Cái chết tức tưởi của “chiến thần” Hàn Tín và 3 bài học xương máu về đối nhân xử thế: Ai cũng nên khắc cốt ghi tâm!
Hàn Tín (? – 196 TCN) là võ tướng nức tiếng từng được ví như “chiến thần” bách chiến bách thắng dưới thời Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Sở hữu tài năng xuất chúng, công lao cái thế, ông được liệt vào hàng “Hán sơ tam kiệt” cùng hai nhân vật lừng danh cùng thời là Trương Lương và Tiêu Hà.
Thế nhưng chỉ tiếc rằng vị “chiến thần” tiếng tăm lừng lẫy một thời ấy sau cùng vẫn giống như nhiều khai quốc công thần khác trong lịch sử Trung Hoa, bị chính quân chủ của mình nghi kỵ và tìm cách diệt trừ.
Bàn về cái chết của Hàn Tín, có người khẳng định sự ra đi tức tưởi của ông vốn bắt nguồn từ lòng tị hiềm, nghi ngờ của tầng lớp thống trị thời bấy giờ.
Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc Hàn Tín bị đẩy vào cửa tử phần nào còn đến từ chính tính cách cũng như cách đối nhân xử thế chưa hợp tình hợp lý của vị “chiến thần” này.
Bởi vậy cho nên ngay cả khi cái chết của khai quốc công thần nổi danh nhà Hán một thời ấy đã qua đi tới hơn 2000 năm thì những bài học để lại qua đó vẫn luôn đáng để hậu thế khắc cốt ghi tâm nếu không muốn đi vào vết xe đổ của một nhân tài sa cơ lỡ bước như Hàn Tín năm nào…
CÁI CHẾT TỨC TƯỞI CỦA “CHIẾN THẦN” VANG DANH HÁN TRIỀU
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Về cái chết của Hàn Tín, Tư Mã Thiên từng ghi lại trong “Sử ký” bằng vài dòng vắn tắt như sau:
“Năm 196 TCN, Trần Hy làm phản, Lưu Bang thân hành làm tướng, đem quân đi đánh. Hàn Tín lập mưu tập hợp người nhà làm phản ở kinh đô nhằm nội ứng cho Trần Hy.
Nhưng có người môn hạ đắc tội với Hàn Tín khi ấy bị ông bỏ tù và sắp giết, em của người này đã báo tin cho triều đình, tố cáo Tín làm phản”.
Nhân cơ hội này, Lã hậu đã âm thầm lên kế hoạch với Tướng quốc đương triều là Tiêu Hà nhằm nhanh chóng trừ khử Hàn Tín trong lúc Lưu Bang rời kinh dẹp loạn.
Cả hai đã vờ phao tin rằng Trần Hy đã bị nhà vua giết ngoài chiến trường, sau đó mời các chư hầu và quan lại vào triều để ăn mừng.
Hàn Tín khi ấy không chút đề phòng mà đi theo Tiêu Hà vào cung. Kết quả là ông đã bị các võ sĩ mai phục sẵn bắt trói lại rồi đem đi chém ở nhà treo chuông trong cung Trường Lạc.
Có tài liệu lịch sử còn ghi lại rằng, trước lúc bị hành hình, vị “chiến thần” ấy đã không cam lòng mà nói rằng:
“Ta hối hận vì không nghe mưu kế của Khoái Triệu, cho nên mới bị bọn đàn bà, con nít lừa dối. Há chẳng phải vì trời muốn thế hay sao?”.
Vì một câu nói đó, Lã hậu đã hạ lệnh tru di tam tộc nhà Hàn Tín. Cuộc đời lẫy lừng của vị tướng uy chấn sa trường một thời ấy cũng cứ như vậy mà chấm dứt trong sự tức tưởi, oán thán.
BA BÀI HỌC XƯƠNG MÁU RÚT RA TỪ CÁI CHẾT CỦA HÀN TÍN: AI CŨNG NÊN NẰM LÒNG
Có quan điểm cho rằng, từ cái chết oan nghiệt của “chiến thần” Hàn Tín, ta có thể nhìn ra 3 sai lầm chủ chốt của ông và rút ra những bài học nhân sinh sâu sắc dưới đây:
Bài học thứ nhất: Phải chú ý phân tích sự biến hóa của tình thế
Năm xưa, Hàn Tín nhờ có sự tiến cử của Tiêu Hà mà trở thành Đại tướng quân. Đây chính là cột mốc đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc đời huy hoàng của ông.
Cũng kể từ đó, Hàn Tín mới có cơ hội thực hiện hoài bão, thi triển tài năng, đem về cho quân Hán hàng loạt thắng lợi lẫy lừng.
Vì thế sẽ không phải là quá lời nếu nói rằng, nếu không có sự tiến cử của Tiêu Hà, vị Đại tướng quân họ Hàn ấy chưa chắc đã lưu danh sử sách như vậy.
