Bạch Thái Bưởi – Tinh thần dân tộc trên thương trường
Dám nghĩ lớn, dám làm lớn
Theo tư liệu của nhà sử học Dương Trung Quốc, Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân ở làng Yên Phú, Thanh Trì, Hà Đông (nay là một quận thuộc Hà Nội). Nhà nghèo, nhưng ông vẫn được cha mẹ cố gắng cho học chữ quốc ngữ, chữ Pháp. Hằng ngày, chàng trai Bạch Thái Bưởi thường đi vớt củi trầm hương ở sông Nhuệ. Tiền bán cây trầm hương vớt được trên sông, chính là những khoản vốn liếng đầu tiên để ông khởi nghiệp.
Thạo tiếng Pháp, giỏi tính toán, ông được làm thư ký cho Công sứ Bonnet – người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Để có cơ hội tiếp xúc với máy móc cơ giới và thu nhận những hiểu biết về cách tổ chức và quản lý sản xuất, năm 1894, ông chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu khoán.
Nhờ thông minh, lanh lợi, ít lâu sau, ông được sang Pháp dự triển lãm Bordeaux. Choáng ngợp trước nền văn minh phương Tây, người thanh niên ấy âm thầm học hỏi cách làm việc của người Pháp và nung nấu ý chí tự lực tự cường.
Trở về nước ông nghỉ việc, lao vào thương trường – một quyết định mà nhiều người cho là điên rồ và liều lĩnh. Thế nhưng, với suy nghĩ “khác người”, dám nghĩ dám làm, Bạch Thái Bưởi đã gạt đi tất cả những lời dèm pha để theo đuổi con đường kinh doanh.
Cơ hội đến với Bạch Thái Bưởi khi người Pháp xây dựng công trình xe lửa nối liền Hà Nội – Sài Gòn. Để phục vụ công trình này, Công ty Hỏa Xa Đông Dương cần một số lượng gỗ lớn làm tà vẹt. Nhìn ra được nhu cầu đó, ông đã liên danh với một người Pháp nhận thầu cung cấp vật liệu này. Chỉ trong 3 năm, ông kiếm được một số vốn khá lớn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Sau đó, ông lao vào thầu khoán thu phí chợ các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Vinh… và thắng lợi rực rỡ.
Năm 1928, Bạch Thái Bưởi đã đầu tư vào một lĩnh vực vô cùng khó khăn là khai mỏ. Lúc bấy giờ, các mỏ than đều nằm trong tay người Pháp quản lý. Tuy nhiên, nhờ có bản lĩnh và khôn khéo trong đàm phán, cuối cùng đã ông được cấp phép khai thác than ở Quảng Yên.
Kinh doanh đa lĩnh vực và ngành nào cũng thành công, song Bạch Thái Bưởi thành công nhất là ngành hàng hải. Ông được mệnh danh là “Vua tàu thủy”, hay “Chúa sông Bắc Kỳ”. Với ông, “làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”.
Lấy tinh thần dân tộc để cạnh tranh
Dưới thời thuộc địa, các nhà buôn của ta bước ra thương trường cũng là bước vào một cuộc cạnh tranh với tư bản các nước như Hoa kiều, Pháp kiều… Việc kinh doanh của Bạch Thái Bưởi, cũng không ngoại lệ, khi liên tục vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của đối thủ.
Sự việc này bắt đầu từ năm 1909. Khi hãng Marty – D’Abbadie vừa hết hạn ký hợp đồng với nhà nước, ông thuê ngay 3 chiếc tàu trên và đổi lại thành tên Việt: Phi Phượng, Phi Long và Bái Tử Long. Từ đây, Bạch Thái Bưởi cho tàu của mình chạy tuyến Nam Định – Hà Nội và Nam Định – Bến Thủy. Đây là những tuyến đường thủy luôn đông khách, nhưng trước chỉ có người Hoa và người Pháp thống lĩnh.
Một thời gian sau, khi nghe tin công ty chuyên chở đường biển Deshwanden phá sản, ông quyết định mua nốt 6 chiếc thuyền và một số sà lan của công ty này để không lọt vào tay người Hoa, người Pháp mặc dù tàu khá cũ và nát. Hành động này của ông đã làm nhiều người Việt vui mừng. Không những thế, ông còn lấy tên anh hùng dân tộc như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi để đặt tên cho tàu.
Đến năm 1919, Công ty Bạch Thái có tổng 20 tàu nhỏ, chưa kể thuyền phụ, 20 sà lan bằng gỗ, sắt, 13 cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi. Các tàu này chạy 17 tuyến đường thủy: Hà Nội – Nam Định, Hải Phòng – Bến Thủy, Hải Phòng – Nam Định… thậm chí lên vùng thượng du Bắc Kỳ.
Với phương tiện đa dạng, lại nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, Bạch Thái Bưởi cho sửa sang lại nội thất các tàu, giảm giá cho người Việt. Các tàu của Bạch Thái Bưởi rất được lòng người Việt và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Thời đó, mỗi năm, công ty của Bạch Thái Bưởi chuyên chở tới 5.000 chuyến, trên dưới 1,5 triệu hành khách, hơn 15 vạn tấn hàng.
Trước sự phát triển của công ty Bạch Thái Bưởi, các chủ tàu người Hoa quyết đánh bại ông bằng đủ mọi cách, như hạ giá sâu. Cuộc cạnh tranh về giá với các thương nhân người Hoa đã khiến việc kinh doanh của ông đứng bên bờ vực phá sản.
Mặc dù vậy, trong “cái khó ló cái khôn”, trong “nguy có cơ”, Bạch Thái Bưởi đã vận dụng tinh thần dân tộc khuyến khích người Việt đi tàu của người Việt. Ông đã viết “tâm thư” kêu gọi tinh thần dân tộc đoàn kết tương trợ nhau. Để thu hút sự ủng hộ của khách, ông cho dán dòng chữ “Người ta thì đi tàu ta” lên mỗi chiếc thuyền và bỏ một cái ống để ai đồng tình với ông, thì bỏ tiền vào đó để tiếp sức cho chủ tàu. Khách đi tàu của ông ngày càng đông. Về sau, các chủ tàu người Hoa, người Pháp đã phải bán lại tàu cho ông.
Nhờ tinh thần dân tộc – thứ vũ khí lợi hại, ông đã đánh bại các đối thủ “đáng gờm” người Hoa, Pháp vượt qua “cửa tử” để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt và trở thành “Vua tàu thủy Việt Nam”. Ông cũng được xem là doanh nhân đầu tiên áp dụng tinh thần dân tộc “Người Việt ủng hộ người Việt” trong kinh doanh.
Hơn 100 năm sau nhìn lại, những bài học kinh doanh của ông trở nên vô giá khi dám đi bằng đôi chân của mình, dám tận dụng thời cơ, dám vận dụng tinh thần yêu nước và cạnh tranh đến cùng để sáng tạo, để mở rộng thị trường…trở thành giá trị bất diệt cho mọi tầng lớp doanh nhân Việt.