Kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5): Có cái chết hóa thành bất tử

Kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5): Có cái chết hóa thành bất tử

(TN&MT) – Trong Chiến dịch Lịch sử Điện Biên Phủ, một trong ba anh hùng không chỉ góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của trận đánh, mà còn là tấm gương hi sinh ngời sáng về tinh thần gan dạ kiên cường. Sự hi sinh của anh đã trở thành bất tử trong lòng nhân dân, được bạn bè thế giới ngưỡng mộ, vinh danh. Phan Đình Giót- người anh hùng quên thân mình lấp lỗ châu mai.

Cụ Phan Đình Giát (xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)cầm trên tay tấm hình duy nhất của người anh trai Phan Đình Giót, ảnh Nguyễn Quang Thống

Lấy thân mình lấp lỗ châu mai

Cho đến bây giờ sau 66 năm kể từ ngày chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, hình ảnh anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai vẫn mãi kiêu hùng đẹp đẽ. Dẫu đã trở thành biểu tượng của đức hi sinh quên mình vì dân tộc. Dẫu đã khắc sâu trong tâm khảm của thế hệ người Việt về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ của thế kỷ XX, song, không phải ai cũng tường tận chuyện anh hùng Phan Đình Giót hi sinh trong trận chiến đấu khốc liệt ngày ấy thế nào?

66 năm trôi qua, chính sử vẫn còn nguyên vẹn, chuyện anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai được ngợi ca, truyền tụng mang thông điệp của khát vọng hòa bình, đại diện cho triệu triệu người dân đất Việt vào giữa thập kỷ năm mươi của thế kỷ trước

Cách đây 66 năm về trước, ngày 13/3/1954, ta tiến công vào Cứ điểm Him Lam. Đây là trận mở màn quyết định đến thắng lợi của cục diện toàn bộ chiến dịch. Lúc đó Phan Đình Giót giữ chức tiểu đội trưởng tiểu đội bộc phá, có nhiệm vụ bật tung cửa mở, tạo điều kiện cho tiểu đoàn công binh 428 ào ạt xốc tới, đánh chiếm mục tiêu số 2 của giặc.

Sau khi lực lượng mở cửa đánh chiếm đầu cầu và giải tiền duyên của địch, Phan Đình Giót chỉ huy tiểu đội ôm bộc phá, lợi dụng địa hình địa vật áp sát, tiêu diệt lô cốt địch. 9 quả bộc phá đã được các chiến sĩ trong tiểu đội áp sát, tiêu diệt từng lô cốt địch. Tuy nhiên, các chiến sĩ phía sau đội hình chiến đấu vẫn không tiến công lên được bởi hỏa lực di động của địch đột nhiên xuất hiện từ cánh tả. Súng trung liên ta vận động lên thì bị pháo 155 ly của địch từ Mường Thanh và Độc Lập bắn tới, nhiều người bị vùi lấp cùng với cả vũ khí, cán bộ trung đội cũng đã hy sinh hết.

Tình thế không cho phép chần chừ, Phan Đình Giót thận trọng ép mình xuống sát mặt đất rồi nhích dần, nhích dần về phía hoả lực địch. Từ trong lô cốt, địch bắn ra như vãi đạn. Những đường đạn đan kín mặt đất, nhuộm đỏ cả trời đêm, tiếng gió xé sát sạt mang tai, cuốn theo mùi tóc cháy khét lẹt. Dưới làn đạn địch, Phan Đình Giót vẫn lặng lẽ nhoài lên phía trước từng ly một.

Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Đình Giót, người lấy thân mình lấp lô châu mai địch. ảnh TL.

Gần tới lô cốt giặc, anh dồn hết sức bình sinh nhô hẳn người lên, quẳng quả lựu đạn cuối cùng vào lỗ châu mai. Sau mấy giây địch lại tiếp tục bắn ra, Phan Đình Giót nghiến răng kề khẩu tiểu liên vào tận miệng lỗ, bắn liên tiếp hai băng đạn còn lại. Nhưng, khi xung kích ta tiến lên vẫn gặp phải sức chống trả điên cuồng của hoả lực địch, gây thêm nhiều thương vong cho chiến sỹ.

