Dịch giả Dương Tường xin lỗi độc giả
Dịch giả Dương Tường Ảnh: CHÂU ANH
Ðã có người chỉ ra xuất xứ các chú giải này là từ một quyển sách của Mỹ, xuất bản từ năm 1970, đó là quyển The annotated Lolita của Alfred Appel, Jr.
Tuổi Trẻ vừa đặt vấn đề này lên bàn ông, và ông – dịch giả U-90, đã thẳng thắn trả lời với tinh thần của một người nghiêm túc chịu trách nhiệm trước những điểm sai, kể cả khi sai ngay với quan niệm sống của chính ông.
* Như ông từng cho biết trên báo, việc tìm đến quyển The annotated Lolita được hiểu là sự cần thiết trong quá trình chú giải bản dịch Lolita.
Và bây giờ điểm lại, ông có thể cho biết tỉ lệ chính thức những chú thích của Lolita mà ông dịch từ cuốn The annotated Lolita là khoảng bao nhiêu phần trăm trong số gần 500 cái chú thích cho cả bản dịch quyển sách?
– Tôi phải nhấn mạnh tôi không dịch, mà chỉ dựa vào những chú giải trong cuốn The annotated Lolita như một trong nhiều nguồn tham khảo để làm chú thích của mình. Nói tỉ lệ thật chính xác thì hơi khó, nhưng ước chừng trên dưới một phần ba.
* Ông từng phát biểu trên báo bốn chữ rất quan trọng: “Thành thực khó lắm”.
Và khoảng thời gian mấy tháng tính từ sau khi ông dịch xong Lolita đến lúc trả lời các báo, có điều gì thay đổi trong ông, khiến ông không nhân đấy thừa nhận việc tìm dịch các chú thích của Lolita từ quyển The annotated Lolita?
– Tôi xin được nhắc lại: tôi không dịch những chú giải của Alfred Appel, Jr, mà chỉ dựa vào đó để làm chú thích của mình.
Vâng, tôi đã nói: “Thành thực khó lắm”. Ðúng vậy, và vì “khó lắm” nên với trách nhiệm của người dịch có lương tâm, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải chú thích thật kỹ đến mức cao nhất có thể dù có tốn công sức đến đâu chăng nữa để giúp người đọc cảm nhận được cái hay, cái giỏi của tác giả.
Xin mở ngoặc: không ai bắt tôi phải làm thế, nhất là khi nhuận bút chẳng được bao nhiêu: hai năm trời miệt mài với Lolita, tôi lĩnh trọn 23 triệu đồng.
Và để làm nhiệm vụ ấy, tôi đã tham khảo tất cả những nguồn có thể kiếm được: các loại từ điển, thư từ và các bài phỏng vấn Nabokov có liên quan đến Lolita, Google.
Chính trong khi tìm trên Google, tôi mới biết có cuốn The annotated Lolita. Tôi bèn viết thư nhờ dịch giả Nguyệt Cầm ở bên Mỹ kiếm hộ một cuốn.
Khi nhận được cuốn này, tôi đã dịch được hai phần ba Lolita. Phải nói là có được “bảo bối” này, một phần ba công việc còn lại của tôi nhẹ hẳn. Sau khi dịch xong Lolita, tôi lại lao ngay vào Ði tìm thời gian đã mất của M. Proust, một tác phẩm cũng khó không kém gì Lolita, nên không còn thì giờ quay lại với những gì tưởng đã dứt điểm.
Việc dịch Proust, đối với tôi, như một món nợ canh cánh bên lòng, bởi quỹ thời gian của bản thân tôi chẳng còn được bao nhiêu.
* Dù muốn dù không, khi thông tin về việc dịch giả Dương Tường “đạo chú thích” đang được công chúng quan tâm, người ta sẽ nghĩ về giải dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội dành cho bản tiếng Việt Lolita – công trình công phu của ông. Hiện giờ ông có nghĩ gì về giải thưởng ấy của mình?
– Vâng, Dương Tường đã bị xếp vào họ “Ðạo” và phải có lời xin lỗi độc giả. Ðành rằng đã có lỗi thì viện lý do khách quan gì cũng là thừa, nhưng dù sao cũng xin có một lời: nếu có thì giờ tự mình sửa bản in và kịp xóa đi câu “chú thích trong sách đều của người dịch” trong lời tựa thay bằng “các chú thích trong bản này đều do người dịch tra cứu từ nhiều nguồn, trong đó một nguồn quan trọng là cuốn The annotated Lolita” như tôi thật sự đã có ý định thì đã không xảy ra tai nạn này.
Còn về giải thưởng?
Dù sao mặc lòng, tôi vẫn dám nói bản tiếng Việt Lolita là một bản dịch tâm huyết, có chất lượng mà không thẹn với lương tâm.