Đi tìm nguồn gốc giọng Quảng Nam

Nhiều chuyến điền dã đã được thực hiện không chỉ ở Quảng Nam mà còn ở Hà Tĩnh và Thanh Hóa, hai phương ngữ nền tảng đã cung cấp chất liệu cho việc hình thành giọng nói Quảng Nam”.

Ngay từ “Lời nói đầu” của cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” (NXB Đà Nẵng, tháng 7-2022), tác giả PGS-TS Andrea Hoa Pham (Đại học Florida, Mỹ) cho thấy sự “khác lạ” trong giọng Quảng Nam cũng như quá trình miệt mài tìm kiếm nguồn gốc của giọng nói đặc biệt này.

Về mặt khoa học, có thể dẫn lời nhận xét của GS Michael Kenstowicz (Khoa Ngôn ngữ và Triết học, Đại học MIT, Mỹ): “Trong cuốn sách này, Andrea Pham đã sử dụng những phân tích ngôn ngữ học và chứng cứ lịch sử của Việt Nam để đưa ra lời giải đáp xác đáng cho giả thuyết về nguồn gốc của tiếng Quảng Nam, làm thông suốt, gỡ rối những đặc trưng khó hiểu trong giọng nói này (…) Ứng dụng một cách thành thạo kỹ năng phân tích âm vị học với dữ liệu điền dã thu được, tác giả đã đưa ra một trường hợp khả tín cho luận điểm của mình, rằng các đặc điểm này của giọng Quảng Nam phát sinh từ các di dân phía Bắc, vào vùng Quảng Nam từ thế kỷ thứ XV”.

Đi tìm nguồn gốc giọng Quảng Nam - Ảnh 1.

Sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” (NXB Đà Nẵng), tác giả PGS-TS Andrea Hoa Pham (Đại học Florida, Mỹ)

Về sự dí dỏm, Andrea Hoa Pham dẫn một ví dụ sinh động về sự khác lạ của giọng Quảng Nam, mà đặc trưng là phát âm của nguyên âm a: “Những người đã từng tiếp xúc hoặc nghe người Quảng Nam nói, thì ấn tượng đầu tiên là nguyên âm a trong các giọng địa phương khác được người Quảng Nam phát âm nghe như oa trong âm tiết mở hoặc nghe như ô trước phụ âm m hay p. (…). Một trong những câu đùa cửa miệng về giọng Quảng Nam có dày đặc những chữ vần này: eng không eng téc đèng đi ngủ chó céng nheng reng (ăn không ăn tắt đèn đi ngủ chó cắn nhăn răng)”.

Đặc biệt thú vị, là người gốc Quảng Nam và nghiên cứu, giảng dạy ở Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa tại Mỹ, nên PGS-TS Andrea Hoa Pham có sự so sánh khá độc đáo về việc người nói giọng Quảng Nam học tiếng Anh: “Thực ra, cái nguyên âm “a” [ɑ] trong giọng Quảng Nam không phải chỉ là mang cái “tội” kỳ quặc, mà còn là lợi thế khi người Quảng Nam học tiếng Anh. Hãy làm một thí nghiệm nhỏ: mời một nhóm người Bắc và một nhóm người Quảng Nam ở lớp tiếng Anh cơ bản lần lượt nói câu “how are you?” rồi nhờ vài người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ nhận xét. Kết quả có thể đoán được: nhóm người Quảng Nam nhiều cơ hội phát âm chính xác hơn người Bắc nguyên âm trong từ are. Đơn giản vì trong tiếng Anh, nguyên âm trong từ “are” chính là cái nguyên âm [ɑ] “kỳ cục” này trong giọng Quảng Nam. Trong tiếng Anh thì nguyên âm này cũng bình thường như bao nguyên âm khác. Nó chỉ khác thường trong tiếng Quảng Nam vì chẳng có giọng nào khác trong tiếng Việt có nguyên âm này”.

Với công trình nghiên cứu mang đầy chất học thuật, với những chứng cứ khoa học đầy thuyết phục và được dẫn giải bằng phong cách nhẹ nhàng, PGS-TS Andrea Hoa Pham đã lý giải phần lớn nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam – một giọng nói “độc lạ” tại Việt Nam, góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, phong phú của dân tộc.

Rate this post