Vua đầu bếp Minh Nhật: Bán bánh mỳ kiếm 40 tỷ/năm?
Trước đó, tờ báo Forbes đã công bố, công việc kinh doanh riêng của cô với chuỗi chi nhánh bánh mỳ mang thương hiệu Minh Nhật đã mang lại con số 40 tỷ/ năm.
Vào những ngày cuối năm 2015, danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi (30 Under 30) nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam của tạp chí Forbes đã gây nhiều chú ý. Tất cả đều là những bạn trẻ nổi bật với rất nhiều thành tích và thành công ở tuổi đời còn rất trẻ. Trong số đó, có 1 cái tên vô cùng quen thuộc, đó chính là Vua đầu bếp 9X Minh Nhật.
Sau khi lọt vào danh sách, thì những thành công của cô cũng nhanh chóng bị cư dân mạng “soi” kỹ hơn. Mới đây, trong một bài phỏng vấn trên một tạp chí, Minh Nhật đã gây sốt cho tất cả khi tiết lộ, công việc kinh doanh riêng của cô với chuỗi chi nhánh bánh mỳ mang thương hiệu Minh Nhật đã mang lại con số 40 tỷ/ năm. Cụ thể, bài báo viết: “Theo như Forbes Việt Nam đã tính toán và tôn vinh tại chuyên mục “Kinh doanh, tài chính và quản trị”, nếu tính trung bình giá bán một suất bánh mì và nước uống là 40.000đ, với sản lượng 3.000 suất bánh nước mỗi ngày, thì bước đầu cô gái 9x này thu về hơn 40 tỉ/năm”. Ngay lập tức, đây đã trở thành chủ đề gây tranh cãi của cư dân mạng.
Hầu hết mọi người đều cảm thấy “khó tin” trước con số 40 tỷ mà Vua đầu bếp đưa ra. Bạn Nguyễn Thúy Hằng tính nhanh: “40 tỉ của 9 cửa hàng. Mỗi ngày bán 3000 bánh vị chi mỗi bếp làm 333 chiếc/1 ngày, trung bình gần 3’/1 cái cho 1 chuỗi 9 cửa hàng”
Một số người khác từng thưởng thức bánh mỳ của Vua đầu bếp Minh Nhật thì lại cho rằng, chất lượng bánh mỳ chưa tương xứng với giá bán, và thực tế thì các cửa hàng đều khá vắng. Vậy từ đâu ra con số này? Và con số này chính xác là doanh thu, hay là lợi nhuận? Sẽ đáng tin không nếu cả 9 cửa hàng đều đạt công suất trung bình trên 300 bánh/ ngày để đạt được con số kia?
Cũng không ít người cho rằng, đây đích thị là một chiêu truyền thông khá hiệu quả của cô gái 9X này. Bạn L.N thẳng thắn: “Thật ra thì chỉ riêng với việc em ấy mở được 9 cửa hàng trong năm đã rất đáng khâm phục rồi. Nhưng với bài báo này, mình chỉ kiểu bị “dắt mũi” 1 chút vì thật ra, cái gây tranh cãi chưa chắc đã phải thật sự là con số doanh thu thực của Minh Nhật, mà có khi chỉ là một con số hoàn toàn theo tính toán giấy tờ… Và đây có thể coi là chiêu trò truyền thông. Mỗi tội chiêu trò này nổ”
Giữa những luồng tranh luận, chúng tôi đã liên lạc với quản lý truyền thông của Minh Nhật để tìm hiểu rõ hơn về điều này:
Chúng tôi có biết những thông tin này. Cụ thể, tôi có đọc được một bài post trên facebook bạn bè và một bài post do người khác tag tên tôi vào. Tôi nghĩ, việc mọi người bàn tán chứng tỏ họ đã quan tâm đến con số này.
Bạn nghĩ sao khi họ nói đây là con số không chính xác?
Tôi không nghĩ gì hết, vì đã là doanh thu ước tính thì đương nhiên con số không thể nào chính xác. Vấn đề là, con số ước tính đó có quá cao hay quá thấp so với con số thực tế hay không mà thôi. Hiện nay, hệ thống chuỗi bánh mì Minh Nhật vừa mở được cửa hàng thứ 9, như vậy, chờ một năm nữa sẽ biết số liệu thực tế có khớp với số liệu tính toán hay không.
40 tỷ được nhắc đến ở đây là doanh thu hay lợi nhuận? Con số đó chỉ là ước lượng trên hình thức giấy tờ hay đã được tính toán từ thực tiễn buôn bán? Bạn nói rõ hơn được không?
Con số gần nhất mà chúng tôi ghi nhận, thì mỗi ngày, toàn hệ thống phục vụ cho thị trường khoảng 3000 suất bánh nước. Dựa trên thông tin đó, báo chí viết chính xác như sau “Nếu tính trung bình giá thành cho một suất bánh mì và nước uống ở mức giá 40.000đ, thì mang sản lượng 3.000 suất bánh nước mỗi ngày nhân với 365 ngày mỗi năm, sẽ nhẩm tính được doanh thu bước đầu của cô gái 9x này mang về là hơn 40 tỷ VNĐ”. Tôi cho rằng đây là một phép tính nhân rất đơn giản mà ai cũng có thể tự mình kiểm chứng.
Cá nhân tôi nhận thấy, con số 3000 suất bánh nước mỗi ngày là đang ghi nhận ở tình trạng chỉ có 9 cửa hàng, và mức giá suất bánh nước là 40.000đ. Nếu mỗi người tới mua chỉ ăn bánh mà không uống nước, doanh số đương nhiên sẽ thấp hơn tính toán. Nếu trong vòng một năm tới, toàn bộ chuỗi cửa hàng không mở thêm và đóng lại, sức mua của thị trường cũng dậm chân tại chỗ thì doanh thu lý thuyết sẽ là 43,8 tỷ. Nếu khách chỉ ăn bánh mì không uống nước, thì giá tiền khoảng 30.000đ mỗi suất, doanh thu sẽ là 32,85 tỷ. Nếu hệ thống mở rộng, gia tăng số lượng cửa hàng trong chuỗi thì doanh thu thực tế cuối năm đương nhiên cao hơn con số lý thuyết 40 tỷ rồi.
Thực ra, với 9 cửa hàng trong chuỗi và phục vụ 3000 suất bánh nước từ 7h sáng đến 10h tối (tương đương 15 giờ làm việc), thì trung bình mỗi giờ, một cửa hàng chỉ bán ra được 22 suất bánh nước. Đây là con số chưa cao. Chúng tôi kỳ vọng hoàn thiện quy trình quản lý, quy trình phục vụ, quy trình bán hàng và đặc biệt đẩy mạnh được mảng đặt bánh online để đưa con số 22 suất bánh nước mỗi giờ tăng cao hơn nữa.
Theo Tri thuc tre