Ca sĩ – nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý: Sống tự nhiên hơn
Một ngày của Lý ở Cẩm Chướng – “ngôi trường trong mơ” của cô khá đơn giản: sáng thức dậy dành một tiếng thiền Vipassana với học viên, uống cà phê và dạy học nếu có tiết.
Nếu không, cô sẽ cùng học viên tham gia một lớp khác. Nghỉ trưa đến 14h, cô tham gia buổi học chiều. Tan học, cô cùng hai chú chó đi dạo quanh hồ Đắc Ke ngắm hoàng hôn.
“Cẩm Chướng – từ ghép của lẩm cẩm và chướng khí – như hình dung của tôi về một ngôi trường dành cho những người già, họ đi học cho ‘bớt chướng’,” Lê Cát Trọng Lý giải thích tên ngôi trường giảng dạy nghệ thuật không chuyên. Đi vào hoạt động cuối năm 2020, trường là dự án mới nhất của cô.
Trường Cẩm Chướng mở những khóa đào tạo về sáng tác, các khóa học tổng quan nghệ thuật dành cho nhiều đối tượng. Trong số gần 20 học viên của khóa học mới khai giảng đầu tháng 3 vừa qua có những người ở tuổi về hưu, chủ doanh nghiệp, không bị nhiều áp lực tài chính và cả những bạn trẻ “chưa biết mình muốn gì”.
Ý tưởng hình thành Cẩm Chướng nảy sinh sau khi Lý cùng cộng sự Nguyễn Thanh Tú, đồng thành lập trường, du học ở Đan Mạch. “Việc học rất vui. Chúng tôi không chịu áp lực cũng không bị bắt buộc học,” cô nói. Họ hình dung về không gian học tập hướng tới mục tiêu khiến người học thật sự hạnh phúc khi xây dựng Cẩm Chướng. Trước dự án này, cả hai cùng tổ chức một số khóa ngắn ngày về sáng tác và nghệ thuật không chuyên ở Đà Lạt.
Lý kỳ vọng người học sau khi tốt nghiệp từ trường Cẩm Chướng có kiến thức cơ bản về âm nhạc, góp phần nâng cao khả năng cảm thụ của thính giả. Đó là lý do trong tám môn học của khóa tổng quan nghệ thuật, có những môn chuyên ngành như lý thuyết âm nhạc, lịch sử âm nhạc cổ điển phương Tây, hợp xướng… Bên cạnh đó, có những môn “tự tạo ra niềm vui, không cần phụ thuộc vào bất cứ ai,” như lời giải thích của Lý, như làm gốm, làm vườn, vẽ.
Trước khi trường Cẩm Chướng vận hành, cuộc sống và công việc của Lý xoay quanh đọc, viết và sáng tác. Lý làm việc không phô trương, không xuất hiện nhiều trên truyền thông, cách cô vạch ra từ đầu khi biết mình không có điều kiện phù hợp từ vẻ ngoài lẫn tính cách… để đeo đuổi tham vọng tiếp cận đại chúng. “Lý vô cùng khó tính khi làm việc cùng, bạn ấy chăm chút từng nốt nhạc khi tập cùng mọi người,” violinist Tuấn Anh, một trong tứ tấu dây biểu diễn cùng Lý trong buổi hòa nhạc thường niên do cô làm từ sáu năm qua, nhận xét.
Lê Cát Trọng Lý hát ở Kenya
Sau gần 15 năm, gia tài âm nhạc của Lý khá phong phú với những album, đĩa đơn, tour diễn xuyên Việt, hòa nhạc thường niên… Lý chọn giới thiệu bài hát mới trong buổi hòa nhạc thường niên do cô tự làm. Cô phát hành album nếu đủ các bài hát được thu âm chất lượng, thậm chí có album phát hành số lượng giới hạn ở ngàn bản.
“Nhân sinh quan và thế giới quan của Lý rất khác biệt, cô ấy biến nó thành âm nhạc một cách tài tình,” nhạc sĩ – nhà sản xuất Hoàng Anh Minh nhận xét. Trong khi Charles (Huỳnh Phương Duy), một người hâm mộ của Lý cho biết anh thích nghe nhạc của Lý do ca từ bay bổng, ẩn dụ nhưng rất thật và gần gũi đời thường.
