“Một nền văn học lớn phải có nền phê bình lớn”
Nhà thơ Hữu Việt (HV): Ở tuổi 80, nhìn lại cuộc đời hoạt động văn nghệ, ông thấy danh xưng nào đúng với mình nhất?
Nhà văn Phan Hồng Giang (PHG): Tôi có hơn nửa thế kỷ làm việc trên nhiều lĩnh vực: phê bình văn học, biên tập xuất bản, báo chí, dịch thuật, đối ngoại văn hóa, nghiên cứu văn hóa… Giai đoạn cuối chủ yếu làm nghiên cứu, nên danh xưng thích hợp nhất với tôi là người nghiên cứu văn hóa; những cái khác chỉ là công việc thời trẻ của tôi thôi.
HV: Được biết, khi còn là Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia và cả sau khi nghỉ quản lý, ông đã tham gia soạn thảo văn kiện về chiến lược văn hóa. Đến lúc này, chiến lược văn hóa của chúng ta đã đạt được những gì và những gì chưa được như mong muốn?
PHG: Chiến lược phát triển văn hóa đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể: xây dựng con người, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước; xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển văn học nghệ thuật, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; xây dựng thể chế và các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Có nhiệm vụ làm tốt, có cái làm chưa tốt, riêng văn học nghệ thuật thì còn chưa có nhiều đỉnh cao…
HV: Người ta nói một nền văn học không phải do số đông làm nên, ngược lại, chỉ một vài cá nhân kiệt xuất mới có thể đại diện được cho nó… Ông có đồng ý với quan điểm này?
PHG: Hoàn toàn nhất trí. Dãy núi lớn nhờ có các ngọn núi cao. Trong văn chương rất cần phải có sự tinh lọc. Tiếc rằng, nhiều người viết còn ảo tưởng, không tự đánh giá được chính xác bản thân mình. Nhà thơ Chế Lan Viên từng có một vế đối rất buồn cười là: “Chắc tôn ông không bằng lép tôn tôi” để nói về cái bệnh đa số người viết không đánh giá đúng về mình.
HV: Vậy ai sẽ là người đánh giá đúng về người viết?
PHG: Theo tôi, có hai chuẩn để đánh giá, đó là người đọc và thời gian. Thời gian sàng lọc, giữ lại những gì tinh túy nhất; còn những cái không đạt thì độ dăm năm sau người đọc sẽ quên thôi.
HV: Nhưng nếu chỉ trông vào bạn đọc và thời gian thì độc giả phải chờ đợi lâu quá. Vai trò của các nhà phê bình trong việc đánh giá tác phẩm, định hướng thẩm mỹ ở đâu?
PHG: Giới phê bình vẫn nói vui là lâu nay chỉ được xem như bánh xe thứ năm của cỗ xe. Cần nói thêm rằng, bản thân phê bình hiện nay cũng chưa khẳng định được vị trí của mình trên cỗ xe đó. Một nền văn học lớn dứt khoát phải có một nền phê bình lớn. Thí dụ văn học Nga thế kỷ 19 có những tên tuổi lẫy lừng như Dostoyevsky, Turghenhiev, Puskin, Gogol… thì cũng phải có nhà phê bình như Belinsky định danh ra những chuẩn mực đánh giá. Thời kỳ văn học nào cũng cần có những ông Belinsky như vậy.
HV: Thưa ông, không phải nhà nước ta không coi trọng vai trò của lý luận, phê bình văn học. Rất nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề được tổ chức những năm qua, nhấn mạnh đến vai trò của nhà phê bình như người đồng hành thân thiết với tác giả, đánh giá, giải mã tác phẩm và hướng dẫn bạn đọc tiếp cận tác phẩm. Vậy tại sao phê bình văn học hôm nay vẫn bị đánh giá vừa thiếu lại vừa yếu…
PHG: Phê bình là một thể loại văn học. Mà các thể loại văn học đều đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh cộng với khát vọng sáng tạo. Phần lớn các nhà phê bình hiện nay đang làm công tác quảng bá (tác phẩm) trên báo chí là chính. Có vẻ như họ không đủ thời gian, nhiệt tình và cả tài năng nữa để đi sâu vào các vấn đề của văn học. Thứ nữa là viết phê bình cũng dễ mang vạ vào thân. Khen cũng có vấn đề chứ không chỉ chê đâu!
HV: Vì sao ông gần như từ bỏ công việc phê bình, chuyên tâm dịch văn học Nga?
PHG: Sau một vài thị phi mệt mỏi, tôi chuyển sang dịch vì nghĩ nó an toàn hơn phê bình. Làm phê bình, tôi nhận thấy văn chương của ta còn nhiều khiếm khuyết. Nếu nhà văn trong nước được đọc những tác phẩm xuất sắc của những bậc đại bút trên thế giới, chắc họ sẽ bớt viết theo lối đơn giản, minh họa và nền văn học của ta có thể nâng lên được. Chẳng hạn, sau khi đọc Paustovsky hay Tsekhov, chắc anh không thể viết như trước được nữa. Tác động tích cực của văn học dịch là ở chỗ đó nên tôi rất vui lòng tham gia công việc này.
HV: Trong các nhà văn Nga đã từng dịch, ông thích ai nhất?
PHG: Bunin. Sau đó đến Tsekhov, thứ ba là Paustovsky, còn Gamzatov tôi chỉ thấy ông ấy hóm hỉnh, vui vui…
HV: Là một dịch giả nổi tiếng làm say mê hàng triệu độc giả, ông có thể nói gì về công việc này?
