Cuộc thi viết “Người thầy kính yêu”: Thầy hiệu trưởng tận tụy, bình dị

Thầy Nguyễn Hữu Diệu (65 tuổi) nguyên Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THPT Thủ Đức (TP HCM). Thầy là người tràn đầy nhiệt huyết, đạo đức, toàn tâm toàn ý vì lợi ích chung, vì sự phát triển của ngành giáo dục.

Tận hiến để nâng cao chất lượng dạy học

Thầy Diệu công tác tại Trường THPT Thủ Đức từ năm 1979 đến 2016 với nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Từ một giáo viên trẻ với lòng yêu nghề, sự nghiêm túc trong công việc, thầy nhận được sự tín nhiệm của cấp trên, đồng nghiệp và từng bước trở thành Bí thư Đoàn trường rồi phó hiệu trưởng, sau đó là hiệu trưởng.

Cuộc thi viết Người thầy kính yêu: Thầy hiệu trưởng tận tụy, bình dị - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Hữu Diệu chăm sóc cây trong sân trường. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tôi may mắn vì hơn 20 năm trước, thầy là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn toán của tôi. Sau đó, tôi lại về công tác tại trường và được thầy dìu dắt, hướng dẫn. Dù ở cương vị nào, tôi đều cảm nhận được sự tận tụy, hết lòng vì công việc nơi thầy. Hơn 20 năm ấy, tôi đã chứng kiến biết bao đổi thay của Trường THPT Thủ Đức. Từ ngôi trường nhỏ, cũ kỹ với số lớp học và số học sinh khiêm tốn, dưới sự quản lý của thầy, trường đã thay da đổi thịt. Số lớp học, số lượng học sinh tăng đáng kể, nhiều dãy nhà, phòng học được xây mới khang trang, khu phòng chức năng được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, thầy đề ra nhiều đường lối chiến lược giúp trường đạt những thành tựu đáng nể. Năm 2015, Trường THPT Thủ Đức được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công nhận là cơ sở đạt chuẩn chất lượng giáo dục. Thầy đã thổi luồng gió mới, khiến 130 cán bộ, giáo viên, nhân viên và hơn 2.000 học sinh rất tự hào vì những điều đặc biệt mà chỉ trường chúng tôi làm được. Thầy là người đặt những viên gạch đầu tiên trong hoạt động đưa MOS (chứng chỉ tin học văn phòng chuẩn quốc tế) vào giảng dạy trong nhà trường. Từ nền tảng ấy, trường chúng tôi không ngừng gặt hái những thành tích rực rỡ. Nhiều năm liền học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi về MOS – 1 huy chương bạc thế giới năm 2016 và nhiều giải thưởng khác. Mới đây, Trường THPT Thủ Đức là trường THPT duy nhất ở TP HCM đoạt 5 giải cấp quốc gia trong số lượng giải khá khiêm tốn của khu vực phía Nam.

Thầy Diệu luôn muốn nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên tự học, tự nâng cao trình độ. Trong những năm thầy còn công tác, số giáo viên có bằng thạc sĩ tăng đáng kể, có cả tiến sĩ; giáo viên môn ngoại ngữ có 6/12 thầy cô đạt chuẩn C1 châu Âu, 100% giáo viên tin học đạt bằng Master do Microsoft cấp, 88/101 giáo viên có chứng chỉ MOS.

Không màng danh hiệu cá nhân

Dù mong muốn cộng sự tiến bộ nhưng thầy Diệu không đặt nặng thành tích hay danh hiệu. Năm 2016, chỉ có 7 thầy cô đạt danh hiệu Giáo viên giỏi. Thầy “đánh rớt” 15/22 bài thi thể hiện năng lực lý luận của các thầy cô thi Giáo viên giỏi năm ấy, đây là câu chuyện đáng suy ngẫm mà qua đó thầy nhắc nhở mọi người không chạy theo thành tích. Riêng thầy hầu như năm nào cũng được bầu chọn là Công đoàn viên xuất sắc, Lao động giỏi, là điển hình trong các phong trào thi đua… nhưng chẳng mấy khi thầy chịu nhận, chẳng mấy khi thầy chịu viết báo cáo thành tích của bản thân. Thầy lấy lý do còn nhiều khuyết điểm để từ chối. Thầy tôi là vậy đó. Thầy chỉ vui khi giáo viên và học sinh của thầy đạt thành tích, thầy cười khi trao bằng khen cho họ, riêng bằng khen cấp trên tặng thầy thì thầy cất đi, bảo “tôi có làm gì đâu”.

