Sách Khai Tâm – ĐI TÌM NHÂN VẬT – Tạ Duy Anh
ĐI TÌM NHÂN VẬT là một tác phẩm hư cấu với những sự việc diễn biến trong một thời gian và ở một không gian hoàn toàn không xác định. Tác phẩm mở đầu bằng ý đồ của một nhân vật muốn thu góp từ các nhân chứng những sự việc liên quan tới một vụ án mạng vừa xẩy ra.
Hành vi cụ thể với giới hạn rõ ràng đó, dưới ngòi bút Tạ Duy Anh, đã mở ra một vùng trời mênh mông, đưa người đọc tiếp cận với hàng loạt vấn đề sinh tử của con người, kể cả vấn đề gai góc nhất là ý nghĩa của sự sống. Cuộc truy tầm thủ phạm đâm chết một thằng bé đánh giầy vô danh vất vưởng bên hè phố trở thành cuộc truy tầm thủ phạm bóp chết cuộc sống của cả một dân tộc – thậm chí là truy tầm thủ phạm bóp chết cuộc sống của con người trong cái thời đại vẫn được biểu dương là thời đại của ánh sáng trí tuệ hiện nay.
Tạ Duy Anh không gợi nhắc qua lý lẽ mà bằng những sự việc, cảnh ngộ, tai ương, tâm trạng… gắn liền với từng con người lọc lựa từ cuộc sống bi thảm đượm đầy chua cay và cũng không thiếu tính hài hước của xã hội Việt Nam suốt thế kỷ qua. Tác giả dẫn người đọc bước vào một cuộc sống ngột ngạt, nhầy nhụa và nhố nhăng, trong đó con người luôn bị buộc phải đứng trước lựa chọn duy nhất: Bán linh hồn để giữ thể xác hoặc ngược lại.
Bản năng ham sống đã đẩy con người tới thế sẵn sàng chối bỏ chính linh hồn mình và từ đó mọi nhơ nhuốc, mọi sa đoạ đã trở thành những hình ảnh huy hoàng được tô vẽ bằng các màu sắc rực rỡ nhất do thuộc tính dối trá, gian ác và đê tiện vẫn tiềm ẩn nơi mỗi con người. Quá trình vong thân vì sợ hãi, vì ngu dốt đã biến con người từ nạn nhân của tha nhân và thời thế thành nạn nhân của chính mình .
Bởi vì “lừa dối trở thành phương tiện đạt mục đích và được sự cổ vũ của dốt nát” để cuối cùng tạo ra một khối liên minh – lừa dối và dốt nát – với uy thế của một thiết chế quyền lực chi phối con người theo cái hướng bưng bít sự thực và lập tức đưa lên giàn hoả thiêu mọi kẻ hoài nghi thứ chân lý mà liên minh này đã ban phát. Kết quả tất yếu của thực tế này là một cuộc sống, trong đó “cái thiện bị nhân danh và trở thành thảm hại trước cái ác”.
Khi cuộc sống đó tiếp tục theo năm tháng đủ để tạo nên những thói quen, hình thành một nếp sống thì con người không chỉ còn là diễn viên trong màn kịch che giấu chân tướng mà đã hóa thân thành một bày lũ cuồng tín những cái thiện bị nhân danh để tự trở nên một loại Satan lần đầu có mặt bằng xương bằng thịt rõ ràng – vì từ thuở nào Satan vẫn chỉ đơn thuần là một ý niệm.
Thế giới tiểu thuyết Tạ Duy Anh không chỉ có sự sa đoạ dục tình dưới bộ áo giả dối của Tartuffe, không chỉ có những quật quã cá nhân dưới đáy vực đạo lý suy đồi của Raskolnikov hay Karamazov, không chỉ có thái độ khước từ bướng bỉnh phảng phất nét hồn nhiên của nhân vật thần thoại Protee mà chính là những vết hằn nhức nhối ghi lại tình trạng đổ vỡ toàn diện vô phương cứu vãn của cuộc sống. Đó là cái thế giới mà trong đó con người phải tuân hành tuyệt đối những đòi hỏi đoạn tuyệt với chính mình, phải thực sự biến thành một loại bột sẵn sàng chịu nhào nặn cho phù hợp với một khuôn mẫu do các cơ chế quyền lực đúc sẵn. Đó là cái thế giới không tồn tại tình ruột thịt, không chấp nhận cảm nghĩ hay ước vọng riêng tư và tình yêu không còn đất sống dưới sự khống chế của hận thù, chém giết – vì dường như không lúc nào người ta không thể tụ họp để cùng đem một kẻ nào đó ra “ăn sống nuốt tươi”.
