Nghiên Cứu Lịch Sử
Ngô Mạnh Đức
Ông là một nhà độc tài, nhưng là một nhà độc tài xuất chúng. Hán Vũ Đế trị vị tới 54 năm, một kỷ lục chỉ bị xô đổ sau hơn 1.800 năm bởi Hoàng đế Khang Hi. Trong nhiệm kỳ của mình, ông biến nhà Hán từ thế lực tầm trung vươn tầm thành đế chế mạnh mẽ nhất Á Đông.
Với nửa thế kỷ ngồi trên ngai vàng, Hán Vũ đế mở rộng gấp đôi diện tích lãnh thổ nhà Hán. Thời đỉnh cao, đế chế của ông trải rộng từ lưu vực sông Tarim và thung lũng Ferghana ở phía tây tới miền trung Hàn Quốc ở phía đông và bắc bộ Việt Nam ở phía nam. Từ “Vũ” (có nghĩa đen để chỉ người chiến binh) trong danh xưng Hán Vũ đế được cho là để tôn vinh những công trạng hiển hách trong sự nghiệp chinh phạt của vị Hoàng đế vĩ đại này.
Các chiến dịch tấn công người Hung Nô thường xuyên dưới thời Vũ đế tuy hao tốn nhiều sức lực nhưng đồng thời lại thúc đẩy sự bành trướng của Đế chế Hán. Người đời sau nhớ tới Hán Vũ đế Lưu Triệt như một vị vua quân phiệt, hà khắc nhưng không kém phần oai phong, lẫm liệt.
Trẻ nhưng tham vọng. Năm 15 tuổi, Lưu Triệt lên ngôi. Để đánh dấu những ngày tháng đầu tiên trên đỉnh thiên hạ, Lưu Triệt bắt tay ngay vào kế hoạch triệt tiêu bớt các nhóm quyền lực phân tán. Ông sẽ tiến hành tái cơ cấu bộ máy nhà nước, củng cố nền quân chủ chuyên chế cao độ.
THAY ĐỔI QUỐC GIA.
Tới đầu thời Vũ đế, nhà Hán vẫn tương đối hướng nội. Nhìn nhận khách quan thì Hán là một quốc gia khá ổn định và thịnh vượng. Nhưng cũng không thiếu thời kì, đất nước này rơi vào trạng thái hỗn loạn vì âm mưu làm phản của chính người trong hoàng tộc, những kẻ được ban nhiều vùng lãnh thổ khắp đế chế. Cha của Lưu Triệt, Hán Cảnh đế dành cả đời mình để giải quyết hàng loạt xáo trộn nội bộ cũng như kìm hãm thế lực của đám thần tử đầy tham vọng. Ở thượng tầng bộ máy cai trị, giới quý tộc và thương nhân cũng luôn duy trì ảnh hưởng rất lớn. Vậy nên, ưu tiên đầu tiên khi Vũ đế lên ngôi là bảo vệ quyền uy tối thượng của bản thân trước các khối sức mạnh riêng rẽ.
Lưu Triệt trẻ tuổi nhắm thẳng mũi dùi cải tổ vào tầng lớp quý tộc Hán. Đám người này cần phải được tinh giảm để gia tăng thực quyền cho Tân Hoàng đế. Tuy nhiên, thời gian đầu, đa phần cải cách không thành công do sự ngăn cản của các nhóm chính trị bảo thủ, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của bà nội Lưu Triệt.
Trước tham vọng lớn của Lưu Triệt, nhiều quý tộc cầu cạnh sự giúp đỡ của bà nội ông, Đậu Thái hậu, người từ lâu đã can dự rất sâu vào triều chính.
MỐI NGUY.
Nhóm quý tộc chư hầu lộng hành tới mức tiêu diệt cả đại thần cố vấn cho vị vua nhỏ tuổi. Họ cũng ấp ủ kế hoạch phế truất Lưu Triệt ương ngạnh và đặt một Hoàng thân dễ kiểm soát hơn lên ngai vàng. Trước áp lực to lớn đè nặng lên đôi vai của mình, Hoàng đế trẻ tìm thấy niềm vui trong từng chuyến vi hành, khi ông có thể tự do quan sát cuộc sống của thần dân.
