Xạ thủ vô địch SEA Games 31 Trần Quốc Cường: Bắn súng như hơi thở của tôi

Bắn súng dường như là hơi thở của tôi. Sau này, dù không còn thi đấu nhưng tôi vẫn gắn bó với bắn súng ở cương vị HLV.

SEA Games 31 là kỳ Đại hội cuối cùng xạ thủ Trần Quốc Cường tham dự với tư cách VĐV. Tấm HCV ở nội dung 50m súng hơi nam và 10m súng ngắn đồng đội vì thế càng trở nên ý nghĩa với tay súng 48 tuổi này.

xạ thủ vô địch sea games 31 trần quốc cường: bắn súng như hơi thở của tôi

Xạ thủ Trần Quốc Cường giành 2 HCV SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng

Lời chia tay ngọt ngào

Đấu trường SEA Games hẳn không xa lạ với anh sau cả thảy 11 lần tham dự. Vậy, 2 tấm HCV vừa giành được có đem đến cho anh cảm xúc khác biệt?

2 tấm HCV vừa qua giúp bản thân tôi và bắn súng Việt Nam giải tỏa được áp lực đè nặng từ khi kỳ SEA Games 30 thất bại toàn diện. Nói chung, kể từ sau Olympic Rio 2016, thành tích của chúng ta tại mọi đấu trường quốc tế đều chững lại. Ban huấn luyện và toàn thể các VĐV đặt rất nhiều kỳ vọng tại kỳ SEA Games trên sân nhà.

Cường là một VĐV gương mẫu, chuyên nghiệp và có nhiều đóng góp to lớn cho bắn súng Việt Nam. Bên cạnh những tấm huy chương, sự tận tụy, cần mẫn của cậu ấy là điều ít ai sánh được. Ngay cả trong thành tích của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016, vai trò của Cường cũng rất lớn. Cả hai cùng nhau tập huấn, giúp đỡ nhau, so kè nhau để cùng vươn lên. Có thể nói, nếu không có Trần Quốc Cường chưa chắc đã có Hoàng Xuân Vinh vô địch Olympic.

HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung

Anh vừa nhắc tới việc giải nghệ, vậy anh đã lên kế hoạch cho ngày này lâu chưa?

Tôi có ý định giải nghệ từ năm 2020, cùng thời điểm anh Hoàng Xuân Vinh chia tay đội tuyển. Tuy nhiên, chị Nhung (HLV trưởng đội tuyển bắn súng Nguyễn Thị Nhung) nói muốn tôi ở lại để dìu dắt các đàn em, ít nhất tới hết SEA Games 31.

Lực lượng của đội mỏng, lại đang ở giai đoạn chông chênh nên tôi quyết định ở lại. Đến nay mọi thứ đã đi vào ổn định, tôi rút lui là hợp lý. Tôi năm nay cũng gần 49 tuổi rồi, sức khỏe không cho phép mình tập luyện và thi đấu liên tục.

Sau xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, giờ tới lượt anh giã từ đội tuyển, có thể nói những người cận vệ già ở đội tuyển đã lui vào hậu trường. Anh có tin những tay súng trẻ đủ bản lĩnh để phát huy thành tích trong quá khứ của bắn súng Việt Nam?

Hiện, đội vẫn còn Hà Minh Thành giàu kinh nghiệm. Thành sinh năm 1985, còn phải cống hiến được 3 – 4 kỳ SEA Games nữa. Về chuyên môn, cậu ấy cũng rất vững nên tôi tin Thành sẽ trở thành đầu tàu của đội.

Ngoài ra, bắn súng Việt Nam còn nhiều tay súng trẻ tiềm năng, nếu được rèn rũa tốt, thành tích chắc chắn được nâng cao trong tương lai gần.

Ở thế hệ của mình, anh và đồng đội phải đối mặt với những khó khăn ra sao để theo đuổi đam mê?

Thời của tôi bắn súng còn thiếu thốn nhiều thứ, từ chế độ, trường bắn tới súng, đạn. Điều kiện hiện tại đã cải thiện được nhiều nhưng cơ bản vẫn chưa đáp ứng được theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ví như trường bẳn ở Nhổn xây mấy chục năm, xuống cấp trầm trọng, gần đây chuẩn bị cho SEA Games mới được xây lại. Rồi tới việc nhập đạn khó khăn, có thời điểm VĐV phải tập chay, giơ súng lên rồi hạ xuống.