Lần theo nhân vật của Tạ Duy Anh, người đọc khó tránh tâm trạng hoảng loạn do cái không khí âm u đe dọa luôn bao trùm các ngả đường tối tăm mù mịt. Cảm giác bơ vơ cô độc hoà trộn với những khắc khoải vì các nỗi niềm riêng, rồi sự băn khoăn ngờ vực dâng lên như thác lũ với hàng loạt câu hỏi hoàn toàn bế tắc về từng bước đi, từng cử chỉ, từng lời nói của chính bản thân để cuối cùng là cảnh huống chìm nghẹt trong tâm trạng ghê tởm và phẫn nộ.
Ngòi bút Tạ Duy Anh luôn chĩa ra trăm ngàn mũi nhọn thọc sâu vào tận đáy tim người đọc nỗi đau cùng tột. Từng dòng từng chữ như đồng loạt hét lên tiếng hét thất thanh của con người đang bị chôn sống, bị băm vằm.
– Em không đi đâu ra khỏi đây à?
– Anh bảo em nên đi đâu, (nàng cười bẽ bàng) khi mà chỉ có một lối hợp với em, ấy là xuống địa ngục.
– Chỗ người bà con nào đó chẳng hạn?
– Em chỉ có một người bà con, ấy là quỷ Satan.
Đó là lời đối đáp giữa một đôi trai gái đang thầm yêu nhau. Và sau đây là đoạn đối đáp giữa hai anh em song sinh khi người anh sợ người em tìm gặp sẽ khiến bại lộ việc phủ lấp lý lịch của mình:
– Phải biết sợ mới thành người được chú ạ. Có cả ngàn thứ đáng sợ: Tai mắt ở đời toàn loại tai mắt rắn độc cả đấy? Kinh khủng lắm chú ơi! Rồi còn mật vụ, cảnh sát, guồng máy quyền lực luôn luôn đói khát. Nó có thể nghiền nát tôi và chú thành một thứ bùn rồi nếu cần nặn lại thành chó, thành chuột, thành bọ chét, thành giun dế… Chú có ở cạnh con quái vật ấy đâu mà biết nó đáng sợ như thế nào. Chúng ta chỉ là bánh xe, là đinh ốc thôi, bất cứ lúc nào cũng có thể ra sọt rác hoặc vào lò nung để đúc lưỡi cày, đúc nòng súng. Nhưng đấy là chân lý đang ngự trị, liệu tôi và chú có thể thay đổi được gì? Chú có hiểu điều tôi nói không?
– Tôi có được học hành gì đâu mà hiểu, toàn bộ kiến thức của tôi chỉ đủ cho tôi gí buồi vào những thứ bác vừa kể.
– Chú cứ gí buồi đi, vào giữa mặt tôi đây này. Nhưng xin chú, (tôi quỳ xuống) xin chú, vì tình con người mà buông tha cho tôi.
Cuộc đối đáp giữa hai kẻ lang thang gặp nhau trên đường phố cũng vẽ ra một khía cạnh không kém bi hài:
– Thôi, em chuyện tếu cho vui chứ biết tin vào cái gì bây giờ (gã lấm lét nhìn tôi). Bây giờ chuyện thật là bịa còn chuyện bịa thì là thật. Em cũng chịu không biết chuyện nào mình bịa, chuyện nào có thật. Đại loại bịa mãi thành thật. Còn thật mà kể mãi thì thành bịa.
– Nhưng phải có cái gì không bịa chứ?
– Ông anh cho em thấy ngay thứ ấy đi.
– Chẳng hạn cái mặt tao, cái mặt mày?
– Mặt ông anh thì còn phải xét, chứ mặt em thì bịa một trăm phần trăm. Làm gì còn của thật. Vả lại, chỉ đáng tin vào cái gì bịa ra thôi.