HOÀNG ĐẾ THỰC THỤ.
Đầu thời Hán Vũ đế, có rất nhiều quốc gia nhỏ xung quanh khu vực phía nam Trung Quốc, những quốc gia này được gọi chung là các vương quốc Bách Việt. Tiểu quốc nhỏ nhất là Âu Việt hay còn gọi là Đông Âu, nằm ngang hàng với nhà Hán trên bản đồ. Khi vương quốc Mân Việt hùng mạnh hơn xâm lược Âu Việt, nước này cầu cứu nhà Hán. Lời cầu viện này đem đến cho Lưu Triệt cơ hội thuận lợi để tự mình chứng minh năng lực.
Ban đầu, vùng Chiết Giang quanh khu vực Thượng Hải ngày nay không thuộc quyền sở hữu của người Hán. Thay vào đó, vùng này nằm dưới quyền cai trị của các bộ tộc Việt, nhiều vương quốc của người Việt lần lượt ra đời và được gọi chung là Bách Việt. Khi nước Âu Việt chư hầu của nhà Hán bị nước Mân Việt lớn hơn ở phía nam xâm lược, vua Âu Việt đã tử trận.
Tuyệt vọng, người Âu Việt gửi thư cầu cứu nhà Hán, mong họ giúp mình đánh đuổi gã hàng xóm hung hăng. Lúc này, tầm ảnh hưởng chính trị của bà nội Lưu Triệt vẫn rất lớn. Tuy nhiên, ông đã tự mình thoát khỏi sự kiểm soát của Thái hoàng thái hậu, quyết định thay thế thống soái quân đội đồn trú bằng một tướng lĩnh thân cận với ông. Quân Hán tổ chức lực lượng hải quân đông đảo tấn công người Mân Việt, buộc họ phải rút quân khỏi Âu Việt. Sau cuộc chiến, đồng minh Âu Việt chính thức nằm dưới sự bảo vệ thường trực của quân đội nhà Hán. Không chỉ góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng quốc gia, chiến dịch này còn là lần đầu tiên Lưu Triệt chứng minh được năng lực như một “Hoàng đế thực thụ” không bị chi phối bởi bất cứ ai kể cả người bà nội quyền lực của ông.
CỦNG CỐ QUYỀN LỰC.
Với vai trò tổng tư lệnh tối cao, trực tiếp nắm giữ trong tay đội quân đông đảo nhất thế giới, Hán Vũ đế đã thực sự là chủ nhân duy nhất của Đế chế Hán. Từ năm 135 TCN, không còn bất cứ “nhiếp chính” nào hỗ trợ hay can thiệp công việc nội chính của Hoàng đế. Khi bà nội Lưu Triệt qua đời, ông ngay lập tức tích cực hiện thực hóa kế hoạch phá hủy các nhóm quyền lực chi phối đất nước. Để làm được điều này, ông kiên quyết tước đi đáng kể những “ưu đãi” quyền lợi vốn có dành cho tầng lớp quý tộc. Nhiều chư hầu lộng hành, uy hiếp chính quyền bị nghiêm trị thích đáng. Ngược lại, thường dân có năng lực sẽ được trọng dụng, đề bạt lên vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Vô hình chung, những thường dân này mang ơn Hán Vũ đế và trở thành lớp bề tôi vô cùng trung thành.
Mặc dù được đánh giá là nhà lãnh đạo độc đoán và có phần cay nghiệt nhưng Hán Vũ đế lại chọn Nho giáo ôn hòa làm tư tưởng, triết lý chính cho quốc gia của mình. Việc áp dụng rộng rãi hệ thống quy tắc đạo đức, trách nhiệm của đạo Nho trong giáo dục, nuôi dưỡng tầng lớp tri thức đã giúp ông sở hữu nhiều công chức liêm chính, hết lòng vì xã tắc. Ở tầm vĩ mô, những nhà lãnh đạo từ sau Vũ đế đều coi “nhà Hán” là tên gọi khác của cộng đồng Nho giáo rộng lớn, họ xem việc truyền bá tư tưởng Nho giáo như một phần chiến lược mở rộng phạm vi Đế chế.
