Vì sao Thúy Kiều không báo ân cho Mã Kiều?
(QBĐT) – Nhân vật Mã Kiều chỉ xuất hiện một cách chớp nhoáng trong Truyện Kiều nên ít người để ý. Gần đây, tôi tình cờ đọc được ý kiến của ông Nguyễn Duy Hiển – cán bộ hưu trí, thường trú tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ.
Trong bài viết Về việc báo ân báo oán của nàng Kiều đăng ở chuyên mục Diễn đàn, báo Văn nghệ Công an (ra ngày 5-6-2012), ông Hiển cho rằng: Mụ Quản gia được báo ân là xứng đáng. Thế mà có một người nặng tình, nặng nghĩa với nàng Kiều hơn mụ Quản gia thì nàng Kiều quên hẳn, đó là Mã Kiều.
Hãy nhớ lại đoạn khổ ải, đau đớn của nàng Kiều khi bị Sở Khanh lừa tình, rủ trốn đi và Tú Bà bắt lại, đánh đập tàn tệ, Mã Kiều đã đứng ra “chịu đoan” cho Kiều. “Chịu đoan” là bảo lãnh, là nhận lấy trách nhiệm, chịu trách nhiệm về những điều mà nàng Kiều hứa hẹn. Có thể nói nhận bảo lãnh là nhận sự rắc rối, sự hy sinh của bản thân mình với đối tượng mình bảo lãnh.
Như vậy, theo ông Nguyễn Duy Hiển, Mã Kiều là người có công, cần được báo ân mà nàng Kiều đã vô tình bỏ sót. Có phải đúng là Thúy Kiều vô tình bỏ sót Mã Kiều? Không thể như thế được! Kiều là người trọng ơn nghĩa không lẽ lại quên người đã từng bảo lãnh cho mình? Mụ Quản gia chỉ nhắc nhở một vài lời, Kiều vẫn nhớ để trả ơn, mà trả ơn rất hậu (Nghìn vàng gọi chút lễ thường), huống gì Mã Kiều không chỉ bảo lãnh mà còn giúp Kiều hiểu được chân tướng của Sở Khanh.
Cả Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du cũng biết rõ điều này, sao cả hai cũng đồng tình với việc nàng Kiều không báo ân cho Mã Kiều? Nhất là Nguyễn Du, bởi như chúng ta biết, ông là người tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài với việc đứng ra bảo lãnh cho Kiều và vạch mặt chân tướng Sở Khanh thì đúng như ông Nguyễn Duy Hiển đánh giá Mã Kiều là người tốt. Nhưng nếu xem xét thật kỹ, ta vẫn thấy một vài điểm rất đáng ngờ ở nhân vật này.
Mã Kiều tuy cùng lứa với Kiều nhưng dấn thân vào “hang động” của mụ Tú Bà trước. Bởi thế, Mã Kiều biết khá tường tận những mưu ma, chước quỷ của mụ. Ngay cả cái việc mụ thuê bao nhiêu tiền mỗi lần Sở Khanh thực hiện âm mưu của mụ, Mã Kiều cũng biết rất cặn kẽ: Có ba mươi lạng trao tay/ Không dưng chi có chuyện này trò kia.
Thời gian Thúy Kiều sống với Mã Kiều ở hang động mụ Tú Bà cũng không phải là quá ngắn. Ấy thế mà Mã Kiều không hề hé lộ cho Kiều biết chân tướng của tên lừa đảo “chuyên nghiệp” Sở Khanh. Mãi đến khi Kiều sa bẫy, Mã Kiều mới trách nàng “Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh/ Bạc tình nổi tiếng lầu xanh”. Điều này hoàn toàn khác với mụ Quản gia.
Khi Kiều mới bị bắt về làm thị tỳ cho Hoạn Bà, mụ Quản gia đã căn dặn ngay với Kiều: Ở đây tai vách, mạch rừng/ Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi/ Kẻo khi sấm sét bất kỳ/ Con ong, cái kiến, kêu gì được oan. Nếu Mã Kiều cũng căn dặn kịp thời và cẩn thận như thế thì làm gì có chuyện Sở Khanh lừa gạt được Thúy Kiều.
Khi Thúy Kiều bị mụ Tú Bà đánh đến mức “uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa”, nàng không chịu nổi, đành phải cắn răng hứa với mụ: Tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa! Tú Bà bắt Kiều ký vào tờ cam kết và tìm người bảo lãnh. Ngay lập tức Mã Kiều “đánh liều chịu đoan” cho nàng. Sự “đánh liều” này cũng rất đáng ngờ. Bởi chắc chắn Mã Kiều đã nhiều lần chứng kiến cái chiêu thức này của mụ Tú Bà nên mới dám “đánh liều” một cách nhanh chóng như vậy. Ngay cả lời khuyên của Mã Kiều với nàng Kiều cũng rất đáng ngờ: Bớt lời liệu chớ sân si thiệt đời! Đó là lời khuyên hay lời răn đe, hăm dọa?
Có lẽ chính những điều đáng ngờ ấy mà Nguyễn Du viết: Bày vai có ả Mã Kiều. “Ả” là tiếng địa phương miền Trung với sắc thái trung tính (bình thường). Nếu quả Mã Kiều có tấm lòng hào hiệp thật, thi hào Nguyễn Du chắc sẽ lựa chọn cách gọi khác trang trọng hơn, tương xứng với hành động hào hiệp của Mã Kiều hơn.
Lúc bấy giờ, do đang hoảng loạn tinh thần vì. vừa bị no đòn nên Kiều chưa đủ tỉnh táo nhận ra cái “vai” diễn của Mã Kiều. Sau này, tĩnh tâm trở lại, xâu chuỗi mọi hành vi, lời nói của ả ta, cùng với những điều tai nghe mắt thấy trong những tháng ngày ở lầu xanh của mụ Tú Bà, có lẽ Kiều đã phần nào hiểu được con người thực của Mã Kiều.
Phải chăng đó là lý do Thúy Kiều quyết định không báo ân cho ả? Nhưng nếu đưa Mã Kiều ra xét xử trong phiên báo oán thì lại chưa đủ cơ sở pháp lý để cấu thành tội phạm (như cách nói của các luật sư bào chữa hiện nay). Cả Thanh Tâm Tài Nhân lẫn Nguyễn Du cũng thừa biết điều đó. Nên cách tốt nhất đối với ả ta là lờ đi cho xong chuyện.
Hạng người như Mã Kiều không phải là hiếm trong cuộc sống đời thường ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào. Hạng người này rất giỏi trong việc che giấu hành tung của mình. Ta chỉ mơ hồ cảm nhận những người này là phạm nhân nhưng không có đủ bằng chứng để có thể kết tội. Vì vậy mà những người như Mã Kiều vẫn cứ nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật.
Mai Văn Hoan