Vĩnh biệt nghệ nhân Hà Thị Cầu
TPO – Vào hồi 12 giờ 30 trưa 3-3, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà nhỏ tại Yên Mô, Ninh Bình, hưởng thọ 97 tuổi.
> Bu Cầu ốm thật rồi!
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Ảnh: Bạch Viên
Bà tên thật Hà Thị Năm (Cầu là cách gọi theo tên con trai cả ở vùng Yên Mô, Ninh Bình), sinh năm 1917 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, bà cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
Lễ viếng nghệ nhân Hà Thị Cầu được bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng ngày 4-3.
Bà sẽ được an táng vào lúc 9g30 sáng 5-3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).
Khoảng tám tuổi, bà đã đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Định cư sống tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con bà nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó hiện là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình.
Sau đó bà trở thành người vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu). Năm đó, ông Mậu 49 tuổi, từng chung sống với 17 người đàn bà, trong đó có 8 bà chính thức.
Khi bà gần 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho bà 7 người con, 4 người lần lượt bị mất vì bệnh đậu mùa. Hiện tại bà sống cùng vợ chồng người con gái. Con rể bà làm nghề đánh cá còn con gái buôn bán rong các chợ Bút, chợ Ninh, chợ Nam Dân ở Ninh Bình.
Bà Hà Thị Cầu được coi là báu vật sống cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm Việt Nam. Cuộc đời bà đã gắn bó với nghệ thuật hát xẩm từ nhỏ và rong ruổi từ Bắc chí Nam để kiếm sống thực sự bằng những bài hát xẩm.
Bà Hà Thị Cầu không biết chữ, nhưng là người thông minh và rất giỏi làm thơ và sáng tác các bài hát xẩm, hầu hết các bài hát xẩm do bà biểu diễn đều do cụ tự đặt lời và truyền dạy cho con cháu.
Cuộc đời của bà Cầu nghèo khổ, đến lúc chết cuộc sống của cụ cũng vẫn cơ cực như thế. Gia đình bà là hộ nghèo nhất ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
Bộ phim Xẩm đỏ
“Xẩm đỏ” là tên một bộ phim mới nhất về nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống” của môn nghệ thuật hát xẩm.
Bộ phim dài 35 phút của đạo diễn Lương Đình Dũng đã tái hiện được một phần nào cuộc đời vất vả, khổ cực của bà Cầu qua những câu hát xẩm…
Hoàn thành sau 2 năm bấm máy, với 1.200 phút hình ảnh tác giả chỉ chọn ra 35 phút để dựng thành phim “Xẩm đỏ”. Bộ phim tài liệu “Xẩm đỏ” đã ra mắt khán giả vào ngày 18-8-2011.
Theo Viết