Trên đoạn đường phố ấy còn cất lên lời lẽ của một bà già bán xôi:
– Mời chú xơi quà!
– Cám ơn bà, tôi không đói.
Bà già rít nước dãi trở vào, nói:
– Quái lạ? Ai cũng bảo không đói. Không ai đói mà ở đâu đâu cũng nghe chuyện cướp giật, ăn cắp, giết người…
Các lời lẽ đó không do người viết tạo ra từ một nỗ lực cường điệu hóa mà chính là lời lẽ thường ngày từ thực tế xã hội Việt Nam ở thời điểm hiện nay với những hoạt cảnh không thiếu gì nơi diễn ra những trò ô uế lại vô cùng sang trọng. Từ cuộc sống đó, kẻ còn loé lên một đốm sáng lương tâm đã ghi lại trong nhật ký của mình những dòng chữ sau: “Tôi không biết mình viết lại những dòng này cho ai và để làm gì? Chỉ biết rằng đó là cách duy nhất giúp tôi đoạn tuyệt với phương pháp từng thất bại nhiều lần: Tìm một cái chết. Tôi không nghĩ mình đã gột rửa được lương tâm mình. Nhưng ít ra tôi cảm thấy mình đã có cái để chống lại sự kính trọng mà người đời mù quáng dành cho tôi. Bởi vì sự kính trọng ấy, chính là hình phạt khủng khiếp nhất giáng lên đời tôi. Chính nó đã tước của tôi khả năng cuối cùng nói ra sự thật. Tôi biết có nhiều người như tôi, không được quyền nói ra sự thật của đời mình. Bởi vì xóa bỏ trong ký ức người khác một thần tượng, còn báng bổ hơn cả việc lừa dối họ. Họ cần sự lừa dối như kẻ đi giữa sa mạc cần ảo ảnh về một con suối. Do đó, lịch sử thường không bao giờ đúng như bản thân lịch sử…”
Còn đây là cuộc đối đáp giữa hai người cầm bút:
– Tôi sợ phải đối mặt với sự thật. Giả dụ nếu cụ, ông, bố tôi từng giết người và việc các vị bị giết chỉ là báo ứng của số phận, thì sao? Tôi sẽ chạy trốn vào đâu? Lịch sử nhiều khi nham hiểm lắm!
– Hẳn là thế!
Ông Bân gật gù:
– Tôi cũng nghĩ như anh là không nên hiểu quá kỹ về lịch sử. Nó là chiếc bình quý nhưng đừng có thò tay vào bởi rất có thể một con rắn nào đó sẽ đớp cho anh một phát. Vả lại, bản thân nó chỉ thiêng liêng khi tù mù…
Lạc hướng, mất niềm tin, vô tư cách là những nét xuống cấp nhẹ nhất của con người trong thế giới tiểu thuyết Tạ Duy Anh – vì kẻ thắng ở đây chỉ là ác quỷ và sự lừa dối.
Những năm qua, người đọc đã hơn một lần đối diện với bức chân dung Việt Nam được ghi nhận từ nhiều góc độ. Với Dương Thu Hương là thảm cảnh đày đoạ do một cuộc chiến thúc đẩy bởi sự lường gạt. Với Vũ Thư Hiên là sự dãy dụa giữa những thủ đoạn độc ác và xảo trá của một cơ chế thống trị tham tàn. Với Bùi Ngọc Tấn là gông cùm của tù ngục vốn đã trở thành thứ quen thuộc với những con người bình thường. Với Văn Quang là sự tan rã đương nhiên của đạo lý dưới sức tàn phá của nghèo đói, bất công …
Tạ Duy Anh góp thêm vào đó một bức chân dung nữa, nhưng từ góc nhìn hoàn toàn cách biệt. Khác với tất cả các tác giả đã kể luôn đặt cảnh ngộ vào vị thế trọng tâm của tác phẩm, Tạ Duy Anh không dựng lại những cảnh ngộ vây hãm, thúc ép, chi phối con người để mổ xẻ, phân tích hay phê phán. ĐI TÌM NHÂN VẬT đã đồng hoá cảnh ngộ với con người, coi cảnh ngộ cũng chỉ là kết quả tất yếu khởi từ một động cơ để dọi ánh sáng về phía nguyên uỷ hình thành động cơ đó. Những day dứt, những đau xót, những hãi hùng vì các cảnh ngộ chiến tranh, ngục tù, áp chế… gần như chỉ là những nét mờ nhạt trước nỗi băn khoăn về nguồn cỗi của một xã hội ghê tởm tột cùng – cái xã hội gồm chứa những cảnh ngộ đó cùng với sự vong thân nhơ nhuốc chưa từng có của con người. Giữa vòng xoay chóng mặt của các tuyến sự việc, giữa mối đan kết chằng chịt tình cờ của các nhân vật, luôn chỉ nổi bật một nghi vấn của những ai còn một chút tỉnh táo: Tôi có còn là tôi không và thực sự thì tôi là ai?
