Bạch Thái Bưởi – Người mở đường bằng tinh thần tự tôn dân tộc
(VTC News) –
Vua đường sông Bắc Kỳ
Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã xây dựng đường sắt ở Việt Nam nhưng năng lực chở hàng hạn chế, giá vé tàu khách lại cao nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa vẫn chủ yếu dựa vào đường sông. Chính vì thế, Bạch Thái Bưởi quyết định đầu tư vào lĩnh vực vận tải đường sông.
Tuy nhiên, vận tải hành khách đường sông đã có các công ty của Pháp và Hoa kiều hoạt động ổn định nhiều năm. Nhưng ông không sợ, mà nói rằng: “Người Pháp và Hoa kiều làm được tại sao người Việt lại không làm được?”.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi, người được mệnh danh là Vua đường sông Bắc Kỳ.
Tháng 6/1909, ông thành lập Hãng Vận chuyển hành khách đường sông Bạch Thái với 3 chiếc tàu thuê lại của hãng Marty, cho đổi tên tàu thành Phi Phượng, Phi Long và Bái Tử Long. Ông cho vẽ cờ hiệu màu vàng, ở giữa là mỏ neo, bao quanh là 3 ngôi sao tượng trưng cho Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Ông thuê lại một số thợ máy, thủy thủ từng làm cho Marty để tiết kiệm tiền đào tạo.
Lời đánh giá và câu châm ngôn của Bạch Thái Bưởi.
Thời gian đầu Bạch Thái lỗ nặng, nguyên nhân là giá vé bằng nhau nhưng tàu Bạch Thái chạy chậm hơn tàu của chủ tàu Hoa kiều.
Để bù vào điểm yếu về tốc độ, Bạch Thái giảm giá vé hạng thường xuống 1 hào. Chủ tàu Hoa kiều thấy ông làm vậy cũng giảm giá xuống 1 hào. Tàu Bạch Thái giảm xuống 5 xu, đối thủ lại bắt chước.
Thấy giảm giá vé không hiệu quả, Bạch Thái Bưởi tìm lái tàu giỏi, trả lương cao để có thể cải thiện tốc độ.
Kết quả là tốc độ tàu của Bạch Thái đã nâng lên ngang bằng đối thủ, song doanh thu vẫn thấp.
Mùa hè, đối thủ phát quạt nan cho khách, ông cũng bắt chước họ. Rồi ông bán vé tháng cho công chức quê Nam Định hay Hải Phòng làm việc tại Hà Nội với giá vé rẻ hơn mua lẻ, đối thủ cũng làm theo.
Hai bên cứ giằng co, theo nhau như vậy. Biết không thể thắng, Bạch Thái Bưởi cho đổi tên tầu thành Trưng Trắc và Trưng Nhị như ngầm ý đi tàu của Hoa kiều là không ái quốc. Ông thuê gánh xẩm ngồi ở các bến hát. Lời lẽ lấy trong ca dao, vui nhộn, hài hước dễ nhớ và lồng vào đó những câu kêu gọi tình đồng tộc, đồng bang.
Ví dụ có câu: “Cô kia má đỏ hồng hồng/ Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan/ Đường đi hiểm trở gian nan/ Tàu Bạch Thái Bưởi dọn đàng rước dâu/ Dù cho nước lũ sông sâu/ Ai về Nam Định rủ nhau cùng về…”. Cách này khiến cho đối thủ dần bị thua, khách chuyển sang đi tàu Bạch Thái nhiều hơn và hãng bắt đầu có lãi, nhờ đó Bạch Thái Bưởi mua đứt 3 chiếc tầu trước đó đã thuê. Việc kinh doanh thành công khiến báo chí thời đó khâm phục, phong ông là Vua đường sông Bắc Kỳ.
Để phát triển, Bạch Thái Bưởi tiếp tục khai thác tinh thần dân tộc, ông nhận sĩ phu phong trào Đông Du là Bùi Như Uyên học ở Nhật vào làm. Ông nhận nuôi con trai thứ hai của nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền là Nguyễn Thượng Khoa, sau đó cho sang Pháp học.
Năm 1920, ông còn nhận nhà Nho Phan Khôi, người mới đi tù vì phản đối Pháp bắt dân đi xâu (đi phục dịch, làm việc không công cho chính quyền) vào làm thư ký. Ông lại nhờ tài thơ rất trẻ Á Nam Trần Tuấn Khải sáng tác bài hát xẩm để hát trên tàu cho khách nghe…
Bạch Thái Bưởi tại trụ sở Công ty ở Hải Phòng. Ảnh trên tạp chí Nam Phong
Nhận thấy nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng, Bạch Thái Bưởi quyết định đóng con tàu riêng. Năm 1919, ông cho đóng tàu biển 600 tấn mang tên Bình Chuẩn. Ngày 20/8/1920, từ cảng Hải Phòng tàu nhổ neo và cập nhiều bến cảng dọc đất nước như Bến Thủy (Vinh), Tourane (Đà Nẵng), Quy Nhơn… Và ngày 17/9/1920, Bình Chuẩn đã đến cảng Sài Gòn. Đây được coi là một sự kiện lớn, biểu tượng cho ý chí làm giàu và sự thành đạt của các doanh nghiệp người Việt thuở đó.