PHG: Dịch văn học là một công việc không hề dễ dàng, cần phải có cả say mê và cảm hứng. Thí dụ tôi dịch Một mình với mùa thu của Paustovsky cực kỳ mệt nhọc, bỏ ra công sức gấp ba bốn lần các quyển khác, vì chữ nghĩa của ông kỹ lưỡng, được coi là đầu bảng về văn phong tiếng Nga. Dịch tác phẩm của ông giống như một sự hành hạ, nhưng là hành hạ sung sướng.
HV: Vừa rồi trên mạng xã hội xôn xao bàn về “tục thi”, mà tác giả là những tên tuổi lớn như Puskin, Yesenin… Là một chuyên gia về văn học Nga, ông có thể cho biết thực hư thế nào?
PHG: Tôi không biết việc này. Nhưng tôi nghĩ, đưa những điều tục tĩu vào văn học xem ra không hợp, nhất là với thơ. Ông Gamzatov nói một câu rất hay: Khi xuất hiện nhà thơ, thì thế giới mới xuất hiện. Thế giới vẫn tồn tại nhưng chưa là thế giới, chỉ khi con mắt nhà thơ nhìn vào cây cối, dòng sông, ngọn núi… thì thế giới mới hiện ra. Rất chuẩn. Vị trí của thơ ca cao cả, vĩ đại như thế chứ.
HV: Là tiến sĩ khoa học về văn học, xin hỏi ông một câu mà tôi đã từng hỏi nhiều người: Có thể dạy một người trở thành nhà văn được không?
PHG: Tôi thấy văn chương là một thứ bản năng, là năng khiếu bẩm sinh, có hoặc không có, chứ không ai dạy ai được. Ông Tsekhov đã nói với các nhà văn trẻ khi họ gửi thư nhờ ông dạy cách viết truyện ngắn như thế nào. “Cách duy nhất mà tôi có thể khuyên các vị là hãy viết khác tôi”. Đừng vì yêu tôi mà viết giống tôi. Đầu tiên anh phải viết khác tôi, tức phải là chính anh, cái này thì chẳng ai dạy được. Một câu khác của Tsekhov cũng rất hay: “Người ta không thể dạy người khác viết thế nào, may lắm chỉ có thể dạy không nên viết thế nào”. Ngoài ra, viết văn phải xuất phát từ nhu cầu tự thân, thứ mà người khác không thể cung cấp cho anh được, kể cả những ông thầy lớn.
HV: Giới trẻ bây giờ nhiều người nặng gánh mưu sinh. Làm sao “lôi” được những người trẻ có năng khiếu quyết định đi theo và gắn bó lâu dài với văn học?
PHG: Phải sống rồi mới viết, có thực mới vực được đạo, các cụ dạy rồi. Cái này tuy rất khó, nhưng không phải là tất cả. Chế Lan Viên 16 tuổi viết Điêu tàn; Nguyên Hồng cho in Bỉ vỏ năm 18 tuổi; Tế Hanh 20 tuổi được giải thưởng của Tự lực văn đoàn; Vũ Trọng Phụng mất năm 27 tuổi mà còn để lại hàng chục tiểu thuyết; Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam khi vừa vào tuổi 30… Lúc ấy họ cũng nghèo, thiếu, đói mà vẫn viết nên những tác phẩm để đời. Theo tôi, lý do quan trọng nhất là chưa có đủ tài năng thôi. Thí dụ, nếu Nguyễn Du không viết Truyện Kiều thì sẽ không có Truyện Kiều chứ không thể sẽ có một người khác viết thay Nguyễn Du được. Muốn viết văn trước hết phải có niềm say mê lớn. Điều chúng ta nên làm là khuyến khích người viết trẻ thông qua các cuộc thi, các giải thưởng văn học, để người nào ở lằn ranh giữa viết và không viết, được khích lệ, có thành công thì họ sẽ đi tiếp.
HV: Nhân đây xin hỏi ông, những giải thưởng văn chương gần đây sao bị kêu nhiều thế. Gần như giải nào cũng bị kêu…
PHG: Ban giám khảo nào thì giải thưởng ấy. Ngày xưa giải của Tự lực văn đoàn đều do những bậc nhất của văn chương nước nhà đánh giá, ai được để mắt tới coi như chép hóa rồng… Các giải thưởng gần đây không được đánh giá cao vì người chấm có khi còn dễ tính, nể nang.
HV: Hằng ngày ông vẫn làm các công việc liên quan đến văn chương?
PHG: Tôi vẫn đọc sách đều, thường xuyên lên mạng theo dõi tình hình văn học, dĩ nhiên theo mức độ của một người 80 tuổi.
HV: Hình như ông rất mê bóng đá?
PHG: Tôi có viết một bài phiếm đàm về bóng đá, được nhiều người thích. Ông GS Tương Lai gửi thư nói đùa rằng, sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp viết lách của ông để lấy bài viết ấy của tôi. Tôi thường nói với bà xã, chừng nào thấy tôi vẫn còn ham xem bóng đá thì cứ yên tâm, đến lúc tôi chán bóng đá rồi thì mới đáng lo.
HV: Nói một cách ngắn gọn thì bóng đá có gì hấp dẫn đến thế?
PHG: Nhà viết kịch Berton Brecht nói rằng chỉ mong có được 1/10 khán giả của một trận bóng đá xoàng đến xem kịch của ông. Không chỉ số lượng khán giả, mà tính đối kháng, xung đột, cá tính, nhân vật, niềm say mê và khát vọng chiến thắng… đều hiện hết ra trên sân bóng. Đó mới là điều Berton Brecht muốn.