Vị phi tần lúc sinh thời được cả Ung Chính và Càn Long Đế hết mực yêu thương, cuối đời đưa ra quyết định khiến hậu nhân đau đầu lý giải

Hoàng đế Ung Chính được xem là một vị vua “máu lạnh” nhất trong lịch sử nhà Thanh, cung tần mỹ nữ xung quanh không kể xiết, thế nhưng chỉ có duy nhất một vị phi tần khiến ông cả đời tôn trọng và yêu thương, đó chính là Hi Quý phi Nữu Hỗ Lộc thị.

Thân phận của Hi Quý phi dưới thời Hoàng đế Ung Chính

Trong sử sách Trung Hoa, có rất ích thông tin về Hi Quý phi, nhưng qua những chi tiết ít ỏi ghi chép lại, bà trở thành thiếp của Hoàng đế Ung Chính từ lúc ông còn chưa lên ngôi vua. Bà được Hoàng đế Khang Hi ban hôn cho người con trai thứ 4 của mình là Tứ a ca Dận Chân (tức Hoàng đế Ung Chính sau này) lúc 13 tuổi. 

Lúc đó, bởi vì chức quan của cha ruột của bà không cao, gia đình sa sút tới mức giống như thường dân. Có lẽ vì lý do này mà dù bà mang họ Nữu Hỗ Lộc thị danh giá, nhưng khi vào phủ Ung Thân vương chỉ được xếp ở hàng thứ thiếp.

Bí ẩn về vị phi tần được cả Ung Chính và Càn Long đế hết mực yêu thương, sống cực thọ, cuối đời còn dám từ chối chôn cất cùng Hoàng đế - Ảnh 1.

Chân dung của Hi Quý phi Nữu Hỗ Lộc thị.

Mặc dù trở thành vợ lẽ của Dận Chân (Ung Thân vương), nhưng bà cũng không được sủng ái như nhiều người tưởng. Có lẽ chỉ đến khi Dận Chân lâm trọng bệnh, bà không ngại khổ cực ngày đêm túc trực bên cạnh, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ suốt thời gian dài mới giúp cho tình trạng bệnh của ông thuyên giảm.

Ung Thân vương cảm động trước sự hi sinh của bà nên sau khi bình phục, tình cảm của 2 người ngày càng chuyển biến tốt.

Vào năm 1711, bà sinh cho Ung Thân vương một người con trai là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (tức Càn Long đế sau này), con trai thứ 4 của Ung Thân vương.

Hoằng Lịch từ nhỏ đã tỏ ra mình là một người thông minh, lần đầu cùng cha diện kiến “ông nội” là Hoàng đế Khang Hi ở Viên Minh viên vào năm 10 tuổi. Hoàng đế Khang Hi thấy cháu mình lanh lợi, hoạt bát nên rất yêu thích, lập tức quyết định đón vào cung nuôi nấng. 

Có lẽ vì quá thích cháu trai mà Hoàng đế Khang Hi tỏ ra ưu ái nhà Ung Thân vương hơn. Ông còn ca ngợi mẹ của Hoàng Lịch – tức Nữu Hỗ Lộc thị là người có phúc khí khi sinh ra một đứa con xuất sắc như vậy.

Bí ẩn về vị phi tần được cả Ung Chính và Càn Long đế hết mực yêu thương, sống cực thọ, cuối đời còn dám từ chối chôn cất cùng Hoàng đế - Ảnh 2.

Nữu Hỗ Lộc thị được Hoàng đế Khang Hi coi là người có phúc khí.

Năm 1722, Ung Thân vương lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Ung Chính. Lúc này, Phúc tấn Ô Lạt Na Lạp thị trở thành Hoàng hậu. 

Theo như quy định, bậc Cách cách như Nữu Hỗ Lộc thị chỉ được sách phong lên bậc Tần, nhưng Hoàng đế Ung Chính rất sủng hạnh Nữu Hỗ Lộc thị nên đã phá bỏ mọi quy tắc để sách làm Hi phi. Địa vị của bà cao thứ 4 sau Hoàng hậu, Niên Quý phi và Tề phi. Năm 1730, Hi phi được tấn phong làm Hi Quý phi.

Hi Quý phi được Hoàng đế Càn Long hết mực kính trọng

Trước đó Hoằng Lịch được “ông nội” là Hoàng đế Khang Hi hết mực yêu thương và nuôi dưỡng học tập nên không có gì lạ khi Hoàng đế Ung Chính qua đời, Hoằng Lịch lên ngôi vua.

Người ta nói rằng, cả đời Hoàng đế Càn Long chỉ không phụ duy nhất một người phụ nữ đó là Nữu Hỗ Lộc thị – tức mẫu thân của ông. Khi lên ngôi Hoằng Lịch trở thành Càn Long đế, Hi Quý phi trở thành Sùng Khánh Hoàng Thái hậu.

Bí ẩn về vị phi tần được cả Ung Chính và Càn Long đế hết mực yêu thương, sống cực thọ, cuối đời còn dám từ chối chôn cất cùng Hoàng đế - Ảnh 3.

Khi lên ngôi Hoằng Lịch trở thành Càn Long đế, Hi Quý phi trở thành Sùng Khánh Hoàng Thái hậu.

Trong sử sách có rất nhiều bằng chứng cho thấy Hoàng đế Càn Long rất hiếu thuận với mẹ mình. Trong những chuyến du ngoạn của mình, lúc nào Càn Long đế cũng đưa bà đi cùng, chỉ dừng lại khi bà lâm bệnh.

