Đỗ Quang – Vị quan đáng kính của triều Nguyễn
Đỗ Quang (1807-1866) sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở xã Văn Lư, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nay là thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Hơn ba mươi năm làm quan trải qua ba triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông thể hiện là một vị quan thanh liêm, yêu nước, thương dân.
Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở hầu hết các bộ trong triều đình (Công bộ thị lang, Lang trung, Thự tham tri bộ Lễ, Toản tu Quốc sử quán, Kinh diên giảng quan…) và trực tiếp về làm quan ở các địa phương (Tri phủ Diễn Châu, Án sát Quảng Trị, Tuần phủ Gia Định, Tuần phủ Nam Định, Tham tán Hải An, Tuần phủ Bắc Ninh….). Sự nghiệp của ông để lại giá trị trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, chính trị, quân sự. Yêu mến đức và tài của ông, một số tỉnh thành như Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đều lấy tên Đỗ Quang để đặt tên phố.
Một vị quan với nhiều phẩm chất đáng quý
Cuộc đời làm quan của ông gắn liền với giai đoạn đầy biến động của lịch sử. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, Đỗ Quang cùng nguyên soái Trương Định phát triển lực lượng chống Pháp ở Gò Công, Gia Định, Chợ Lớn. Đến tháng 2 năm 1859, thành Gia Định thất thủ, ông được triều đình cử vào Nam giữ chức Thự Tuần phủ Gia Định để hiệp cùng quan quân đối phó với thực dân Pháp. Bản tấu của Đình thần ngày 27 tháng 1 năm Tự Đức 13 (1860): “Lại bộ Tả thị lang sung Kinh diên giảng quan Đỗ Quang, từng được bổ nhiệm, am hiểu các mặt chính sự. Năm trước tăng cường cho tỉnh Định Tường xứ Nam kỳ, địa thế, dân tình đều nắm vững, xin thăng thụ cho viên này chức Thự Tuần phủ Gia Định để cùng các viên Bố chánh, Án sát tỉnh ấy làm việc. Châu phê: Y tấu”[1]
Ông được sử sách ca ngợi là một vị quan thanh liêm, cần kiệm. Nhiều phẩm chất đáng quý của một nhà lãnh đạo hội tụ trong con người Đỗ Quang. Nhận thấy tình hình khó khăn của tỉnh Gia Định khi có biến, mọi thứ đều thiếu thốn, từ bút, giấy, đèn, dầu, Đỗ Quang đã cân nhắc sử dụng của công một cách tiết kiệm “Thự Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang kính cẩn tâu: …Hiện nay giấy quý Nam Hội giá tiền 100 tờ là 25 quan, giấy lớn 100 tờ giá là 2 quan. Các loại giấy Nam đó bán trên chợ cũng ít, vật giá những ngày gần đây so với trước cũng tăng lên. Thần đã tùy theo việc mà liệu giải quyết như: khởi thảo văn thư thì dùng giấy cũ, viết từ trát thì dùng giấy nhỏ…”[2].
