Cô gái gen Z ‘khóc Tố Như’
Cô gái đó là họa sĩ trẻ Trần Mỹ Ngọc, 25 tuổi. Artbook “Ký mộng” là cuốn sách đầu tay của cô, khởi đầu là dự án tốt nghiệp tại Đại học Kiến trúc TP.HCM.
Xưa kia đại thi hào Nguyễn Du từng đau đáu: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa / Người đời ai khóc Tố Như chăng?”. Nhưng chẳng cần đợi đến 300 năm, một cô gái thuộc gen Z vừa có câu trả lời gửi đến cụ Tố Như bằng artbook Ký mộng do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Họa sĩ trẻ Niayu (tên thật là Trần Mỹ Ngọc, 25 tuổi, hiện sống và làm việc tại TP.HCM). Artbook Ký mộng là cuốn sách đầu tay của Mỹ Ngọc, khởi đầu là dự án tốt nghiệp tại khoa Thiết kế đồ họa, Đại học Kiến trúc TP.HCM. Sau đó, từ lời mời hợp tác của Nhà xuất bản Kim Đồng, cô đã phát triển thành cuốn sách đẹp và trang trọng như hiện tại.
Trần Mỹ Ngọc trong chương trình ra mắt artbook Ký mộng tại đường sách TP.HCM.
Cuốn sách chỉ dày 70 trang, tập hợp những áng thơ từ các tác phẩm của Nguyễn Du như: Ký mộng, Độc Tiểu Thanh ký, Dương Phi cố lý, Long Thành cầm giả ca, Văn tế thập loại chúng sinh (trích), cùng một số đoạn trích từ thi phẩm Truyện Kiều.
Dựa trên nền tảng ngôn ngữ tuyệt kỹ của Nguyễn Du, Trần Mỹ Ngọc đã tái tạo thành những hình ảnh độc đáo. Nhờ đó, người đọc có cơ hội một lần nữa thưởng thức những vần thơ trác tuyệt lồng trong các bức họa tinh tế, pha trộn giữa cổ điển và hiện đại.
Theo chia sẻ của Mỹ Ngọc, cô mất khoảng 3-4 tháng để hoàn thiện Ký mộng. Khi mới bắt đầu, Mỹ Ngọc chỉ vẽ theo cảm xúc nhất thời, là đồ án mang tính chất cá nhân nên không cảm nhận quá nhiều áp lực. Nhưng khi trở thành một ấn phẩm ra mắt trước công chúng thì áp lực bắt đầu xuất hiện.
“Mỗi người đều có cảm nhận riêng của mình về một tác phẩm hay con người nào đó. Chưa kể, Nguyễn Du còn là một danh nhân văn hóa lớn. Chính vì vậy, việc thể hiện những cảm nhận của cá nhân sao cho mọi người cũng đồng cảm là một áp lực khá lớn”, Mỹ Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó là áp lực về cách thể hiện những nhân vật trong thơ Nguyễn Du, bối cảnh cũng như trang phục. Mỹ Ngọc lý giải: “Tôi muốn thể hiện chất Việt mà mình cảm nhận được qua văn phong của Nguyễn Du, nhưng đồng thời cũng có những phóng tác nhất định để phù hợp với ý thơ”.
Dù vẽ minh họa theo thể thức hiện đại, Mỹ Ngọc nói cô vẫn muốn thể hiện nét truyền thống và bản sắc Việt Nam. Phải làm sao để hòa hợp những chất liệu này với nhau mà không khiến chúng bị hỗn loạn là một thử thách khá lớn. Và lối ra cho bài toán này chính là sử dụng kỹ thuật số làm chất liệu thể hiện, kết hợp với các phong cách mỹ thuật cổ điển, chủ yếu nhất từ hai chất liệu sơn mài và thủy mặc.
“Tôi chọn lấy cảm hứng từ hai chất liệu này để thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, hợp với sắc thái những dòng thơ cổ điển của Nguyễn Du”, Mỹ Ngọc chia sẻ.
Bìa cuốn artbook Ký mộng. Ảnh: K.Đ.
Cầm trên tay artbook Ký mộng, Thanh Hương (sinh viên năm thứ hai, Đại học Văn hóa TP.HCM) không giấu được niềm vui: “Tôi thực sự bất ngờ và choáng ngợp trước những hình ảnh đẹp được phóng tác từ những áng thơ của Nguyễn Du. Tôi nghĩ là cả tôi và nhiều người nữa hoàn toàn bị chinh phục bởi Ký mộng. Đây sẽ là nguồn cảm hứng để tôi và mọi người tìm hiểu các tác phẩm của Nguyễn Du nhiều hơn”.
Khi Nguyễn Du mất đi, cuộc đời cũng như các tác phẩm của ông cho đến bây giờ vẫn là nguồn cảm hứng dồi dào để hậu thế sáng tạo. Trước artbook Ký mộng, có nhiều tác phẩm đã được ra mắt dựa trên nguồn cảm hứng này, từ sân khấu, điện ảnh, hội họa đến văn học.
Đây chính là áp lực cho những người đi sau khi muốn tạo ra một tác phẩm của riêng mình. Và Trần Mỹ Ngọc cũng không tránh khỏi điều đó.
Ngọc tâm sự cô gặp phải áp lực bởi nhiều cái bóng đi trước và tìm những hướng đi không bị trùng lặp, vẫn thể hiện được hồn thơ Nguyễn Du nhưng phải có gì đó thật mới mẻ.
Là gương mặt thuộc thế hệ gen Z, sống cách thời đại của Nguyễn Du đến 2 thế kỷ, nhưng với Mỹ Ngọc, việc tìm hiểu, đồng cảm với thi hào cũng như các tác phẩm của ông không gặp phải rào cản nào.
Theo cô, Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc, tấm lòng cao cả của ông thể hiện qua nhiều tác phẩm với tư tưởng xót thương cho thân phận con người, bất kể sắc tộc, thân phận sang hèn… là một tư tưởng rất vĩ đại và rất mới với thời đại của ông. Và vì lẽ đó, những giá trị nhân đạo trong tác phẩm của Nguyễn Du vẫn còn mãi đến ngày nay.
Ký mộng được đánh giá cao, xứng đáng là ấn phẩm độc đáo, khác biệt có mặt trong tủ sách của những người yêu Nguyễn Du cũng như các tác phẩm của ông, nhưng Trần Mỹ Ngọc nói càng đào sâu và có thêm tài liệu để hoàn thành ấn phẩm chỉn chu hơn thì cô càng cảm thấy mình làm chưa đủ tốt.
“Nhưng tôi đã cố gắng và bỏ nhiều tâm huyết nhất để mang Ký mộng tới độc giả. Hy vọng dự án này có thể mang đến cho người xem một trải nghiệm mới mẻ dù nó chưa thực sự hoàn hảo và còn nhiều thiếu sót”, Ngọc bày tỏ.