Vũ trụ điện ảnh Vương Gia Vệ: Nối tiếp một thời quá vãng
Đó là một kế hoạch năm năm từ sáng kiến phục hưng do chính phủ tài trợ nhằm thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà đang chịu hậu quả bởi tình trạng bất ổn chính trị, cũng như từ sự suy thoái do Covid-19 gây nên. Thông qua Đề án kế thừa của Vương Gia Vệ với nguồn vốn từ Quỹ phát triển phim Hong Kong, các đạo diễn sẽ kết hợp với một hoặc hai nhà làm phim đầy triển vọng để thực hiện một bộ phim sử dụng 1,2 triệu đô la. Các nhà làm phim sẽ tham gia cùng các đạo diễn khác là Trần Gia Thượng, Trương Uyển Đình và La Khải Nhuệ với mục tiêu hoàn thành từ 10 tới 12 dự án.
Bản thân đạo diễn họ Vương cũng bị buộc phải tạm dừng sản xuất bộ phim mới của mình “Blossoms” hồi tháng 2 trong bối cảnh đại dịch coronavirus bắt đầu lan rộng. Dự án phim này được cho là phần tiếp theo của tác phẩm kinh điển “In the mood for love” (Tâm trạng khi yêu) – bộ phim đã mang lại cho ông vô số giải thưởng trong nước và quốc tế. Theo kế hoạch, “Blossoms” sẽ tiếp tục được bấm máy mùa hè này tại phim trường Hoành Điếm, nằm ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc Đại Lục. Khỏi phải nói về sự háo hức, mong chờ của khán giả mỗi khi Vương Gia Vệ ra phim mới vì vị đạo diễn 61 tuổi này có một vũ trụ điện ảnh cho riêng mình. Và cho tới nay, ông vẫn là đạo diễn Hong Kong duy nhất được vinh danh tại Cannes dù nền điện ảnh này đã từng có một thời hoàng kim rực rỡ trước cả khi Vương Gia Vệ được thế giới nhắc đến. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 62 của Vương Gia Vệ, hãy cùng hoài niệm về những thước phim đẹp đến nao lòng trong vũ trụ điện ảnh của ông.
Tinh hoa của điện ảnh Hong Kong
Vì “Tâm trạng khi yêu”, “Xuân Quang Xạ Tiết” (Happy Together), “Trùng Khánh Sâm Lâm” (Chungking Express)… là những tác phẩm điện ảnh mang cái tên Vương Gia Vệ vươn ra ngoài tầm châu lục, được giới chuyên môn và khán giả quốc tế nồng nhiệt đón nhận nên đã được bình luận, đánh giá hai thập kỷ qua trên nhiều diễn đàn, trang báo thì ta hãy dành thêm chút ưu ái cho “Vượng Giác Tạp Môn” (As Tears Go By), bộ phim đầu tiên ông làm với tư cách đạo diễn.
Lúc này tư duy điện ảnh của ông vẫn còn khá đơn giản nhưng trong 90 phút khiến khán giả lầm tưởng như mình đang xem một bộ phim mafia Hongkong đơn thuần quen thuộc ấy, Vương Gia Vệ thực chất đang khắc hoạ hai câu chuyện tình yêu: một giữa Hoa (Lưu Đức Hoa) và Nga (Trương Mạn Ngọc), một giữa Hoa và cậu em “xã hội” Ruồi (Trương Học Hữu). Vương Gia Vệ đã khai thác chi tiết tính cộc cằn, thô lỗ, bất cần của Hoa cuối cùng chỉ để làm nổi bật nét lãng mạn, nồng nhiệt trong con người anh. Khai thác sự nông cạn, ngỗ nghịch, đôi khi là ngu xuẩn của Ruồi chỉ để phác hoạ ra một cậu nhóc mong manh ẩn trong con người chàng thanh niên nhạy cảm, biết điều. Bạo lực và tình yêu trong phim không tương phản, mà song hành cùng nhau, hỗ trợ lấy nhau. Ông chỉ ra rằng cả hai đều là những cảm xúc mạnh mẽ, không đối lập nhau mà chỉ là những màu sắc khác nhau trong cùng một con người. Một trong những cảnh quay đẹp, lãng mạn nhất của điện ảnh Hoa Ngữ cũng là từ “Vượng Giác Tạp Môn”, khi Nga và Hoa bỏ lại tất cả hoài nghi, né tránh, ôm hôn nhau đắm đuối trong bốt điện thoại công cộng trên nền nhạc kinh điển “Take My Breath Away”.
Đây có lẽ cũng là phim duy nhất của Vương Gia Vệ mà ta thấy dấu ấn của “nội dung” bởi với vai trò vừa đạo diễn, vừa là biên kịch cho phim của mình, ông vẫn nổi tiếng với phong cách làm phim không có nội dung, không tập trung khai thác yếu tố tình tiết mà tô đậm tính mỹ học nghệ thuật và diễn biến tâm lý nhân vật. Dù khác với các tác phẩm đình đám khác trong vũ trụ điện ảnh của mình, nhưng bộ phim đầu tay này cho thấy Vương Gia Vệ đã sớm thể hiện chủ nghĩa lãng mạn trong tư duy nghệ thuật, một thứ điện ảnh tôn vinh cái đẹp ngay ở trong những điều tưởng như tầm thường, mạt hạng nhất. Là sản phẩm đầu tay với vai trò đạo diễn nhưng “Vượng Giác Tạp Môn” đã mở đường thật suôn sẻ, trù phú cho hàng loạt tác phẩm sau này của Vương Gia Vệ cũng như là bệ phóng khởi đầu cho những ngôi sao trẻ khi ấy là Lưu Đức Hoa, Trương Mạn Ngọc. Phim đã khởi đầu cho những mối duyên lành giữa Vương Gia Vệ cùng hai cái tên huyền thoại của Hong Kong ấy, cũng như với Trương Học Hữu – những người liên tục có mặt trong các phim khác của ông. Với Trương Học Hữu, điện ảnh chỉ là sự nghiệp tay trái nhưng tất cả các vai diễn phụ anh góp mặt trong phim của Vương Gia Vệ đều mang lại ấn tượng. Vai Ruồi trong “Vượng Giác Tạp Môn” đã đem lại cho anh giải thưởng “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” tại Giải Thưởng điện ảnh Hong Kong lần thứ 8.
