Vương Gia Vệ: Biểu tượng nghệ thuật của điện ảnh Châu Á
Hồng Kông là cái nôi sản sinh ra rất nhiều anh tài cho nền điện ảnh, tên tuổi của họ không chỉ nằm ở châu lục nữa mà đã vươn ra tầm thế giới. Một trong số những cái tên nổi bật nhất, xuất sắc nhất phải kể đến là đạo diễn Vương Gia Vệ.
Ông được biết đến như một đạo diễn, biên kịch và là nhà sản xuất phim nghệ thuật hàng đầu Hồng Kông từ những năm đầu thập niên 90 cho đến nay, tên ông luôn nằm trong danh sách những vị đạo diễn Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.
Những bộ phim gắn liền với sự nghiệp của Vương Gia Vệ phải kể đến như A Phi Chính Truyện, Trùng Khánh Sâm Lâm, Xuân Quang Xạ Tiết và Tâm Trạng Khi Yêu. Đây đều là các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của nền điện ảnh Châu Á lẫn thế giới.
Dù theo đuổi dòng phim rất kén người xem, có những phim thậm chí còn cấm thanh thiếu niên dưới 15 tuổi, thế nhưng bằng tài năng và sự cố gắng không ngừng nghỉ, Vương Gia Vệ đã khiến cả thế giới phải nghiêng mình.
Đôi nét về tiểu sử và hành trình đến với nghệ thuật của Vương Gia Vệ
Sinh ra tại Thượng Hải, đến khi năm tuổi, cả gia đình ông chuyển đến sống ở Hồng Kông. Đây là giai đoạn khó khăn của Vương Gia Vệ khi không biết tiếng Quảng Đông và phải ngồi cùng mẹ hàng giờ đồng hồ tại rạp chiếu phim để học nói.
Có lẽ những ngày tháng miệt mài tại rạp chiếu phim đã đưa ông đến với tình yêu điện ảnh, tạo tiền đề cho những bước đi đầu tiên cho đến sự nghiệp vĩ đại của mình.
Năm 1980, sau khi tốt nghiệp trường Bách Khoa Hồng Kông với tấm bằng thiết kế đồ họa, ông tham gia khóa đào tạo sản xuất phim của hãng truyền hình TVB và được giữ lại làm biên kịch phim cho hãng.
Thế nhưng phải đến giữa thập niên 80, khi gia nhập The Wing Scope Co. and In-gear Film Production Company với vai trò biên kịch và đạo diễn, Vương Gia Vệ mới có cơ hội tiếp xúc và hoàn thiện phong cách làm phim của mình.
Đây chính là bước ngoặt quan trọng giúp điện ảnh Hồng Kông sản sinh ra một vị đạo diễn tài ba, người sau này đã tạo nên thật nhiều kỳ tích và đánh dấu thời kỳ vàng son nhất của nền nghệ thuật xứ Cảng Thơm.
Năm 1988 Vương Gia Vệ thực hiện tác phẩm đầu tay mang tên Vượng Giác Ca Môn, với sự tham gia của ba diễn viên ngôi sao lúc đó là Trương Mạn Ngọc, Lưu Đức Hoa và Trương Học Hữu, phim đạt được thành công về mặt doanh thu.
Vương Gia Vệ và những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp
Năm 1991, sự nghiệp đạo diễn của Vương Gia Vệ đã thực sự bật lên nhờ bộ phim A Phi Chính Truyện, tác phẩm kể về tấm bi kịch của những người trẻ mất phương hướng với sự góp mặt của dàn ngôi sao Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc.
Phim nhận được vô số lời khen từ giới chuyên môn và đoạt liên tiếp ba giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 1991.
Nhờ những tín hiệu tích cực này, Vương Gia Vệ bước đầu đã thành công trong việc xây dựng một đế chế mang màu sắc riêng của mình, nơi chứa đầy những thước phim đậm chất suy tư và những nhân vật với cá tính đặc biệt.
Năm 1994 ông ra mắt Trùng Khánh Sâm Lâm, tác phẩm đầu tay được Vương Gia Vệ thực hiện cho hãng phim Jet Tone Films mà ông hợp tác thành lập cùng Lưu Trấn Vĩ.
Không ngoài mong đợi, bộ phim tiếp tục tạo nên tiếng vang lớn khi lần lượt ẵm về ba giải quan trọng tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông dành cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Trùng Khánh Sâm Lâm cũng là bộ phim đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất của dàn diễn viên chính Lương Triều Vỹ, Lâm Thanh Hà, Vương Phi và Kim Thành Vũ, giúp họ khẳng định thêm năng lực của bản thân.
