Cây đa Đồn | Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên điện tử
VNTN- Cuộc đời đưa đẩy tôi đi thật xa, mỗi lần trở về tôi lại đến bên cây đa Đồn để nói với cây rằng: “Ta đã về đa ơi”. Cây đa vẫn xanh tươi đến độ lạ lùng, với nó chắc không có chuyện “sinh, lão, bệnh, tử”? Nó đã nói với tôi bằng thứ ngôn ngữ của loài cây: “Đi đâu thì nhớ trở về”…
Tác giả (bên phải) dưới gốc đa Đồn trong một lần về thăm quê
Ở “tuổi bẻ gãy sừng trâu”, tôi xung phong vào bộ đội theo bước chân những người anh hùng – “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.
Ngôi làng Cát đã sinh ra tôi, nuôi cho tôi khôn lớn. Ngôi làng nhỏ với những người “chân lấm tay bùn” hân hoan mỗi khi được mùa; và thương đau khi “nhà ai đó” nhận được điều không mong muốn. Vâng, điều không mong muốn: Giấy báo tử! Người con ấy đã hi sinh anh dũng nơi chiến trường!
Tôi yêu ngôi làng quê tôi dẫu nhỏ bé mà kiên cường trước phong ba bão táp và giặc giã. Có đến “ngàn lẻ một” điều đáng nhớ, điều nào cũng hay cũng đẹp, cũng dễ lấy đi nước mắt con người, nhưng sao “Cây đa Đồn” luôn cháy bỏng trong trái tim tôi không hề phai nhạt?
Cây đa Đồn là điểm nhấn trong bức tranh làng Cát quê tôi. Bạn nói bạn là người làng Cát, Thái Nguyên? Vậy xin hỏi bạn, làng có bao nhiêu cây đa? Tên của chúng? Nếu trong câu trả lời của bạn thiếu đi hai từ “bốn” và “Đồn” thì bạn là người nói xạo.
Những người con làng Cát rời quê hương đi chiến đấu hay vì cuộc sống mưu sinh, dù ở tận phương trời nào thì họ vẫn luôn nhớ về bốn cây đa.
Thứ nhất là cây đa chợ Cát sát tuyến đường tỉnh lộ 261. Hồi ấy chim bồ các, chim sáo về làm tổ nhiều lắm, trẻ con thích bắt chim mà trèo không nổi. Nếu có trèo, người lớn cũng cấm.
Thứ hai là cây đa Đình ở giữa trung tâm làng, nơi có cái hố bom và xác chiếc máy bay khu trục của Pháp. Máy bay Pháp bị ta bắn cháy rơi ở Đầm Vang, Quân Chu được dân làng đưa về đây, các cụ kể thế. Bên cây đa Đình có cái giếng Đình nước trong vắt. Nơi cây đa Đình có lớp học vỡ lòng để cho tôi biết đọc, biết viết và hát Chiếc đèn ông sao.
Thứ ba là cây đa bà Hảo (vì gần nhà bà Hảo). Bà Hảo người tận làng Bưởi lấy chồng làng Cát. Bà bán hàng xén, nơi thu hút bọn con nít chúng tôi thích chơi bi (xanh đỏ tím vàng), thích chỉ câu, lưỡi câu để cha mẹ đợi mãi chẳng thấy về
Cuối cùng là cây đa Đồn, vì gần cái đồn của quân Pháp. Đám trẻ trâu chúng tôi thường chơi bi, chơi đáo, trận giả bên cây đa ấy. Cái đồn của giặc Pháp đã bị quân ta tiêu diệt, di tích còn lại là bức tường gạch, đá ong đổ nát. Đám nhóc từng há hốc mồm nghe mấy cụ già kể chuyện dân làng đánh Tây: “Cái đồn này là nỗi kinh hoàng cho dân làng Cát. Giặc Pháp đã đâm chết bao nhiêu người từ đâu đến, trong đó có vợ ông Thư Kí Chí ở làng. Nhưng dân nào có sợ Pháp. Dân lập Đội du kích đánh cho chúng tan thây, có tên bị thương kêu rống như bò…”. Tụi trẻ ngứa ngáy chân tay, chỉ mơ có giặc về để được làm người anh hùng! Cụ Khánh Tuệ chửi cho một trận: “Cha bố chúng mày, mơ gì không mơ, mơ giặc về làng!”. Đứa nào đứa nấy mặt xanh đít nhái, rồi vung chân vung tay khi cụ Khánh Tuệ hạ giọng: “Lo học cho giỏi nay mai lớn lên làm anh bộ đội vào miền Nam đánh Mỹ”.
Cây đa Đồn không biết bao nhiêu lần chứng kiến “đôi tình yêu” tâm sự để “ngày mai anh lên đường”. Và tôi, đã từng khóc nơi đây. Cây đa như người mẹ ôm ấp che chở cho tôi tránh đòn của cha vì ham chơi mà để trâu lạc trong rừng. Cây tỏa bóng mát để tôi học thuộc bài, kẻo ngày mai thầy phạt, là nơi anh trai dạy tôi vẽ cánh đồng. Lần đầu tiên trong đời tôi biết “đường chân trời”. Anh trai bảo: “Không thể có một tác phẩm nghệ thuật đẹp từ một tâm hồn què quặt, bẩn thỉu”.
