Nữ nghệ sĩ Lệ Thủy
Nguyễn Phương
Trong thập niên 60, nữ nghệ sĩ Lệ Thủy khi mới 14 tuổi đã là đào chánh của đoàn hát Kim Chung nhờ vào giọng ca thiên phú và sự tự khổ luyện về nghề ca hát.
Nữ nghệ sĩ Lệ Thủy tên thật là Trần Thị Lệ Thủy, sanh ngày 20 tháng 5 năm 1948, tại tỉnh Cửu Long. Mẹ làm nghề chầm lá, cha đi làm thuê. Hồi Lệ Thủy ba tuồi, nhà của Ba Má Lệ Thủy bị cháy, hai ông bà bỏ xứ sở, lên Sàigòn tìm kế sinh sống. Ba của Lệ Thủy làm lao công trong Thảo Cầm Viên, má của Lệ Thủy nấu cơm tháng cho phu khuân vác ở bến tàu quận Tư. Lệ Thủy học trường Tiểu học Khánh Hội.
Vì nhà nghèo, Lệ Thủy ngoài giờ học, về nhà phải coi em, giử em để cho Má Lệ Thủy nấu cơm tháng cho người ta. Hàng ngày Lệ Thủy bồng em ra ngang hông chợ Khánh Hội để dổ em, đút cơm cho em ăn. Bên hông chợ có một tiệm sửa radio, người chủ tiệm ngày nào cũng hát dĩa bài vọng cổ ” Cô bán đèn hoa giấy” của cô Thanh Hương ca.
Nữ nghệ sĩ Thanh Hương là con của nghệ sĩ Năm Châu và cô Tư Sạng, Thanh Hương thừa hưởng được chất giọng ca rất ngào ngào của mẹ nên cô ca bài “Cô Bán Đèn Hoa Giấy” cũng rất mùi, rất ngọt. Lệ Thủy nghe riết rồi thuộc lòng và bắt chước theo cách ca của cô Thanh Hương.
Anh Tư Long, người ở lối xóm lân cận, có một ban văn nghệ đang hoạt động trong vùng, nghe Lệ Thủy ca tốt giọng, anh xin cho Lệ Thủy ca trong Ban Văn Nghệ của anh. Được Ba Má cho phép, Lệ Thủy theo Ban Văn Nghệ của anh Tư Long và nhờ ông Năm Truyền, nguyên là thợ hớt tóc trong xóm, đờn đàn kìm dạy cho Lệ Thủy ca cổ nhạc.
Vào đầu thập niên 60, những ai có giọng tốt, ca vọng cổ hay thì có nhiều hy vọng trở thành đào kép chánh vì khán thính giả những năm 1960, 61, 62 rất mê nghe ca vọng cổ. Minh Vương, Minh Cảnh, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ và Lệ Thủy đều ở trong lứa tuổi từ 12 đến 16 tuổi, nhờ có giọng tốt và biệt tài ca vọng cổ mà làm nên sự nghiệp sân khấu của mình.
Siêng năng học hỏi
Ông Minh Nguyệt, một chiêm tinh gia ở đường Bùi Viện quận nhì Sàigòn, cậu vợ của kép Hữu Thìn, con của bà Bầu Thơ, Thanh Minh, nhân một buổi đi ăn nhậu nơi quán của ông Tư Xanh ở Khánh Hội, nghe được giọng ca của Lệ Thủy, ông giới thiệu Lệ Thủy với đoàn Thanh Minh nhưng Thanh Minh đã có Hương Lan, con của Hữu Phước và Kiều Minh Trang, đệ tử của Út Trong là hai giọng ca trẻ, chuyên đóng vai đào con.
Ông Minh Nguyệt lại giới thiệu Lệ Thủy đi gánh Thống Nhứt của Út Trà Ôn, nhưng Út Trà Ôn lại mới thâu nhận Kim Tuyến, một đào con, giọng ca rất ngọt và rất ăn khách. Vậy là Lệ Thủy được giới thiệu đi theo đoàn Trâm Vàng lưu diễn ở Miền Trung. Đoàn Trâm Vàng là một gánh hát bực trung, đào chánh là hai cô Mộng Thu và Kim Hà, hai cô con gái của nữ danh ca cô Năm Cần Thơ.
