Bế Văn Đàn đã hy sinh như thế
Ông Pù lập luận: “ Cự ly cách quân địch rất gần, nếu đạn bắn thẳng vào ngực thằng Đàn, tao ở ngay đằng sau nó cũng bị xuyên táo luôn rồi, làm gì còn sống mà ngồi nói chuyện với mày ở đây được!” Vậy Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn đã hy sinh như thế nào, xin mời mọi người cùng tìm hiểu qua bài viết “Bế Văn Đàn đã hy sinh như thế”
Ông Chu Văn Pù, quê ở Tràng Định (Lạng Sơn), là Trung úy, sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu tại khối Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ông Chu Văn Pù nguyên là tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, người trực tiếp cùng Bế Văn Đàn chiến đấu tại khu vực Mường Pồn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể lại:
Hôm đó, đơn vị ông được cấp trên giao nhiệm vụ, bằng mọi giá phải ngăn chặn và tiêu diệt quân địch tại khu vực Mường Pồn, không cho chúng rút về Tuần Giáo (Lai Châu). tiểu đội của ông được phân công chặn đánh quân địch tại một con suối cạn ngay chân dốc Mường Pồn. Đội hình tiểu đội gồm có các chiến sĩ: Vĩnh, Chiến, Thanh, Thàng, Pẩu…và Bế Văn Đàn.
Bế Văn Đàn người dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh (nay là Triệu Âu), huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, là chiến sĩ liên lạc của đại đội, được cấp trên bổ sung tăng cường cho tiểu đội. Anh có dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng, đôi mắt to và sáng, rất thông minh. Khi tiểu đội của ông chiếm lĩnh xong trận địa vào lúc tờ mờ sáng thì bất thình lình mặt đất bỗng rung chuyển dữ dội, bầu trời như bị xé ra từng mảnh, bởi những loạt đại bác của quân địch bắn cấp tập vào khu vực Mường Pồn và tiếng gầm rít của những chiếc máy bay “bà già” lượn quần thảo trên đầu.
Ngay sau loạt đạn đầu tiên của địch, trong làn khói súng mịt mù, ông nhìn thấy Bế Văn Đàn bị thương vào đầu do mảnh đạn moóc-chi-ê của kẻ thù, máu chảy ướt đẫm cả vai áo. Chu Văn Pù vội lao tới đỡ Bế Văn Đàn dậy, rồi cởi phăng chiếc áo lót đang mặc để băng bó lại vết thương cho Đàn. Bốn chiến sĩ: Chiến, Thanh, Thàng, Pẩu cũng đã hy sinh. Lúc đó vào khoảng 7 giờ sáng.
Sau những đợt oanh kích ác liệt, đúng 8 giờ, bỗng nhiên tiếng súng im bặt. Sau đó là tiếng la ó từ trên đỉnh dốc, Chu Văn Pù quan sát thấy rõ những tên lính Tây đen, Tây trắng, mắt xanh, mũi lõ đang hò hét, xô đẩy nhau tràn xuống dốc. Hai trăm mét… một trăm năm mươi mét… một trăm mét… Pù nâng khẩu trung liên Vĩnh Cát lên rồi xiết cò. Đạn nổ rất giòn nhưng găm ngay trước mặt. chỉ cách đầu nòng súng từ 5 đến 7 mét, khói bụi tung lên mù mịt.
Minh họa
Vì ở dưới chân dốc, tư thế bắn lại theo góc độ “tà dương” nên hoàn toàn bất lợi cho quân ta. Quân địch thì đang tiến xuống mỗi lúc một đông. Pù cố nâng khẩu súng lên để chọn góc bắn cho thích hợp nhưng không nổi, vì hai cánh tay của anh trở nên cứng đờ như bị tê dại. Đang trong lúc loay hoay tìm kiếm địa hình, địa vật để kê súng lên cao, thì Bế Văn Đàn đột nhiên lao tới, hai tay Đàn nắm chặt lấy hai càng súng, giơ lên cao hướng thẳng về phía quân thù. Pù ái ngại khi nhìn thấy vết thương trên đầu Bế Văn Đàn máu vẫn rỉ ra nhiều. Bế Văn Đàn hô lớn:
– Pù! Bắn đi, còn chần chừ gì nữa, hãy tiêu diệt hết lũ giặc Tây gian ác để trả thù cho: Chiến, Thanh, Thàng, Pẩu. Bắn đi! Bắn đi… Pù!
Tiếng hô của Bế Văn Đàn như một mệnh lệnh chiến đấu vang ra từ trong trái tim. Chu Văn Pù nghiến răng bóp cò, khẩu trung liên Vĩnh Cát rung lên, quân thù nhào xuống lăn lông lốc như những khúc gỗ lìa rừng. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt giữa ta và địch, cho mãi đến 12 giờ trưa, đợt tấn công cuối cùng của địch đã bị Chu Văn Pù và Bế Văn Đàn bẻ gãy, xác giặc nằm chết ngồn ngang. Chu Văn Pù reo to:
– Thắng rồi! Quân ta thắng rồi! Đàn ơi nhìn kìa, quân địch chết nhiều quá, vui quá Đàn ơi!
CCB Chu Văn Pù
Chu Văn Pù định cúi xuống đỡ Đàn dậy thì anh đã gục đầu, trút hơi thở cuối cùng mà hai bàn tay vẫn nắm chặt lấy hai càng súng. Nhẹ nhàng gỡ tay người đồng đội thân yêu, Chu Văn Pù ôm Bế Văn Đàn vào lòng, máu từ vết thương trên đầu và hai bờ vai, nơi điểm tì của hai càng súng trung liên rỉ ra nhuộm đỏ những cánh hoa ban còn vương trên áo. Chu Văn Pù nấc lên từng tiếng:
– Đà…n! Đàn ơi! Mày đừng chết! Mày phải sống để còn đưa tao về Triệu Âu, Phục Hòa, Cao Bằng quê mày chứ…!
Kể tới đây, ông Chu Văn Pù gạt hai hàng nước mắt nói với tôi như lời tâm sự “Đã mấy chục năm rồi, cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào tưởng tượng nổi một con người mảnh mai, nhỏ bé như Bế Văn Đàn mà lại có sức chịu đựng phi thường đến thế.
Trong suốt thời gian liên tục 6 tiếng đồng hồ phải cắn răng chịu đựng sự đau đớn của vết thương trên đầu đã là quá sức lắm rồi, vậy mà suốt 4 tiếng đồng hồ tiếp theo đến hơi thở cuối cùng, anh ấy đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội đánh lui 5 đợt tấn công của địch cho đến khi thắng lợi hoàn toàn.
Tấm gương hy sinh oanh liệt đó của Bế Văn Đàn là biểu tượng cho ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta, đã trở thành bất tử và tỏa sáng muôn đời về một bài ca: “Bế Văn Đàn ơi! Anh vẫn còn sống mãi!”.