Đúng phút này, phẩm chất sáng ngời của người đảng viên cộng sản bừng cháy trong anh. Anh run lên, quên hết cả đau đớn do 4 vết thương. Bằng một động tác nhanh nhẹn và dứt khoát, Phan Đình Giót bất ngờ nằm nghiêng xuống chân lô cốt, áp lồng ngực thanh xuân của mình vào lỗ châu mai. Phía trong lô cốt, địch không biết cách nào để bắn đạn ra vì lỗ châu mai bịt kín. Phía ngoài đồng đội ào lên như vũ bão diệt gọn cứ điểm địch ngay sau đó. Lúc ấy là 22 giờ 30 phút, ngày 13 tháng 3 năm 1954.

Anh sống mãi trong lòng nhân dân

Những ngày cuối tháng tư lịch sử, tôi tìm đến nhà bà Phạm Thủy Trường – nguyên là nữ dân quân trong chiến dịch Điện Biên ngày ấy. Bà Trường đã 92 tuổi, sống với con gái ở đường Đô Lương, TP. Vũng Tàu. Khi hỏi chuyện về anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, bà Trường xúc động òa khóc “Đồng chí ấy ép cả lồng ngực của mình hòng bịt lấp lỗ châu mai không cho định bắn vào đội hình chiến đấu của ta. 66 năm trôi qua rồi, nhưng trận chiến ấy thì không thể nào quên được”.

Trong ngôi nhà khá khang trang, bà Trường sống với con gái. Lưu lại ký ức chiến dịch Điện Biên Phủ trong bà Trường bây giờ là câu chuyện kể về anh hùng quê gốc Hà Tĩnh gan dạ kiên cường. Bà Trường chia sẻ: “Tôi bị thương binh trong chiến dịch. Trở về địa phương được 3 năm thì vết thương tái phát. Dù đau ốm triền miên, sức khỏe có phần giảm sút, song ký ức về anh Phan Đình Giót thì không thể nào quên được”.

Bà Trường đưa một tập giấy trong đó có nhiều bài thơ ngợi ca về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến sĩ Điện Biên. Một tờ giấy xếp đã ngả màu vàng úa, phía trên ghi nét chữ run run “Thương nhớ người anh hùng lấp lỗ châu mai”.

Dân quân thồ gạo lên chiến dịch Điện Biên Phủ, ảnh TL

Chỉ vào tờ giấy, bà Trường nghẹn ngào: “Đây là tình cảm của tôi viết tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và anh Phan Đình Giót nhân kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên”. Tôi cầm tờ giấy có bài thơ đọc mà lòng xúc động. “66 năm đã trôi qua/ chiến thắng Điện Biên lẫy lừng thế kỷ/ mảnh đất ấy bao người đã ngã/ bộc phá trong lòng, ngực lấp lỗ châu mai”.

Phan Đình Giót sinh năm 1922, dân tộc Kinh; quê ở xóm Tam Quang, thôn Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh- người con ưu tú của quê hương Xô – Viết, đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường Điện Biên lịch sử. Ngày 31 tháng 8 năm 1955, anh được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và Huân chương Quân công hạng Nhì.

Lịch sử đã sang một trang mới, ký ức về trận trên Cứ điểm Him Lam, Đồi A1, C1 cũng lùi vào dĩ vãng, nhưng lịch sử không bao giờ quên những người đã dũng cảm xả thân trong chiến dịch Điện Biên, mà anh hùng Phan Đình Giót là một điển hình của nhiều chiến sĩ chiến trận thời ấy.

Kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lòng người Việt triệu người như một lại tự hào hãnh diện về chiến thắng Điện Biên mà Phan Đình Giót là một trong những anh hùng làm nên chiến thắng ấy. Dù đi giữa phố phường rực rỡ cờ hoa, hay trên cánh đồng lúa nương khoai bao la bát ngát; dù biên thùy hay nơi đảo xa; núi cao, rừng sâu, hay đồng bằng, thôn bản; khí thế hừng hực của ngày Chiến thắng Điện Biên vẫn vang vọng mãi. Anh hùng Phan Đình Giót đã hi sinh, song đức hi sinh vì Tổ quốc của anh mãi mãi ngời sáng để lớp trẻ ngày nay cảm phục, học tập và noi gương.

Rate this post