Quá trình tái thiết cơ chế quản lý chính phủ một cách triệt để từ trên xuống dưới, đem lại cho Hán Vũ đế nhiều thành quả. Thứ nhất, mọi rào cản pháp lý ngăn trở các quyết sách của Hoàng đế giờ đã bị xóa bỏ. Thứ hai, Hán Vũ đế đã gạch tên số lượng lớn quý tộc bất tài ra khỏi nội các của mình, thay vào đó là những năng thần tuyệt đối tuân lệnh Hoàng đế. Những điều trên, không chỉ minh chứng cho quyền hành vô hạn của Lưu Triệt mà còn cho thấy ông là một nhà lãnh đạo sẵn sàng lèo lái nhà Hán theo ý muốn của riêng mình, không cần sự can gián, góp ý của bất cứ thần tử nào. Chuyên quyền, quyết đoán chính là phong cách của Lưu Triệt trong suốt năm chục năm cai trị.
Từ năm 138 TCN, Vũ đế nhận thêm vai trò người giải quyết trung gian trong các cuộc giao tranh giữa nhóm tiểu quốc Bách Việt. Hai mươi năm tiếp theo, ông quan sát rất kĩ từng động thái của người Việt. Sự hiếu chiến của Mân Việt hóa ra lại là lý do hoàn hảo để ông thôn tính toàn bộ Bách Việt. Cứ mỗi khi Mân Việt dấy binh tấn công láng giềng, các quốc gia tí hon này lại cầu cứu nhà Hán. Thế là Hán Vũ đế mượn cớ dẹp loạn, tiến hành xâm lược Mân Việt đồng thời hợp nhất, sát nhập hàng loạt nước Bách Việt nhỏ khác vào lãnh thổ nhà Hán. Đến năm 111 TCN, nhà Hán chính thức thuộc địa hóa gần như toàn bộ Bách Việt, lãnh thổ Đế quốc kéo dài tới tận miền bắc Việt Nam. Nhiều thập kỷ sau đó, mối quan tâm của Hán Vũ đế không dành cho người Việt nữa mà chuyển hướng về phương bắc, nơi một kẻ thủ nguy hiểm chết người đang nhòm ngó giang sơn của ông, người Hung Nô.
HUNG NÔ.
Hàng thiên niên kỷ trước khi Lưu Triệt ra đời, người Trung Quốc đã phải đối mặt với những đợt tấn công, quấy nhiễu thường xuyên từ các bộ lạc thảo nguyên phương bắc. Vào thời Tần Thủy Hoàng, nhiều bộ lạc thống nhất thành liên minh Hung Nô hùng mạnh. Được dẫn dắt bởi những Thiền Vu giỏi giang, Hung Nô trở thành thế lực độc tôn ở thảo nguyên. Mối đe dọa Hung Nô lớn tới mức Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa đã dồn toàn lực xây dựng Vạn Lý Trường Thành để ngăn chặn làn sóng du mục.
Khi nhà Tần sụp đổ, người Hán sau này không thể tiếp tục kìm hãm sức mạnh của Hung Nô được nữa. Vị vua sáng lập triều đại, Lưu Bang đã trực tiếp đối đầu với Thiền Vu Mặc Đốn và thất bại thảm hại. Kể từ đó, để mong yên ổn, nhà Hán phải nạp một khoản tiền thường niên cho Hung Nô. Đồng thời, phải gả một công chúa cho Tân Thiền Vu mới lên ngôi. Lệ triều cống này dần dà trở thành chuẩn mực ngoại giao của nhà Hán với Hung Nô trong cả thế kỷ. Tuy nhiên, dù nhà Hán luôn duy trì thái độ nhẫn nhịn, người Hung Nô vẫn liên tục tổ chức tấn công, cướp bóc dọc biên giới phía bắc.
