Tống Khánh Linh: ‘Người mẹ của TQ hiện đại’ – BBC News Tiếng Việt
Tống Khánh Linh: ‘Người mẹ của TQ hiện đại’
26 tháng 5 2016
“Ngày xửa ngày xưa, ở đất nước Trung Quốc xa xôi có ba chị em,” đó là lời mở đầu bộ phim lịch sử ‘Chị em nhà họ Tống’. “Một người yêu tiền, một người yêu quyền, và một người yêu tổ quốc.”
Do nhà làm phim Hong Kong Trương Uyển Đình (Mabel Cheung) đạo diễn, Chị em nhà họ Tống nói về cuộc đời thật của ba chị em, những người phụ nữ quyền lực đã sống và có ảnh hưởng tới những biến động to lớn tại Trung Quốc hồi thế kỷ trước.
Tống Ái Linh, người phụ nữ yêu tiền, cưới Khổng Tường Hy, giám đốc Ngân hàng Trung Hoa.
Tống Mỹ Linh, người phụ nữ yêu quyền, se duyên với Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Quốc Dân đảng.
Và Tống Khánh Linh, người phụ nữ yêu dân tộc Trung Quốc, kết hôn với nhà cách mạng Tôn Dật Tiên (tức Tôn Trung Sơn), người cha lập quốc của Cộng hoà Trung Hoa.
Ba chị em Ái Linh, Mỹ Linh và Khánh Linh, ba người đại diện cho ba lực lượng ý thức hệ lớn ở Trung Quốc: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản.
Nhưng trong ba chị em, Tống Khánh Linh (do Trương Mạn Ngọc thủ vai) đã trở thành thứ tài sản quý báu của quốc gia, thành vị nữ anh hùng trong lịch sử Trung Quốc.
Được coi là “người mẹ của Trung Hoa hiện đại”, bà kết hôn cùng Tôn Dật Tiên vào năm 1915, người đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến cổ hủ nhà Thanh trước đó bốn năm.
Sau khi ông Tôn Dật Tiên qua đời do bệnh gan vào năm 1925, bà trở thành một gương mặt quan trọng đối với Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Với một số người, bà Tống là ‘lương tâm’ của Trung Quốc, người đã cắt đứt quan hệ với Quốc Dân Đảng mà chồng bà là người sáng lập, tuyên bố đảng này đi chệch ra ngoài những lý tưởng và mục tiêu ban đầu của ông.
Với một số người khác, bà là một kẻ phản bội ngây thơ về chính trị và là “con chim trong lồng son”, người bị Đảng Cộng sản lợi dụng, khai thác làm một mối liên hệ sống còn giữa quá khứ và con đường dẫn tới tính chính danh.
Có một điều chắc chắn. Như lời người biện hộ cho Đảng Cộng sản, Israel Epstein, người bạn lớn của bà Tống, từng nói: “Tống Khánh Linh đại diện cho Trung Hoa hiện đại… [Bà] tham dự trực tiếp vào mọi giai đoạn của cuộc cách mạng Trung Quốc.”
Trong cuốn tiểu sử viết hồi 1993, “Người phụ nữ của Lịch sử Thế giới: Tống Khánh Linh”, Epstein mô tả bà sở hữu “cách suy nghĩ của chủ nghĩa quốc tế và đa văn hoá” hiếm hoi kết hợp với lòng yêu nước.
Lòng yêu nước là “cội rễ mạnh mẽ và bất diệt trong bà… không chỉ được phản ánh trong quan điểm chính trị và hành động của bà mà còn hiện diện trong toàn bộ suy nghĩ, con người bà”.
Giấc mộng Trung Hoa
Là con gái của một nhà truyền giáo đồng thời là ông chủ nhà xuất bản chuyên bán Kinh Thánh, bà Tống sinh năm 1893 tại Thượng Hải.
Ông Charlie Tống Gia Thụ, cha bà, đã có nhiều năm được đào tạo tại Hoa Kỳ để trở thành nhà truyền giáo trước khi trở về nước quảng bá Thiên chúa giáo.
Năm 1890, ông bắt đầu mở nhà in ở Thượng Hải, chuyên in Kinh Thánh bằng tiếng Trung bình dân và trở nên giàu có.
Đế chế kinh doanh của ông đã nhanh chóng phát triển sang cả lĩnh vực thực phẩm và may mặc.
Là người con thứ hai trong gia đình có sáu con, bà Tống cũng giống như các chị em trong nhà, được hưởng nền giáo dục cả ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thành thạo tiếng Anh, bà theo học trường Wesleyan College tại bang Georgia và lấy tên thánh là Rosamond.