Với lòng quả cảm, quyết tranh thương với ngoại bang và biết khai thác sự ủng hộ của đồng bào, Bạch Thái Bưởi đã nhanh chóng thành công với đội tàu ngày càng mạnh, các tuyến đường thủy ngày càng mở rộng tới nhiều miền đất mới.
Đội tàu mang những tên hiệu gắn với niềm tự hào dân tộc như: Đinh Tiên Hoàng, Bạch Đằng… đã vươn ra các tuyến đường vùng duyên hải, đến cả một số bến cảng lân cận tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore…
“Ở đâu có Bạch Thái Bưởi ở đó không có Robin!”
Từ khi xâm chiếm miền Bắc, việc khai thác mỏ than đều nằm trong tay các nhà tư bản Pháp. Nhận thấy khai thác mỏ phải đầu tư lớn, nhưng sinh lời cao nên ông quyết tham gia.
68ee2ccc-cf9d-4cd2-b4be-463cb95102b1.jpg
Chiến thắng không hiểm nguy là chiến thắng không vẻ vang.
Bạch Thái Bưởi
Năm 1921, Bạch Thái Bưởi mua lại từ chủ Pháp hai mỏ Ăngtoan và Cadip ở Quảng Ninh. Ông cho xây dựng tuyến đường sắt chuyên chở than dài 3 km.
Rồi ông mua tiếp mỏ than Bí Chợ và Yên Thọ rộng 1.924 ha sau đó cho làm tuyến đường sắt chuyên chở than ra bến Đá Bạc dài 5,5 km. Cùng thời gian đó, ông hùn vốn cùng với một chủ mỏ khác khai thác một mỏ than rộng 450 ha.
Hằng năm, tổng sản lượng than khai thác được của ông lên tới 9.500 tấn. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, than của công ty còn được xuất sang Pháp và Nhật Bản.
Trước sự phát triển nhanh chóng của các nhà tư sản Việt Nam, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã đưa ra những chính sách thuế gây bất lợi cho các nhà sản xuất và thương mại trong nước. Năm 1926, trước Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Bạch Thái Bưởi đã trực diện phản ứng lại chính sách thuế của Thống sứ Bắc Kỳ Robin khiến ông này lên giọng tuyên bố trước các dân biểu: “Ở đâu có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi!”.
Không chấp nhận thái độ hách dịch, coi thường người Việt, ông đã đanh thép đáp lại: “Ở đâu có Bạch Thái Bưởi, ở đó không có Robin!”. Ông trở thành nhà doanh nghiệp có ảnh hưởng to lớn tới “phong trào chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp” của giới doanh nhân nước ta lúc đó.
Một trong những con tàu và Mỏ neo tàu của Công ty Hàng hải Bạch Thái.
Với đầu óc thực tế, tầm nhìn xa, Bạch Thái Bưởi còn muốn xây dựng nhà máy nước, nhà máy điện cho Nam Định, xây dựng đường sắt Nam Định – Hải Phòng…, thậm chí mong muốn “cải tạo Hà Nội lung linh, hoa lệ như Paris”. Thật đáng tiếc, một cơn đau tim vào ngày 22/7/1932 đã khiến nhiều dự định lớn lao của ông bỗng trở thành dang dở.
Mặc dù thời bấy giờ chưa phải là nhà tư sản giàu nhất Việt Nam, song điều khiến tên tuổi Bạch Thái Bưởi được tôn vinh đến mai sau chính là bởi trong bối cảnh tối tăm của đất nước, ông là người đầu tiên khẳng định vị thế của doanh nhân Việt, góp phần khai sáng, khai trí cho cộng đồng bằng ý chí tự cường, tinh thần dân tộc và khát vọng “giong buồm ra biển lớn”. Và điều đó đặc biệt có ý nghĩa trong thời hội nhập hiện nay.
Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Yên Phúc (nay thuộc phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội).
Có lẽ may mắn lớn nhất đối với cậu bé Đỗ Thái Bửu là được làm con nuôi gia đình họ Bạch khá giả. Sau 4 năm học trường tiểu học Việt – Pháp ông làm thư ký cho một hãng buôn nhỏ ở Hà Nội. Năm 1894, Bạch Thái Bưởi chuyển sang làm cho công ty chuyên nhập khẩu thiết bị máy móc có trụ sở ở phố Tràng Tiền.
Nhờ vậy mà năm 1895 ông được cử sang Pháp tham dự hội chợ hàng hóa công nghiệp ở Bordeaux. Trở về nước, Bạch Thái Bưởi lập công ty riêng, làm đại lý thu gom nông sản cho một hãng buôn của chủ Pháp chuyên xuất khẩu nông sản từ Đông Dương sang châu Âu. Đây là bước ngoặt trong nhận thức của một thanh niên từ làm thuê sang tự mình làm chủ.
Nguyễn Ngọc Tiến