KHÔNG KHOAN NHƯỢNG. CHIẾN TRANH.
Từ những ngày đầu tại vị, Vũ đế đã tính ngay tới chuyện cắt đứt truyền thống hạ mình cống nạp cho người Hung Nô. Để chuẩn bị dạy cho Hung Nô một bài học, vào năm 139 TCN, Vũ đế đã cử phái viên Trương Khiên công du tới các dân tộc nhỏ ở vùng chảo Tarim Basin và tộc Nguyệt Chi ở thung lũng Ferghana hòng tìm kiếm giao kèo liên minh. Đây có lẽ là chuyến thám hiểm thực sự đầu tiên của người Trung Quốc tới vùng Trung Á.
Tại thành phố biên giới Mã Ấp. Hán Vũ đế bày kế dụ Thiền Vu Hung Nô vào bẫy phục kích bằng cách cử một người Hán giả làm người đứng đầu Mã Ấp tới gặp Thiền Vu, hứa với hắn sẽ ngoan ngoãn giao nạp thành phố. Quân Hung Nô trúng kế và kéo sát tới Mã Ấp, nhưng tới đây, Thiền Vu kịp đánh hơi thấy mùi nguy hiểm. Sau khi cẩn thận dò la, Thiền Vu biết về ổ mai phục đang chờ hắn ở Mã Ấp và lập tức quay đầu chạy về phương bắc bỏ lại quân đoàn Hán chậm chạp truy kích phía sau. Trận chiến Mã Ấp đã bộc lộ điểm yếu về tính cơ động của quân đội Hán.
Sau cuộc vây bắt Thiền Vu thất bại, năm 133 TCN, Hán và Hung Nô song phương tuyên bố chiến tranh. Vũ đế nhận ra ngay những vấn đề trong quân đội của mình. Phân tích thất bại từ đợt truy kích vừa qua, ông kết luận rằng, quân Hán quá chậm chạm, thiếu linh hoạt, sáng tạo trước các chiến binh trên lưng ngựa.
NGỰA MỚI, TƯỚNG MỚI.
Lưu Triệt bắt tay ngay vào nâng cấp chất lượng quân đội chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực. Ông loại bỏ bớt các dòng xe cơ giới cồng kềnh, không cần thiết trong tác chiến. Sa thải hàng loạt tướng già, bảo thủ. Thay vào đó, trao quyền cho thế hệ sĩ quan trẻ tuổi, nhanh nhẹn, sáng tạo và giàu khát khao chiến thắng.
Nhận thấy, với trang bị yếu kém, người Hung Nô giỏi tấn công hơn là phòng thủ. Hán Vũ đế quyết định chủ động công kích, tổ chức nhiều chiến dịch dài. Ông chọn Vạn Lý Trường Thành làm kho hậu cần cất trữ đầy đủ lương thảo, vũ khí cho lực lượng viễn chinh.
Bộ binh và kỵ binh Hán được hổ trợ bởi số lượng lớn các tay nỏ. Không giống như cung tên cần một thời gian luyện tập để thành thục, nỏ dễ sử dụng với cả những người nông dân chưa qua quân ngũ.
Chiến xa hạng nặng cũng được chế tạo số lượng lớn. Chiến xa và xe ngựa có thể tạo thành rào chắn cho bộ binh Hán trước loạt mưa tên từ quân địch khi chiến đấu ở vùng chiến địa bằng phẳng.
MẠC BẮC CHI CHIẾN.
Nhờ sự lãnh đạo tài tình của Hoắc Khứ Bệnh và Vệ Thanh cùng với binh chủng kỵ binh mới cải cách, quân Hán dành liên tiếp chiến thắng trước Hung Nô. Trong trận Mạc Bắc năm 119 TCN, lực lượng Hung Nô đông đảo tấn công mãnh liệt quân Hán. Nhận thấy mình đang ở thế bất lợi giữa vùng đồng bằng rộng lớn, tướng Vệ Thanh ngay lập tức triển khai thế trận che chắn bằng chiến xa và xe ngựa hỗ trợ cho đơn vị nỏ dễ dàng bắn trả.