Nguồn hình ảnh, Getty
Chụp lại hình ảnh,
Bà Tống Khánh Linh tự mình có các nỗ lực chống lại cuộc xâm lược của nguời Nhật và tham gia chương trình phát thanh của Tiếng nói Trung Quốc
Khi Cộng hoà Trung Hoa được tuyên bố ra đời, chấm dứt hơn 2.000 năm phong kiến, bà Tống vẫn đang theo học tại Hoa Kỳ. Bạn bè đã chứng kiến cảnh bà gỡ các dòng chữ ca tụng hoàng đế Trung Hoa trên các bức tường phòng mình xuống và thay vào đó bằng lá cờ Cộng hoà của Tôn Dật Tiên.
Việc được giáo dục ở nước ngoài đã có ảnh hưởng to lớn tới bà. Cương quyết không chấp nhận việc hôn nhân sắp đặt (điều sau này, kể từ thập niên 1950, đã bị Mao Trạch Đông cấm hẳn), bà quyết chỉ kết hôn với người tự mình lựa chọn.
Trở về Á châu, bà trở thành thư ký riêng của Tôn Dật Tiên.
Khi bà tuyên bố bà sẽ trở thành vợ của Tôn tiên sinh, cha mẹ bà đã thất kinh. Không phải chỉ bởi ông Tôn lớn hơn bà gần ba chục tuổi, mà bởi ông đã có vợ và ba con. Việc chấp nhận thân phận “vợ lẽ” là điều khó chấp nhận đối với gia đình vốn tuân theo các giá trị Thiên chúa giáo.
Bà Tống phớt lờ sự lo lắng của cha mẹ và kết hôn với ông Tôn Dật Tiên vào năm 1915.
Trẻ hơn, giàu có hơn, và có những lúc cảm thấy tức giận về sự thiếu vệ sinh của chồng, nhưng bà Tống đã trở thành người tâm giao của ông Tôn, nhà cách mạng vốn xuất thân trong gia đình nông dân.
Trong kỷ nguyên rất nhiều phụ nữ Trung Quốc danh giá vẫn bị giữ trong cảnh trướng rủ màn che, bà cũng trở thành một nhân vật chính trị nổi trội. Trong cuối tiểu sử Tôn Dật Tiên Phu Nhân, Jung Chang và Jon Halliday viết rằng bà Tống đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới xử sự như một “Đệ nhất Phu nhân”.
Vào đầu thập niên 1920, bà Tống đã có các sáng kiến như cho tìm hiểu về điều kiện làm việc tồi tàn của các nữ công nhân trong các nhà máy, thành lập các câu lạc bộ phụ nữ và tiến tới thành lập Viện Đào tạo Chính trị Phụ nữ.
Cùng với việc giúp đỡ các phụ nữ chạy trốn cuộc hôn nhân sắp đặt, viện này khuếch trương quan điểm phụ nữ cũng giống như nam giới, phải được tham dự vào tương lai chính trị Trung Quốc và do đó phải được hưởng nền giáo dục tương đương nam giới.
Phụ nữ Trung Quốc, về sau này bà viết, phải được cởi trói khỏi ba mối ràng buộc cổ hủ: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.
Tuy nhiên, trong lúc vận động mạnh mẽ cho quyền của phụ nữ thì bà Tống cũng tin rằng phụ nữ cần phải trải qua quá trình chuyển biến cùng toàn xã hội.
Năm 1942, bà nói: “Từ lúc ban đầu, phụ nữ chúng ta đã chiến đấu không phải dưới danh nghĩa nữ quyền mà là một phần trong cuộc đấu tranh dân chủ nói chung.”
Một khía cạnh cải cách xã hội là vấn đề trang phục. Trong thời phong kiến Trung Hoa, đàn ông cạo đầu, để tóc đuôi sam.
Tuy nhiên, Tôn Dật Tiên mặc bộ đồ đại cán pha trộn giữa phong cách phương Tây với nét truyền thống Trung Quốc, trang phục được biết đến với tên gọi bộ đồ Tôn Trung Sơn, và sau là bộ đồ Mao. Tương tự, bà Tống cũng kết hợp phong cách châu Âu với Trung Hoa, thể hiện một nước Trung Quốc mới, thay đổi trong suy nghĩ và có thể ngẩng cao đầu trước phương Tây.
Mối quan hệ chị em kỳ lạ
Tuy nhiên, quyền lực đi cùng với việc phải trả giá.
Bị buộc phải trốn chạy khỏi cuộc đảo chính quân sự năm 1922, bà Tống bị sảy thai đứa con với ông Tôn (về sau, bà nhận hai người con gái nuôi).
Gia tộc họ Tống cũng bị chia rẽ sâu sắc. Trong cuộc nội chiến Trung Quốc, bà Khánh Linh vốn có thiện cảm với Đảng Cộng sản đã trở nên xa cách với em gái Mỹ Linh, phu nhân của Tưởng Giới Thạch, người đối đầu với Đảng Cộng sản.
Năm 1927, là năm Tống Mỹ Linh kết hôn, Tưởng Giới Thạch đã tiến hành một cuộc thảm sát dã man người Cộng sản trên toàn quốc.