Hơn hai mươi thế kỷ qua, con người đã có dịp bâng khuâng với giấc mơ hoá bướm khi phải xác định về bản thân. Nhưng lúc này không phải là giấc mơ của Trang Tử mà là một nghi vấn hừng hực sức nóng của lửa thiêu.
Tuy nhiên, sự nổi bật của nghi vấn gần như không cần lời giải đáp mà chỉ có tác dụng thúc đẩy tập trung vào cái nguồn cỗi đã dẫn đến – cũng như cái hướng nỗ lực để vượt qua – cuộc sống khiến con người bị vò xé, bị vây hãm bởi chính nghi vấn đó.
Hầu hết các nhân vật còn một chút tỉnh táo của Tạ Duy Anh đều lâm cảnh không còn chọn lựa nào khác ngoài sự tự kết liễu, vì đây là việc duy nhất còn có ý nghĩa mà họ có thể làm – tiến sĩ N. suốt đời chỉ làm được một việc có ý nghĩa: ấy là tự sát!
Cũng có thể nói thế với mọi nhân vật khác như cô gái gọi cao cấp Thảo Miên, như nhà văn Trần Bân, như gã thợ săn đã hạ sát người gác rừng vv… Chính nhân vật Trần Bân đã từng tâm sự cùng người bạn trẻ:
– Tôi sắp có quà cho cậu. Tôi tin đó sẽ là món quà có ý nghĩa với cậu bởi vì đó chính là cái chết của tôi. Tôi sẽ tặng cậu cái chết của tôi như một tặng vật ghi dấu tình bạn của chúng ta.
Vì còn nỗi nhơ nhuốc nào lớn hơn sự tiếp tục cầm bút khi nhà văn đã thấy rõ đang sống ở cái xứ luôn đòi hỏi mọi việc viết lách đừng biến thành nghệ thuật và đã nhìn thấy tác phẩm của mình chỉ là rác rưởi – Cậu thì có bộ sưu tập kinh tởm còn tôi là những trang giấy chùi đít không đáng!
Nhưng tự sát là hành vi ý nghĩa nhất mà con người có thể làm thì tự sát vẫn thể hiện sự tuân phục cái kỷ luật mà cơ chế quyền lực đã áp đặt. Tự sát chỉ giúp con người chấm dứt kiếp ngựa trâu chứ không mở được lối phục sinh, khi cuộc sống nhầy nhụa kia tiếp tục tồn tại. Bởi nói cách nào thì tấn tuồng phiêu lưu mang con người ra thể nghiệm dưới ánh sáng của thứ lịch sử bịa đặt nhuốm đầy nọc độc của loài rắn sẽ chỉ đẩy con người tới vị thế kẻ thù không đội trời chung với cuộc sống tương lai của chính con người mà thôi. Tấn tuồng đó chưa chấm dứt thì cuộc sống tương lai chưa thể gọi là cuộc sống của con người – vì con người vẫn tiếp tục bị thúc đẩy phải tiêu diệt nó. Cho nên tiến sĩ N. đã quả quyết rằng việc tự đi tìm cái chết không thể giúp ông gột rửa nổi cái lương tâm ô uế mà chỉ là hành vi chạy trốn cái hình phạt phải đối diện với nỗi vò xé khi nhận ra chính mình đã cúi đầu tuân thủ các lệnh truyền để tự làm ô uế lương tâm mình. Ông có một phút giây giành lại tự do, nhưng con người trong bản thân ông không tìm được lối phục sinh vì vẫn thực sự bị tiêu diệt theo cái hướng mà cơ chế đã nhắm.
