Vì sao nhà văn Vũ Bằng sau 1975 không ra Bắc?
TP – Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội… cây bút Vũ Bằng (ảnh) đã bao năm bện quyện với muôn người! Cái câu hỏi băn khoăn bâng khuâng rằng hàng bao năm biệt với Hà Thành với xứ Bắc như thế; năm 1984, Vũ Bằng mất nhưng tuyệt nhiên không một chuyến ra?
Vũ Bằng qua nét vẽ của Tạ Tỵ và bút tích Vũ Bằng
Năm xa ấy lọ mọ đi tìm tư liệu để viết về hậu duệ Vũ Bằng đang làm miếng ngon ở Hà Nội, tôi được gặp ông Dũng hói – chủ quán phở có tiếng ở Lê Duẩn – người gọi Vũ Bằng là chú ruột. Qua ông Dũng, tôi biết thêm người em gọi Vũ Bằng là chú vợ, ông Bùi Hồng Thắng. Ông Thắng trước làm ở Vụ Báo chí – Bộ Văn hoá thông tin đã hưu.
Sài Gòn giải phóng được ít lâu thì nhà báo Hồng Thắng tìm đến nhà ông chú vợ… Sau những ngỡ ngàng ô, a ngạc nhiên mừng rỡ một hồi, Vũ Bằng dẫn anh cháu đi luôn…
Từ nhà Vũ Bằng ở Khánh Hội, hai chú cháu lần vào nội thành đến đường Pasteur có những quán phở Bắc. Ông chú kêu một tô cho cháu, nói mình đau bao tử không xài được. Bao dấu hỏi sau bữa phở ấy? Sao ông chú không để mình ở nhà chơi với thím mấy các em? Mình đã kịp chuyện trò thăm hỏi gì đâu? Nhưng những câu hỏi ấy tức thì có ngay câu trả lời.
Trời ơi, tại vì nghèo, quá nghèo! Ông chú không muốn cho anh cháu chứng kiến!? Bữa ấy ông chú chỉ đủ tiền mua cho mình một bát phở? Chứng kiến gia cảnh ông chú vợ so súi túng bấn, ông Thắng đã lẳng lặng những sẻ chia. Có cái đàn piano mua được định bụng đem ra Bắc cho con gái, khi ấy là thứ sang, Thắng đã đắn đo rất lâu nhưng rồi cũng quyết định bán phứt cho chú thím vay để mua sợi nilon về cho cả nhà đan túi!
…Cứ qua cầu Khánh Hội một đoạn gặp ngôi chùa là tới… Trí nhớ của người chưa tới bảy mươi của ông Thắng và non hai chục năm chưa vô Sài Gòn hình như đã hơi duễnh doãng thế nào nên báo hại tôi tìm mất non một ngày không ra! Mãi hôm sau, anh công an khu vực mới nhăn cái trán lại rằng cách cầu Khánh Hội đi xuôi chi đó có một cái chùa tên là Nguyên Hương thử đến coi có trúng không? Quả nhiên nhà Vũ Bằng ngay sát chùa!
Những cái bậc thấp dẫn xuống căn nhà âm u. Mé trước nhà là thênh thang khoáng đạt nhưng đầy rác rưởi của một mé sông Sài Gòn…
nhà văn Vũ Bằng
Một cái trang thờ đang nghi ngút khói hương. Những tấm ảnh đen trắng ngự trên vị trí trang trọng nhất thì rõ là song thân nhà văn. Và kia, tấm ảnh phía dưới một chút rõ ra là nhà văn Vũ Bằng rồi… Nhưng còn người đàn bà có nét cười buồn buồn trong tấm hình mầu kia? Thôi rồi, chán làm sao cho cái tính hay dùng dắng đã mấy lần vô thành phố đã vài lần cứ định đến đây, thế mà… Tôi đã đến muộn! Vợ nhà văn Vũ Bằng, bà Lương Thị Phấn mất mới non trăm ngày!
Anh con trai Lê Văn Long rầu rầu báo cho tôi cái tin ấy khi đã ngồi giữa nhà một lúc lâu… Long làm bảo vệ của cảng. Đêm làm ngày nghỉ nên bữa nay tôi mới gặp.
Nhà văn Vũ Bằng di cư … Thời gian lang thang mãi ở Sài Gòn có một thời khắc đáng kể đáng nhớ là lần gặp lại bà Quỳ người vợ từ thuở tao khang lặn lội tận ngoài Bắc vào Sài Gòn năm 1956. Đôi guốc ngày ấy bà Quỳ trở ra Bắc có tài liệu của Vũ Bằng giấu trong đó gửi ra cho tổ chức! Và thời điểm nữa là gặp được bà Phấn; khi ấy, Long, con riêng của bà đã 4 tuổi!
