Lệnh bài của Tần Vương trên đất Việt

Lệnh bài của Tần Vương trên đất Việt

Bài và ảnh Minh Thi

  –  

Chủ nhật, 26/09/2021 10:00 (GMT+7)

Theo quan niệm lâu nay, vào khoảng năm 217 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc mới phát 50 vạn quân đánh chiếm Lĩnh Nam, đặt ra các quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng quận. Chữ viết theo lối tượng hình của văn hóa Trung Hoa từ đó mới được truyền vào đất Việt… Tuy nhiên, những khám phá gần đây lại cho thấy những thông tin hoàn toàn khác về thời điểm có mặt của nhà Tần, cũng như sự xuất hiện của chữ viết sớm ở miền đất Bắc Việt ngày nay.

Lệnh bài của Tần Vương trên đất Việt
Bộ ngọc giản Tần Vương (hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt).

Một loạt các hiện vật đồ đồng Đông Sơn đã được tìm thấy ở vùng Bắc Việt có đúc, khắc những dòng chữ tượng hình như trống đồng Cổ Loa, bình đồng Nghi Vệ, chuông đồng Cốc Lếu… Những chữ triện này cổ hơn loại chữ tiểu triện mà Tần Thủy Hoàng đã cho dùng thống nhất văn tự trên toàn đế quốc Trung Hoa. Các nhà khảo cổ học buộc phải thừa nhận rằng người Việt thời Đông Sơn đã có chữ viết và gọi đó là chữ “Nam Việt”, cho dù các hiện vật này có trước thời Nam Việt của nhà Triệu rất nhiều.

1. Cách đây vài năm, ở khu vực Sóc Sơn – Mê Linh khi đào móng nhà người dân địa phương đã phát hiện được hàng chục thanh đá ngọc màu nâu cam (cẩm thạch), màu xanh lục (ngọc bích) hay màu đen (thạch anh). Những tấm ngọc này có kích thước khá lớn, 28,5 x 8,5 cm. Bên trên những thanh ngọc có chạm hoa văn rồng, phượng, hổ phù và ghi những chữ tượng hình. Trên các thanh đều có đục 1 lỗ. Đây là dạng lệnh bài cổ mà ngay trên đó đã khắc chữ “Lệnh” ở thể chữ tiểu triện. 

Một loại ngọc giản này có mang dòng chữ “Đồ báo nhi thuyết”. Đây là chuyện của Tần Mục Công, một trong Xuân Thu ngũ bá của thời Đông Chu liệt quốc, đã được các binh sĩ dốc lòng ra sức chiến đấu bảo vệ để đền ơn miễn tội và ban thịt ngựa cùng rượu. “Đồ báo nhi thuyết” trên lệnh bài có thể hiểu là khẩu hiệu cho các chiến sĩ nước Tần chiến đấu để đền báo ơn vua.

Ngọc giản có chữ: Giáp Ngọ trung hưng. Hành tẩu biến địa. Chúng sinh bình đẳng.Ngọc giản có chữ: Giáp Ngọ trung hưng. Hành tẩu biến địa. Chúng sinh bình đẳng.

Về niên đại, rõ nhất là loại ngọc giản ở một mặt có dòng chữ: “Lễ tín Tần Vương chi chủ”, cũng được khắc bằng thể chữ Tiểu triện của thời Tần. Tức là những tấm ngọc giản này có niên đại tương đương hoặc sớm hơn với những tượng đất nung được phát hiện trong các lăng mộ của thời Tần bên Trung Quốc ngày nay. Mặt sau của tấm ngọc giản được trang trí bằng một hình tròn biểu tượng của Ngũ hành và một mặt hổ phù. Bên dưới có 3 dòng chữ tiểu triện là: “Giáp Ngọ trung hưng. Hành tẩu biến địa. Chúng sinh bình đẳng”.

