Tạ Duy Anh giữa lằn ranh thiện ác
TTCN – Không hiểu sao, Tạ Duy Anh rất dị ứng với kiểu kêu ca: “trí thức VN chưa được xã hội đãi ngộ xứng đáng”. Anh luôn cho rằng trí thức VN nói chung – nhất là đám nhà văn – sống quá vương giả so với mặt bằng chung của nhân dân, càng chênh lệch so với những gì mà họ đã cống hiến cho xã hội. Và vì thế, họ luôn luôn cần phải lao động, lao động nhiều hơn nữa.
Có lẽ vì thế mà hiếm ai thấy anh góp mặt trong những cuộc trà dư tửu hậu, những cuộc luận đàm văn chương. Anh chỉ đến cơ quan (NXB Hội nhà văn) để giao dịch với cộng tác viên.
Và yên tâm ngồi nhà để viết. 20 tập truyện (trong đó có bôn tiểu thuyết), một tập tản văn trong khoảng 20 năm cầm bút, điều đó đủ nói về sức lao động của một nhà văn. Nhưng nếu chỉ vậy thì chưa đủ để thành một tên tuổi Tạ Duy Anh trong lòng bạn đọc…
Cuối những năm 1980, trong trào lưu đổi mới của toàn xã hội, văn học cũng nhanh nhạy xuất hiện những tên tuổi cùng những tác phẩm để đọc, để phục và để nhớ. Người ít tuổi nhất trong số các tên tuổi ấy chính là Tạ Duy Anh.
Anh làm “cháy” báo Văn Nghệ trên tất cả các sạp báo cả nước bằng truyện ngắn Bước qua lời nguyền.
Vẫn là motip Romeo & Juliet với mối thù của hai dòng họ trên vai và tình yêu trong tim, nhưng truyện của Tạ Duy Anh là sự tái hiện bức tranh toàn cảnh nông thôn VN những năm 1950-1970 đầy máu và nước mắt.
Càng hấp dẫn và thuyết phục hơn bởi bóng dáng chuyện đời tác giả thấp thoáng sau những trang chuyện tình thật say đắm và bay bổng mà truyện VN ít khi đạt đến. Tạ Duy Anh càng nổi như cồn khi GS Hoàng Ngọc Hiến mượn tên truyện của anh để khái quát: “Có một dòng văn học bước qua lời nguyền”.
Nhà văn của những thời điểm
Nhà văn của những thời điểm
Lúc ấy, anh đang học trường viết văn Nguyễn Du sau một quãng đời trai trẻ lăn lộn trên công trường sông Đà (làm công nhân, sau là kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng bêtông trong đường hầm).
Có thể vì sự va đập, từng trải trước khi cầm bút mà anh may mắn thoát được hội chứng “ngợp” mà những người viết trẻ hay gặp sau thành công đầu tiên.
Bình tĩnh “tẩy rửa” mớ kiến thức lôm côm thu nhặt trước khi vào trường (lời tự bạch của anh), bình tĩnh tiêu hóa những kinh nghiệm sống cùng những kiến thức hệ thống và chính thống khác, Tạ Duy Anh chăm chỉ học qua bốn năm Trường Nguyễn Du, đỗ đầu và được giữ lại làm giảng viên (với các trường khác thì vào và ra trường là sự bình thường, nhưng với học sinh Nguyễn Du thì không bình thường chút nào, vì đã có giai thoại về học sinh Nguyễn Du: “Lúc vào trường thì không biết Nguyễn Du là ai, lúc ra trường lại không coi Nguyễn Du ra gì”- một hình ảnh đủ khái quát sự thiếu hụt kiến thức cơ bản của các nhà văn tương lai lúc vào trường và sự kiêu ngạo, tự tôn quá đáng của họ khi học xong).
Cũng bình tĩnh như vậy, đúng mọi người tưởng Tạ Duy Anh cũng trở thành “nhà văn một tác phẩm” như hầu hết cây bút trẻ đầy triển vọng khác vì không vượt qua nổi “Bước qua lời nguyền” thì anh tung ra quả bom thứ hai: tiểu thuyết Lão Khổ.
Vẫn là chuyện làng quê Bắc bộ nhưng thời gian rộng hơn: từ những năm 1940 – 1990, dung lượng tiểu thuyết lớn hơn truyện ngắn và nhà văn cũng già dặn từng trải và kỹ thuật hơn nên Lão Khổ được đồng nghiệp và bạn đọc nhìn nhận như một bước tiến dài của Tạ Duy Anh.