Nhà duy mỹ nặng triết lý
Vương Gia Vệ là người duy mỹ, điều đã thể hiện rõ mồn một qua cách ông làm phim. Cái đẹp được thể hiện gián tiếp từ những điều bình dị nhất, như kim đồng hồ nhích dần từng nhịp giữa cuộc trò chuyện lãng đãng của Trương Mạn Ngọc và Trương Quốc Vinh trong “A Phi Chính Truyện” (Days of Being Wild), như cái cầu thang nhỏ hẹp hay góc phố u uất mà Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ chạm mặt, trò chuyện với nhau trong “Tâm Trạng Khi Yêu”, như hình ảnh Kim Thành Vũ và cái hộp dứa của mình hay khi Vương Phi cầm máy Polaroid trong cửa hàng đồ chơi và Lâm Thanh Hà đứng ngay bên ngoài trong “Trùng Khánh Sâm Lâm”… tất cả đều mang một màu sắc khá uể oải, thậm chí hơi u ám, nhưng lại có mê lực ma mị đến kỳ lạ. Chính bởi cái đẹp vị nghệ thuật ấy mà phim của đạo diễn họ Vương dù vẫn được đánh giá là kén người xem nhưng vẫn luôn gây được cảm tình đối với khán giả trẻ của thế hệ sau này. “Tâm Trạng Khi Yêu” là một điển hình như thế khi đã trải qua gần 2 thập kỷ nhưng vẫn liên tục đón nhận lớp khán giả mới cũng như được nhắc đến rộng rãi trên các diễn đàn, thảo luận trên mạng xã hội của người yêu điện ảnh dù ở lứa tuổi nào.
Vương Gia Vệ duy mỹ và từ chính lòng yêu cái đẹp mà nảy sinh những triết lý sâu sắc. Giọng dẫn truyện xuất hiện thường xuyên trong nhiều phim của ông. Dù đó là một trong những cách Vương Gia Vệ kéo dài việc viết trước khi phim được biên tập nhưng ông cũng từng chia sẻ cảm hứng cho việc luôn kèm giọng dẫn truyện là thấy “Vì ngày nay, người ta thường độc thoại nhiều hơn là nói chuyện với nhau.” Đó là những năm 1990 cho tới đầu thế kỷ 21, thời kỳ chưa bùng nổ điện thoại, Internet và mạng xã hội mà đạo diễn 62 tuổi này đã thấy được điều đó. Và có lẽ vì nghĩ nhiều, triết nhiều mà Vương Gia Vệ cũng luôn còn những băn khoăn, thắc mắc về chính những nhân vật mình tạo ra. Có lần, ông nói thế này về nhân vật Hoa trong “Vượng Giác Tạp Môn”: “Tôi vẫn đang cố gắng để hiểu nhân vật của Lưu Đức Hoa trong Vượng Giác Tạp Môn. Anh ấy là dân xã hội đen, nên tôi chẳng rõ anh ấy nghĩ gì, hay điều gì thúc đẩy anh ấy. Những nhân vật còn lại thì dễ hiểu thôi; tôi biết rõ người em họ (Trương Mạn Ngọc) và đứa trẻ hấp tấp (Trương Học Hữu) nghĩ gì. Nhưng, không phải Lưu Đức Hoa.”
Có những câu nói trong phim Vương Gia Vệ như ở tầm triết gia. Ví dụ như:
“Với tôi, hạnh phúc bên nhau có thể là giữa hai người, cũng có thể là giữa một người và quá khứ của anh ta. Nhưng chỉ đến lúc nào đó khi một người có thể yên bình với quá khứ của bản thân, đó mới là thời điểm cho sự bắt đầu của một mối quan hệ mới, có thể đem đến hạnh phúc trong tương lai.” (Xuân Quang Xạ Tiết);
“Tôi từng nghe về một loài chim không có chân. Chúng cứ bay, bay mãi và nép mình vào cơn gió khi mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống đất một lần duy nhất trong đời. Ấy là khi chúng từ biệt cuộc sống” (A Phi Chính Truyện);
“Anh ấy nhớ những ngày tháng đã qua như nhìn qua ô kính cửa sổ bám bụi. Quá khứ là thứ người ta có thể nhìn thấy nhưng không thể chạm vào. Và mọi thứ anh ấy nhìn đều không rõ ràng, không thể nghe, cũng không thể thấy, đều mờ dần và hoen ố”;
Vương Gia Vệ là một huyền thoại sống của điện ảnh châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Và thật may mắn cho tất cả những ai yêu quý ông là vị đạo diễn này, ở tuổi lục tuần vẫn còn nhiều đam mê và hoài bão với điện ảnh, vẫn nuôi tham vọng phục hưng lại những điều có vẻ như đã mất đi của một thời Hong Kong hoàng kim quá vãng.