Khám phá 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam | Viettrekking
Chinh phục những ngọn núi hùng vĩ là ước mơ, khao khát của biết bao bạn trẻ. Nếu tuổi trẻ của bạn vẫn đong đầy nhiệt huyết và sự liều lĩnh thì hãy cùng Viettrekking khám phá, chiêm ngưỡng 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam nhé.
1. Fansipan 3143m (Lào Cai)
Ngọn núi cao nhất Việt Nam, hay còn gọi là nóc nhà Đông Dương. Với độ cao 3143m so với mực nước biển, Fansipan là điểm hẹn của rất nhiều nhà leo núi cả trong và ngoài nước.
Nằm cách thị trấn Sapa khoảng 10km, ngọn núi này có nhiều tuyến đường chinh phục nhưng được lựa chọn nhiều nhất vẫn là tuyến Trạm Tôn (2 ngày 1 đêm), sau đó là Cát Cát (3 ngày 2 đêm).
Đặc biệt hơn, tuy là ngọn núi cao nhất nhưng Fansipan lại là ngọn núi thuộc top dễ về độ khó khi chinh phục. Vì vậy, nếu là người mới bắt đầu trải nghiệm trekking thì các bạn nên lựa chọn đỉnh cao này nhé.
Fansipan là đỉnh núi cao nhất Đông Dương
2. Pusilung 3083m (Lai Châu)
Ngọn núi cao thứ hai của Việt Nam, được mệnh danh là nóc nhà của biên giới với độ cao 3083m, thuộc khu vực Mường Tè, Lai Châu. Đây là một trong những ngọn núi mà các bạn sẽ phải dành nhiều thời gian nhất do quãng đường trekking rất dài, có thể nói là dài nhất trong các ngọn núi thuộc top 10. Đỉnh cao này cũng nằm ở biên giới Việt – Trung và đường chinh phục có đi qua cột mốc 42, vì vậy trước khi chinh phục các bạn cần được sự đồng ý của Đồn biên phòng Pa Vệ Sử quản lý biên giới tại nơi đây.
3. Putaleng 3049m (Lai Châu)
Ngọn núi cao thứ ba của Việt Nam có độ cao 3049m. Tuyến đường chinh phục thường được lựa chọn của ngọn núi này xuất phát từ xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường của thành phố Lai Châu. Và điểm kết thúc nằm ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu.
Hành trình chinh phục đỉnh cao này đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng. Rêu và địa y phủ gần như kín các thân cây cổ thụ đến cả những tảng đá.
Qua những đoạn suối trong vắt róc rách chảy, rừng trúc thâm u, những gốc cây đỗ quyên cao nghều thả xuống cả thảm hoa rực rỡ và êm ái. Qua những con dốc liên tiếp vắt kiệt sức người đi… và qua đủ mọi cung bậc cảm xúc suốt chặng hành trình.
4. Bạch Mộc Lương Tử – Ky Quan San 3046m
Ngọn núi cao thứ tư của Việt Nam ở độ cao 3046m, là ranh giới tự nhiên của 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu.
Đây là ngọn núi mà tên của nó bị nhầm với tên của một ngọn núi khác, nhưng do đã quá phổ biến nên việc đính chính lại tên của nó rất khó. Vì vậy cái tên Bạch Mộc Lương Tử đã được sử dụng như một tên chính thức của nó cho đến tận thời điểm này.
Tên gọi chính xác của nó là Ky Quan San với điểm xuất từ bản Ky Quan San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Đỉnh cao này hiện trở thành một địa điểm “hot” không kém so với Fansipan, vì nó là một trong những điểm ngắm mây đẹp nhất trên những ngọn núi cao của miền bắc Việt Nam. Có thể nói “bình minh trên mây cao” đã trở thành thương hiệu của ngọn núi Bạch Mộc này.
5. Phàn Liên San – Khang Su Văn 3012m (Lai Châu)
Ngọn núi cao thứ năm của Việt Nam với độ cao 3012m. Hành trình chinh phục nằm ở tuyến đường biên giới Việt – Trung và có đi qua cột mốc số 79, cũng là cột mốc cao nhất của Việt Nam (độ cao 2880m).