GS Hoàng Ngọc Hiến – lại ông Hiến – đánh giá: “Đây là một cuốn tiểu thuyết rất quan trọng… thêm một giả thuyết văn học về bản chất và thân phận người nông dân VN”. Tuy nhiên, không khí văn học giai đoạn này đã khác, giới phê bình chính thống im lặng, và Lão Khổ không có tên trong bất kỳ danh sách giải thưởng nào.
Còn Tạ Duy Anh, Lão Khổ trong văn chương, tiếp tục cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa. Năm 2002, Đi tìm nhân vật – cuốn tiểu thuyết phá cách nhất về mặt cấu trúc của anh hoàn thành sau bốn năm “thai nghén” vật vã.
Tiểu thuyết không cốt truyện và không nhân vật thì thế giới không lạ, nhưng ở ta thì hiếm, thêm những hàm ngôn đầy ẩn dụ và những độc thoại lê thê, những truyện cổ tích dùng làm vĩ thanh vô tư đến mức đáng ngờ đã khiến tiểu thuyết của anh không đến được với người đọc.
Tuy nhiên dân trong nghề thì đều đã vội vã đi tìm, và cố gắng đọc cho hết dù thích hay không. Và họ nể, nể vì anh đã bỏ đường quang mà đâm vào bụi rậm tìm lối đi mới – dù chưa biết đường dẫn đến đâu.
Nể vì nhiều người đã nản mà anh thì vẫn cặm cụi viết, như đã lĩnh một sứ mệnh từ trên trời, từ khi mới sinh ra. Và cuốn sách không được phát hành một lần nữa làm anh nổi tiếng.
Rồi đến Thiên thần sám hối của cái năm “mất mùa tiểu thuyết” 2004 này. Bốn lần tái bản chỉ trong vòng không đầy một năm, gần 20.000 bản in ở thời buổi mà mỗi đầu sách chỉ lèo tèo 500-1.000 bản.
Khó có thể tin được đó lại là con số của một cuốn tiểu thuyết không đầy 200 trang – kể chuyện ba ngày cuối cùng trong bụng mẹ của một bào thai sắp chào đời. Ở thời buổi văn chương internet này, hóa ra con người vẫn thích thú với những gì được in ra, cầm trên tay, nhìn tận mắt.
Tin tức trên mạng chỉ có giá trị là làm tăng thêm sự tò mò cộng với hâm mộ những giá trị mà người ta đã mặc định sẵn. Đó cũng là lý do khiến Thiên thần sám hối được tìm đọc rất nhiều.
Kết cấu rất chặt và rất gọn, có thêm sự uyển chuyển và linh hoạt sau khi Đi tìm nhân vật bị kêu là quá khó đọc, Thiên thần sám hối khiến ai đọc nó cũng có thể tìm thấy mình trong đó và hầu hết là giật mình, không tự vấn lương tâm thì cũng tự xấu hổ mà âm thầm đỏ mặt, nhưng nó cũng không quá nghiệt ngã, ráo riết mà vẫn mở đường cho nhân vật – người đọc một lối thoát lương tâm.
Có lẽ vì thế mà Thiên thần sám hối dễ đọc hơn, nhiều người chấp nhận hơn. Theo lời “đầu nậu” in sách cho Tạ Duy Anh (đầu nậu nhưng là bạn, và là bạn tử tế – nhà văn khoái chí cho biết), Thiên thần sám hối vẫn bán chạy ngoài sạp cũng như trong siêu thị sách và hoàn toàn có thể sẽ được tái bản một lần nữa”.
Trên lằn ranh thiện – ác
Nhân vật của Tạ Duy Anh không có sự trung gian, nhờ nhờ, xam xám về ngoại hình. Người xấu thì cực xấu như lão Khổ, lão Phụng… người đẹp thì như hoa như ngọc, như Quý Anh, bà Ba, như những sản phụ chờ sinh.
Nhưng bản chất con người thì luôn luôn ở ranh giới thiện – ác. Nhân vật nào cũng luôn luôn bị đặt trong trạng thái lựa chọn – đấu tranh, với xã hội với môi trường, với kẻ thù, với người thân, với chính bản thân mình.
Không bao giờ họ được phép lựa chọn một lần rồi xong, chưa hết sự kiện này đã có tình huống khác, đời họ vật vã mà nhà văn cũng căng óc ra suy tính, khiến người đọc nói chung là… mỏi.
Đã thế nhà văn lại có cái giọng rất quyết liệt, nhiều hình dung từ và động từ mạnh, chõi nhau, lắm khi đọc xong tự nhiên người thở hắt ra: đời thiếu gì chuyện vui mà không viết, sao viết toàn chuyện ghê người.
