Nhà Tần – Bách Việt trùng cửu

Theo quan niệm hiện nay, vào khoảng năm 217 TCN Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc mới phát 50 vạn quân đánh chiếm Lĩnh Nam, đặt ra các quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng quận. Chữ viết theo lối tượng hình của văn hóa Trung Hoa từ đó mới được truyền vào đất Việt… Tuy nhiên, những khám phá khảo cổ gần đây lại cho những thông tin hoàn toàn khác về thời điểm có mặt của nhà Tần, cũng như sự xuất hiện của chữ viết sớm ở miền đất Bắc Việt ngày nay.

Chuông đồng Cốc Lếu

Một loạt các hiện vật đồ đồng Đông Sơn được tìm thấy ở vùng Bắc Việt có những dòng chữ tượng hình như trống đồng Cổ Loa, bình đồng Nghi Vệ, chuông đồng Cốc Lếu… Những chữ triện này cổ hơn loại chữ Tiểu triện mà Tần Thủy Hoàng đã cho dùng thống nhất văn tự trên toàn đế quốc. Các nhà khảo cổ học buộc phải thừa nhận rằng người Việt thời Đông Sơn đã có chữ viết và gọi đó là chữ “Nam Việt”, cho dù các hiện vật này có trước thời Nam Việt của nhà Triệu rất nhiều.

Cách đây vài năm, ở khu vực Sóc Sơn, Mê Linh khi đào móng nhà người dân địa phương đã phát hiện được hàng chục thanh đá ngọc màu nâu cam (cẩm thạch), màu xanh lục (ngọc bích) hay màu đen. Những tấm ngọc này có kích thước 28,5 x 8,5 cm. Bên trên những thanh ngọc có chạm hoa văn rồng, phượng, hổ phù và ghi những chữ tượng hình. Trên các thanh đều có đục 1 lỗ. Đây là dạng lệnh bài cổ vì ngay trên đó đã khắc chữ Lệnh 令 ở thể chữ tiểu triện. 

Bộ ngọc giản Tần Vương (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Cụ thể hơn nữa, có thanh ngọc giản màu đen (chất liệu bằng đá thạch anh) chạm nổi chữ Lệnh 令 và 2 dòng chữ tiểu triện là:

Xuất kỳ bất dụng 出 其 不 用

Bảo vệ binh hoang 保 衛 兵 荒

Dịch là: Xuất kỳ bất ý, bảo vệ binh lực.

Những dòng chữ này cho thấy rõ ràng đây là lệnh bài dùng trong quân đội.

Về niên đại của những thanh ngọc giản này rõ nhất là loại ở một mặt có dòng chữ: Lễ tín Tần Vương chi chủ 禮 信 秦 王 之 主, cũng được khắc bằng thể chữ Tiểu triện của thời Tần. Tức là những thanh ngọc giản này có niên đại tương đương với những tượng đất nung được phát hiện trong các lăng mộ của thời Tần bên Trung Quốc ngày nay.

Mặt sau của thanh ngọc giản được trang trí bằng một hình tròn biểu tượng của Ngũ hành và một mặt hổ phù. Bên dưới có 3 dòng chữ tiểu triện là:

Giáp Ngọ trung hưng 甲 午 中 興

Hành tẩu biến địa 行 走 徧 地

Chúng sinh bình đẳng 眾 生 平 等 

Ngọc giản có chữ: Giáp Ngọ trung hưng…

Đến đây cần giải thích ý nghĩa của những dòng chữ trên thanh ngọc giản này. Trước hết là về danh xưng “Tần Vương”. Danh xưng Vương bắt đầu được Chu Vũ Vương sử dụng khi thắng Trụ diệt Ân, lên ngôi thiên tử. Ý nghĩa của chữ Vương 王 là người làm chủ Tam tài: Trời Đất và Người. Chỉ có Thiên tử Chu mới được gọi là Vương. Còn những tên gọi Công, Hầu, Bá, Tử, Nam được dùng để phong cho các chư hầu của nhà Chu.

Tổ tiên nước Tần thời Tây Chu có thể kể từ Tạo Phụ, là người đánh xe cho Chu Mục Vương rong ruổi khắp nơi, sau nhờ giúp Chu Mục Vương lúc loạn mà được phong ở đất Triệu. Tới thời Chu Tuyên Vương lấy Tần Trọng làm đại phu để đánh dẹp Khuyển Nhung thì con cháu Tần bắt đầu được phong là tước Công. Tần Tương Công hộ tống Chu Bình Vương dời đô về Lạc Ấp, khởi đầu thời Đông Chu. Con cháu của Tần được phong các vùng đất phía Tây Kỳ Sơn và những nơi dẹp được Khuyển Nhung. Dưới thời Đông Chu, Tần Mục Công nổi lên là một trong số Xuân Thu Ngũ bá.