Mỗi lần đại thọ cho Sùng Khánh Hoàng Thái hậu, Càn Long đế đều tổ chức quy mô rất lớn. Có lần bà muốn ngắm phong cảnh phương Nam ngay tại Tử Cấm Thành, Càn Long đế không ngần ngại xây hẳn một khu phố theo phong cách Tô Châu, cho cung nữ, hậu vệ đóng giả thành thường dân mua bán tấp nập để mua vui cho bà. 

Đặc biệt, Càn Long đế còn dự định tổ chức một đại tiệc long trọng, xa hoa mừng đại thọ 90 tuổi của mẫu thân, nhưng không may bà đã qua đời lúc 86 tuổi sau một cơn bệnh. Bà được xem là người sống thọ nhất trong lịch sử nhà Thanh.

Đặc biệt, trong những ngày đại tang lễ của Sùng Khánh Hoàng Thái hậu, Hoàng đế Càn Long lúc đó mặc dù đã 70 tuổi nhưng vẫn đích thân đến tế tang mỗi ngày. Mọi người sợ việc này ảnh hưởng tới long thể của ông nên khuyên ngăn, nhưng ông vẫn một mực từ chối. 

Sùng Khánh Hoàng Thái hậu quyết định không chôn cất cùng Ung Chính đế

Cái chết của bà để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mọi người, đặc biệt là đối với Hoàng đế Càn Long. Theo thông lệ, được chôn cất cùng với Hoàng đế là một vinh hạnh lớn. Tuy nhiên, theo một số ghi chép cho hay, Sùng Khánh Hoàng Thái hậu khi còn sống đã rất kiên quyết từ chối việc mình sau khi chết sẽ được chôn cất cùng với Hoàng đế Ung Chính.

Khi Hoàng đế Càn Long kế vị ngai vàng, người chủ trì việc xây dựng lăng tẩm đã hỏi Càn Long có nên chuẩn bị trước việc chôn cất cho Sùng Khánh Hoàng Thái hậu – tức mẫu thân của ông hay không. 

Về vấn đề này, ông không thể tự mình quyết định được nên đã hỏi ý kiến của Sùng Khánh Hoàng Thái hậu, bà cho rằng đó không phải là một vinh hạnh gì nên đã từ chối. Tôn trọng ý nguyện của mẫu thân, Hoàng đế Càn Long đã xây riêng cho bà một lăng mộ, cách Thái lăng của Hoàng đế Ung Chính không xa.

Sau khi Sùng Khánh Hoàng Thái hậu qua đời, liên quan tới việc bà từ chối chôn cất cùng với Hoàng đế Ung Chính, có 4 giả thuyết chỉ ra nguyên nhân như sau:

1. Sùng Khánh Hoàng Thái hậu qua đời sau 42 năm kể từ Hoàng đế Ung Chính băng hà

Vì Sùng Khánh Hoàng Thái hậu sống thọ tới 86 tuổi, khoảng cách cái chết giữa bà và Hoàng đế Ung Chính quá xa. Nếu muốn chôn cất cùng, phải mở Thái lăng của Hoàng đế Ung Chính và đưa thi thể của bà vào bên trong.

Nếu là khoảng thời gian ngắn, việc chôn cất cùng này không gây ra nhiều rắc rối, nhưng vì chênh nhau đến 4 thập kỷ, muốn thực thi sẽ gây ra nhiều rắc rối.

Bên cạnh đó, một số người cho rằng Sùng Khánh Hoàng Thái hậu không muốn quấy rầy khi Hoàng đế Ung Chính đã yên giấc. Việc quấy rầy người đã khuất như vậy thực sự không nên làm.

Vị phi tần lúc sinh thời được cả Ung chính và Càn long đế hết mực sủng ái, cuối đời đưa ra quyết định khiến hậu nhân đau đầu lí giải - Ảnh 4.

Sùng Khánh Hoàng Thái hậu từ chối chôn cất cùng với Hoàng đế Ung Chính.

2. Địa vị ban đầu của Sùng Khánh Hoàng Thái hậu khá thấp

Ban đầu khi vào phủ Ung Thân vương, Sùng Khánh Hoàng Thái hậu chỉ là một Cách cách bình thường. Sau khi Ung Thân vương trở thành Hoàng đế Ung Chính, bà mới được sắc phong thành Hi Quý phi.

Vì con trai của bà là Hoằng Lịch được Hoàng đế Khang Hi yêu mến nên mới được ưu ái và trở thành Sùng Khánh Hoàng Thái hậu. Vào thời Ung Chính đế, địa vị của bà chỉ đứng ở vị trí thứ 4, sau Hoàng hậu, Niên Quý phi, Tề phi.

Người ta cho rằng, bà không muốn cạnh tranh với những người đã khuất, tốt hơn hết là nên được chôn cất một mình ở nơi yên tĩnh thay vì là 5 người cùng chôn cất với nhau.

3. Được chôn cất một mình sẽ thể hiện giá trị riêng của bản thân

Vào thời Ung Chính đế, bà chỉ là một vị Quý phi bình thường, không có nhiều danh tiếng. Nhưng vào thời Càn Long đế, bà trở thành vị Thái hậu được nhiều người kính trọng, Hoàng đế Càn Long còn gọi bà là “quốc mẫu”.

Sự nhảy vọt về địa vị khiến cho bà trở thành một người phụ nữ đặc biệt nhất trong lịch sử Trung Hoa. