Anh hùng Thủy Hử: Lư Tuấn Nghĩa, Công Tôn Thắng… tên gọi tiết lộ gì về số phận họ?
108 anh hùng hảo hán, nhân tài lại gặp nơi đất hiểm, gặp thời loạn thế rối ren, những tưởng oanh liệt một phen, phất cờ khởi nghĩa thành đại nghiệp. Nhưng muôn sự tại Trời, “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, họ diễn các vai diễn cá nhân của mình cho vở kịch chung, đó là “Anh hùng tụ nghĩa”, “Vì nghĩa xả thân, vì nghĩa trừ hung tàn”. Tuy nhiên vận mệnh mỗi anh hùng đều có thể nhìn ra từ tên và hiệu của họ.
- Tiếp theo P1
6. Lư Tuấn Nghĩa
Lư Tuấn Nghĩa là một trong Tam Kiệt Hà Bắc, mình cao chín thước, mắt sáng như sao, tướng mạo tựa Thần, chừng 37 – 38 tuổi. Ông có biệt hiệu là Ngọc Kỳ Lân, sao chiếu mệnh là Thiên Cương Tinh.
Cái tên Lư Tuấn Nghĩa có nghĩa là người tuấn tú, bậc tuấn kiệt, người trượng nghĩa, xứng danh anh hùng nghĩa hiệp. Sao chiếu mệnh của ông là Thiên Cương Tinh, là một trong Tứ Chính, nằm ở vị trí trung tâm, trong mệnh đã là nhân vật trung tâm rồi. Khi lên Lương Sơn, Tống Giang rất ngưỡng mộ tài năng đức độ và danh tiếng của Tuấn Nghĩa, đã khẩn khoản mời ông nhận chức trại chủ. Ông đã vì nghĩa mà cự tuyệt.
Trước đó, Tiều Cái đã có “di mệnh” rằng: “Ai giết được Sử Văn Cung thì người đó làm trại chủ”. Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa chia quân đánh Tăng Đầu thị, nhằm xem ai giết được Sử Văn Cung thì làm trại chủ. Tống Giang đánh bại quân Tăng Đầu thị, Lư Tuấn Nghĩa bắt được Sử Văn Cung đem nộp cho Tống Giang. Tuy từ chối làm trại chủ nhưng ông vẫn là nhân vật trung tâm, đứng thứ hai Lương Sơn.
Lư Tuấn Nghĩa lập nhiều công trạng cho Lương Sơn: Đánh bại Đồng Quán hai lần, đánh bại Cao Cầu ba lần, Bắc phạt nước Liêu, đánh dẹp Điền Hổ, bình định Vương Khánh, nam chinh Phương Lạp.
Biệt hiệu ông là Ngọc Kỳ Lân, nghĩa là “con Kỳ Lân bằng ngọc” cũng nói lên nhiều điều thú vị. Kỳ lân tính tình ôn hòa, trên thân tuy có vũ khí có thể tấn công kẻ địch, nhưng không gây hại cho người và động vật, không giẫm đạp côn trùng hoa màu, do đó được gọi là Nhân Thú (con thú nhân từ).
Ông đối đãi người nhân từ nên coi gia nô Yến Thanh như con, khiến chàng lãng tử này cúc cung tận tụy cả đời trung thành với ông. Cũng chính vì trượng nghĩa và nhân từ nên ông một mực từ chối chức trại chủ mà ông xứng đáng.
Sau này đánh bại Phương Lạp, Lư Tuấn Nghĩa được thăng hàm Vũ công đại phu, bổ chức An phủ sứ kiêm Binh mã Phó Tổng quản Lư Châu. Nhưng rồi bị gian thần hãm hại, cho uống rượu có thủy ngân.
Lúc đi thuyền về Lư Tuấn Nghĩa muốn đứng đầu mũi thuyền tiêu khiển, không ngờ thuỷ ngân đã chạy vào tuỷ, vào bụng dưới, Lư Tuấn Nghĩa run chân đứng không vững, lại vì chếnh choáng hơi men nên sẩy chân ngã xuống sông Hoài ở chỗ nước sâu mà chết.
Lư Tuấn Nghĩa – tranh Utagawa Kuniyoshi.
7. Công Tôn Thắng
Công Tôn Thắng có biệt hiệu là Nhập Vân Long, sao chiếu mệnh là Thiên Nhàn Tinh. Ông người cao tám thước (1,84 m), lông mày hình chữ bát, dung mạo cổ quái. Vốn là đạo sĩ ở trên núi, có tài phép lạ biến hóa khôn lường.