Đỉnh cao này thuộc địa phận Phong Thổ, Lai Châu và cũng là một trong những ngọn núi trở thành đề tài được tranh luận nhiều nhất do tên gọi của nó. Tên gọi được phổ biến đầu tiên của nó là Khang Su Văn (có thể do bị nhầm với đèo Khang Su Văn?), sau đó nó được đính chính lại là Phàn Liên San, và cho đến thời điểm hiện tại thì tên chính thức của nó vẫn chưa được công bố.
Tuy nhiên, đỉnh cao này hiện đã được đặt chóp inox với cái tên Khang Su Văn (của một nhóm leo núi) và có lẽ nó sẽ trở thành cái tên chính thức cho đỉnh núi cao này nếu như vẫn chưa có sự đính chính đến từ các chuyên gia trong cộng đồng leo núi.
6. Tả Liên Sơn 2996m (Lai Châu)
Đỉnh núi có tên gọi khác là Cổ Trâu có lẽ vì từ bản nhìn lên, đỉnh núi cao vời vợi, kiêu hãnh như sống lưng của loài trâu mộng sống trong khu rừng nguyên sinh dưới chân núi nên Tả Liên Sơn.
Độ cao ghi nhận trên đỉnh Tả Liên là 2996m và trở thành ngọn núi cao thứ 6 của Việt Nam, thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu.
Khu rừng Tả Liên với thảm thực vật nguyên sinh đa dạng sẽ khiến các bạn phải ngạc nhiên. Những tán cây cổ thụ xum xuê, thân to lớn mà rêu phong và dương xỉ phủ kín khiến tất cả như biến thành khung cảnh cổ tích, huyền bí. Bao thảm hoa trà rụng trắng lối, lá phong đỏ rực và cả thảm rêu xanh quyến rũ một màu tươi mới. Những thân cây leo bám chằng chịt lên phiến đá trông không khác gì xúc tu của một loài động vật lạ, sẵn sàng vươn mình nuốt trọn kẻ vượt núi tìm rừng.
Từ trên cao bạn có thể nhìn thấy khá rõ thành phố Lai Châu nhỏ bé mà xinh đẹp giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ.
7. Tà Chì Nhù – Pú Luông 2979m (Yên Bái)
-
Độ cao: 2979m
-
Địa điểm:
bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái
-
Địa hình: đồi trọc, đường ngắn hơi dốc
-
Ngày di chuyển: 2 ngày 1 đêm
-
Thời gian đi lý tưởng: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau
-
Chiều dài 2 chiều: ~22km
-
Độ khó: 3 - Nâng Cao
Đỉnh Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ bảy của Việt Nam với độ cao 2979m, nằm trong khu vực bản Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái. Ngọn núi này là một trong những địa điểm săn mây lý tưởng, hay còn được gọi với cái tên “Thiên đường mây nơi hạ giới”. Tuy nhiên, vào thời điểm chưa phải mùa săn mây thì ngọn núi này còn được mệnh danh “Vương quốc nắng và gió” bởi địa hình chủ yếu là đồi trọc nên hầu như ko có điểm tránh nắng. Bạn cũng có thể bắt gặp rất nhiều loại gia súc như ngựa hoặc dê được đồng bào dân tộc nuôi rất nhiều ở đây. Ngọn núi này có tên chính xác là Phú Lương (Theo như trên bản đồ quân sự Mỹ 1975 là PHU LUONG), nhưng cái tên Tà Chì Nhù đã quá phổ biến tới cộng đồng dân leo núi nên giờ nó được sử dụng như một tên gọi chính thức cho đỉnh núi này.
Nguồn: Viettrekking
8. Pờ Ma Lung 2967m (Lai Châu)
-
Độ cao: 2967m
-
Địa điểm:
bản Lang, xã Bản Lang huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
-
Địa hình: địa hình dốc dài, đi dọc suối và thác, dốc cao
-
Ngày di chuyển: 3 ngày 2 đêm
-
Thời gian đi lý tưởng: từ cuối tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau
-
Chiều dài 2 chiều: ~44km
-
Độ khó: 4 - Thách Thức
Ngọn núi cao thứ tám của Việt Nam này là một trong những ngọn núi mới được khám phá cách đây chưa lâu, và sự có mặt của nó làm thay đổi list 10 đỉnh cao nhất của Việt Nam cũ, có độ cao 2967m và là một trong những đỉnh núi có tuyến đường chinh phục nằm ở đường biên giới Việt – Trung, thuộc Phong Thổ, Lai Châu. Tên gọi của ngọn núi cũng có rất nhiều thú
vị khi chính nó làm nên sự nhầm lẫn của Ky Quan San hay còn gọi là Bạch Mộc Lương Tử.