Ông nhiều lần đề đạt xét thưởng cho cấp dưới, khuyến khích họ làm việc thiện, chẩn cấp, bán thóc gạo giá rẻ cho dân. Bản tấu của Thự Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang ngày 2 tháng 12 năm Tự Đức 13 (1860): “…Các phủ huyện thuộc hạt trong đó phủ hạt Tân Bình đang bị địch tấn công. Lại năm ngoái thu hoạch kém, giá gạo tăng vọt nên cái ăn của dân tương đối khó khăn. Viên quan phủ ấy là Nguyễn Thành Ý tạm vay tiền của các hộ giàu, giao thuộc viên đến 2 tỉnh Vĩnh Long, Định Tường mua gạo chuyển về giảm giá bán cho dân. Tại phủ hạt Tân An giá gạo tăng vọt, đời sống nhân dân rất khó khăn. Viên quan phủ ấy là Nguyễn Văn Tuấn kịp sớm khuyến khích dân trong hạt chở thóc gạo đến bán giảm giá cũng đủ cứu chẩn sự cấp bách nhất thời. Hai viên ấy xét nên tùy việc xin khen thưởng. Phụng chỉ: Viên quan phủ Tân Bình Nguyễn Thành Ý, quan phủ Tân An Nguyễn Văn Tuấn thưởng kỷ lục 1 lần”[3] hay tấu lên Hoàng thượng tháo gông cho phạm nhân, cho họ theo quân thứ sai phái để có cơ hội lập công chuộc tội “ Thự Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang tâu: Bọn Phan Ân, Nguyễn Văn Trị, Hồ Phú vốn can án làm thuyền công mắc nạn, bị xử gậy, đày giam, bồi thường. Vợ con biệt trốn, không có người thân tư giúp. Nay đói rét bức thiết, việc bồi thường không lấy gì mà nộp được, xin tòng quân chịu sự sai phái, lập công chuộc tội may có chút công lao.(…)”[4]
Nhắc đến Đỗ Quang không thể không nhắc đến tấm lòng yêu nước, thương dân hết mực. Gần gũi với dân nên ông hiểu sâu sắc và chia sẻ mọi vất vả, khó khăn của họ. Trong một lần đi công tác từ Hải Dương qua Nam Định, biết việc phủ huyện đó chọn hương dũng (những người khỏe mạnh trong làng) luyện tập, dân xã phải chu cấp nuôi dưỡng, ông đã tỏ bày thống thiết: “…Ôi, nuôi dưỡng khi vô sự để dùng khi hữu sự. Nay đang lúc vô sự mà gây tệ cho dân, thật không đúng với ý dự bị khi bất trắc. Những loại như thế này có nhiều, không chỉ riêng miền Hải Dương thôi đâu. Nếu còn làm những việc bất thiện gây mối tệ thì ngoài việc trị tội các quan phủ huyện ra, các quan địa phương mà không xem xét cũng giao bộ nghiêm xét không tha. Tờ dụ này truyền cho các địa phương sao lục ngay và sức cho các phủ huyện sao gửi xuống các tổng xã để đều được biết. Bản phụng thượng dụ năm Tự Đức 12 (1859) của Nội các.”[5]
Được vua Tự Đức tin yêu
Phát biểu trong buổi Lễ kỷ niệm 205 ngày sinh Danh nhân Đỗ Quang tổ chức tại Hội trường Thư viện Quốc gia (Hà Nội) ngày 25 tháng 9 năm 2012, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “…Danh nhân Đỗ Quang là người có trí, có học khiến vua Tự Đức-người đã từng bãi nhiệm ông phải khâm phục tài năng và đức độ”[6].
Bản phụng thượng dụ của Nội các ngày mùng 9 tháng 7 năm Tự Đức 12 (1859): “Đỗ Quang giữ chức Thự hữu thị lang bộ Lại cùng với thuộc viên là Nguyễn Văn Điều nhận lệnh sai phái đi xem xét việc phòng giữ ở vùng sông biển đã tỏ ra có thực lực, trong điều trần cũng có nhiều điều áp dụng được. Người làm việc cẩn thận như vậy không dễ kiếm, nên ban thưởng để khuyến khích. Về Đỗ Quang truyền ban thưởng kỷ lục 2 lần, Nguyễn Văn Điều truyền ban thưởng kỷ lục 1 lần”[7].
Khi đất nước hữu sự, gia đình Đỗ Quang phải ly tán đến tỉnh Định Yên, cuộc sống khó khăn, nhà vua đã ra lệnh cấp tiền, gạo hàng tháng cho vợ con ông: “Đỗ Quang quê quán tỉnh Hải Dương, gia đình bị phỉ tàn phá, mẹ và vợ con phải di cư đến phố tỉnh đó sinh sống, tình hình rất khó khăn, xin cấp khoản tiền gạo phúc trình đầy đủ. Cung nghĩ phụng chỉ: Căn cứ lời tâu thì mẹ viên đó và vợ con, cả gia đình lớn nhỏ phải ly tán vì tránh phỉ, về tình thật đáng thương. Truyền gia ân cho mỗi tháng cấp 4 phương gạo, 20 quan tiền để tỏ rõ sự thể tất”[8]
Kiên trung với đất nước song ông cũng là một người con hiếu thảo, từng được vua Tự Đức ban thưởng hậu hĩnh nhưng Đỗ Quang ngại ngần từ chối. Bản tấu ngày 20 tháng 8 năm Tự Đức 15 (1862): “Thần Đỗ Quang tâu: Nay nhận được bộ Lại chuyển truyền. Kính vâng Châu phê: Truyền cho Đỗ Quang nghỉ phép một tháng về Nam Định thăm người thân, hết hạn sẽ đến kinh chờ chỉ để an ủi lòng. Lại ban cho 5 con sâm, 2 miếng quế Thanh, 50 lạng bạc về phụng dưỡng mẹ. Thần nghe rất cảm động đến rơi nước mắt. Nay được ơn về quê thăm viếng, mẹ con được gặp mặt nhau để giãi bày tình cảm. Thần làm sớ vô cùng khẩn khoản. Châu phê: Nuôi dưỡng cha mẹ già thể lòng bề tôi đáng kính ngưỡng, hà tất phải vin víu lẽ thường mà từ chối”[9].