Trong lịch sử Trung Hoa, danh xưng Vương bắt đầu được Chu Vũ Vương sử dụng khi thắng Trụ diệt Ân, lên ngôi Thiên tử. Ý nghĩa của chữ Vương là người làm chủ Tam tài: Trời, Đất và Người. Chỉ có Thiên tử Chu mới được gọi là Vương. Còn những tên gọi Công, Hầu, Bá, Tử, Nam được dùng để phong cho các chư hầu của nhà Chu. Suốt thời Tây Chu sang thời Xuân Thu do vậy chưa thể có danh xưng “Tần Vương”. Phải tới thời Chiến Quốc, vị vua Tần đầu tiên xưng Vương là Tần Huệ Văn Vương vào năm 325 TCN. Năm 325 TCN gọi theo can chi là năm Giáp Ngọ. Như vậy, câu “Giáp Ngọ trung hưng” trên ngọc giản là chỉ sự kiện Tần Huệ Văn xưng Vương, khởi đầu một thời đại mới mà Tần là chủ của Thiên hạ. 

Điều đặc biệt nữa là ngọc giản này có nêu phương châm: “Chúng sinh bình đẳng”, một tư tưởng rất tiến bộ ở thời phong kiến khi đó. Tư tưởng này bắt nguồn từ quan niệm của phái Pháp gia: Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng. Người có tội sẽ bị xử phạt. Người có công sẽ được ban thưởng. Không phân biệt là công tộc hay thứ dân, nô lệ.

Ngọc giản có chữ “Xuất kỳ bất dụng. Bảo vệ binh hoang”.Ngọc giản có chữ “Xuất kỳ bất dụng. Bảo vệ binh hoang”.

Tư tưởng của Pháp gia được Thương Ưởng bắt đầu thực hành tại nước Tần dưới thời Tần Hiếu Công và trở thành động lực rất lớn cho nước Tần và quân Tần hùng mạnh. Phương châm “Chúng sinh bình đẳng” ở trên lệnh bài hàm nghĩa các quân sĩ chiến đấu hy sinh vì nước Tần, vì Tần Vương thì sẽ được báo đáp đầy đủ và công bằng.

Tiếp sau đó Tần Vương đã “hành tẩu biến địa”, tung hoành quân đội đánh chiếm khắp nơi, từ giao chiến với Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, chiếm Thục, Nghĩa Cừ… Sang tới thời Tần Chiêu Tương Vương thì Tần trở thành nước mạnh nhất trong số thất hùng của thời Chiến Quốc. Sau khi tướng Tần là Bạch Khởi thắng nước Triệu ở trận Trường Bình thì thiên hạ đã sớm định đoạt về tay Tần Vương. Năm 256 TCN Tần Chiêu Tương Vương chiếm Tây Chu, thu cửu đỉnh mang về Tần. Còn Đông Chu bị diệt dưới thời Tần Trang Tương Vương bởi tướng quốc Lã Bất Vi năm 249 TCN.

Điểm qua lịch sử nước Tần như trên ta thấy danh xưng “Tần Vương” chỉ có thể có từ năm Giáp Ngọ 325 TCN đến năm 221 TCN, là năm Tần Thủy Hoàng xưng đế. Đây cũng là niên đại cho những thanh Tần giản phát hiện được ở miền Bắc Việt Nam. Điều ngạc nhiên là những tấm ngọc giản “Lễ tín Tần Vương chi chủ” đã cho thấy rằng sự hiện diện của nước Tần trên đất Việt vào trước thời Tần Thủy Hoàng. Nhà Tần đánh chiếm Việt rõ ràng không phải vào năm 217 TCN, mà trước đó một quãng thời gian vài chục năm. 

2. Truyền thuyết Việt kể, người đã diệt nhà Thục của An Dương Vương là Triệu Đà, với câu chuyện đậm chất bi thương về mối tình oan trái giữa nàng Mỵ Châu và chàng Trọng Thủy. Còn Sử ký Tư Mã Thiên, Tần bản kỷ chép: “Tổ tiên của nhà Tần mang họ Doanh, về sau được phân phong, lấy nước làm họ… Song Tần vì tổ tiên là Tạo Phụ được phong ở Triệu thành nên mang họ Triệu”. Đối chiếu 2 nguồn tư liệu trên thì rõ ràng rằng họ Triệu đã diệt An Dương Vương chính là nhà Tần.