Từ đầu những năm 90, thế giới đã dùng bia điện tử nhưng Việt Nam vẫn tập bia giấy, dẫn tới VĐV thiệt thòi khi thi đấu quốc tế.

Tiếc nuối tuổi trẻ

xạ thủ vô địch sea games 31 trần quốc cường: bắn súng như hơi thở của tôi

Xạ thủ Trần Quốc Cường và HLV Nguyễn Thị Nhung. Ảnh: Bùi Lượng

Hơn 30 năm theo đuổi bắn súng, đã có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại?

Thể thao chuyên nghiệp cao, đặc biệt là bắn súng luôn nhiều áp lực nên mệt mỏi, chán nản là không tránh khỏi. Có những giải đấu mình thất vọng, muốn nghỉ ngay lập tức nhưng chỉ vài ngày không tập là lại nhớ.

Bắn súng dường như là hơi thở của tôi. Sau này, dù không còn thi đấu nhưng tôi vẫn gắn bó với bắn súng ở cương vị HLV.

Là một tay súng lão luyện, trước, trong và sau khi thi đấu, anh có thói quen gì đặc biệt?

Tôi không có thói quen đặc biệt nào bởi với VĐV thể thao chuyên nghiệp, mọi thứ như được lập trình sẵn. Cuộc sống của tôi gần như chỉ xoay quanh gia đình, tập luyện và thi đấu.

Tất nhiên, mỗi HLV hay VĐV cũng đều có những cách làm riêng để đảm bảo thành tích. Cá nhân tôi trước ngày thi đấu sẽ không tập nặng nhưng cũng không được thả lỏng hoàn toàn, tôi duy trì tập luyện vừa phải để cơ thể đạt trạng thái cân bằng.

Theo quan sát của tôi, các VĐV bắn súng ngắn đều cho tay vào túi quần khi thi đấu, hành động này có ý nghĩa gì ?

Trước đây, khi bắn các xạ thủ thường chống tay vào hông. Sau này, khoa học đã chỉ ra rằng việc chống tay như vậy sẽ khiến cơ thể bị căng cứng.

Ngược lại, khi để tay vào túi quần, thứ nhất có thể giúp cố định nhưng cũng thả lỏng một phần cơ thể, thứ hai tạo ra sự thăng bằng tối ưu cho VĐV. Chỉ khi súng, cánh tay và cơ thể tạo thành một khối thì bắn mới tốt.

Với VĐV bắn súng, cây súng hẳn là người bạn đáng trân trọng, anh có thể chia sẻ về những cây súng mà mình sở hữu?

Tôi có 2 cây súng ngắn 50m và 10m của hãng Moerimi (Thụy Sĩ) được đội tuyển trang bị từ năm 2016. Giá trị thời điểm mua khoảng 50 – 70 triệu đồng/cây.

Trước đó, tôi dùng cây súng cũ suốt 20 năm. Súng khi được sản xuất có tiêu chuẩn, độ bền, độ chính xác như nhau nhưng muốn sử dụng được lâu dài thì mình phải chăm sóc nó thường xuyên.

Cũng giống như mối quan hệ giữa người với người, nếu không vun đắp sẽ dễ phai nhạt. Sau khi tôi giải nghệ, súng được chuyển giao cho VĐV khác sử dụng, chắc chắn tôi sẽ nhớ chúng.

Có ý kiến cho rằng, sự nghiệp của Quốc Cường chỉ như cái bóng của người đồng đội Hoàng Xuân Vinh, nhất là sau thành tích 1 HCV, 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016. Anh có cảm thấy chạnh lòng khi nghe điều này ?

Tôi chưa bao giờ cảm thấy chạnh lòng bởi mỗi người một số phận, lối đi riêng. Anh Vinh đạt được thành công chưa từng có nhưng anh ấy cũng phải đánh đổi rất nhiều thứ, ngay cả áp lực cũng nặng nề hơn đồng đội vài phần.

Bản thân tôi cũng từng thắng anh Vinh ở SEA Games năm 2011 và 2015, tất cả đều hết sức bình thường. Chúng tôi luôn coi nhau là người đồng đội tốt, bạn tốt.

Cảm ơn anh!

Rate this post