Giữa lúc hai bên đang giao tranh thì bỗng giông tố nổi lên. Vệ Thanh khéo léo lợi dụng sức gió yểm hộ đã cho kỵ binh xuất kích, cày nát cánh quân của Thiền Vu. Thiền vu Y Trĩ Tà hoảng sợ, bỏ trốn về phía bắc không dám quay lại, còn quân Hán sau trận này, từng bước đánh thẳng tới kinh đô Hung Nô.
GÁNH NẶNG KINH TẾ.
Trong toàn bộ chiến dịch chống Hung Nô, các trận chiến có kết quả như trận Mạc Bắc diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, những thiệt hại kinh tế mà nhà Hán phải gánh chịu là không hề nhỏ. Theo một ghi chép, hàng trăm ngàn con ngựa của quân Hán đã thất lạc trong bão cát, chiếm tới 80% số chiến mã mà Vệ Thanh có. Nhanh chóng bổ sung số ngựa kể trên quả là điều không tưởng khi xét tới việc đồng bằng Trung Quốc không quá lý tưởng để nuôi ngựa. Chiến mã, thức ăn gia súc, lương thực chỉ là ba trong rất nhiều áp lực hậu cần mà Hán Vũ đế phải đối mặt. Giờ đây, ông cần phải nhanh chóng tìm ra phương cách đáp ứng nhu cầu chiến tranh ngày một tăng cao.
Sau những chiến thắng vang dội ban đầu trước người Hung Nô, Vũ đế giành nhiều thập kỷ tiếp theo để duy trì lợi thế trước kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Ông hướng sự quan tâm của mình về phía tây, giúp đỡ các nước nhỏ thoát khỏi ách nô dịch Hung Nô.
Người Hán mất ba mươi năm tiếp theo cho tham vọng tận diệt Hung Nô. Trận Mạc Bắc là chiến thắng quan trọng, nhưng nó không đồng nghĩa với việc người Hung Nô đã bỏ cuộc. Cuộc chiến trường kì sẽ làm cả hai đất nước kiệt quệ. Để có được khoản chiến phí khổng lồ, Vũ đế buộc phải tăng thuế và gánh nặng cứ thể đặt lên vai người dân. Cả đế chế thịnh vượng giờ nghèo đi vì chiến tranh liên miên.
Mặc dù người Hán dành nhiều thắng lợi nhưng một thắng lợi tuyệt đối vẫn chưa đến với họ. Với tốc độ tiêu hao tài nguyên khủng khiếp của những cuộc viễn chinh, họ có thể sẽ ngã gục trước khi kịp cất bài ca khải hoàn. Trong vai trò chỉ huy quân sự, Hán Vũ đế cứng rắn, quyết tâm và tàn nhẫn. Ông sẽ không chấp nhận bất cứ một thất bại nào hết. Nhưng kể cả là vậy, ông chắc chắn cũng cân nhắc được khả năng chịu đựng của Đế chế trước các thiệt hại kinh tế dồn dập. Khả năng mà khó có quốc gia nào ngoài nhà Hán có được. Liệu Đế quốc của ông có thể nghiền nát địch thủ trước khi tự vấp ngã vì kiệt sức?
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về số lượng ngựa chiến, Vũ đế đề ra một chương trình nhân giống ngựa cấp quốc gia, nhà nước sẽ ban ngựa giống cho nông dân chăm sóc. Với nhiều ưu đãi về thuế cho hộ nuôi ngựa, giờ đây lãnh thổ nhà Hán như một trang trại khổng lồ. Hàng trăm ngàn con ngựa được nhanh chóng đưa ra tiền tuyến nhưng dường như vẫn không đủ. Hán Vũ đế khá để ý tới chất lượng giống ngựa, ông ấn tượng với lời miêu tả của Trương Khiên về loài “ngựa trời” ở phương tây, chạy rất nhanh và đổ mồ hôi máu. Đây có thể là một trong nhiều lý do khiến Vũ đế rất quan tâm tới khu vực chư hầu phía tây của Hung Nô.