“Triệu Đà”, bố của Trọng Thủy, không phải là người lập ra nước Nam Việt sau khi nhà Tần sụp đổ. Triệu Đà là Tần Vương, nên Trọng Thủy chính là Doanh Tử Sở, tức Tần Trang Tương Vương, người đã từng đi “ở rể” trong sử Tần qua câu chuyện Lã Bất Vi buôn vua nổi tiếng. Những tấm ngọc giản Tần Vương là lệnh bài quân sự của thời Trọng Thủy trên đất Việt.

Hoa văn trên ngọc giản “Đồ báo nhi thuyết”Hoa văn trên ngọc giản “Đồ báo nhi thuyết”

Loại ngọc giản thứ ba làm bằng chất liệu đá thạch anh trắng nhưng lại được sơn màu đen. Nhà Tần lúc này đã diệt Chu thiên tử, lấy màu Đen, phương Bắc (nay), hành Thủy làm biểu tượng. Có thể vì vậy mà tấm thẻ đã được sơn màu đen. Khác với những tấm ngọc cẩm thạch và ngọc bính, ngọc giản thạch anh lại có đục lỗ ở phía dưới của các chữ. Trên đó, một mặt có 2 dòng chữ: “Xuất kỳ bất dụng. Bảo vệ binh hoang”.

Trong câu “binh pháp” này, chữ “dụng” dùng với nghĩa cổ, là dụng ý, ý định, nên câu đó tương đương trong ngôn ngữ ngày nay là “Xuất kỳ bất ý”, nghĩa là xuất binh bất ngờ. Khi liên hệ với câu chuyện của Trọng Thủy thì nhận ra rằng, đây là chỉ sự việc Trọng Thủy đã lừa An Dương Vương, đánh tráo lẫy nỏ thần trong truyền thuyết Việt. Sau đó Trọng Thủy (Tần Trang Tương Vương) cùng với tiên tổ của mình là Tần Chiêu Tương Vương (Triệu Đà) đã xuất quân bất ngờ tấn công Thục Vương, chấm dứt sự tồn tại của nước Âu Lạc triều đại nhà Thục. Mưu mô này giúp Tần đạt được mục đích với sự tiêu hao binh lực thấp nhất (Bảo vệ binh hoang).

Mặt sau của tấm lệnh bài đen còn có 4 chữ, được đọc là “Song thương thọ phúc”. Mặt này của ngọc giản được trang trí khá cầu kỳ bởi một hình rồng và một hình chim phượng lớn. Các chữ viết ở dạng cách điệu như cầu chúc.

Chuông đồng phát hiện ở Cốc Lếu (Lào Cai).Chuông đồng phát hiện ở Cốc Lếu (Lào Cai).

Tần Trang Tương Vương cầu thọ phúc cho 2 bên nào? Rất có thể nghĩa ở đây là đảm bảo sự lâu bền cho cả 2 bên Tần và Thục. Lý do chính của hành động này là 2 họ nước Thục và Tần vốn có quan hệ sâu xa. Chính vì mối lương duyên sâu sắc giữa Triệu Trọng Thủy và Thục Mỵ Châu mà Tần Trang Tương Vương khi xuất binh dù là đánh úp, nhưng vẫn muốn bảo vệ thọ phúc cho dòng dõi nhà Thục.

Những tấm lệnh bài của Tần Vương mang những thông điệp của đội quân Tần hùng mạnh hơn 2.000 năm trước, từ việc Đền báo ơn vua, Trung hưng vương đạo, Mở rộng lãnh thổ, Thưởng phạt bình đẳng, Dùng mưu bất ngờ, Bảo vệ binh lực, Giữ gìn thọ phúc, là bằng chứng hiển hiện cho sự có mặt của chữ viết tượng hình sớm ở nước ta. Câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy trở nên thật hơn bao giờ hết, là lịch sử bi thương của nước Âu Lạc đã bị chiếm đoạt về tay Tần Vương.

Rate this post