Tuy nhiên, suốt thời Tây Chu sang Xuân Thu, chưa hề có danh xưng “Tần Vương”. Sang thời Chiến Quốc, nhờ có biến pháp của Thương Ưởng mà nước Tần trở nên hùng mạnh. Vị vua Tần đầu tiên xưng Vương là Tần Huệ Văn Vương vào năm 325 TCN. Năm 325 TCN gọi theo can chi là năm Giáp Ngọ. Như vậy, câu Giáp Ngọ trung hưng trên chiếc ngọc giản Lễ tín Tần Vương là chỉ sự kiện Tần Huệ Văn xưng Vương, khởi đầu một thời đại mới mà Tần là chủ.

Tiếp sau đó Tần Huệ Văn Vương và Tần Võ Vương đã “hành tẩu biến địa”, tức là tung hoành quân đội đánh chiếm khắp nơi, từ giao chiến với Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, chiếm Thục, Nghĩa Cừ… Sang tới thời Tần Chiêu Tương Vương thì Tần trở thành nước mạnh nhất trong số thất hùng của thời Chiến Quốc. Sau khi tướng Tần là Bạch Khởi thắng nước Triệu ở trận Trường Bình thì thiên hạ đã sớm định về tay Tần Vương. Năm 256 TCN Tần Chiêu Tương Vương chiếm Tây Chu, thu cửu đỉnh mang về Tần. Còn Đông Chu sau đó bị diệt dưới thời Tần Trang Tương Vương bởi tướng quốc Lã Bất Vi.

Phả đồ Chu – Tần

Điểm qua lịch sử nước Tần ta thấy danh xưng Tần Vương chỉ có thể có từ năm 325 TCN đến năm 221 TCN là năm Tần Thủy Hoàng xưng đế. Đây cũng là niên đại cho những thanh Tần giản phát hiện được ở miền Bắc Việt Nam. Điều ngạc nhiên là những thanh ngọc giản Lễ tín Tần Vương chi chủ đã cho thấy rằng sự hiện diện trên đất Việt của nước Tần có trước khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi xưng đế. Nhà Tần đánh chiếm Việt rõ ràng không phải vào năm 217 TCN mà trước đó một quãng thời gian vài chục năm, vào thời Tần Chiêu Tương Vương hoặc Tần Trang Tương Vương. Chuyện này phải giải thích thế nào?

Trên một loại ngọc giản khác tìm thấy cùng với thanh Tần giản trên, có cùng kích thước, có đề 4 chữ tiểu triện: Đồ báo nhi thuyết 圖 報 而 說.  Dịch nghĩa là “Có ơn tất báo”. Một lần nữa, đây cũng là chuyện của nhà Tần. Đó là chuyện dưới thời Tần Mục Công, được chép trong Sử ký Tư Mã Thiên như sau:

Quân Tấn đánh Mục Công, Mục Công bị thương. Lúc đó ba trăm người từng ăn thịt ngựa tốt dưới núi Kỳ Sơn ruổi ngựa xông vào quân Tấn. Quân Tấn bỏ vây, nên khiến Mục Công thoát hiểm, lại còn bắt sống vua Tấn. Ban đầu, Mục Công để mất con ngựa tốt, hơn ba trăm thổ dân dưới chân núi Kỳ Sơn cùng bắt được, giết ăn. Quan quân đuổi bắt, định xử theo luật. Mục Công nói: “Người quân tử không vì súc vật mà hại người. Ta nghe nói ăn thịt ngựa tốt mà không uống rượu sẽ tổn thương người”. Đoan ban rượu mà tha cho. Ba tră người nghe tin Tần đánh Tấn, đều xin theo. Họ đi theo, thấy Mục Công bị vây khốn, ai nấy đều xung phong cảm tử, để đền ơn tha tội ăn thịt ngựa vậy.

Ngọc giản có chữ:
Đồ báo nhi thuyết

Những tấm ngọc quân lệnh của Tần Vương tìm được ở miền Bắc Việt Nam đã hé lộ về một sự thật khác cho cuộc chiến Tần Việt trong thế kỷ 3 trước Công nguyên. Người đánh chiếm vùng đất Lạc ở miền Bắc Việt không phải là Tần Thủy Hoàng, mà là Tần Vương. Sử Việt gọi người này là Thục Vương, người đã chấm dứt nước Văn Lang của Hùng Vương năm 257 TCN. Đối chiếu với các sự kiện của nước Tần thì đây chính là thời điểm Tần Chiêu Tương Vương diệt nhà Chu, với vị vua cuối cùng là Chu Noãn Vương.