Võ nghệ của Công Tôn Thắng rất cao cường có thể sánh với Dương Chí. Ông từ nhỏ đã yêu thích thương bổng, học được nhiều loại võ nghệ, sau theo học La Chân Nhân, có thể hô gió gọi mưa, cưỡi mây.
Ông tên Thắng, rất ứng với tên mình, trong các trận chiến về phép thuật, chưa từng thất bại bao giờ, điển hình là đọ pháp với Phàn Thụy. Vì Phàn Thụy chiến thắng khi giao đấu với Lương Sơn nên Công Tôn Thắng đề nghị Phàn Thụy phá trận Bát Quái của mình.
Phàn Thụy sử dụng pháp thuật làm trời tối đen, hô mưa gọi gió làm quân Lương Sơn rối loạn, sau đó sai Lý Cổn, Hạng Sung đem 500 quân phá trận. Song cả hai người đều bị bắt. Công Tôn Thắng đánh bại Phàn Thụy trong một trận chiến phép thuật. Mặc dù chạy thoát, nhưng cuối cùng Phàn Thụy lại theo lên Lương Sơn.
Biệt hiệu ông là Nhập Vân Long, nghĩa là rồng trong mây, cũng thể hiện rõ ông như con rồng có thể cưỡi mây về gió, hô phong hoán vũ, thoắt ẩn thoắt hiện, biến hóa khôn lường. Rồng trong mây, không thấy hình bóng đâu, chỉ đôi lúc thò đầu, lộ đuôi.
Công Tôn Thắng là đạo sĩ của Toàn Chân Đạo. Hầu hết thời gian ở Lương Sơn, ông bế quan tĩnh tọa tu luyện Đạo pháp, chỉ khi nào Lương Sơn cần, tìm đến ông thì ông mới xuất đầu lộ diện tương trợ.
Nguồn gốc ông là sao Thiên Nhàn Tinh hạ phàm, có nghĩa là vị Tiên du nhàn trên trời. Ông lên Lương Sơn trợ giúp các anh hùng, đến khi quân Lương Sơn chuẩn bị đi đánh Phương Lạp, Công Tôn Thắng đã bỏ đại quân phiêu bạt giang hồ, sau này truyền đạo cho Phàn Thụy, Chu Vũ, cả ba cùng vân du, tu Tiên. Ông Tiên du nhàn khắp trời đất, trút bỏ cái duyên trần chốn nhân gian, ngao du cõi Thái Hư.
Thủy hử truyện – Công Tôn Thắng – tranh của Utagawa Kuniyoshi.
8. Quan Thắng
Quan Thắng có biệt hiệu Đại Đao, sao chiếu mệnh Thiên Dũng Tinh. Ông xuất thân giữ chức Tuần kiểm phủ Bồ Đông nằm trong phạm vi quản hạt của Bắc Kinh, thuộc dòng dõi danh tướng Quan Vân Trường nhà Thục Hán. Quan Thắng từ nhỏ đã thích đọc kinh thư, lại giỏi về võ nghệ, có sức khỏe muôn người không địch nổi.
Ông là hậu duệ của Quan Công, từ hình dáng đến binh khí đều giống Quan Công như đúc, thân cao 8 thước rưỡi, râu ba chòm dài, lông mày dài đến tóc mai, mắt phượng mày ngài, mặt đỏ, sử dụng Thanh long đao, uy nghi như Quan Công tái thế. Ông đứng đầu ngũ hổ tướng gồm: Quan Thắng, Lâm Xung, Tần Minh, Hô Diên Chước và Trương Thanh.
Ông vốn là sao Thiên Dũng Tinh hạ phàm, nên có uy dũng, sức mạnh của Thiên Thần. Ông là người võ nghệ cao cường, khi quân Lương Sơn tấn công phủ Đại Danh, Quan Thắng đã một mình đánh tan 15 chiến xa đối địch.
Ban đầu khi dẫn quân triều đình đánh Lương Sơn, một mình ông đối địch với hai hổ tướng Lâm Xung và Tần Minh. Ông còn là người túc trí đa mưu, đã lập mưu kế bắt sống các tướng của Lương Sơn là Trương Hoành, Nguyễn Tiểu Thất.
Khi quân tướng Lương Sơn đụng độ với tướng Đông Xương là Trương Thanh có tài ném đá khiến nhiều tướng bị thương, Chu Đồng, Lôi Hoành cùng xông lên cũng bị đánh bại. Quan Thắng phóng ngựa Xích Thố ra cứu thì phi thạch bắn tới bèn lấy đao đỡ, viên đá va chạm với thanh đao thì tóe lửa, bèn rút lui.
Quan Thắng đã lập nhiều chiến công trong trận đánh với triều đình Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp. Khi về kinh được trao chức Tổng quản Binh mã phủ Đại Danh. Sau này Quan Thắng đi thao luyện quân mã trở về, lúc say rượu, sẩy chân ngã ngựa, lâm bệnh rồi mất.