Những dự án nổi bật của Lê Cát Trọng Lý có thể đếm trên đầu ngón tay, do thời gian thực hiện thường kéo dài trong 6 – 7 năm. Chẳng hạn như Những kẻ mộng mơ (Dreamers Concert) – một chuỗi hòa nhạc bắt đầu từ năm 2015 mà êkip Lý đưa khán giả gần với thiên nhiên hơn để thưởng thức âm nhạc. Qua bảy lần tổ chức, họ đưa khán thính giả yêu nhạc vào hang động ở Quảng Ninh, hát trên ruộng bậc thang ở Sa Pa, ngồi giữa vườn tre ở Đà Lạt, hay tới thảo nguyên Mông Cổ và châu Phi hoang dã để nghe nhạc và kết hợp du lịch…
Trước đó, Lý và êkip từng thực hiện Vui Tour – chuyến du ca xuyên Việt kéo dài hai tháng vào năm 2011. Hình ảnh cô gái gầy gò, trang phục giản dị ôm cây đàn guitar đứng hát giữa một phiên chợ vùng cao, ở hè phố, ngồi ở bờ biển hát cùng các em nhỏ hay vào tới nhà máy hát cho những chị công nhân nghe… khiến nhiều người xúc động khi xem lại Vui Tour trên YouTube.
Sau Vui Tour, Lý và Khù Khờ Tour – cách cô gọi những người đồng hành cùng mình tiếp tục chuyến đi phục vụ cộng đồng thông qua âm nhạc, tư vấn chăm sóc sức khỏe và khuyến học miễn phí ở các vùng xa, ít điều kiện ở Việt Nam. “Khù Khờ Tour mong muốn mang lại niềm vui cho mọi người tại các nơi đoàn tới cũng như cho tất cả các thành viên. Qua đó, mỗi người có thể thấy được những mặt hạn chế của mình để được học và tiếp tục vươn lên,” đoạn giới thiệu về Khù Khờ Tour trên fanpage dự án cho biết.
Hình ảnh cô gái tóc xoăn ôm guitar hát một mình dần thay đổi bằng sự kết hợp giữa Lý với các nghệ sĩ khác ở nhiều festival âm nhạc trong nước và quốc tế như kết hợp với nghệ sĩ Ngô Hồng Quang trong chuyến festival âm nhạc tại Pháp, hay đứng chung sân khấu với diva Thanh Lam và Tùng Dương. Năm 2014, khi ra mắt hai album và thực hiện Vui Tour, Lê Cát Trọng Lý chuyển ra Bắc học, nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc.
Cô gặp Nguyễn Thanh Tú, người chơi cello. Khởi đầu họ song tấu, sau đó bổ sung piano, sáo, đàn dây. Với đội ngũ như vậy, năm 2015 họ ra mắt CD Audio Live in Church. Cuối năm đó, cô trình diễn cùng dàn nhạc 12 người, bao gồm bộ dây, bộ hơi, bộ gõ… giới thiệu phong cách âm nhạc đậm màu sắc dân gian kết hợp thính phòng, phong cách chủ đạo trong các hòa nhạc thường niên sau này của Lý.
Từ thời điểm bắt đầu xuất hiện trước công chúng vào năm 2008 với Chênh vênh, âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý đã có nhiều sự thay đổi về ca từ, nội dung lẫn cách thức biểu diễn. Violinist Tuấn Anh nhận xét, âm nhạc của cô ngày càng mang màu sắc thính phòng và âm hưởng World Music – sự kết hợp giữa truyền thống và đương đại.
Là người biết Lý từ khi cô tham gia Bài hát Việt và hợp tác cùng Lý trong việc thu âm album mới nhất năm 2020, nhạc sĩ Hoàng Anh Minh chia sẻ: “Lê Cát Trọng Lý đã trưởng thành nhiều. Đó là sự trưởng thành qua trải nghiệm thực tế từ những hành trình tới Mông Cổ, châu Phi, học hỏi và thu nhận chất liệu âm nhạc bản địa và biến nó thành bản sắc của cô.”
Lý cho biết, cô tìm cảm hứng sáng tác từ tất cả mọi thứ trong cuộc sống, đọc sách, xem phim, nghe mọi người trò chuyện… tất cả được ghi chép lại để không có ý tưởng nào “đột tử” và giữ được nhịp làm việc. Có thời điểm nào chị nghĩ mình muốn dừng lại vì hết hứng thú với âm nhạc? “Chán thì có, nhưng mất hứng thú thì không,” Lý trả lời.
Thông minh, tỉnh táo và rất hiểu mình muốn gì là nhận xét của nhiều người về hành trình âm nhạc của Lý. Hoàng Anh Minh nói: “Lý đầy năng lượng và sự nghiêm túc của bạn ấy trong công việc khiến cho ai cũng muốn đồng hành cùng Lý.”