Dạ, má em quê ở Sa Đéc lên Sài Gòn làm ăn cũng lâu mới gặp ba em… Long nhớ lại, mới đầu là ở một ấp Nhân Hoà nào đó của ngoại thành. Rồi sau dời vô quận Nhất. Rồi quận 3. Trước khi vợ chồng Vũ Bằng về ở hẳn đây còn có một thời tá túc ở một hẻm của Khánh Hội.
Đã quần tụ trong cái gian âm u này trong một thời khốn khó, ngoài Long ra Vũ Bằng có sáu người con với bà Phấn. Ba anh con trai mang những cái tên có lẽ phải ngự trong cái xóm bình dân này như là một sự bất đắc dĩ: Hầu, Bá, Công và ba cô con gái Châu, Khương, Giao. Chính cái sàn nhà đá hoa đen trắng này một dạo dài cứ tối tối lại rào rào tanh tách âm thanh của việc đan túi nilông để bà Phấn đi bỏ mối. Rồi mối túi nilông cũng hết. Bà Phấn đành phải ra ga Sài Gòn ngược tàu cất hàng lặt vặt nhì nhằng về Sài Gòn bán lại chút đỉnh kiếm lời cho những bữa cơm rau mắm… Trong thời gian bà Phấn chạy tàu thì ông chủ, nhà văn kiêm cựu điệp viên Vũ Bằng cùng anh cháu Hồng Phấn nhà báo cách mạng đi bỏ mối thuốc Tây; mà theo trí nhớ của nhà báo Hồng Thắng là những phi vụ làm ăn ấy thường xuyên lỗ chỏng gọng phần thì thuốc giả, phần thì bị lừa… Khi ông Thắng bất lực không thể có phương cách chi để góp phần thúc đẩy đời sống nhà ông chú vợ tiến thêm bước nào đành lùi lũi ngược tàu ra Bắc.
Bà Phấn cùng sắp nhỏ dọn dẹp phía trước nhà và trên tầng thượng cho gọn gàng chút để dành chỗ cho phương thức kinh doanh mới: Cho người ta thuê chỗ bày cây kiểng và kiếm can xăng can nhớt bán lẻ nhì nhằng. Bà Phấn sau thời gian kinh doanh xăng dầu và cho thuê cây cảnh đổ bể lại tòn ten (trước đó một thời gian bà cũng đã từng làm) đôi quang gánh đi khắp cái địa bàn cảng Sài Gòn hay chợ Khánh Hội mênh mông này để cất rau hay trái cây kiếm chút đỉnh nhì nhằng…
Nhà văn Vũ Bằng lọc cọc cái xe đạp tàng, ra đường thì mũ phớt chĩnh chiện trên đầu, dáng xiêu xiêu nhoà trong dòng người xe xuôi ngược ào ạt trong màn bụi mù mịt khét lẹt các loại khí thải động cơ xe dầu của trời trưa Sài Gòn… Ông đi đâu vậy? Thấy chợt nhói lên ý nghĩ dường như không muốn tin lời anh con trai rằng, đằng sau hay chỗ giỏ xe thường những trưa liêu xiêu khật khưỡng như thế là mấy cuốn sách dầy cộp có khi là những cuốn từ điển nhưng lúc ông về chẳng thấy sách đâu? Chao ôi Vũ Bằng phải mang sách cũ đi bán!
Tôi ngồi ngó mãi bức sơn dầu chân dung Vũ Bằng treo ở gian tiếp khách vẽ theo lối mới của hoạ sĩ Tạ Tỵ. Phía dưới còn chữ ký của Tạ Tỵ và hàng chữ như một thứ lạc khoản Sài Gòn năm 1965. Trong hình, Vũ Bằng chỉ có một con mắt? Hiện diện ở vị trí đó, bức chân dung tồn tại từ năm sáu lăm ấy đến nay… Bên cạnh là một bức sơn dầu phong cảnh như Long nói lại là Vũ Bằng mua từ năm 1962.