HƯỚNG VỀ PHÍA TÂY.
Bên cạnh chiến tranh Hán – Hung Nô, chuyến thám hiểm của Trương Khiên cũng rất đáng chú ý. Năm 125 TCN, ông trở về Trung Quốc, những báo cáo của ông dâng lên Hoàng đế viết về nhiều đất nước phát triển ở phía tây, phù hợp để nhà Hán thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trương Khiên đã trải qua một hành trình đầy chông gai, ông trở thành tù nhân Hung Nô trong hơn 10 năm. Ông trốn thoát và tiếp tục gửi lời đề nghị thành lập liên minh với người Nguyệt Nhi nhưng bị từ chối. Dù thất bại trong mục đích ban đầu của chuyến đi, nhưng các ghi chép của ông đã thực sự cung cấp cho Hán vũ đế nhiều thông tin quan trọng, từ đó, giúp ngài xây dựng đường lối đối ngoại phù hợp.
Tư Mã Thiên trong Sử Ký có viết: “Hoàng đế biết Đại Uyển, Đại Hạ, An Tức và nhiều quốc gia khác đều là những vùng đất trù phú, có đầy sản vật lạ thường và người dân ở đó cũng canh tác, kiếm sống y như người Hán vậy”.
Sau năm 119 TCN, Hung Nô phải tháo chạy khỏi vùng sa mạc Ordos và núi Qilian. Quân Hán theo đà thắng lợi, tiếp tục tiến sâu vào địa phận trước kia là thuộc địa của Hung Nô. Ngay khi nghe về thành phố ở thung lũng Ferghana có loài “ngựa trời” huyền thoại, Vũ đế cho người đi hỏi mua càng nhiều càng tốt. Thành phố đó chính là Alexandria Eschate, được thành lập bởi Alexander Đại đế. Nơi này là dấu ấn quan trọng cho sự bành trướng về phía đông của Alexander. Khi người ở đây giết sứ giả của Vũ đế, ông tức giận dẫn binh, quyết tiêu diệt bằng được thành phố vô lễ.
Để đáp lại hành động giết sứ giả, Hoàng đế cử một binh đoàn khổng lồ tới tấn công Alexandria Eschate. Trong lần đầu, quân đội của ông thất bại do thiếu lương thực duy trì. Không hài lòng, Vũ đế tiếp tục gửi binh bao vây toàn thành với đầy đủ trang thiết bị cơ giới.
Cuối cùng, các tướng lĩnh của Hán Vũ đế cũng chinh phục được Alexandria Eschate khi nhóm quý tộc trong thành chém đầu vua của họ, gửi cho quân Hán để đầu hàng. Đồng thời họ cũng hứa sẽ cung cấp thật nhiều “ngựa trời” theo như yêu cầu của Vũ đế. Với số ngựa chiến chất lượng này, nhà Hán lại càng đảm bảo sẽ đánh bại được người Hung Nô. Suy cho cùng, chiến thắng trước Hung Nô là điều tất yếu bởi nhà Hán vượt trội hơn hẳn về nhân lực, vật lực và trên hết còn tước đi toàn bộ chư hầu thân cận trước kia của Hung Nô.
SỰ KHỞI ĐẦU CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA.
Suốt ba thế kỷ sau thời Hán Vũ đế, nhà Hán luôn tích cực buôn bán, trao đổi với khu vực Trung Á. Nguyên nhân đến từ sự ra đời vô tình của “Con đường tơ lụa”. Thật trùng hợp khi các khu vực phía tây mà Hán Vũ đế chinh phục được lại tạo thành một con đường xuyên suốt qua Đế chế Quý Sương ở Ấn Độ và Trung Á, Đế chế An Tức ở Iran và Đế chế La Mã ở Địa Trung Hải. Lần đầu tiên trong lịch sử Á – Âu, có một con đường giao thương nối liền bốn đế chế lớn.