Cũng trong năm 1994, Vương Gia Vệ lần đầu khai thác đề tài phim kiếm hiệp Trung Quốc và cho ra mắt Đông Tà Tây Độc, bộ phim dựa trên nội dung của cuốn tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu do nhà văn Kim Dung sáng tác.
Dù sở hữu dàn diễn viên thực lực cùng kinh phí đầu tư thuộc hàng khủng nhưng doanh thu lại thất bại nặng nề, bù lại, phim được liệt vào hàng kinh điển của điện ảnh Hồng Kông và được đánh giá là một trong những phim xuất sắc nhất của Vương Gia Vệ.
Đến năm 1995, đạo diễn họ Vương trình làng Đọa Lạc Thiên Sứ, tác phẩm được coi là phần tiếp theo phát triển từ mạch phim của Trùng Khánh Sâm Lâm và nhanh chóng nhận về nhiều lời khen từ các nhà phê bình chuyên môn.
Không dừng lại ở đó, Vương Gia Vệ còn được giới điện ảnh quốc tế để mắt đến khi ông trở thành người Hoa đầu tiên nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes năm 1997 với tác phẩm Xuân Quang Xạ Tiết.
Năm 2000, đạo diễn họ Vương trở lại Liên hoan phim Cannes cùng bộ phim Tâm Trạng Khi Yêu do Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ thủ vai chính, tác phẩm đã trở thành biểu tượng của cả nền điện ảnh Hồng Kông lẫn Châu Á mãi về sau.
Đến năm 2004, Vương Gia Vệ chính thức khép lại chuỗi phim về những chuyện tình đầy day dứt bằng Căn phòng 2046, tác phẩm quy tụ dàn diễn viên toàn sao thời bấy giờ như Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di, Vương Phi và Lưu Gia Linh.
Căn phòng 2046 cùng với A Phi Chính Truyện và Tâm Trạng Khi Yêu đã tạo thành bộ ba tác phẩm tâm lý tình cảm bất hủ của nền điện ảnh thế giới cộp mác Vương Gia Vệ.
Hai năm sau, đạo diễn Vương bắt tay thực hiện bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của mình là My Blueberry Nights với sự góp mặt của dàn sao Hollywood như Natalie Portman, Rachel Weisz và Norah Jones, một bộ phim ngắn được lấy ý tưởng dựa theo Tâm Trạng Khi Yêu.
Đến 2013, Vương Gia Vệ trình làng bộ phim điện ảnh võ thuật Nhất Đại Tông Sư quy tụ hàng loạt tên tuổi đình đám như Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di và Song Kye Kyo. Phim gây được nhiều tiếng vang lớn và nhận về hai đề cử Oscar dành cho Quay phim xuất sắc nhất và Thiết kế phục trang đẹp nhất trong cùng năm.
Những đặc trưng trong phong cách làm phim
Đặc trưng lớn nhất trong phim của Vương Gia Vệ chính là sự kiệm lời của các nhân vật, họ hầu như rất ít nói và đều thích độc thoại nội tâm. Ít mà chất, từng câu từng chữ trong phim hàm chứa những triết lý sâu xa và khiến khán giả phải chiêm nghiệm.
Mạch phim luôn chậm rãi và từ tốn, dần dần mở ra những góc khuất từ tận sâu bên trong mỗi người. Không có cao trào, không có những cú “twist” đỉnh cao, thế giới nơi Vương Gia Vệ miêu tả ngỡ xa lạ nhưng lại rất đỗi thân quen.
Nét lãng mạn cũng là điều rất thường thấy trong mỗi tác phẩm, thế nhưng nó không phải là kiểu lãng mạn bay bổng ập vào ngay trước mắt người xem mà là sự len lỏi từng chút một từ rất nhiều chi tiết nhỏ xíu nhưng dai dẳng và hiệu quả.
Từ những ánh đèn mập mờ phảng phất trên trần nhà, cái lặng thinh nhìn người kia rồi từ biệt, con ngõ hẹp nhưng lướt qua nhau mãi cũng chẳng thể chạm tới hay những cuộc gọi một chiều và màn độc thoại của nhân vật chính, mọi thứ cứ ẩn hiện, day dứt khôn nguôi.
Một điều gần như trở thành biểu tượng trong phim của Vương Gia Vệ đó là những khung hình làm nên thương hiệu cho mỗi tác phẩm, xem qua một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Đó có thể là cảnh Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc sát gần nhau cạnh bức tường, cái tựa đầu lên vai nhau trong những chiếc taxi, cảnh khiêu vũ của Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ hay cảnh quay trong quán rượu của Kim Thành Vũ và Lâm Thanh Hà.
