Tác phẩm của Lê Lựu – những nhân vật kinh điển trở lại
.
Với tinh thần quyết tâm nối lại các văn bản chữ nghĩa mang đậm ý nghĩa một giai đoạn, Công ty Cổ phần Sbooks đã xuất bản và phát hành bộ tiểu thuyết và truyện ngắn của nhà văn Lê Lựu, với tấm lòng tri ân sâu sắc. Thời khắc này, nhà văn đang trong giai đoạn khi tỉnh lúc mê, nhiều khi không còn hiểu được, nghe được những lời ngợi ca…
Núi – sự trở về với nguyên bản thiện lương
Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của một cuộc đời: Núi – người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần “không thể kìm hãm trước con ở” “đang thời bừng dậy rừng rực”. Núi là một số phận không mong muốn. Một khoảng cách không thể kết nối lại gần với những gì được gọi là chính thống, được sự thừa nhận hợp pháp.
Cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối. Bất hạnh đeo đẳng. Chiến tranh và một thời kỳ bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn…
Tiếc cho một cậu học sinh học giỏi, mà số phận đưa đẩy trượt dài để trở thành một tên trộm cắp. Tiếc cho một nếp sống tưởng như gia giáo nghiêm ngắn, lại là cái nôi đẩy con người ta vào tội lỗi, hận thù. Mà người chủ trương lối sống nghiêm ngắn đến khắc nghiệt trong gia đình lại chính là người cha đa đoan, tưởng mình tử tế, lại cố tình gây ra bao điều không tử tế cho đám con “không chính thức” và cả “chính thức”. Tiếc cho một mối tình đẹp, lại trớ trêu đứt gãy đến khôn lường. Để suốt quãng cuộc đời quan trọng nhất, những con người như Núi, như Hiền mãi chạy vòng quanh trốn nhau tìm nhau như đèn cù…
Một mảng màu tối, nhưng có thể nhìn thấy cuối đường hầm bừng lên vệt sáng. Và người đọc được quyền bước ra vùng sáng rỡ, nơi con người trở về với nguyên bản thiện lương của mình.
Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác, và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa…
Giang Minh Sài – nhân vật điển hình bước ra từ trang sách
Tương tự Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng cũng diễn ra trong bối cảnh chuyển giao quan trọng của xã hội; song lại khác ở một điểm, ấy là ngay từ lúc vào truyện, tác giả đã đẩy ra một bầu không khí tù túng, u ám, xam xám, ít ánh sáng và dường như chỉ là một bức tranh nhòe màu đã cũ. Bầu không khí nặng nề này bao trùm lấy toàn bộ làng Hạ Vị vào thời điểm đó, dẫn độc giả đi theo bước chân nhân vật bằng hình ảnh cả một dòng họ nháo nhào với biết bao nhiêu giáo điều tới từ người cha thuộc về xã hội cũ – cái xã hội thực dân nửa phong kiến.
Cha của nhân vật chính Giang Minh Sài là một ông đồ nên càng để ý tới nề nếp gia đình, làm bất cứ điều gì cũng phải để ý tới thể diện. Ở điểm này, ông khá giống với cha của Núi, cùng là những người gặp cơn chấn động bất ngờ khi chế độ cũ sụp đổ, ngơ ngác trước thời đại mới, cơ chế mới, chưa kịp phản ứng lại bất cứ điều gì, và cũng đã quá già để tiếp nhận những gì mới hơn.
Bóng ma thuộc về cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn bé ám ảnh theo Sài tới mãi về sau, ngay cả khi nhường suất học cho Hương, vào bộ đội, thuyên chuyển khắp nơi rồi tới tận lúc hòa bình, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình. Bản chất của Sài là một nghệ sỹ, khi không thể thỏa mình vùng vẫy trong hiện thực, Sài lại dầm mình vào những cơn tưởng tượng: trong chính nhật ký của mình. Bi kịch lại tới khi cuốn nhật ký đó bị tịch thu, bị đọc trộm, bị lôi ra để lấy làm bằng chứng bêu riếu kỷ luật Sài. Bị ràng buộc cả thân xác và tâm hồn, cuối cùng Sài lại sống như cái ý định mà anh cho là dũng cảm: “Hãy im lặng chịu đựng!”…
Nói về nhân vật Giang Minh Sài và tác phẩm Thời xa vắng, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Nhân vật văn chương này đã được nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào.
Thời xa vắng đã được đón đọc nồng nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, và được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới – xu hướng nhận thức lại thực tại”.
Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, có lẽ Thời xa vắng bền lâu bởi một hình ảnh của nhân vật nông thôn mới bắt đầu thành hình, bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kỳ chớm đổi mới, và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay và cả mai sau…
* * * * *
Với Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng, độc giả sẽ được cùng nhà văn trở lại những tháng ngày xưa, khi mà con người còn nhiều định kiến ấu trĩ, lạc hậu; nhưng cũng đầy ấm áp, thuần Việt mà ngày nay chúng ta dường như đánh rơi đâu mất…
Khác với nhiều bản in trước đây, tiểu thuyết Sóng ở đáy sông và Thời xa vắng được họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa, họa sĩ Linh Giang minh họa. Hai họa sĩ nổi tiếng này góp phần “khoác áo mới”, làm nên diện mạo mới mẻ cho sự trở lại của những tác phẩm nổi tiếng đã đi vào lòng người nhiều năm nay.
KHÔI NGUYÊN THẢO