Quan Thắng – tranh Utagawa Kuniyoshi.
9. Hô Diên Chước
Hô Diên Chước có biệt hiệu là Song Tiên (nghĩa là hai cây roi – vũ khí ông sử dụng là hai cây roi sắt), sao chiếu mệnh Thiên Uy Tinh, đứng thứ ba trong Ngũ hổ tướng.
Sao chiếu mệnh ông là Thiên Uy Tinh, nghĩa là có oai phong, uy vũ của Thiên Thần, và thần uy này được thi triển khi mình ông lần lượt đối đầu với Lâm Xung, Hỗ Tam Nương, Tôn Lập bất phân thắng bại.
Tên Hô Diên Chước, Chước nghĩa là tỏa sáng, chiếu sáng. Có lẽ cũng vì vậy mà Hô Diên Chước đã lập được rất nhiều công lao cho Lương Sơn Bạc như đẩy lui giặc Liêu, bắt sống tướng Liêu Ngột Nhan Diên Thọ, bình định hai cuộc khởi nghĩa của Điền Hổ, Vương Khánh. Sau đó, Hô Diên Chước lại theo Tống Giang tiêu diệt Phương Lạp ở Giang Nam, khi trở về Hô Diên Chước được vua phong chức Binh mã chỉ huy sứ Ngự doanh.
Còn chữ Diên trong tên ông nghĩa là kéo dài, lâu dài, trường thọ. Khi quân Kim sang xâm lược nhà Tống do Ngột Truật cầm đầu truy kích vua Tống Cao Tông, Hô Diên Chước lúc này đã hơn trăm tuổi, ở ẩn tại huyện Hải Điểm, địa phận Bình Giang đã cứu giá, chiến đấu với Ngột Truật để bảo vệ vua Tống.
Nhưng không may, Hô Diên Chước do tuổi cao sức yếu nên đã tử trận, bị Ngột Truật phanh xác. Sau đó vua Tống Cao Tông đã phải bỏ chạy và đi tìm Nhạc Phi ở Ngưu Đầu Sơn.
Hô Duyên Chước – tranh Utagawa Kuniyoshi.
10. Trương Thanh
Trương Thanh có biệt hiệu Một Vũ Tiễn, sao chiếu mệnh Thiên Tiệp Tinh. Biệt hiệu Một Vũ Tiễn có nghĩa là mũi tên không có lông vũ (đuôi tên), ám chỉ vũ khí đặc biệt của ông là tài ném đá (đá được ví là mũi tên không có đuôi).
Thiên Tiệp có nghĩa là chiến thắng của Thiên Thần, thế nên ông đánh một lúc 14 viên tướng của Tống Giang gồm: Từ Ninh, Yến Thuận, Hàn Thao, Bành Kỉ, Hồ Diên Chước, Lôi Hoành, Chu Đồng, Dương Chí, Quan Thắng, Hác Tư Văn, Đổng Bình, Sách Siêu, Tuyên Tán, Lưu Đường.
Sau khi gia nhập Lương Sơn, trong trận đánh Điền Hổ, Trương Thanh đã giả dạng một người khác và đột nhập vào quân Điền Hổ, rồi lấy Quỳnh Anh. Vì Quỳnh Anh có mối thù với Điền Định, Ô Lê quốc cữu nên cả hai cùng nhau nội ứng ngoại hợp, chiếm Uy Thắng Châu.
Điền Hổ chạy tới huyện Tương Viên (nơi Quỳnh Anh đóng quân), Trương Thanh cùng vợ đã bắt Điền Hổ. Hai người cùng nhau theo nghĩa quân Lương Sơn đánh Vương Khánh, hai người lập công lớn trong các trận Kì Sơn, Nam Phong Phủ…
Còn biệt hiệu Một Vũ Tiễn là “mũi tên không đuôi lông vũ”, nhưng cũng có nghĩa là “không có mũi tên”, cũng ứng với khi đánh Phương Lạp, Trương Thanh hết đá (không có mũi tên), nên dùng thương giao chiến với Lệ Thiên Nhuận quanh một cây tùng.
Trương Thanh phóng thương đâm vào Lệ Thiên Nhuận nhưng Lệ Thiên Nhuận tránh được và cây thương bị mắc ở gốc tùng. Trương Thanh rút cây thương mãi không ra, trong lúc đó Lệ Thiên Nhuận xông tới phóng thương trúng ngực, giết chết Trương Thanh. Ông chết bởi cây thương – tức là mũi tên không có đuôi lông vũ.
Nguồn ảnh: Wikipedia