Cây đa đồn để lũ trẻ chúng tôi trèo lên thấy tổ chim cu giản đơn, thấy cánh đồng trải rộng để nhớ về bài học: “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông”. Khi vui tôi đến với cây đa, khi buồn cũng đến với cây đa. Cây đa Đồn là linh hồn của tôi và có lẽ của cả dân làng.
Thế rồi, đúng như cụ Khánh Tuệ nói, tôi lên đường làm anh bộ đội. Tôi đến bên cây đa, ngắm từng chiếc lá, ôm nó vào lòng: “Ở lại nhé, đợi ngày chiến thắng trở về”. “Nó biết cái gì mà nói với nó?”- chị Mùi bảo thế, rồi chị cười, rồi chị khóc: “Em cứ yên tâm lên đường đánh giặc”. Thế là tôi có tên trong câu thơ Vũ Cao: “Anh đi bộ đội sao trên mũ”.
Tôi đưa cây đa Đồn ra thao trường, vào trong đêm gác, trên đường hành quân, giữa bom đạn ùng oàng, trong hầm chốt để kể cho đồng đội nghe. Cây đa Đồn là tấm áo cho tôi, là đôi giày cho tôi không chùn bước, là “bùa hộ mạng” cứu tôi thoát khỏi tử thần trong trận chiến ác liệt giữa ta và địch nơi chiến trường đỏ lửa. Tôi trở về mang theo thương tật rồi tiếp tục đi học để trở thành “thầy giáo thương binh”. Tôi lại đưa cây đa Đồn lên bục giảng với biết bao ánh mắt nhạt nhòa, tôi lại khẽ “Cảm ơn các em đã đồng cảm với thầy”. Ở đâu tôi cũng mang theo cây đa Đồn, tuy không hiện hữu như vòng vàng đeo cổ, nhưng nó lại có một sức mạnh diệu kì trong tôi, khuyên tôi “cái gì nên làm, cái gì không nên”.
Cây đa đôi cổng phía Bắc làng Phương Độ (Ảnh minh họa: Khắc Thiện)
Bốn cây đa ở làng tôi vẫn trường tồn, như một nhân chứng sống khẳng định lịch sử của làng từ trước cái thời “Thuở nô lệ, thân ta mất nước” cho đến ngày “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, và cho tới tận hôm nay – Đất nước trong thời kì đổi mới đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Cuộc đời đưa đẩy tôi đi thật xa, mỗi lần trở về tôi lại đến bên cây đa Đồn để nói với cây rằng: “Ta đã về đa ơi”. Cây đa vẫn xanh tươi đến độ lạ lùng, với nó chắc không có chuyện “sinh, lão, bệnh, tử”? Nó đã nói với tôi bằng thứ ngôn ngữ của loài cây: “Đi đâu thì nhớ trở về”. Viết đến đây tôi đã khóc. Tôi tin những tâm hồn đồng điệu trong sáng sẽ nhìn thấy những giọt muối mặn lăn trên gò má.
Cây đa Đồn bên con chợ làng, nơi tôi đã gặp lại biết bao bạn bè từ thuở “thò lò mũi xanh”. Những khuôn mặt già nua thế mà khi nhớ về cây đa Đồn bỗng trẻ lại. “Còn gì cho ta?”. Tất cả đều vô nghĩa, nếu như trong ta không có hai tiếng “Nhân – Tâm”. Nếu “Quê hương là chùm khế ngọt” thì với tôi “Quê hương là cây đa Đồn”. Cây đa đã in dấu biết bao kỉ niệm trong tôi, những kỉ niệm ấy đã thúc giục tâm hồn tôi yêu cuộc sống hơn, yêu con người hơn, làm những điều có ích hơn.
Mời bạn về thăm quê tôi, chẳng phải chỉ có chuyện Trà ngon mà còn nhiều câu chuyện khác cuốn hút đến mê hoặc. Nơi mảnh đất đã in dấu chân biết bao nhà cách mạng, văn nghệ sĩ để tìm về Thủ đô gió ngàn. Là nơi Bác Hồ xắn quần lội ruộng cùng bà con xã viên Hợp tác xã Cầu Thành. Rồi nghe chuyện phu mỏ ngày xưa vùng lên tranh đấu… Và bạn hãy theo tôi về thăm cây đa Đồn, xưa có thằng lính Pháp thua trận khóc hu hu…
Đi đâu tôi cũng tự hào mình là người Thái Nguyên. Tôi sẽ trở về quê nhà, còn giờ đang phải gồng mình chống dịch COVID-19. Xin lỗi cố nhạc sĩ Thuận Yến để cho con hát vài từ nhạc chế trong Đi trong hương tràm của ông nhé:
Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay màu
Dù trái tim anh không trao em nữa
Một thoáng cây đa Đồn cho ta bên nhau…
Đào Sỹ Quang
TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai