Phong trào Không liên kết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

 Phong trào Không liên kết (Non-Aligned Movement hay NAM) ra đời ngày 1-9-1961 tại Bengrát (Nam Tư trước đây) trong bối cảnh Chiến tranh lạnh đang diễn ra gay gắt cùng với sự phát triển rộng khắp của cao trào giải phóng dân tộc, khẳng định mạnh mẽ xu thế tập hợp lực lượng của các quốc gia độc lập non trẻ. Tôn chỉ mục đích hoạt động của Phong trào là đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, thủ tiêu chủ nghĩa thực dân cũ và mới theo năm nguyên tắc chỉ đạo: hòa bình, độc lập, phát triển, không liên kết và không tham gia khối, nhóm quân sự, chính trị. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phong trào Không liên kết đã có những đóng góp quan trọng trong đời sống chính trị thế giới, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập của các quốc gia, đấu tranh cho một trật tự kinh tế, chính trị công bằng, dân chủ và bình đẳng.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Phong trào Không liên kết từ tháng 9-1976 với nhiều hoạt động và đóng góp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết, phấn đấu thực hiện các mục tiêu của Phong trào và hiện vẫn đang tích cực phát huy vai trò của mình trong Phong trào.

Nhằm giới thiệu quá trình hình thành, phát triển, vai trò của Phong trào Không liên kết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Phong trào Không liên kết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của TS. Nguyễn Thị Thúy Hà. Nội dung cuốn sách được trình bày trong ba chương gồm:

Chương một: KHÁI QUÁT VỀ PHONG TRÀO KHÔNG LIÊN KẾT, giới thiệu về Phong trào Không liên kết trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và sự đóng góp của Phong trào trong đời sống chính trị quốc tế.

Chương hai: HOẠT ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO KHÔNG LIÊN KẾT TỪ NĂM 1991 ĐẾN NAY, chỉ rõ những nhân tố tác động đến Phong trào Không liên kết thời kỳ sau Chiến tranh lạnh cũng như tình hình hoạt động của Phong trào trong thời kỳ này.

Chương ba: TÁC ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO KHÔNG LIÊN KẾT THỜI KỲ SAU CHIẾN TRANH LẠNH VÀ XU HƯỚNG VẬN ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO, nêu bật những tác động chủ yếu của Phong trào Không liên kết đến quan hệ quốc tế thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, xu hướng vận động của phong trào và mối quan hệ và sự đóng góp của Việt Nam với Phong trào Không liên kết.

Đây là công trình nghiên cứu khoa học có giá trị và tâm huyết của tác giả. Hy vọng cuốn sách sẽ là một tài liệu nghiên cứu và tham khảo hữu ích đối với những độc giả đang quan tâm, muốn tìm hiểu và nghiên cứu về quan hệ quốc tế và vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Rate this post