Có một kỷ niệm vui do Lệ Thủy kể lại khi cô mới theo đoàn hát Trâm Vàng. Lệ Thủy làm em nuôi của Kim Hà và Mộng Thu, nên ban ngày phải giúp việc như một người ở đợ, làm công không lương cho hai cô đào chánh, mỗi đêm Lệ Thủy núp bên cánh gà coi hát, học lóm các cách ca, cách hát của các vai trong tuồng, rồi ban ngày kiếm chổ vắng vẻ, một mình ca hát lại cho quen, cho nhuần nhuyển.
Nhờ sáng dạ và siêng năng học hỏi, Lệ Thủy thuộc được nhiều vai tuồng của đoàn hát. Bửa đó, kép con Hữu Đức bịnh, không hát được, ông bầu kêu Lệ Thủy thế vai của Hữu Đức trong tuồng “Tôi không làm Hoàng Hậu”. Lệ Thủy giả trai, vì Lệ Thủy thuộc quá nhiều tuồng khác nhau nên lầm lộn tuồng nầy qua tuồng kia. Đáng lý cô phải vô câu vọng cổ như vầy:” Khoan ! Xin ông hảy tha cho cha tôi được toàn mạng sống, thì ơn đức nầy tôi xin ghi tạc đến muôn … đời….”
Đằng nầy Lệ Thủy lại vô vọng cổ với câu ca xàng xê của cô Thanh Hương: ” Khoan, xin ông hảy thu hồi án lịnh…( Lệ Thủy biết là đã ca lộn câu văn vô xàng xê của Thanh Hương nên cô cương đại)… để cho cha tôi được sống, thì tôi sẽ làm vợ ông cho đến muôn….đời…
Khán giả vổ tay cười nghiên ngã, có người la : Ê, con gái giả trai… Trên sân khấu, trong hậu trường, mọi người cũng ôm bụng cười, Thanh Sơn đóng vai kép, cũng bật cười, nói cương theo: “Làm vợ tôi tới muôn đời, biết kiếp sau có gặp lại nhau không?”….Lệ Thủy quýnh quá, cương đại, cô ca tiếp: ” Nếu ông hõng chịu thì tôi với ông kể như huề”…
Tiền contract hậu hĩ
Mỗi đêm Lệ Thủy ngồi bên cánh gà, học theo cách ca cách diễn của Kim Hà và Mộng Thu, nhân dịp Kim Hà bịnh không hát được, Lệ Thủy thay vai tuồng của Kim Hà thành công, nên được ông bầu Trâm Vàng thâu nhận làm đào nhì.
Báo chí kịch trường ngợi khen Lệ Thủy nên khi đoàn Trâm Vàng về hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, ông bầu Ba Bản, đoàn Thủ Đô đề nghị với Ba Má Lệ Thủy và Lệ Thủy tới ký contrat với số tiền là 50.000 đồng trong hai năm, lương đêm 250 đồng.
Nhưng Lệ Thủy chưa kịp về Đoàn Thủ Đô thì ông bầu Long, đoàn Kim Chung đã ký hợp đồng với Lệ Thủy và Ba Má của cô với một contrat hậu hĩ hơn của đoàn Thủ Đô Ba Bản. Số tiền Contrat là 75.000 đồng và lương mỗi đêm 500 đồng.
Lệ Thủy cộng tác với đoàn Kim Chung từ năm 1962 cho đến tháng 4 năm 1975. Tức nhiên là tiền contrat và lương đêm cứ tăng theo cái đà mua đào bán kép thời đó nên ông bầu Long mới giữ được Lệ Thủy hát hàng chục năm trong công ty Kim Chung của ông.
