Fan kỷ niệm 26 năm Đặng Lệ Quân mất
Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra tại Đại lục, nhân kỷ niệm 26 năm ngày mất của biểu tượng âm nhạc châu Á – ca sĩ Đài Loan Đặng Lệ Quân.
Ngày 8/5/1995, ca sĩ 42 tuổi Đặng Lệ Quân (Teresa Teng) qua đời sau một cơn hen phế quản ở Chiang Mai, Thái Lan. Trước đó, cô đã có một sự nghiệp kéo dài 30 năm, với những ca khúc pop và ballad truyền cảm hứng mạnh mẽ.
26 năm sau ngày cô mất, nhiều người hâm mộ đã đến nghĩa trang ở Đài Loan – nơi Lệ Quân yên nghỉ – để đặt vòng hoa tưởng nhớ. Khán giả đặt quanh bia mộ những tấm thiệp để bày tỏ cảm nhận về âm nhạc của Đặng Lệ Quân, cũng như những lời cầu chúc nữ nghệ sĩ an nghỉ nơi vĩnh hằng.
Đặng Lệ Quân, ca sĩ huyền thoại gốc Đài Loan.
Nhân kỷ niệm ngày mất của Đặng Lệ Quân, nhiều hoạt động văn hóa quy mô nhỏ cũng diễn ra. Một quán bar âm nhạc chủ đề ở Thông Châu, Bắc Kinh đã tổ chức một đêm nhạc Đặng Lệ Quân, với hàng trăm người tụ tập và hát các ca khúc để tưởng nhớ ngôi sao nhạc pop huyền thoại.
Đặng Vân Diễm – người tổ chức sự kiện và là người khởi xướng Hiệp hội Nghiên cứu Đặng Lệ Quân – cho biết: “Lệ Quân đã qua đời cách đây 26 năm. Cô ấy từ lâu đã vượt qua chính âm nhạc và trở thành biểu tượng của văn hóa. Những gì cô ấy đem đến cho khán giả không chỉ là âm nhạc, mà còn là cái đẹp”.
Hoa trên bia mộ, kỷ niệm 26 năm ngày mất Đặng Lệ Quân.
Đặng Lệ Quân nổi tiếng ở tuổi 11, sau khi tham gia một cuộc thi hát trên truyền hình. Vào năm 21 tuổi, cô đã đạt được địa vị đình đám tại Hong Kong, Đài Loan, Đại lục và Nhật Bản, “trở thành phong vũ biểu cho quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan” – tờ SCMP từng nhận định.
Đặng Lệ Quân nổi tiếng với việc biến các bài hát dân gian truyền thống của Đài Loan và Trung Quốc thành các bản hit theo phong cách phương Tây hiện đại. Cô từng bị cấm ở Đại lục, bởi âm nhạc của cô bị chính quyền cáo buộc là “ủy mị” và “khiêu dâm”. Bất chấp điều đó, băng đĩa nhạc của Đặng Lệ Quân lưu hành trên thị trường chợ đen ở Đại lục, sự nổi tiếng của cô là không thể chối cãi. Sau này, Trung Quốc thay đổi cách nhìn, ngừng cấm và nhiều lần mời Đặng Lệ Quân sang hát, tuy nhiên cô chưa từng đồng ý. Ngay cả trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Đài Loan, Lệ Quân chưa từng đánh mất lượng người hâm mộ cuồng nhiệt ở Đại lục.
Đàn Đặng Lệ Quân từng chơi, hiện được trưng bày.
Nhiều học giả văn hóa chỉ ra, bất cứ nơi nào có người Trung Quốc, những bài hát của Teresa Teng Đặng Lệ Quân đều có thể được nghe thấy. Biểu tượng văn hóa Đài Loan được coi là một trong những ca sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử thu âm châu Á. Gần 24 triệu người đã bỏ phiếu trong một cuộc thăm dò trực tuyến do một cổng thông tin điện tử của chính phủ thực hiện để kỷ niệm 60 năm thành lập Trung Quốc, trong đó Đặng Lệ Quân được bình chọn là “Biểu tượng văn hóa có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1949”. CNN đưa cô vào danh sách 20 biểu tượng âm nhạc lớn nhất của 50 năm trước cùng Michael Jackson, Elvis Presley, Rolling Stones…
“Phong cách của Đặng Lệ Quân không bao giờ cũ”, một người hâm mộ nói. “Những bài hát của cô ấy rất nhẹ nhàng và khiến tôi cảm thấy thực sự ấm áp”.
Điều gì làm nên thành công của Đặng Lệ Quân?
Đặng Lệ Quân thành công nhờ giọng hát ngọt ngào, trong trẻo đặc biệt, từng được mô tả là “giọng hát mà người ta nghe một lần trong trăm năm”. Thêm vào đó, cô thông thạo tiếng Quảng Đông, tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Phúc Kiến (Đài Loan) và tiếng Indonesia – điều cho phép cô có thể cất giọng như một người bản xứ và hòa nhập vào các nền văn hóa khác nhau. Năm 1973, cô bắt đầu tập trung vào biểu diễn ở Nhật Bản và nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Mặc dù Đặng Lệ Quân chưa bao giờ biểu diễn ở Trung Quốc, các bản thu âm lậu các bài hát của cô có thể được tìm thấy ngay cả ở những ngôi làng xa xôi.
Giọng hát trong trẻo, ngọt ngào và những bản tình ca da diết của Đặng Lệ Quân vô cùng nổi tiếng trong những năm 1970 và 1980. Các ca khúc của cô có thể kể đến là Faded Feelings (1983), I’m in Your Debt (1984), The Unforgettable Teresa Teng (1992), The Moon Represents My Heart (1977), Goodbye My Love (1974), Tian Mi Mi (1979), May We Be Together Forever (1983), and I Only Care About You (1987). Đặng Lệ Quân từ giã sự nghiệp âm nhạc vào đầu những năm 1990 và sống ở Pháp.
Mùa Thu Lá Bay – Đặng Lệ Quân
“Mùa thu lá bay” – Đặng Lệ Quân
Trung Quốc Đại lục hiện có ít nhất hai nhà hàng chuyên nhạc Đặng Lệ Quân, bao gồm một nhà hàng ở Bắc Kinh, và một nơi khác là Phố Đài Loan. Dạo ở đó, khán giả có thể nghe thấy những lời ca văng vẳng phát ra từ nhà hàng, ví dụ lời ca khúc What Do You Have to Say? mà Đặng Lệ Quân từng hát:
Em đã đợi hơn một năm
Ba trăm sáu mươi lăm ngày không phải là dễ dàng
Trong trái tim của anh, chỉ đơn giản là không có em
Trả lại tình yêu cho em!
Nguyễn Hương (Theo Ifeng)