Quá trình đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, cuối cùng, đã hiện hình là quá trình đi tìm hướng phục sinh cho cuộc sống. Và người đọc có thể bắt gặp cái ánh sáng mà Tạ Duy Anh muốn thắp lên: Ánh sáng Tự Do – thứ ánh sáng lung linh kỳ ảo chưa từng có đã soi tỏ cho thấy mọi thang bảng giá trị đều lộn ngược, theo đó kẻ đi cuối thì nay lên đầu. Những gì bị xua đuổi thì nay được đón nhận. Những gì là thiêng liêng thì chỉ giống như một trò hề. Ngài X, ngài Y, ngài F… bị nhốt ở nơi dành cho cầm thú…Và thay cho những chiếc bệ đặt xác người phải là những ô chứa xác các loại tư tưởng được gom về đây dưới dạng xác chết.
Thứ ánh sáng trên đã hoàn toàn tắt ngúm khi khối liên minh lừa dối và dốt nát lên ngôi để cái thiện chỉ còn là cái thiện bị nhân danh và con người hoá thân thành quỷ dữ. Muốn thắp lại thứ ánh sáng đó, tất nhiên không thể kéo dài cảnh khép mình giữa vòng vây sợ hãi để tiếp tục cúi đầu trước cái khối liên minh lừa dối và dốt nát kia:
– Chu Quý này, cậu đã xem bộ phim Bạch Tuộc chưa? Mình muốn cậu lưu ý đến một câu trong đó, đại thể: “Lịch sử là những gì người ta tin, hơn là những gì diễn ra”.
Tôi không trả lời ông, chỉ nhắc lại:
– Bộ phim ấy còn có tên là “Một mình chống lại Mafia”. Tôi thích cái tên đó hơn.
Tạ Duy Anh không đưa ra lời giải đáp nào cho hàng loạt nghi vấn trên đường đi tìm của mình, nhưng người đọc có thể nhìn thấy khá sáng tỏ cái điều mà tác giả muốn nói lên: Chính sự hèn nhát và ngu dốt của con người đã khiến cho quỷ dữ trở thành kẻ thắng trong cuộc sống – cụ thể hơn là những động cơ tệ hại kia đã hình thành cái cuộc sống vong thân hiện nay của cả dân tộc Việt Nam. Vấn đề chủ yếu được đặt ra không phải là trò lẩn tránh của thứ đầu óc khôn lỏi vị kỷ, cũng không phải là sự chạy trốn – kể cả chạy trốn vào cõi chết.
Chính trong cái hướng này mà nhân vật của ĐI TÌM NHÂN VẬT đã nhận được những dòng chữ có thể coi như bức thông điệp cuối cùng của sự sống: “Lý trí tỉnh táo và chắc chắn là sáng suốt của tôi muốn tôi khuyên ông nên tránh xa cô gái mà ông vẫn đem lòng tơ tưởng. Một ngàn lần cô ta không xứng với ông! ”.
Điểm bất xứng cao nhất của cô gái chính là hành vi nổi lửa hoả thiêu cái thân xác nhầy nhụa của mình. Hiển nhiên đây là một hành vi can đảm tuyệt vời nhưng cũng chỉ là hành vi hèn nhát, vì không vượt khỏi ý đồ chạy trốn.
Vì thế, ý nghĩ đến với nhân vật lúc đó là sự nhớ lại những dòng nhật ký của cha mình trước khi từ giã thế gian và chợt nghe vẳng xuống từ trời lời nhắc nhở:
– Can đảm lên con, đừng sợ!
Phải chăng Tạ Duy Anh muốn nhắc đến truyền thống dân tộc từng thể hiện qua nhiều giai đoạn lịch sử hào hùng của cha ông?
Và, có thể coi ĐI TÌM NHÂN VẬT là một thông điệp gửi cho mọi người dân Việt với tiếng gào bi thiết: Hãy đương đầu, thay vì hèn nhát cúi đầu bởi sợ hãi và ngu si để chỉ biết tiếp tục than van hay chạy trốn trước quỷ dữ.