Thế nhưng thời thế đổi thay, lòng người cũng thay đổi. Sai lầm của Hàn Tín đó là đã quá tin tưởng Tiêu Hà, để rồi theo ông vào cung dự yến tiệc giữa thời điểm bản thân đang gánh trên vai trùng trùng lớp lớp những nghi kỵ.
Kết quả là Hàn Tín trúng kế của Tiêu Hà và Lã hậu để rồi ra đi trong tức tưởi.
Tuy nhiên điều này thực chất không thể trách Tiêu Hà. Nếu có trách, thì trách vị “chiến thần” họ Hàn ấy đã trở thành “cái họa tâm phúc” trong mắt giai cấp thống trị thời bấy giờ mà thôi!
Chính bởi không nhận ra sự biến đổi của tình thế, không nhìn ra sự thay đổi của lòng người, từ đó không kịp chuẩn bị tâm thế đề phòng, Hàn Tín mới phải chịu kết cục oan trái như vậy.
Sai lầm này đã chỉ ra cho chúng ta một bài học xương máu: Chỉ khi nhìn rõ được sự biến chuyển của tình thế, mới có thể đứng ở vị trí bất bại.
Vì vậy, việc phân tích sự biến hóa của thế cục, của lòng người là điều vô cùng cần thiết để đưa ra những lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh.
Và đôi khi, rất có thể chính những lựa chọn ấy lại trở thành chiếc “phao cứu sinh” giúp chúng ta thoát khỏi hiểm cảnh trong những thời khắc nguy nan.
Bài học thứ hai: Duy trì sự cảnh giác trong đối nhân xử thế
Tiêu Hà từng là một trong những người Hàn Tín tin tưởng nhất, tín nhiệm nhất. Thế nhưng sau cùng, vị Tướng quốc đương triều ấy vẫn hợp mưu với Lã hậu để ra tay sát hại ông.
Lưu Bang từng là vị quân chủ mà Hàn Tín dốc lòng phụng sự hơn cả. Tiếc rằng đến khi có được ngai vị, nhà vua vẫn xem ông là “mối họa tâm phúc”, là “cái gai” mà nếu nhổ bỏ đi thì tiếc, nhưng không nhổ thì ngày đêm nhức nhối.
Sau cùng, chính vì không có đủ lòng đề phòng với những người như vậy, Hàn Tín mới rơi vào kết cục bản thân bị chém, ba họ bị tru di.
Mặc dù cái chết của ông không thể tách rời với bối cảnh và những nguyên nhân chính trị phức tạp thời bấy giờ, nhưng cũng một phần bắt nguồn từ việc bản thân Đại tướng quân họ Hàn không có tinh thần cảnh giác trong cách đối nhân xử thế.
Cổ nhân có câu: “Tâm hại người không nên có, nhưng tâm phòng người thì nhất định phải có”.
Nhất là khi bản thân ở vị trí càng gần trung tâm quyền lực, càng nắm trong tay quyền hành cao, chức vụ lớn, vị thế tưởng như rất vững chắc, thì càng cần phải có lòng cảnh giác để tránh việc bị mưu hại.
Bài học thứ ba: Phải có nhận thức rõ ràng đối với bản thân
Có ý kiến cho rằng, cái chết của Hàn Tín thực chất có liên quan rất lớn tới tính cách của chính ông.
Năm xưa sau khi đánh bại nước Tề, vị Đại tướng quân ấy đã không nghe theo mưu kế của Khoái Thông, từ chối việc tự lập làm vương, thay vào đó lại dùng phương thức thúc ép Lưu Bang phải công khai sắc phong cho mình.
Chính những hành động khiêu khích quyền uy này đã khiến Lưu Bang nảy sinh lòng bất bình, từ đó càng có dã tâm phải diệt trừ Hàn Tín.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi cấu kết với Trần Hy mưu phản và bị bại lộ, ông vẫn cả gan cùng Tiêu Hà vào cung để… dự yến tiệc.
Từ những việc làm này, không khó để nhận thấy phong cách hành sự của Hàn Tín vừa liều lĩnh lại vừa thiếu đi sự quả quyết.
Ông không hề nhận ra những điềm báo nguy hiểm của tình thế, của lòng người, cũng không chịu thay đổi bản thân, cho nên sau cùng phải chịu kết cục bi thảm.
Bởi vậy, bài học xương máu cuối cùng mà cái chết của Hàn Tín dạy cho chính ta chính là: Làm người phải biết nhận thức rõ bản thân, phải biết người, biết ta, biết lúc nào cần thay đổi, khi nào cần thể hiện, lúc nào cần giữ mình.
Chỉ khi thấu hiểu và hoàn thiện bản thân, ta mới có thể thích ứng với sự thay đổi của thời cuộc, đồng thời cũng có thể nhìn thấu lòng người, từ đó đưa ra cách hành xử phù hợp, phòng được tiểu nhân, tránh được những xung đột không cần thiết.
*Dịch từ tư liệu nước ngoài.