Tuy Tưởng từng là đồng minh thân cận của Tôn Dật Tiên và trở thành lãnh đạo của Cộng hoà Trung Hoa sau khi Tôn tiên sinh qua đời, nhưng bà Tống đã rất kinh sợ. Bà lên án các vụ tấn công và quay lưng lại với Quốc dân đảng, rồi đứng lên dẫn dắt chiến dịch chính trị bền bỉ chống lại người em rể.
Nguồn hình ảnh, Getty
Chụp lại hình ảnh,
Tuy khác biệt về quan điểm chính trị nhưng ba chị em nhà họ Tống đã có thời gian ngắn ngủi sát cánh bên nhau trong thời gian Đại chiến Thế giới thứ hai
Em gái bà là Mỹ Linh, nổi tiếng xinh đẹp, quyến rũ, lại có những quan điểm khác về việc định hình tương lai Trung Quốc.
Năm 1934, bà Mỹ Linh cùng chồng phát động Phong trào Tân Sinh nhằm chặn việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản.
Bà Mỹ Linh đã giành được thiện cảm của công chúng Mỹ và trở thành người phụ nữ thứ hai được phát biểu trước phiên họp lưỡng viện Hoa Kỳ. Tại đây, bà đã xin được hỗ trợ trong cuộc chiến Trung-Nhật, khiến bà được đưa vào danh sách một trong 10 người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ.
Trong thời gian diễn ra Đại chiến Thế giới thứ hai, chị em nhà họ Tống đã có một thời gian ngắn đoàn tụ bên nhau, khi họ cùng điều hành các bệnh viện và các chiến dịch vận động văn hoá. Đó là thời gian Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng cùng bỏ đi những khác biệt để cùng chống lại kẻ thù chung, người Nhật.
Tuy nhiên, sau chiến thắng của Mao Trạch Đông hồi 1949, Mỹ Linh cùng chồng đã bỏ chạy sang Đài Loan, nơi ông Tưởng thành lập một tân chính phủ. Từ đó, chị em họ đã trở nên lạnh nhạt với nhau mãi mãi.
Năm 1938, sau khi Chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ, bà Tống thành lập Liên đoàn Phòng vệ Trung Hoa, sau đổi tên thành Viện Phúc lợi Trung Hoa, nhằm chăm sóc phúc lợi và sức khoẻ trẻ em, nhất là ở các vùng do Đảng Cộng sản kiểm soát.
Khi Đảng Cộng sản giành chiến thắng hồi năm 1949, thành lập ra Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, bà Tống được trao vị trí Phó chủ tịch của nhà nước non trẻ vừa ra đời. Năm 1951, bà được trao giải Hoà bình Stalin.
Năm 1959, bà trở thành một trong hai phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, một chức vụ chỉ đứng sau Mao Trạch Đông.
Nếu như bà Mỹ Linh tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho Đài Loan, thì bà Khánh Linh cũng tìm cách làm thay đổi nhận thức của phương Tây đối với Trung Quốc.
Năm 1952, bà thành lập tạp chí Trung Quốc Tái Thiết (nay là Trung Hoa Ngày Nay), phát đi tin tức về đất nước mình bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác.
Các bài viết của bà đã được tổng hợp và đăng hồi thập niên 1950, “Cuộc đấu tranh của nước Trung Hoa mới”.
Khi bà qua đời vào năm 1981 ở tuổi 90, chính phủ Trung Quốc đã ca ngợi bà là “một chiến sỹ ái quốc, một nhà dân chủ theo chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa Cộng sản vĩ đại, và là một lãnh tụ kiệt xuất của nhà nước Trung Quốc.”
Chỉ vài tuần trước đó, bà được trao tặng danh hiệu Chủ tịch Danh dự của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, và lần đầu tiên trở thành đảng viên Đảng Cộng sản.
Bà Tống Mỹ Linh lại đi theo con đường khác.
Bà Tống Khánh Linh đã phải chịu đựng nhiều điều tồi tệ và bị công khai chỉ trích trong thời Cách mạng Văn hoá 1966-1976.
Về phần mình, bà Tống Mỹ Linh trở thành goá phụ sau cái chết của ông Tưởng Giới Thạch năm 1975.
Bà đã chuyển tới New York sống ẩn dật trong một căn hộ sang trọng ở Manhattan cho tới khi qua đời hồi năm 2003, thọ 105 tuổi. Khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush đã ca tụng bà là một người “thông minh”, “một tính cách mạnh mẽ” và là một người bạn thân thiết của nước Mỹ.
Với bà Khánh Linh thì Trung Quốc chứ không phải Hoa Kỳ mới là quốc gia ca tụng.
Sau khi bà qua đời, lễ quốc tang ba ngày được tuyên bố tổ chức tại Trung Quốc, và quốc kỳ tại tất cả các toà đại sứ Trung Quốc trên thế giới đều được hạ lưng chừng để tưởng nhớ người phụ nữ “gần như là vị thánh của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đại”.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên
BBC Culture.