Ngoài ra Pờ Ma Lung còn được gọi bằng một cái tên khác là Bạch Long. Cái tên này theo lời kể lại của người dân bản ở đây là do gắn liền với truyền thuyết về một con Rồng đã lặn xuống một hồ nước sâu tại đây và biến mất. Ngày nay thì hồ nước sâu này đã bị lấp đầy do một khối núi sạt xuống và tạo nên một đoạn thác rất hùng vĩ. Và một cái tên khác đặc biệt hơn nữa, đoàn chinh phục đầu tiên của ngọn núi này đã đặt cho nó cái tên Bức Tường để tưởng nhớ đến ca sĩ Trần Lập (google search) của ban nhạc Bức Tường này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Pờ Ma Lung được sử dụng là tên gọi chính thức của đỉnh cao số 8 Việt Nam này.
Nguồn: Viettrekking
9. Nhìu Cồ San 2965m (Lào Cai)
-
Độ cao: 2965m
-
Địa điểm:
xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
-
Địa hình: địa hình dốc, đi qua thác, đường rừng nhiều
-
Ngày di chuyển:
2 ngày 1 đêm
-
Thời gian đi lý tưởng: từ cuối tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau
-
Chiều dài 2 chiều: ~24km
-
Độ khó:
3 - Nâng Cao
Là ngọn núi cao thứ chín của Việt Nam với độ cao 2965m, thuộc bản Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Đỉnh cao này là một trong những địa điểm còn hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh và thảm thực vật phong phú mang tới nhiều cảnh quan khác nhau. Tầm nhìn rộng với núi non hùng vĩ và rất xứng đáng là một trong những ngọn núi cần chinh phục.
Đặc biệt, Nhìu Cồ San cũng là một địa danh rất nổi tiếng bởi đây là nơi khởi đầu của con đường đá cổ xuyên rừng phong dài tới 80km và điểm kết thúc là ở Sàng Ma Pho, Phong Thổ, Lai Châu. Con đường đá cổ này mang tên Pavi, được người Pháp cho xây dựng do thời điểm đó (1927) tuyến đường đèo Ô Quy Hồ vẫn chưa có trên bản đồ. Quá trình xây dựng được thực hiện bởi 5 vạn lượt dân phu người Thái – Mèo của vùng tự trị Tây Bắc. Một hành trình vô cùng gian khổ trong suốt 5 năm với mồ hôi và xương máu được đổ xuống núi rừng Hoàng Liên để hoàn thành cho được con đường này.
Nguồn: Viettrekking
10. Lùng Cúng 2913m (Yên Bái)
-
Độ cao:
2913m
-
Địa điểm:
bản
Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái
-
Địa hình:
đi trong rừng, dốc ngược dài
-
Ngày di chuyển:
2 ngày 1 đêm
-
Thời gian đi lý tưởng: từ cuối tháng 9 đến hết tháng 4 năm sau
-
Chiều dài 2 chiều: ~22km
-
Độ khó:
3 - Nâng Cao
“Chốt sổ” Top 10 đỉnh núi tại Việt Nam là Lùng Cúng, với độ cao 2913m. Sở hữu địa hình đa dạng, khi chinh phục Lùng Cúng, bạn sẽ đi qua những thung lũng cỏ xanh mát và khu rừng nguyên sinh rậm rạp cùng những tảng đá to phủ rêu ẩm ướt. Sẽ mất 2 Ngày 1 Đêm để chinh phục được ngọn núi này. Tuy nhiên, hành trình chinh phục Lùng Cúng không quá khó khăn và vất vả. Đây sẽ là điểm đến thú vị dành cho những Trekker đã có kinh nghiệm.
Nguồn: Viettrekking
Qua bài viết này hi vọng sẽ giúp bạn biết thêm về vẻ đẹp hùng vĩ thiên nhiên miền Tây Bắc. Nếu bạn muốn xách balo lên để tận mắt thưởng ngoạn vẻ đẹp của những ngọn núi cao nhất Việt Nam hãy liên hệ Viettrekking ngay nhé!