Quỳnh Phương với mục tiêu 27 triệu cành hoa mỗi năm
Công ty TNHH Hoa Quỳnh Phương Đà Lạt vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chọn xây dựng mô hình mở rộng liên kết với 60 hộ nông dân Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà trồng hơn 58 ha hoa hồng và các loại hoa cắt cành khác gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 27 triệu cành mỗi năm.
Hoa tươi “Quỳnh Phương Đà Lạt” thu hoạch, sơ chế, đóng gói và đưa ra thị trường tiêu thụ trong ngày
•
XUẤT KHẨU CHIẾM 40% SẢN LƯỢNG
Vào thời điểm đầu tháng 8/2022, Công ty TNHH Hoa Quỳnh Phương Đà Lạt tiếp tục nâng cấp khoảng 800 m2 diện tích nhà xưởng tại số 42, Vạn Thành, Đà Lạt, trong đó bổ sung các dây chuyền thiết bị, hệ thống phân loại, sơ chế, đóng gói với công suất phấn đấu trong năm tới đạt 12 triệu cành hoa hồng và 15 triệu cành hoa khác như lyly, cúc, cẩm chướng, cát tường, đồng tiền, hướng dương, thạch thảo, hoàng oanh, salem, sao tím, các loại lá trang trí. Vùng nguyên liệu hoa liên kết với “Quỳnh Phương Đà Lạt” sản xuất và tiêu thụ gồm các làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông, Xuân Thành, An Sơn thuộc thành phố Đà Lạt; thị trấn Lạc Dương, xã Lát, huyện Lạc Dương; xã Nam Hà, huyện Lâm Hà. “Hoa tươi cắt cành là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng góp phần tạo nên thương hiệu cho thành phố hoa Đà Lạt. Khởi nghiệp năm 2010, xuất phát từ hộ kinh doanh cá thể, hướng tầm nhìn và sứ mệnh trở thành cầu nối chuyên nghiệp giữa hoa tươi Đà Lạt với quý khách hàng khắp mọi nơi trên thế giới, “Quỳnh Phương Đà Lạt” qua những nỗ lực không ngừng đã xây dựng, phát triển trở thành một doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín từ năm 2015 đến nay…”, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Quỳnh Phương Đà Lạt Phạm Minh Khang chia sẻ.
Theo đó, qua hơn 10 năm thành lập, các loại hoa tươi “Quỳnh Phương Đà Lạt” không chỉ đáp ứng thị trường nội địa với khoảng 100 nguồn tiêu thụ lớn, nhỏ tại 30 tỉnh, thành trong cả nước, mà còn xuất khẩu tới nhiều thị trường quốc tế khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia… Chưa kể, “Quỳnh Phương Đà Lạt” tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng hóa các dòng sản phẩm như hoa tươi, lá cắm trang trí, phụ kiện ngành Hoa, dụng cụ sản xuất, đóng gói hoa tươi và các sản phẩm công nghệ sau thu hoạch. Cụ thể, đến tháng 8/2022, “Quỳnh Phương Đà Lạt” đã liên kết, hỗ trợ giống, thuốc dưỡng hoa và bao tiêu sản phẩm hoa hồng nói riêng, hoa cắt cành các loại nói chung với 17 hộ nông dân sản xuất hơn 33,6 ha tại các vùng chuyên canh hoa của thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Lâm Hà. Sản lượng bình quân đạt hơn 12,2 triệu cành/năm. Thị trường tiêu thụ trong nước chiếm tỷ lệ 60%, xuất khẩu chiếm 40%. Tất cả sản phẩm hoa “Quỳnh Phương Đà Lạt” đã được UBND thành phố Đà Lạt cấp Giấy chứng nhận thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
•
HIỆU QUẢ KINH TẾ TĂNG THÊM 10-15%
Dự kiến đến hết năm 2022, “Quỳnh Phương Đà Lạt” tăng thêm 20 hộ liên kết sản xuất trên vùng chuyên canh hoa thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, quy mô 14,5 ha, sản lượng khoảng hơn 8,6 triệu cành/năm. Số lượng này tiếp tục tăng thêm 23 hộ đến cuối năm 2023 ở các vùng chuyên canh hoa thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và mở rộng xuống huyện Lâm Hà, diện tích khoảng 10 ha, sản lượng gần 6 triệu cành/năm. Như vậy, mục tiêu của “Quỳnh Phương Đà Lạt” đến cuối năm 2023, nâng tổng số lên 60 hộ liên kết sản xuất hơn khoảng 58 ha hoa các loại, đạt sản lượng khoảng 27 triệu cành/năm như đã nói ở trên, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10-15%. Cụ thể 100% sản phẩm hoa các loại thu hoạch đưa vào quy trình sơ chế, đóng gói, dán tem nhãn, tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; sản lượng hoa tiêu thụ thông qua hợp đồng ổn định, bền vững đạt tỷ lệ ít nhất 90%.
Để đạt mục tiêu liên kết 60 nông hộ sản xuất 27 triệu cành hoa mỗi năm, “Quỳnh Phương Đà Lạt” cần tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng; vốn đối ứng của “Quỳnh Phương Đà Lạt” gần 3 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, “Quỳnh Phương Đà Lạt” sẽ đầu tư trang bị đồng bộ hệ thống máy móc sơ chế, đóng gói sản phẩm hoa đưa ra thị trường tiêu thụ gồm: 2 kho lạnh, mỗi kho lạnh có thể tích 122,5 m3; 2 máy đóng đai tự động, 2 máy bó dây chun, 2 máy cột dây thùng bán tự động, 10 xe đẩy hoa, 2 xe nâng tay, 10 bàn sơ chế hoa tươi, 1 khung kệ chứa hoa tươi 2 tầng… Bên cạnh đó, “Quỳnh Phương Đà Lạt” hỗ trợ các hộ liên kết 140.000 hạt, mắt, củ, cây giống hoa các loại; 150.000 tem truy xuất nguồn gốc điện tử; 2.000 kg bao bì sản phẩm…
“Xây dựng hoàn thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hoa vào cuối năm 2023 giữa Công ty TNHH Hoa Quỳnh Phương Đà Lạt với 60 hộ sản xuất hơn 58 ha, sản lượng 27 triệu cành và sẽ trở thành nơi tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu ngành nghề trồng hoa; trưng bày, bán các sản phẩm hoa, phụ liệu, dụng cụ sản xuất, sản phẩm công nghệ sau thu hoạch ngành hoa kết hợp phát triển du lịch canh nông phù hợp với quy hoạch chung của địa phương…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
VĂN VIỆT
(Nguồn: http://baolamdong.vn/)