Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) – Chốn Thiêng

Vua Lý Nhân Tông tên thật là Càn Đức, ông là con trai trưởng của Lý Thánh Tông. Năm 1072 khi vua Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức lên ngôi tức vua Nhân Tông. Mẹ đẻ là Thái hậu Linh Nhân (tức Ỷ Lan Nguyên phi). Vua Lý Nhân Tông, trị vì 56 năm, mang lại một thời kì thái bình thịnh trị bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Những nhân vật lịch sử nổi tiếng của triều Lý và cả trong lịch sử Việt Nam đã phò tá khi vua mới lên bẩy là Nguyên phi Ỷ Lan, Thái sư Lý Đạo Thành, Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt phò tá .

Vua Lý Nhân Tông là người có công đầu đối với nền giáo dục Đại học. Ông đã cho mở thi khoa Minh Kinh bác học hay còn gọi là khoa thi Tam trường đầu tiên trong lịch sử vào năm 1075. Khoa thi lấy đỗ 10 người, Lê Văn Thịnh đỗ thủ khoa. Ông là trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Năm 1076 nhà vua cho xây Văn Miếu Quốc Tử Giám thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền của Nho giáo. Đây trở thành nơi dạy học ở bậc cao dành cho thái tử và những người tài giỏi để xây dựng đất nước. Văn Miếu Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của nước ta.

Lý Nhân Tông là một vị vua anh minh giỏi việc quan chế. Nhà vua giao cho Lý Thường Kiệt đưa quân sang đất Tống đánh trước để giành thế chủ động. Quân đội nhà Lý hạ được thành Ung Châu vào đầu năm 1076. Sau đó, nhà Tống cho quân sang xâm lược nước ta do Quách Quỳ, Triệu Tiết dẫn đầu. Dưới sự chỉ huy của Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt quân nhà Lý một lần nữa đánh bại quân Tống tại trận tuyến trên sông Như Nguyệt. Quách Quỳ phải chấp nhận giảng hòa và rút quân về vào năm 1077.

Lý Nhân Tông là một vị vua thương dân, gần dân, thương người nghèo khổ, thân phận tôi tớ, người già nua, góa bụa. Ông quan tâm và nhắc nhở về việc đồng áng, khuyên dân đắp đê chống lũ lụt. Công trình nổi tiếng nhất thời đó là đê Cơ Xá. Bên cạnh đó, ông còn đi xem dân cày cấy, gặt mùa, chỉ bảo ngư dân đánh cá, khuyến khích phát triển các nghề thủ công như nghề giầy, nghề sơn, kiến trúc và điêu khắc, đóng thuyền, nung gạch ngói. Dưới thời vua Lý Nhân Tông kinh tế nông nghiệp có bước phát triển mới.

Lý Nhân Tông là một người hâm mộ Phật pháp. Trong thời kì trị vì của mình, ông đã để lại nhiều công trình nổi tiếng như bảo tháp Vạn Phong Thành Thiên trên núi Chương Sơn ở huyện Ý Yên (Nam Định), bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đây giai đoạn thịnh đạt của Phật giáo ở nước ta, có ảnh hưởng sâu sắc tới đời của nhân dân, in rõ dấu ấn trong mọi lĩnh vực văn hóa, sắc thái Phật giáo gắn bó với thuần phong mĩ tục của dân tộc ta. Nhà vua đã cho lập rất nhiều chùa và có ý thức tạo nên những thắng cảnh cho đất nước.

Lý Nhân Tông là một vị vua văn võ song toàn, không chỉ giỏi việc quan trường, mà còn am hiểu và rất thích nghệ thuật. Vua Lý Nhân Tông chính là tác giả của những bài ca, khúc nhạc mà nhạc công tập luyện. Tác phẩm của vua Lý Nhân Tông hiện còn ba bài thơ tứ tuyệt gồm Truy tán Vạn Hạnh Thiền sư, Tán Giác Hải Thiền sư, Thông Huyền Đạo nhân, Truy tán Sùng Phạm Thiền sư, ngoài ra còn một vài bức thư gửi triều đình nhà Tống, các bài hịch và chiếu.

Khi đánh giá tổng quát về ông, các sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn… đều gọi ông là “vị anh quân của vương triều Lý”.

Chấm điểm

Rate this post