Vương Gia Vệ: Đưa Khán Giả Thưởng Thức Cô Đơn Trong Ngôi Nhà Điện Ảnh
Hương Cảng , địa danh thân quen từ lâu vốn đã được xem là một trong những nơi có nền điện ảnh phát triển vươn tầm quốc tế. Từ hàng loạt series truyền hình TVB đình đám như Cung Tâm Kế, Bằng Chứng Thép, Hồ Sơ Trinh Sát, Xứng Danh Tài Nữ…, cho đến những tựa phim hay như Tân Bất Liễu Tình, Điềm Mật Mật, Anh Hùng Bản Sắc, Xuân Quang Xạ Tiết… Nền nghệ thuật Hongkong không thiếu những thiên vương, thiên hậu cùng nhiều tài tử xuất chúng, bên cạnh đó còn phải nhắc đến các vị đạo diễn tài năng với tư duy mang đậm dấu ấn độc đáo đã cho ra đời nhiều tác phẩm kinh điển. Góp phần tô điểm cho bức tranh nghệ thuật của Hongkong thêm phần đa dạng, nhiều màu sắc.
Nếu như thời kỳ Shaw Brothers thống trị màn ảnh, Lý Hàn Tường hay Hồ Kim Thuyên là những người đặt nền móng đầu tiên cho việc phát triển, thì thế hệ đạo diễn trong giai đoạn Làn Sóng Mới Hongkong chính là các nhân tố có công đưa điện ảnh xứ Hương Cảng vang danh thế giới.
Ở Hứa An Hoa là các tác phẩm mang tính khắc họa tâm lý giữa các tầng lớp con người, thông điệp truyền tải ẩn dụ thông qua số phận của nhân vật khi đối mặt với nghịch cảnh. Từ Khắc thì đem đến hơi thở mới cho thể loại phim võ hiệp, sự sáng tạo không giới hạn của nhà làm phim gốc Việt đã giúp ông thành công khi tiên phong thử nghiệm nhiều đề tài mới lạ. Nhắc đến Hongkong thì lẽ dĩ nhiên không thể thiếu dòng phim xã hội đen làm mưa, làm gió một thời, đại diện tiêu biểu chính là Ngô Vũ Sâm. Chịu sự ảnh hưởng từ đạo diễn kỳ cựu Trương Triệt, thành tựu của Ngô Vũ Sâm được cả Châu Á và Hollywood nể trọng, khái niệm “tam hiệp” với hình tượng ba nhân vật chỉa súng vào nhau chính là hình ảnh đặc trưng trong phim của ông. Còn khi đã nhắc đến tình yêu, sự tan vỡ và cô đơn thì Vương Gia Vệ luôn là cái tên đứng đầu, với phong cách làm phim đẳng cấp ở tầm quái kiệt.
(đạo diễn Vương Gia Vệ)
Sinh ngày 17.07.1958 tại Thượng Hải, lúc Vương Gia Vệ năm tuổi, cả gia đình ông chuyển đến sống ở bán đảo Cửu Long – Hongkong. Chính từ những ngày tháng thơ ấu nơi mảnh đất xa lạ này, ông đã tiếp xúc và làm quen với điện ảnh.
Thời gian đầu, do không có nhiều bạn bè, người thân, lại gặp rào cản ngôn ngữ nên Vương Gia Vệ cùng mẹ của mình thường giải trí bằng cách lui tới các rạp chiếu phim. Tốt nghiệp ngành đồ họa tại Đại học Bách Khoa Hongkong, thế nên Vương Gia Vệ chưa từng được đào tạo bài bản về điện ảnh. Tuy không học qua trường lớp, nhưng ông đã áp dụng chuyên ngành học của mình vào phim và điều này giúp ích cho việc tạo nên những khung hình đầy ám ảnh, với các gam màu gây ấn tượng tuyệt đối.
Là người Hoa đầu tiên đoạt giải Đạo Diễn Xuất Sắc ở Liên hoan phim Cannes năm 1997 với bộ phim Xuân Quang Xạ Tiết, cái tên Vương Gia Vệ trên ảnh đàn thế giới luôn có tầm ảnh hưởng nhất định. Bắt đầu sự nghiệp bằng vai trò biên kịch tại đài TVB, vị đạo diễn họ Vương bắt đầu tạo được tiếng tăm qua bộ phim đầu tay Vượng Giác Tạp Môn (1988). Đi theo mô tuýp xã hội đen quen thuộc của thập niên 80, nhưng ông lại chọn tình yêu làm mạch truyện chính để tường thuật tác phẩm. Việc lãng mạn hóa chất giang hồ bằng câu chuyện tình nồng nhiệt giữa Lưu Đức Hoa và Trương Mạn Ngọc đã làm cho phim được lòng khán giả lẫn giới phê bình, một bước khởi đầu hoàn hảo cho Vương Gia Vệ.