Sự kiện Tần (Thục) đánh Văn Lang được kể trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả vào đời Hùng Nghị Vương như sau:

Vua nước Thục từ xa nghe tin Trung Quốc không mấy khi dùng đến việc võ nên muốn thống nhất dư đồ, nhưng sợ nước Nam có phép thần nên còn do dự chưa quyết. Bấy giờ chúa Phụ đạo bộ Ai Lao là người có hùng tài đại lược, cũng vốn là tông phái họ Hùng. Vua Thục biết thế bèn đem quân sang đánh bộ Ai Lao để đoạt chức chúa Phụ đạo. Chúa Ai Lao không kháng cự được bèn sai sứ giả sang cầu cứu với Hùng Nghị Vương. Vua thân đem 10 vạn tinh binh tiến thẳng đến dưới thành Ai Lao để cứu viện. Thục Vương nghe tin bèn biên thư gửi cho Nghị Vương, nói: 

– Quân Thục từ phía Tây đến chỉ muốn bắt bộ chủ để truyền cho ngôi báu, đâu dám giơ càng bọ ngựa mà chống với muôn cỗ xe của nhà vua.

Hùng Nghị Vương thấy lời lẽ trong thư như thế bèn rút quân về. Thục vương bắt được bộ chủ phụ đạo đem về Thục, gả công chúa cho, rồi nhường ngôi cho. Thục Vương sai sứ giả sang tạ ơn Hùng Nghị Vương, xin coi triều Nam là anh, triều Tây là em, cùng nhau giảng hoà định ước, hai nước quan hệ đi lại với nhau. Hùng Nghị Vương bằng lòng như thế. Từ đó triều Tây ngừng việc binh. 

Trang ngọc phả về Hùng Nghị Vương

Đây là chuyện Tần Chiêu Tương Vương chiếm đất Tây Chu, là vùng đất Âu (Ai Lao thiết Âu), uy hiếp Chu Noãn Vương, đoạt lấy đồ tế tự của thiên tử Chu (cửu đỉnh) mang về Tần năm 256 TCN. Còn sách Hoài Nam Tử ghi là chuyện Tần đánh Việt, giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Phần đất Đông Chu (đất Lạc) ở miền Bắc Việt sau đó cũng bị Tần chiếm nốt dưới thời Tần Trang Tương Vương năm 249 TCN. Như vậy bộ ngọc Tần giản là quân lệnh bài của nhà Tần từ quãng năm 249 TCN đến 221 TCN khi Tần Thủy Hoàng xưng đế.

Khảo cổ ở Bắc Việt đã cho thấy “Thục Vương” thực sự là từ vùng đất Tứ Xuyên mà đánh chiếm Hùng Vương ở Bắc Việt, do sự tương đồng các hiện vật (chủ yếu là kiếm trận) của 2 khu vực này. Thục Vương ở đây không phải là con cháu của nước Thục ở Tứ Xuyên, nước đã bị Tần diệt từ hàng chục năm trước (316 TCN). Thục Vương trong truyền thuyết Việt ở giai đoạn này là chỉ vua Tần.

Xem kỹ về cội nguồn thì nhà Tần vốn là con cháu của Bá Ích dưới thời Hạ Vũ, tức là cùng gốc với các vua Chu. Thậm chí tới thời Chu Hiển Vương khi nước Tần trở nên hùng mạnh, vua Chu còn trao cả việc tế tự Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương cho Tần Huệ Văn Công. Điều này chứng tỏ vua Chu và Tần có cùng nguồn gốc tổ tiên. Còn truyền thuyết Việt thì gọi Thục Vương, bộ chủ Ai Lao là dòng dõi hoàng đế đời trước của vua Hùng.

Rồng trên lệnh bài thời Tần

Vào thời Chu Mục Vương, tổ nhà Tần là Tạo Phụ được phân phong ở Triệu thành nên Tần có họ Triệu. Đây là một dữ kiện mới giúp giải mã vấn đề “Triệu Đà”, bố của Trọng Thủy trong truyền thuyết Việt. Nàng Mỵ Châu theo tên gọi là con gái vua Châu – Chu thì đã rõ. Còn Trọng Thủy mang họ Triệu, họ từ vị tổ nước Tần là Tạo Phụ. “Triệu Đà”, bố của Trọng Thủy, không phải là nhà Triệu nước Nam Việt lập ra sau khi nhà Tần sụp đổ. Trọng Thủy là Doanh Tử Sở – Tần Trang Tương Vương, nên những chiếc thẻ ngọc này chính là thẻ ngọc Trọng Thủy.

Những tấm ngọc giản của Tần Vương phát hiện trên vùng đất Việt đã đem lại một cách nhìn mới về giai đoạn bản lề trong sử Việt, đó là sự thực về nhà nước Văn Lang của vua Chu, nhà Thục họ Triệu của vua Tần Trọng Thủy.

Rate this post