Thầy còn là một đảng viên gương mẫu, là tấm gương về sự giản dị, cần cù và tiết kiệm.

Giai đoạn đầu thực hiện bán trú, trường gặp khó khăn về tài chính khi trang bị cơ sở vật chất phục vụ học sinh nghỉ trưa tại trường. Để tiết kiệm chi phí và bảo đảm chất lượng, thầy không quản khó nhọc, chủ trương tự mua sắt và thuê thợ về làm tại trường. Thầy cùng mọi người xắn tay sơn chân bàn cũ xin về từ các trường bạn, xẻ gỗ ráp mặt bàn để học sinh có bàn học chắc chắn, sạch đẹp và dĩ nhiên là giảm bớt chi tiêu.

Tuy là hiệu trưởng nhưng hiếm khi thấy thầy mặc áo vest, thắt cà vạt trừ những dịp quan trọng. Thầy ăn mặc giản dị đến nỗi đã có học sinh tưởng lầm… là nhân viên bảo vệ.

Nhìn lại những gì Trường THPT Thủ Đức đạt được trong những năm thầy Nguyễn Hữu Diệu quản lý mới thấy hết tâm huyết của thầy. Đó là một ngôi trường thật đẹp với nền nếp, tác phong, kỷ luật của học sinh luôn được xem là niềm tự hào, là thương hiệu của trường. Đó là thái độ làm việc nghiêm túc của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, nói không với biểu hiện đi trễ về sớm, lơ là, tiêu cực trong công việc. Đó là khuôn viên trường luôn bảo đảm xanh – sạch – đẹp từ sân trường cho tới các dãy hành lang và cả nhà vệ sinh, nơi học sinh vẫn đùa “nhà vệ sinh đạt chuẩn 5 sao”… 

Chăm chút yêu thương

Hình ảnh bình dị và những việc làm thầm lặng của thầy Nguyễn Hữu Diệu đã được các em biết đến. Hãy đọc những dòng trích “Kỷ yếu 40 năm xây dựng và phát triển của nhà trường”:

“Nếu bạn có ấn tượng không mấy tốt đẹp về thầy hiệu trưởng chúng tôi vì thầy là người khó tính thì chỉ cần một lần bạn nhìn thấy đôi tay thầy tỉ mỉ bắt sâu vặt lá, tưới nước cho từng gốc cây ở sân trường, ánh mắt của thầy hàm chứa sự quan tâm, chăm chút yêu thương thì bạn sẽ hiểu và càng thêm yêu kính thầy hơn” (Nguyễn Thị Hồng Ngọc, lớp 11C5 – năm học 2016-2017).

“Có bao giờ bạn thấy hình ảnh thầy hiệu trưởng đầy quyền lực đứng dưới cái nắng gắt của 12 giờ trưa xắn quần, xắn áo, cặm cụi sơn từng đường trên sân để học sinh có nơi mà chơi, mà học hay chưa? Cũng thầy hiệu trưởng ấy thấy học sinh đi bộ không kịp giờ học, thầy bảo lên xe thầy chở vào trường cho kịp tiết để không bỏ lỡ bài học và cũng thầy ấy ngày ngày chăm sóc cây cối để cây xanh tốt, học sinh có bóng râm để ngồi. Đó chính là thầy hiệu trưởng của trường tôi – Trường THPT Thủ Đức!” (Lê Phương Thùy, lớp 12C6 – năm học 2016-2017).

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Người thầy kính yêu: Thầy hiệu trưởng tận tụy, bình dị - Ảnh 3.

Rate this post