“Xương của nắng” thêm giá trị cho thơ hiện đại

“Xương của nắng” thêm giá trị cho thơ hiện đại -0

Phóng viên (PV): Thưa dịch giả Phan Anh Sơn, với cuốn thơ “Xương của nắng” anh có gặp khó khăn gì trong quá trình dịch?

Dịch giả Phan Anh Sơn (PAS): Cuốn thơ này có độ khó riêng, ở lời thơ khác biệt, những suy tư cũng rất khác. Lần đầu tiên tôi đọc tác phẩm thơ kiểu như vậy. Tuy thách thức nhưng cũng lại rất thu hút tôi. Thơ của Sándor Halmosi ít vần điệu, mà ý tứ nhiều hơn, ở thể thơ tự do. Triết lý phát triển theo ý thơ, mỗi bài ngắn nhưng khó ở nhiều tầng, nhiều lớp nghĩa. Tôi cần dịch làm sao để bạn đọc Việt Nam vẫn có thể đọc bài thơ ngắn thôi mà khám phá được nhiều tầng nghĩa ấy. Có những bài cần đọc lần hai, lần ba,… mà mỗi lần đọc lại khám phá được một tầng nghĩa mới. Có bài thơ cần đọc một lần, rồi quên đi, để lần sau đọc lại mới có thể hiểu ra ý nghĩa sau lớp chữ ít ỏi. Có những câu thơ dài, cấu trúc câu phức tạp, thì dịch làm sao ra tiếng Việt không trúc trắc, khi đọc lên vẫn có nhịp điệu. Đây không phải thể loại thơ gieo vần, nhưng khi dịch phải dùng dấu câu, cách ngắt câu, câu trên và dưới có sự đối xứng nhau để tạo nên nhịp điệu thơ. Và quan trọng nhất là vẫn phải giữ được nhiều tầng nghĩa của bản gốc.

PV: Anh có ấn tượng gì với cách dùng từ của tác giả?

PAS: Nhà thơ Sándor Halmosi dùng từ rất khác biệt so thông thường. Đọc thơ anh, giống như ta xem tranh trường phái ấn tượng vậy, cái đẹp chính là sự gợi lên trong ta những suy tưởng sáng tạo. Câu chữ trong từng bài thơ khiến ta có thể hiểu bằng nhiều cách khác nhau, gợi lên trong ta những suy tư khác lạ và cứ thế phát triển ý nghĩa của câu thơ. Tôi cũng từng trao đổi trực tiếp với tác giả trong quá trình dịch thơ  và thấy ra sức mạnh gợi mở suy tưởng trong thơ ấy.

PV: Khi dịch thơ, được tiếp xúc trực tiếp với tác giả, thảo luận cùng tác giả, cho anh những cảm xúc và suy nghĩ thế nào về bản thân người thơ ấy?

PAS: Tôi có gặp nhà thơ Sándor Halmosi một số lần. Trong tập thơ tôi dịch xuất bản tại Việt Nam, ở lời mở đầu tôi có viết “Khi tác giả chính là thơ”, thì điều đó rất đúng với Sándor Halmosi. Cuộc sống, phong cách của anh ấy là thơ. Nhà thơ sống rất thật, viết và suy nghĩ rất thật, và anh thể hiện suy nghĩ của nhà thơ bằng hình thức này chứ không vì lý do nào từ bên ngoài. Chỉ bằng hình thức này thì tác giả mới bộc lộ mình nhiều nhất, chân thực nhất. Tôi có thể cảm nhận thơ đẹp, nhưng diễn giải ra sao cho đẹp như mình cảm nhận lại khó. Phải làm sao chuyển tải tính thơ, tính hiện đại và nhiều nghĩa đó. 

PV: Vậy thì thơ đó sẽ rất kén người đọc, nhất là người đọc Việt Nam?

PAS: Người đọc cảm nhận được hay đến đâu lại do phông văn hóa của họ. Tác giả sử dụng nhiều điển tích, người đọc cần có hiểu biết nhất định về văn hóa châu Âu nói chung và Hungary nói riêng mới có thể cảm nhận được. Nhưng hiện nay ở Việt Nam cũng đã có người theo phong trào thơ mới. Tôi tin với tập thơ này, cũng có thể mở ra cánh cửa cho những độc giả và bạn thơ đã thẩm được thể loại thơ mới. Họ đọc tập thơ “Xương của nắng”, nếu chấp nhận được, sau đó sẽ đọc các tập thơ khác nữa và sẽ cảm nhận được một vẻ đẹp khác của thơ, mà mình chưa quen. Âu cũng là sự đóng góp thêm để phong trào thơ mới, thơ hiện đại được công nhận và khẳng định giá trị.

PV: Việc dịch văn học có ý nghĩa như thế nào đối với anh? Thời gian tới, anh có kế hoạch gì mới trong việc dịch văn học?

PAS: Đó là cách để bồi dưỡng ngôn ngữ cho mình. Khi dịch “Xương của nắng”, có những từ mà tôi tra từ điển truyền thống không được, phải tra “từ điển Facebook”. Không gian mạng xã hội chứa đựng kho từ ngữ biến ảo, đổi mới sống động vô cùng. Nó cũng rèn cho tôi thói quen, là khi đọc một tác phẩm dịch nào đó, trong tôi luôn tự đặt câu hỏi, người ta dịch thế đã chuẩn chưa, nếu là mình thì mình dịch như thế nào? 

Tôi đang tập hợp những bài thơ nổi tiếng Hungary, khoảng hơn 60 bài, đó là những bài thơ thật sự chạm đến trái tim, để in thành tập, giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam. Trong năm 2022 tôi sẽ xuất bản tập thơ dịch đó.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

Rate this post