Chọn con đường khác biệt, cộng đồng người hâm mộ của Lý cũng đặc biệt. Lý tự đúc kết âm nhạc của cô ngày càng sâu sắc hơn và những thay đổi về chuyên môn khiến cô không dễ tiếp cận nhiều phân khúc khán thính giả. Nhiều người hâm mộ lớn tuổi năm nào cũng mua vé hòa nhạc dù “không nghe nhạc mình nhiều, hoặc nghe mà không hiểu lắm, chỉ xem tivi hay đọc báo thấy trả lời phỏng vấn nên thích.”
- Lê Cát Trọng Lý
Lê Cát Trọng Lý được giới bình luận đánh giá cao ở vai trò một nghệ sĩ độc lập, có môi trường nghệ thuật và khán giả riêng, có kênh giao tiếp riêng với đối tượng của mình. Trong nhóm riêng hơn 13 ngàn người yêu mến nhạc của Lý trên Facebook, bất kỳ bài đăng nào cũng nhận được những bình luận chân thành. Vé hòa nhạc của cô bán hết trong 1-2 ngày sau khi cập nhật trên fanpage, album thường cháy hàng, thậm chí có người sẵn sàng mua gói tài khoản “Lê Cát Trọng Lý – Limited” trong ba năm.
Nhà báo Chu Minh Vũ – người từng xếp hàng nhận album Không sao về bắt đầu của Lý năm 2018, nhận xét: “Lý mạnh, không chỉ dẫn dắt được những người làm sáng tạo đi cùng mình, mà còn dẫn dắt được số đông khán giả vào không gian cô ấy muốn.” .
Charles nói, Lý và âm nhạc của cô là động lực để anh và nhiều bạn khác dám cầm đàn guitar lên và tập sáng tác. “Ở thời điểm mà âm nhạc đang có ít khác biệt, Lý vẫn đi con đường riêng nên càng làm cho mình có động lực bám trụ với thứ âm nhạc mình đang theo đuổi.” Dinh Ngô, một người hâm mộ, thú nhận có đến vài năm nghe nhạc Lý không hiểu lắm nhưng vẫn bị cuốn bởi “cảm giác yên bình”. Cảm giác đó đủ hấp dẫn để đưa chàng trai miền Tây lên Măng Đen làm tình nguyện viên ở trường Cẩm Chướng.
“Lên đây chỉ quanh quẩn dạy học, vô rừng, ngắm sao, nghe học viên kể chuyện cười suốt ngày, tôi thấy không còn gì quá quan trọng,” Lý bộc bạch.
Sự thay đổi trong cách sống, theo Lý, phần nào ảnh hưởng từ dự án Dreamers Concert. Đi đến nhiều vùng đất, gặp gỡ và kết hợp với nhiều người, đồng thời quan sát được cuộc sống khó khăn khó tưởng tượng được của người dân khiến cô trân trọng cuộc sống và yêu mến thiên nhiên hơn. “Hãy trân trọng và biết ơn tự nhiên và tri túc trong điều kiện tốt nhất mình có,” Lý viết trong bài đăng gửi tới những người tham dự Dreamers Concert 6 của cô, tổ chức ở Kenya, châu Phi.
“Khi gặp Lý ở Cẩm Chướng, tôi thấy chị ấy khác biệt so với những gì tôi tưởng tượng vì chị ấy yêu quý cuộc sống, một cách đúng nghĩa. Lý giản dị, sâu sắc và yêu đời. Chỉ riêng việc Lý sống vui vẻ ở đây cũng khiến cho mọi người xung quanh vui vẻ theo,” anh Thành Bụi – một học viên của khóa Tổng quan nghệ thuật mới nhất đang diễn ra ở Măng Đen nói.
Từ chối danh xưng “người nổi tiếng” với số đông, Lý nhận mình thành công vì sống được độc lập. Cô nói mình may mắn vì gia đình yêu thương, bạn bè cũng có đủ, không thấy chới với khi nhìn vào cuộc sống người khác. Lý bảo ngày trước còn trẻ đọc nhiều sách, cũng mơ mộng trở thành người ảnh hưởng tới cộng đồng trẻ nhưng chính cô cũng đang trong hành trình hoàn thiện bản thân. “Lý đại diện hẳn cho một cách sống mà cô ấy không cố ý tuyên ngôn, chỉ lặng lẽ làm gương. Nhưng có thể, chính Lý là nguồn cảm hứng,” Phan Tường Yên, một người theo dõi Lý nhiều năm qua, viết.
*Tựa theo bản in “ Sống tự nhiên hơn”, Danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng, tạp chí Forbes Việt Nam số 92 phát hành tháng 4.2021.*