Đối với một người cực kỳ khắt khe trong công việc như Vương Gia Vệ, âm nhạc sử dụng trong mỗi bộ phim cũng đều do ông trực tiếp lựa chọn vì ông là người duy nhất hiểu được ông muốn gì cho tác phẩm của mình.
Thế giới mà đạo diễn Vương xây dựng thông qua mỗi bộ phim luôn tồn tại những ảo ảnh mơ hồ, những viễn cảnh mang yếu tố xa rời thực tế mà ở đó, âm nhạc chính là ngôn ngữ thứ hai truyền tải những thông điệp đến người xem.
Âm nhạc lúc trầm lúc bổng được lồng ghép rất hợp lý cho từng cảnh quay, khiến câu chuyện trở nên nhịp nhàng, không gian êm ái trầm lắng và trĩu nặng suy tư.
Nghệ thuật dựng phim độc đáo cũng là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho Vương Gia Vệ, rất nhiều ý kiến cho rằng phim của ông khó lòng đạt được kỳ tích nếu không có vị cộng sự tuyệt vời là Christopher Doyle.
Sự ăn ý gần như hoàn hảo giữa bộ đôi Vương Gia Vệ và Christopher Doyle thì không cần bàn cãi, mọi thứ đều thể hiện rõ trong những gì mà cả hai đã đạt được.
Từ những bước chân đầy xáo động và hối hả của chàng trai trên từng con phố cho đến cái cúi đầu thật chậm rãi và bẽ bàng của người phụ nữ giữa những muộn phiền, hay làn khói trắng lan tỏa xung quanh gã đàn ông cô độc.
Những thước phim đẹp đẽ, duy mỹ từ trong ánh nhìn của nhân vật cho đến cái cách mà nam chính đưa tay lên châm một điếu thuốc cũng đều là vô giá, khiến cho chất phim của Vương Gia Vệ trở nên duy nhất.
Các góc quay trong phim cũng đều rất đặc biệt, khi thì xa diệu vợi lúc lại tưởng chừng như sát kề, đôi lúc lại được quay từ những góc khuất, mập mờ không rõ ràng, buộc khán giả phải vô cùng tập trung mới quan sát hết được.
Mỗi một cảnh quay đều lột tả chân thực tâm trạng và cảm xúc của nhân vật, mở ra những điều chôn giấu kín nơi đáy lòng, khơi gợi sự đồng cảm từ khán giả về những nỗi đau, nỗi cô đơn tuyệt vọng từ sâu thẳm trái tim.
Vị đạo diễn cá tính từ trong phim ra đời thực
Vương Gia Vệ là một vị đạo diễn có cá tính từ trong phim lẫn bên ngoài đời thực, ông luôn có gu ăn mặc riêng, xài một loại nước hoa yêu thích và có những nguyên tắc nhất định khi làm phim.
Hình ảnh vị đạo diễn tài hoa xuất hiện cùng chiếc kính đen mọi lúc đã trở thành biểu tượng, dù cho ban ngày hay ban đêm, trời nóng bức hay giá lạnh, nó luôn là người bạn đồng hành của ông.
Theo lời một số người quen, việc đeo kính đen nhằm giúp Vương Gia Vệ thoải mái quan sát và suy đoán tâm trạng của mọi người nhưng lại an toàn che đi cảm xúc của chính bản thân mình, đây là thói quen do tuổi thơ cô đơn của ông hình thành.
Ông còn được biết đến như một người vô cùng khắt khe và khó làm việc cùng, tác phong nghiêm túc cùng một thái độ luôn sẵn sàng hy sinh dành cho nghệ thuật đã khiến nhiều diễn viên gặp không ít khó khăn.
Thế nhưng, tất cả mọi điều Vương Gia Vệ làm và yêu cầu mọi người phải làm đều là để mang đến khán giả những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất, chỉn chu nhất. Ông không chỉ tài năng mà còn là một người vô cùng tận tâm với nghề, với con đường ông lựa chọn.
Chính nhờ vậy mà thế giới biết đến Vương Gia Vệ, biết đến sự nghiệp đồ sộ của ông cùng dư âm mãi về sau này. Thật không ngoa khi nói rằng Vương Gia Vệ là biểu tượng nghệ thuật của nền điện ảnh Châu Á.
Phạm Hân
Đăng bởi: Hanoi1000.vn
Chuyên mục: Tổng hợp
Rate this post