tôi hỏi: Tại sao anh lấy bút danh là Thép Mới. Anh trả lời: “Thép là “Thép đã tôi thế đấy!”. Cuốn sách ấy mình dịch ra tiếng Việt của nhà văn Xôviết N.A.Ôxtơropki; còn Mới là không cũ! Hà… hà!” – anh cười sảng khoái để lộ hàm răng ám khói thuốc lá.
Nhà báo, nhà văn Thép Mới tham gia cách mạng rất sớm từ phong trào sinh viên cứu quốc, văn hóa cứu quốc đến Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Cùng với Nguyễn Huy Tưởng, Thôi Hữu, Thép Mới trở thành nhà báo cách mạng chuyên nghiệp của Đảng. Ông là tác giả của hàng nghìn bài báo, trong đó nhiều bài nổi tiếng như “Cây tre Việt Nam”, “Hiên ngang Cuba” được Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Tôi là lớp thanh niên ngưỡng mộ Thép Mới từ những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Đọc những bài báo nóng hổi của anh mang tính thời sự và bình luận sâu sắc, nghe về anh nhiều nhưng được trực tiếp nói chuyện với anh phải kể đến khi vợ chồng anh vào nghỉ mát ở Khách sạn Sầm Sơn 10 ngày đầu năm 1960.
Được một dịp hiếm có nên dù bận trăm công nghìn việc cho vụ hè sắp mở, tôi vẫn dành các buổi tối lên gặp anh nói chuyện. Anh nói đủ các chuyện từ kinh tế chính trị đến các vấn đề xã hội trong và ngoài nước thật nhạy bén. Càng đi sâu tìm hiểu càng thấy anh sống như một chiến sĩ quan sát sự kiện, con người, ghi chép và suy ngẫm để tìm ra quy luật cuộc đời, khám phá ra những cái mới làm bật lên nhãn quan của một nhà báo cách mạng bẩm sinh vừa sinh động vừa thực tiễn.
Có lúc vui chuyện anh hỏi tôi: Thành phần gì? Rất ngạc nhiên với câu hỏi truy tìm lý lịch ấy, tôi chất vấn lại: Sao anh hỏi vậy? Anh trả lời: Vì thấy việc phục vụ của cậu ở đây mang đậm tính chất tiểu nông. Rồi anh giải thích: Cả Sầm Sơn chỉ có một khách sạn của cậu mà biết bao nhiêu cán bộ và khách các tỉnh về dưỡng sức nghỉ ngơi gồm cả những người có tiền, sao chỉ cho họ ăn có một loại cơm đĩa cho gọn như nhà ăn tập thể, có phải để dễ phục vụ cho mình và quay vòng vốn nhanh không? Tại sao không tách ra hai quầy, một quầy bình dân phục vụ đa số, một quầy cơm món hợp với túi tiền của loại khách thưởng thức theo sở thích cá nhân vừa hợp với quy luật cung cầu mà doanh thu chắc chắn sẽ cao gấp mấy lần.
Nghe anh, tôi sắp xếp lại kỹ thuật và phương thức phục vụ, quả nhiên doanh thu cao gấp bốn lần loại bình dân, lại được phóng viên Báo Nhân dân Chính Yên biểu dương là có sáng tạo.
Là khách sạn loại hai của Trung ương lúc ấy chỉ đứng sau khách sạn Metropol Hà Nội một bậc nên việc đầu tư và cung cấp nguyên liệu được ưu tiên. Có đủ các loại rượu Tây và hàng hóa đặc biệt để tiếp đón các đoàn ngoại giao. Tôi ưu tiên cho anh chị ăn uống theo yêu cầu nhưng anh không đòi hỏi gì hơn ngoài mỗi sáng một cốc cà phê ngon và một cút rượu tiết dê nút lá chuối.
Cũng từ đây anh lại phát hiện ra một loại khách có tiền thích chơi sang và lịch sự hơn. Họ không thích ăn uống ở chỗ xô bồ đông người. Anh bảo tôi dọn văn phòng vào nhà dân nhường chỗ cho quầy đặc biệt này lấy tên di tích Sầm Sơn là quầy Trống Mái. Anh nói ở Bắc Kinh (Trung Quốc), khách ăn gia đình rất thích những phòng nhỏ riêng biệt vừa tự do, không ồn ào làm cho bữa ăn thêm ấm cúng, không bị cái cảnh xô bồ xung quanh khuấy động. Đó là tâm lý chung ở đâu cũng vậy. Chỉ cần đánh vào tâm lý ấy đã đủ có khách hưởng ứng ngay.
Ý của anh có sức hút kỳ lạ, nhưng trang bị cho các phòng này khá tốn kém, tôi còn e ngại thì anh viết thư ngay cho Bộ trưởng Thương nghiệp Hoàng Quốc Thịnh đề nghị cấp kinh phí đột xuất. Tôi không hiểu uy tín của anh đến mức nào mà việc tác động này sắc hơn dao cạo là được đáp ứng tức thì, khác hẳn thông lệ phải chờ duyệt hàng tháng.
Quả nhiên khi quầy đặc biệt mở ra, nhiều đoàn khách các tỉnh đến đăng ký ngày một đông. Doanh thu từ đó cứ tăng dần rồi tăng đến mức đột xuất, vượt kế hoạch đến 200%. Anh em cứ xầm xì bàn tán ông này là nhà báo mà có tài cả kinh tế thế sao! Anh trả lời: Tớ làm báo cũng như các cậu làm khách sạn, phải biết phát hiện cái mới, suy ngẫm tìm ra quy luật phát triển của sự vật mà thay đổi cách làm ăn. Các cậu cứ tưởng tượng một khách sạn lớn của Trung ương đóng tại cửa bể nghỉ mát nổi tiếng này mà cứ cho khách ăn cơm đĩa tù tỳ tệ hơn ở quán chợ thì còn ra thể thống gì nữa. Cứ theo nếp cũ thì khách sạn giẫm chân tại chỗ mà doanh thu không tăng tiến lấy gì mà cải thiện đời sống cho anh em. Ý kiến ấy bây giờ ngẫm lại ở thời kỳ đổi mới ngày nay như còn nguyên giá trị.
Lúc vui câu chuyện tôi hỏi: Tại sao anh lấy bút danh là Thép Mới. Anh trả lời: “Thép là “Thép đã tôi thế đấy!”. Cuốn sách ấy mình dịch ra tiếng Việt của nhà văn Xôviết N.A.Ôxtơropki; còn Mới là không cũ! Hà… hà!” – anh cười sảng khoái để lộ hàm răng ám khói thuốc lá.
Những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, Thép Mới vào Sài Gòn giữa lòng địch. Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh có một đường phố mang tên Thép Mới gần ngã tư Bẩy Hiền, nơi Mậu Thân 1968 anh từng sống và chiến đấu như một người lính thực sự. Cả cuộc đời, nửa thế kỷ cầm bút, Thép Mới luôn gắn bó máu thịt với cách mạng, với nhân dân, buồn vui với số phận thăng trầm của cách mạng, của nhân dân