Tái bản tác phẩm kinh điển của nhà văn Lê Lựu

Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” và “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu được tái bản với phần hình ảnh mới.

Khác nhiều bản in trước, sách Sóng ở đáy sông và Thời xa vắng do họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa, họa sĩ Linh Giang minh họa. Theo đại diện NXB Văn Học, từ lâu nhiều tác phẩm nổi tiếng của Lê Lựu chỉ được nhắc đến trong các bản tham luận, các bình luận văn chương, ít xuất hiện ở nhà sách. Những độc giả trẻ muốn đọc tác phẩm của ông phần lớn chỉ có thể tìm trên mạng với phiên bản không đầy đủ. Đơn vị cho biết phát hành bộ tiểu thuyết này để tri ân nhà văn, đồng thời giới thiệu sách đến độc giả ngày nay.

Bìa tiểu thuyết Sóng ở đáy sông do NXB Văn học in.

Bìa tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” do NXB Văn học in. Ảnh: Sbook.

Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông được nhà văn Lê Lựu sáng tác năm 1994. Tác phẩm kể về chuỗi vấp ngã liên tiếp của cuộc đời chàng trai tên Núi. Cậu vốn con của một người vợ lẽ – vốn là người ở trong một gia đình tư sản thời cũ. Từ nhỏ, anh em Núi và mẹ cậu không được bố chấp nhận. Ông luôn tìm cách để tống khứ bốn người ra khỏi nhà. Khi chiến tranh nổ ra, lợi dụng việc di tản của thành phố, ông gửi ba anh em về bên ngoại. Cậu học ở quê ngoại và được đi thi học sinh giỏi. Cậu có một mối tình đầu với một cô gái tên Hiền. Sau một biến cố, cô bỏ đi nơi khác. Mẹ Núi mất, bố bỏ rơi, ba anh em hết kế sinh nhai, Núi trở thành kẻ cắp, nhiều lần vào tù ra tội, sống kiếp giang hồ.

Nhạc phim 'Sóng ở đáy sông'

 

 

Nhạc phim ‘Sóng ở đáy sông’

Nhạc phim “Sóng ở đáy sông”. Video: VTV.

Trong sách, nhà văn sử dụng lối viết mộc, đậm chất hiện thực, giúp độc giả hình dung về một giai đoạn nhiều biến động. Năm 2000, truyện được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên, do Lê Đức Tiến đạo diễn, tạo bước đệm cho các diễn viên Xuân Bắc, Kim Oanh, Bá Anh… tỏa sáng.

Tiểu thuyết Thời xa vắng được xem là tác phẩm thành công nhất của Lê Lựu. Truyện xoay quanh nhân vật tên Giang Minh Sài. Khi đất nước còn chiến tranh, anh bị gia đình ép lấy một cô vợ hơn mình ba tuổi tên là Tuyết. Tuy ngoài mặt đồng ý, bên trong, Sài không chấp nhận vợ. Bước ngoặt bắt đầu khi Sài gặp tình yêu của đời mình – Hương. Vì cô, Sài trốn vào chiến trường miền Nam để thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt trong gia đình. Năm 2003, truyện được chuyển thể thành phim nhựa, do đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh, do Ngô Thế Quân và Nguyễn Thị Huyền – Hoa hậu Việt Nam 2004 – đóng chính.

Bìa tiểu thuyết Thời xa vắng. Ảnh:

Bìa tiểu thuyết “Thời xa vắng”. Ảnh: Sbook.

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Thời kỳ đầu sự nghiệp, ông có nhiều sáng tác như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976) – được xem là tác phẩm kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh.Bộ ba tiểu thuyết khẳng định vị trí của ông trên văn đàn là Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994)… Ông từng đoạt giải nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết Thời xa vắng…

Tam Kỳ

Rate this post