Sách Khai Tâm – Tố Như thi – Nguyễn Du
Tố Như Nguyễn Tiên Điền ngoài những tác phẩm bằng quốc âm – Đoạn Trường Tân Thanh, Chiêu Hồn…. mà ai ai cũng được biết, còn để lại cho chúng ta ba tập thơ chữ Hán:
Thanh Hiên Tiền Hậu Tập
Nam Trung Tạp Ngâm
Bắc Hành Tạp Lục
Thanh Hiên Tiền Hậu Tập gồm những bài thơ làm ở Đàng Ngoài, từ lúc chạy đến Quỳnh Côi lánh nạn Tây Sơn đến khi ra làm quan cùng nhà Nguyễn tại Bắc Hà, tức là trong khoảng 1786-1804.
Nam Trung Tạp Ngâm gồm những bài thơ ở Đàng Trong, lúc vào làm quan ở Thuận Hóa và Quảng Bình, tức trong khoảng 1805-1812.
Bắc Hành Tạp Lục gồm những bài làm trong thời kỳ đi sứ sang Trung Quốc, tức từ mùa xuân năm 1813 đến mùa xuân năm 1814.
Ba tập thơ này, sau khi chữ Hán cáo chung, bị tán lạc hầu hết. Trong các thư viện lớn ở Hà Nội,Huế, Sài Gòn cũng như trong họ Nguyễn TIên Điền, không nơi nào có đủ trọn bộ.
Thời tiền chiến có nhiều học giả như Bùi Kỷ, Lê Thước, Đào Duy Anh…ra công sức sưu tập được một phần lớn, nhưng mới diễn dịch một số lẻ tẻ đăng tải trên các sách báo mà thôi. Phần đông chúng ta có được đọc chăng, chắc cũng chỉ đọc những bài đăng ở Nam Phong tạp chí năm 1931, ở TRUYỆN CỤ NGUYỄN DU của Lê Thước và Phan Sỹ Bàng xuất bản năm 1924, ở NGUYỄN DU VĂN HỌA PHỔ của Đào Duy Anh xuất bản năm 1942,…
Từ ngày đất nước bị qua phân, ở Nam cũng như ở Trung, chưa thấy nhà học giả nào công bố những phát kiến mới.
Năm 1966 bạn THI VŨ ở Pháp gởi về cho tôi 245 bài đã sao được trong Thư viện Ba Lê. Phần nhiều là thơ Thất Ngôn Luật. Thanh Hiên 75 bài, Nam Trung 40 bài, Bắc Hành 130 bài.
Chưa phải tất cả thơ trong ba tập.
Nhưng với số thơ ấy, nếu xem cho kỹ, người đọc có thể nhìn thấy được chân diện mục của Tố Như, Bởi cũng như các thi nhân chân chính, Tố Như làm thơ không phải để phấn sức tài ba trong nhất thời, mà để gởi tâm sự vào thiên cổ. Mỗi bài thơ là một mảnh lòng. Ngay những bài thơ tức cảnh, tức sự, vịnh sử, vịnh vật…, không bài nào là thơ ngâm vịnh thuần túy, mà tất cả đều có ký thác tâm sự hoặc phát biểu ý chí tánh tình.
Thơ trong Thanh Hiên và Nam Trung phản ảnh nhiều về cảnh ngộ và tâm sự.
Thơ trong Bắc Hành biểu lộ một cách rõ ràng ý chí và tư tưởng.
Sắc thái xã hội đương thời cũng in đậm nét thơ.
Giá trị văn chương cũng rất cao lớn.
Tôi muốn phiên dịch tất cả ra quốc văn và công bố cho nhiều người được biết.
Nhưng lực bất tùng tâm.
Nên đành tạm lựa một số bài tiêu biểu, cống hiến cho các bạn muốn đọc thơ chữ Hán của Tố Như mà chưa tìm thấy, hoặc tìm thấy quá ít chưa mấy thỏa lòng.
Chữ nghĩa vốn vô cùng, sức người lại hữu hạn. Thêm cặm cụi một mình trong nơi cô lậu. Gặp những điểm khó, không biết hỏi ai. Gặp những chỗ bí, không biết tìm đâu. Cho nên mặc dù hết sức hết lòng, công việc làm cũng không thể nào chu đáo được. Rất mong bạn đọc lượng tình mà thể tất và thỉnh cầu các bậc cao minh chỉ giáo cho những sai sót lỗi lầm. Được như vậy, tôi rất cảm ơn, và nhìn bóng tháng ngày qua, lòng cũng được phần an ủi.
Nha Trang, ngày 22-11 Kỷ Dậu (30-12-69)
QUÁCH TẤN
(Theo LỜI THƯA đầu sách)