Long đưa tôi lên gác. Dạ. hồi tới đây là ba em cho làm cái gác này theo kiểu của ổng… Cái cầu thang chỉ vừa một người đi bằng gỗ có chín bậc be bé bằng hai bàn tay. Sàn cũng lát thứ gỗ dầu chi đó trơn nhẵn bóng láng. Một cửa sổ có những con tiện làm diện tích căn gác gần bốn mét vuông đâm có tí hồn. Long cho hay ngày trước cửa sổ này là thông thoáng là lồng lộng một mảng mây trời nắng gió của một mé sông Sài Gòn. Một cái bàn gỗ loại xấu sứt sẹo nhỉnh vừa phải trên nền sàn gỗ… Dạ, cái bàn này ba em vẫn thường viết chi đó… Nếu đích thế thì những Bốn mươi năm nói láo và những đau đáu khôn nguôi của Thương nhớ mười hai … đã từng phôi thai đã từng manh nha rồi bay bổng ám ảnh bao người từ cái bàn viết sứt sẹo này? Tôi cố hình dung trong câu chuyện của Long những năm đơ đỡ, thời gian mà các báo các nhà xuất bản thường đến com măng chữ nghĩa với Vũ Bằng, trên căn gác này cứ chiều thứ bảy bao giờ cũng có một cuộc nhậu nho nhỏ. Khi thì những Tạ Tỵ, Thượng Sĩ, chú Chinh – tức Ba Hội (người chứng sau này cho Vũ Bằng có mối dây với tình báo cách mạng) những cây bút Sài Gòn một thời như L. H Dương như B.Đ Trung… chuối xanh khế chua mắm tép hay mắm sống với thịt ba chỉ hay giò heo luộc là những thứ ba em với bạn của ba ưa nhậu. Khi không có ai, một mình ba em cũng chơi hết một xị. Rồi còn mù mịt khói thuốc lào nữa chứ! Cái thứ thuốc lào mà như Long nói ổng phải thân chinh lên tận chợ Ông Tạ để mua… Đêm chuyển về sáng một ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm tám tư, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu?! Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi? Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình kéo một hơi rồi ho sặc sụa… Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần… Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc bốn giờ ba mươi sáng!
Một vật lấp lánh phía góc căn gác. Tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba của Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tháng 12 năm 2000 tặng thưởng cho nhà văn Vũ Bằng về thành tích điệp báo nằm vùng.
Lại thấp thoáng những dòng hồi ức của nhà văn Tô Hoài về Vũ Bằng sau giải phóng.
Tối hôm sau, tôi đến nhà anh. Nhà một tầng, hai buồng rỗng như đít bụt, chẳng có tủ có đài gì cả. Chị hai đi họp tổ dân phố. Trẻ con thì chơi đâu ngoài bờ sông.
Vũ Bằng lại xuýt xoa khen tôi béo khỏe. Tôi nói:
– Khó khăn thì nhiều đến độ không đếm được, nhưng lòng người yên tĩnh. Có lẽ khỏe nhờ thế, anh ạ.
– Chí phải, chí phải. Ở cái đất loạn này, cứ nát óc ra hại người thật.
Tôi cười:
– Vả lại, những “Mười hai thương nhớ” nữa, còn gì là người!
Vũ Bằng nhếch miệng, mủm mỉm, bâng khuâng:
– Ừ còn gì.
Rồi anh trầm ngâm nhìn ra sông Khánh Hội trong bóng trăng.
Mấy năm nay tao yếu hẳn. Đã thiếu đói lại mới bị một chuyến kiết lỵ tưởng chết, nhưng rồi chỉ ốm rộc người thôi. Chẳng phải chỉ có mười hai thương nhớ, đã hơn hai mươi năm ở cái hẻm này, còn gì là người. Mày có thương tao không?
Vũ Bằng sở dĩ chưa ra Bắc chứ phải không ra vì một lý do cực kỳ đơn giản, Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần! Không có cái tội chi khổ bằng cái nghèo! Vĩnh viễn nhà văn Vũ Bằng không có bao giờ có dịp một lần tìm về nơi mười hai thương nhớ ấy… Hình hài cùng cái dáng dấp nhà văn Vũ Bằng tài hoa ấy nay chỉ còn im lìm lặng lẽ trong bình tro xương đang lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm!
Có chút chi đó hơi khiếm nhã khi tôi cứ tha thẩn từng xó của căn gác bởi bất chợt lóe lên ý nghĩ ngồ ngộ: mai kia biết đâu một ông nào đó ở Bảo tàng Hội Nhà văn sẽ treo tấm biển ở căn gác này đại loại Từ năm… đến năm nhà văn Vũ Bằng đã từng sống từng viết ở đây!
Lại giật thột thêm cái điều, đã quang lâng sạch bách không còn chút giấy má bản thảo sách vở của nhà văn Vũ Bằng? Không biết người con trai cả và là con ruột của nhà văn, ông Vũ Hoàng Tuấn có lưu lại được ít nhiều?