Sang đến năm 1990, A Phi Chính Truyện chính thức khẳng định phong cách nghệ thuật đậm tính cá nhân của Vương Gia Vệ. Vẫn lấy tình yêu làm chủ đạo, nhân vật “trai hư” Húc Tử do Trương Quốc Vinh đảm nhận xuất hiện như một giấc mộng mờ ảo, hoang dại, kết hợp cùng thủ pháp quay – cắt dựng phim dị biệt, không theo tuyến tính thời gian đã đưa A Phi Chính Truyện trở thành một trong những bộ phim xuất sắc trong sự nghiệp của “Vương kính đen” (là biệt danh của Vương Gia Vệ, do ông luôn đeo kính đen trong bất kỳ hoàn cảnh nào). A Phi Chính Truyện cũng chính là tác phẩm mở màn cho trilogy – bộ ba phim với chủ đề tuổi trẻ và tình yêu gồm A Phi Chính Truyện – Tâm Trạng Khi Yêu – 2046. Riêng Tâm Trạng Khi Yêu luôn nằm trong bảng xếp hạng các bộ phim Châu Á hay nhất mọi thời đại.
(Xuân Quang Xạ Tiết)
Từ Trùng Khánh Sâm Lâm, Xuân Quang Xạ Tiết cho đến Tâm Trạng Khi Yêu, thế giới của Vương Gia Vệ tạo ra luôn nồng nàn mùi của sự cô đơn và hoài niệm. Ngoài sự xuất hiện của các diễn viên chính, hầu hết trong các phim còn có màn hiện diện của một nhân vật “vô hình”, nhưng lại rất quan trọng, gắn liền với sự nghiệp của Vương kính đen: Hongkong. Sự cộng tác và hiểu nhau trong công việc của ông cùng nhà quay phim Christopher Doyle, đã giúp các tác phẩm của Vương luôn có màu sắc riêng biệt, mảnh đất Hương Cảng đi kèm ánh đèn neon hiện lên qua mỗi khung hình đều tuyệt mỹ, xứng đáng là một bức tranh đậm đặc chất nghệ thuật và phảng phất mùi ưu tư.
(Trùng Khánh Sâm Lâm)
“Em có mua thêm vài chiếc cốc. Em biết rằng sớm hay muộn chúng cũng sẽ vỡ hết cả thôi. Thế nên em giấu đi một chiếc. Một ngày nào đó nếu anh cần, gọi cho em, em sẽ chỉ chỗ em giấu nó cho anh” (Vượng Giác Tạp Môn).
“Tất cả những lúc tôi thất tình, tôi đều chạy bộ. Chạy bộ làm tiêu hao nước trong cơ thể… Thế là chúng ta không còn nước mắt để khóc nữa.” (Trùng Khánh Sâm Lâm).
“Tôi từng nghe kể về một loài chim không có chân. Chúng cứ bay, bay mãi và tựa mình vào cơn gió mỗi khi mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống đất một lần duy nhất trong đời. Đấy là khi chúng chết.” (A Phi Chính Truyện).
“Cội nguồn mọi đau khổ của con người là ký ức. Nếu có thể quên hết mọi chuyện, để mỗi ngày đều là một khởi đầu mới, sẽ chẳng phải tốt hơn sao?”. (Đông Tà Tây Độc).
(Tâm Trạng Khi Yêu)
Thoại trong phim của Vương Gia Vệ thường được tối giản hết mức, khi nghe thoáng qua thì tưởng chừng đơn giản, nhưng lại đủ khiến người xem phải suy ngẫm bởi tính triết lý sâu xa giàu cảm xúc. Ngoài ra âm nhạc cũng là nét đặc trưng trong phim của ông, phần lớn các cảnh quay khi không có thoại sẽ được biểu lộ thông điệp truyền tải thông qua diễn xuất của dàn diễn viên và các bản jazz đầy tâm sự. Nói một cách khác, mạch phim thường được chuyển đối đầy ngẫu hứng và tinh tế như giai điệu của những ca khúc cổ điển. Vương Gia Vệ dùng jazz để kể chuyện, dùng hình ảnh để diễn đạt, chính vì vậy mà phim của ông có nhịp điệu vô cùng nên thơ, chất chứa những ký ức đã cũ và sự đơn độc của con người.
Bởi quá trình làm phim ít khi có kịch bản hoàn chỉnh nên ông luôn cố đẩy sự sáng tạo của diễn viên lên mức tối đa. Các diễn viên từng làm việc với nhà làm phim họ Vương đều là những tên tuổi hàng đầu như Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Lâm Thanh Hà, Kim Thành Vũ…Họ cũng có đôi lần than phiền về tính cầu toàn của vị đạo diễn, ông luôn muốn mọi thứ thật hoàn hảo và sẵn sàng bỏ hết tất cả cảnh đã được quay, để quay lại toàn bộ chỉ một cảm hứng nào đó đến bất chợt. Chính vì vậy mà thời gian quay của các tác phẩm hầu hết rất lâu, kéo dài trong nhiều năm.
(bố cục màu sắc trong phim Đọa Lạc Thiên Sứ)
Có thể thấy, bằng tư duy nghệ thuật mới lạ, tầm nhìn vượt thời đại, Vương Gia Vệ đã gầy dựng nên một sự nghiệp hoành tráng cho riêng bản thân. Các tác phẩm của ông đều được ghi nhận tích cực bởi giới chuyên môn và luôn có thứ hạng cao trong các bảng đánh giá xếp hạng phim hay. Tầm ảnh hưởng của Vương Gia Vệ đã và đang được phát huy, ông vẫn luôn là niềm cảm hứng để các nhà làm phim trẻ noi theo, giá trị do họ Vương tạo ra vẫn mãi là một kỷ niệm đẹp trong dấu son hoàng kim của điện ảnh Hongkong.