Thưa quí thính giả, khi được phỏng vấn về kỷ niệm ngày mới vào làng ca dĩa, Lệ Thủy ca một câu trong bài cô ”Gái bán sầu riêng.”
Ai mua sầu riêng,
Ơ, Ai mua sầu riêng,
Xin dừng chân ghé quán em,
Em đây bán trái sầu riêng,
Mà em không bán tình duyên
Dù cho má thắm – tươi hồng
Sầu riêng chan chứa trong lòng
Dù mai đây – xuân tàn,
Em vẫn còn đi bán sầu riêng
Sóng gió chiều nay tung bay làn bụi mõng
Lá phượng run run cánh én rụng bên đường.
Giọng ca trong trẻo, thanh cao
Ký giả Nguyễn Ang Ca có một nhận xét rất chính xác: Giọng ca của Lệ Thủy như tiếng chuông ngân, như làn gió mát, trong như pha lê.
Lệ Thủy đã đóng các vai tuồng như Lan trong Lan và Điệp, Xuân Tự Trong Áo Cưới Trước Cổng Chùa, vai Phùng Cẩm Loan trong tuồng Mùa Thu Bạch Mã Sơn năm 1971, hoặc vai Quỳnh Nga trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, thế vai khi Thanh Nga đã mất… Toàn là những vai bi kịch, gánh nhiều oan trái bất hạnh, tiếng hát của Lệ Thủy đượm buồn, có khi đau khổ vật vã, nhưng tôi vẵn thấy là rất trong trẻo, rất thanh cao.
Tôi có cảm giác như là trái tim nghệ sĩ của Lệ Thủy đã thanh lọc những màu sắc bi kịch để vớt lấy những nỗi niềm đầy chất nhân hậu, đậm đà tình cảm tinh khiết và thủy chung. Lệ Thủy lúc hát ở đoàn Kim Chung đóng nhiều thể loại tuồng Kiếm Hiệp hay Hồ Quảng chớ không phải chỉ có tuồng xã hội không như sau năm 1975. Con trai của Lệ Thủy, có sáng tác hai album tân cổ giao duyên cho Lệ Thủy ca. Phải nhắc một chút xíu về hoàn cảnh gia đình của Lệ Thủy để hiểu hơn tính cách rất tình cảm, rất đặc biệt trong bài ca của con trai Lệ Thủy viết cho Lệ Thủy. Lệ Thủy kết hôn với trung úy Nguyễn Dương Trúc năm 1972.
Năm 1973, sanh ra đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Dương Thụy Hiếu.
Năm 1975, Trung úy Trúc cũng như bao nhiêu sĩ quan Cộng Hòa khác bị học tập cải tạo tập trung..
Lệ Thủy được đoàn Văn Công mời cộng tác, nhân dịp nầy cô xin bảo lảnh cho chồng ra khỏi trại tập trung, về làm thơ ký kế toán trong đoàn hát.
Năm 1979, Lệ Thủy sanh con trai, đặt tên là Nguyễn Dương Đình Trí.
Năm !982, Lệ Thủy sanh đứa con trai khác, đặt tên là Nguyễn Dương Quốc Bảo.
Cô gái lớn Thụy Hiếu, học Đại Học Quản Trị Kinh Doanh ở Melbourne, nước Úc, làm việc cho ngân hàng Bendigo, có chồng và định cư Úc.
Nguyễn ĐìnhTrí tốt nghiệp Bằng Ngoại Thương và Kế Toán ở Úc, trường Victoria University. Lệ Thủy sợ con ở lại bên Úc giống như Thụy Hiếu. Đình Trí sáng tác bài Tân Cổ giao duyên Tha Hương cho mẹ ca để mẹ yên lòng là Đình Trí sẽ trở về với mẹ.
Thưa quí thính giả, giới thiệu một giọng ca của nghệ sĩ đòi hỏi nhiều bài ca minh họa hơn nữa, tiếc rằng thời gian phát thanh có hạn, chương trình cổ nhạc xin dứt, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.
©
2006 Radio Free Asia