Ông được vua Tự Đức hết mực tin yêu, đích thân giao cho những công việc quan trọng của triều đình: “Nội các tâu: nay vâng giao xuất một bài thơ ngự chế “Khóc cử nhân” tặng Tri phủ Phan Văn Đạt. Kính vâng châu phê: Chép bài thơ ấy giao cho quân thứ Biên Hòa, Đỗ Quang ở Gia Định, mỗi nơi một đạo. Lệnh cho Đỗ Quang xem lại, chép ra rồi mật gửi đến các tỉnh: Long An, Định Tường, An Giang, Hà Tiên mỗi nơi một đạo cùng sĩ dân Nam kỳ lục tỉnh sao chép, nghĩ dụ chúng thần trù tính tiếp tục tiến trình. Ngày 9 tháng 10 năm Tự Đức 14 (1861)”[10].
Bản phụng thượng dụ ngày 9 tháng 7 năm Tự Đức 12 truyền ban thưởng kỷ lục cho Đỗ Quang và Nguyễn Văn Điều
Trong buổi đại lễ mừng Hoàng thái hậu tròn 50 tuổi ngày 25 tháng 5 năm Tự Đức 12 (1859), ông được giao nhiệm vụ tuyên đọc tờ ân chiếu. Buổi lễ thành công, ông được vua “ban thưởng kỷ lục 1 lần” [11]
Triều Nguyễn rất coi trọng lễ tịch điền. Đó là lễ nhà vua đích thân cày ruộng nhằm khuyến khích dân chúng chăm lo việc cày cấy. Từ nghi thức cho đến cách tổ chức đều rất thành kính, thể hiện sự coi trọng nông nghiệp của triều đình. Năm Tự Đức thứ 11 (1858) ngày 11 tháng 5, Đỗ Quang được giao trọng trách cày ruộng tịch điền thay nhà vua: “Lễ cày ruộng tịch điền năm nay đã vâng phê chuẩn cho cử hành vào ngày 12 tháng này. Duy có việc chiều hôm qua ngẫu nhiên mưa xuống, trên ruộng ngập đầy nước. Sáng nay bộ thần đã sức cho đi xem xét, thấy nước còn nhiều. Nghĩ rằng đến mai Hoàng thượng ngự giá cày ruộng là bất tiện, xin nên do quan phủ Thừa Thiên tuân lệ cung kính làm thay 1 lần (…). Châu phê: Truyền cho quan Phủ doãn Đỗ Quang làm thay. Nội các làm phiếu ngay”[12]
Năm 1866, ông bị bệnh nặng, phải xin vua cho về quê nghỉ ngơi. Đến tháng 9 năm đó, bệnh không qua khỏi. Sau khi Đỗ Quang mất, ông được nhà vua truy tặng chức “Tư Thiện đại phu, Lễ Bộ thượng thư” ban tên Thụy là Trang Lược, được đặt thờ trong đền Hiền Lương, Kinh đô Huế./.
[1]Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 119, tờ 56.
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 121, tờ 215.
[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 121, tờ 217.
[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 109, tờ 229.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 107, tờ 182.
[6] K.Huyền (QĐND)
[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 111, tờ 31.
[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 141, tờ 125.
[9] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 144, tờ 178.
[10] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 127, tờ 301.
[11] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, Tập 107, tờ 165.
[12] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tập 90, tờ 83.