Cũng có thể, nếu thống kê trong truyện của Tạ Duy Anh thì mật độ những kẻ thủ ác và những chuyện làm ác quá nhiều. Không giết người thì cũng mưu toan chuyện giết người, hoặc chí ít có suy nghĩ về cái chết của người khác.
Kể cả chuyện phá thai cũng bị (được) đẩy lên thành bình diện triết học: giết hay không giết một mạng người?
Người ta thấy nhà văn lắm lúc quằn quại rên rỉ vì không ngăn nổi một hành động ác (và sẽ bị chê là non tay, để tình cảm chi phối, cách viết lộ), cũng có khi thấy người viết lạnh lùng cố ý trước một sự trả thù (đích đáng hay không còn tùy quan điểm của mỗi người đọc) và khi ấy nhà văn lại bị chê là quá tàn nhẫn, mở đường cho cái ác trong văn chương vì miêu tả quá chi tiết và khách quan.
Chín người mười ý, Tạ Duy Anh hầu như không có ý kiến gì về sự khen chê, nhưng với vấn đề thiện và ác trong văn chương thì anh rất nghiêm túc: Tự tôi đặt cho mình sứ mệnh phải viết, để cho cái ác nếu không biến mất thì cũng vì những trang viết của tôi mà mỗi ngày ít đi một chút, một chút, như những hạt bụi.
Càng ngày, anh càng dấn sâu vào lý giải cái tội ác (cha mẹ giết con – Thiên thần sám hối) để người ta ghê sợ, và cũng chính là một tiếng kêu cho thiên hạ – vốn bàng quan với nỗi đau của người khác – biết mà ngăn ngừa nó.
Trái tim yêu đương trong thể xác khổ hạnh
Đôi khi, Tạ Duy Anh đạt đến trạng thái ngây ngất khi mô tả tình yêu – điều hơi hiếm đối với nền văn học rụt rè hậu phong kiến của chúng ta.
Thêm nữa, càng ngày, trong tiểu thuyết của anh càng có xu hướng đề cập đến chuyện tình dục một cách trực tiếp, đôi khi đến mức bạo liệt.
Nhưng những ai lầm trong “văn là người” theo nghĩa đen thì sai bét với trường hợp Tạ Duy Anh. Anh sống mô phạm, đến mức rụt rè và cẩn thận.
Dân Trường Nguyễn Du vẫn còn giai thoại về việc họ đang đêm đẩy cô gái yêu anh vào căn phòng độc thân của anh và bị anh “chống trả” quyết liệt như thế nào.
“Tôi không chủ trương sống khổ hạnh mà chỉ cố duy trì cuộc sống quân bình và lành mạnh, nhưng tạng người tôi nó thế, có lẽ vì mặc cảm xấu xí và còi cọc từ thuở nhỏ, thành ra lúc mình xử sự thì nó thành quá lên, vả lại dân viết lách cũng hay có xu hướng “buôn chuyện” và giai thoại hóa nhiều chuyện”- Tạ Duy Anh giải thích một cách rành rọt.
Nhưng “giấc mơ tình yêu” thì anh thừa nhận là anh có nhiều, thậm chí nhiều hơn cả những gì anh đã viết. “Có thể trong cuộc sống tôi chừng mực, nhưng khi viết tôi có quyền khao khát nhiều hơn thế, nếu trong con người anh không còn những khao khát, nhất là khao khát tình yêu thì anh làm sao viết được nữa. Mà tôi cũng không bao giờ lạm dụng chuyện tình dục trong khi viết, nó cần phải đến đâu thì viết đến đấy, nó đẹp vì nhân vật đẹp, nó sẽ tục khi nhân vật làm điều đó dung tục”.
Tạ Duy Anh đã viết Thiên thần sám hối khi ngồi chờ vợ đẻ ba ngày trong bệnh viện (vợ anh đẻ khó, con anh nằm trong bụng đúng ba ngày mới chịu ra – hệt như nhân vật chính trong tiểu thuyết).
Anh tiên đoán con anh sẽ là một nhà “hoài nghi chủ nghĩa”, nhưng còn anh thì không, dẫu có lúc “mệt mỏi đến tuyệt vọng vì xem tivi thấy người ta giết một lúc hàng ngàn người, thấy bất lực đến chảy nước mắt vì chỉ một thằng quan tham làm nhân dân mất đứt hàng tỉ tiền đóng thuế, thấy những gì mình viết ra vô nghĩa đến thảm hại, nhưng rồi vẫn lại cầm bút và viết thôi, và vân phải tin là vì những đóng góp nhỏ hơn cả hạt bụi của mình mà ngày mai sẽ sáng hơn hôm nay một chút”.