NSƯT Trịnh Mai người ra đi, tiếng cười ở lại

“Bộ ba” Trần Hạnh, Trịnh Mai và Bình Hải không chỉ thân thiết với nhau ngoài đời mà còn gắn bó với nhau bởi cả ba đều tham gia văn nghệ quần chúng khi còn làm việc ở Công ty giầy da xuất khẩu Hà Nội, trước khi chuyển về Đoàn kịch Hà Nội (nay là nhà hát). “Tôi đóng kịch với ông ấy ngay từ những ngày đầu, khi còn diễn kịch nghiệp dư ở Công ty giầy da xuất khẩu Hà Nội”, nghệ sĩ Bình Hải nghẹn ngào trong nước mắt tiếc thương người bạn chí cốt, người đồng nghiệp thân quý. Ông kể, sau khi chuyển sang chuyên nghiệp, đời sống nghệ sĩ cũng không khấm khá hơn là bao so với hồi làm công nhân. Các ông thường trông cậy vào tài xoay xở của các bà vợ. Vợ NSƯT Trịnh Mai trông coi cửa hàng giầy dép ở phố hàng Bông, từ khi bà bán những đôi dép cao su đầu tiên. Trịnh Mai cũng phụ giúp vợ bán hàng, đi lấy hàng. Nhiều đồng nghiệp của ông đến mua giày ở cửa hàng để ủng hộ vợ chồng ông.

Hầu hết các vai của Trịnh Mai là vai phụ và đều thuộc dạng vai tính cách. “Trịnh Mai có nhiều vai hay lắm. Tôi nhớ vai diễn của ông trong “Bức tranh mùa gặt”. Cũng là vai hài nhưng ông diễn hài hóm hỉnh, cười rồi bên tai vẫn văng vẳng những lời thoại của nhân vật”, nghệ sĩ Bình Hải nhớ lại. Có duyên với các vai hài nên nhân vật hài chiếm phần lớn vai diễn của ông. Kể cả khi đóng vai ông quan người Trung Quốc trong kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa. Vở bi kịch, không phải vai hài nhưng qua cách diễn của ông, chất hài vẫn lấp ló đâu đó. “Trần Hạnh và Trịnh Mai diễn thì anh em ở đoàn thường ngồi trong cánh gà để xem”, nghệ sĩ Bình Hải kể. Nghệ sĩ Lê Mai nói trong xúc động: “Ông ấy về hưu năm 1978, còn tôi về hưu năm 1982. Chúng tôi có nhiều dịp diễn cùng nhau cả trước và sau khi nghỉ hưu. Tôi với ông ấy đóng chung tiểu phẩm “Ai bắt đền ai” để đi diễn ở nhiều nơi. Cứ thấy ông ấy bước ra sân khấu với cách nói dấp da dấp dính, điệu bộ ú a ú ớ là khán giả cười rồi”.

Nghệ sĩ Bình Hải cho biết, Trịnh Mai sống nghĩa tình và được bạn bè, đồng nghiệp quý mến. Bình Hải ở nhà tập thể, phải leo mấy tầng nhà mới tới, vậy mà Trịnh Mai vẫn thường xuyên chống ba – toong lên xuống cầu thang, chẳng cần tay vịn. Ai đó e ngại thì ông bảo “Kệ tôi”. “Hiền lành, tử tế, ăn mặc chỉn chu, nói năng đâu vào đấy, ông sống đúng phong cách thanh lịch của người Hà Nội”, nghệ sĩ Lê Mai nói về ông. “Trong ba người, chúng tôi tôn ông ấy là anh cả, vì ông ấy sống mẫu mực nhất. Ông chơi đẹp và hầu như chỉ cho chứ không nhận gì về mình. Đi ăn, uống thì ông ấy đều “chủ chi” chứ không để cho các em trong đoàn trả tiền. Vậy nên nhiều người đến giờ vẫn nhớ tới ông, cảm mến một tính cách nghệ sĩ phóng khoáng. Vậy nên nghe tin ông mất, rất nhiều người tiếc thương. Một đạo diễn ở Đài TH Cần Thơ vừa gọi điện cho tôi hỏi lễ viếng của ông”, Bình Hải  kể.

Trịnh Mai là người lạc quan và mạnh mẽ, dù trong người ông mang nhiều bệnh trọng: tiểu đường, huyết áp, gút… Vì phải mổ khớp ở đùi do bệnh gút nên đi lại khó khăn. Thế là từ đó, cây ba-toong trở thành vật bất ly thân. Bạn bè của ông còn nhớ, ông dùng chiếc ba toong kể từ bộ phim Thầy lang, quay ở Hải Phòng. Căn bệnh tiểu đường lâu năm biến chứng vào phổi gây ung thư phổi đã khiến nụ cười Trịnh Mai đã ngừng lại mãi mãi. Nhưng tiếng cười của ông với những vai diễn gắn với tên tuổi ông còn lại mãi trong lòng khán giả. Tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay từng trở thành vũ khí tuyên truyền hiệu quả cho nhiều chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, mà NSƯT Trịnh Mai và các đồng nghiệp làm sân khấu đã góp phần không nhỏ.

Đôi nét về Trịnh Mai

Từ một ông thợ đóng giày, Trịnh Mai tham gia phong trào văn nghệ quần chúng rồi trở thành diễn viên chuyên nghiệp với nhiều vai diễn đáng nhớ trong các vở: Lũy hoa, Hoa và cỏ dại, Âm mưu và tình yêu… Ông còn được biết đến với các vai hài trong phim: Min Toa (Số đỏ), Vua tín dụng (Không phải chuyện cười), Quan khâm sai (Thằng Cuội)… Cùng với Trịnh Thịnh, Xuân Định…, diễn xuất xuất sắc của Trịnh Mai trong “Dịch cười” khiến bộ phim dài 81 phút này được đón nhận ở nhiều liên hoan phim quốc tế.

Tang lễ NSƯT Trịnh Mai tổ chức vào hồi 11g ngày 5/12 tại Nhà tang lễ Thành phố Hà Nội (Phùng Hưng, Ba Đình).

Rate this post