“HOÀNG ĐẾ LỬA”.
Ở tuổi 50, Lưu Triệt dành phần lớn nhiệm kỳ của mình để thiết lập thể chế và tham gia nhiều cuộc chinh phạt. Ông đã theo đuổi hàng loạt cuộc chiến suốt vài thập kỷ kể từ khi lần đầu nắm quyền vào năm 135 TCN. Tham vọng chinh phục quá lớn khiến ông phải trả giá đắt vào những năm tháng cuối đời, triều đại nhà Hán đang lung lay dữ dội.
Trong vấn đề đối nội và đối ngoại, Vũ đế đặc trưng bởi sự mạnh mẽ, bá quyền. Khi đánh giá bề tôi, ông quan tâm chủ yếu tới năng lực và sự vâng lời. Ông thường xuyên xử tử nhiều chỉ huy thua trận hoặc những kẻ mà ông cho rằng không trung thành. Không ít lần ông xử tội chu di cả gia tộc người bị hàm oan. Nhà sử học kiệt xuất Tư Mã Thiên cũng là nạn nhân của Hán Vũ đế, ông bị thiến vì bênh vực cho một người bạn của mình trước vị Hoàng đế nóng tính.
Sự đa nghi, nóng nảy đôi khi tới hoang tưởng của Lưu Triệt khiến nảy sinh ra một nhóm quan lại lợi dụng ông để tiêu diệt đối thủ chính trị của mình bằng cách vu khống cho họ.
SAI LẦM.
Năm Lưu Triệt 60 tuổi, tin lời xàm tấu của gian thần, ông nghi ngờ con trai Lưu Cứ của mình sử dụng tà thuật, âm mưu soán ngôi đoạt vị. Để rồi, con trai vô tội của ông cùng mẹ mình buộc phải đứng lên nổi dậy để giữ lấy mạng sống. Hai cha con đuổi giết nhau trên đường phố Trường An trong vòng năm ngày cho đến khi Lưu Cứ bị đẩy ra khỏi thành. Sau đó, Vũ đế tiếp tục thanh trừng toàn bộ những kẻ bị cho là dính líu tới cuộc đảo chính của con trai.
Lưu Cứ bị giam cầm, thành viên gia đình anh lần lượt bước lên đoạn đầu đài, riêng mẹ anh, Vệ hoàng hậu vì quá uất hận nên chọn cách tự tử. Chỉ có con nhỏ của thái tử là được tha mạng nhưng vẫn phải ngồi tù. Một người bằng hữu của Lưu Cứ đã cố minh oan cho anh nhưng mọi thứ đều vô nghĩa trước sự ác cảm của các quan lại dành cho thái tử. Mong người cha hiếu sát tha mạng cho những cận thần trung thành của mình, cuối cùng Lưu Cứ cũng chọn cách tự vẫn.
NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI.
Không giống như nhiều bạo chúa khác trong lịch sử, cuối cùng, sau chuỗi sai lầm, Vũ đế cũng tỉnh ngộ và kịp thời sửa sai. Ông nhanh chóng điều tra, tìm ra bè lũ gian thần thao túng ông bằng những lời nói dối và tận diệt cả gia tộc bọn chúng. Vì ân hận và thương nhớ Thái tử, Hán Vũ Đế cho xây “Tử tư cung (cung nhớ con)”.
Vào năm 89 TCN, Hoàng đế viết “Luân đài hối chiếu” để tự phê bình bản thân đồng thời xin lỗi thần dân vì những lỗi lầm trong quá khứ của ông. Đây cũng là bố cáo thiên hạ cuối cùng trước khi Lưu Triệt qua đời không lâu sau đó, kết thúc nửa thế kỷ trị vì đầy biến động nhưng cũng không thiếu vinh quang của vị Hoàng đế thứ 7 triều đại nhà Hán.
Nguồn: Sử ký, Wikipedia, Dragon’s Amory, History Collection, Britannica,…
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…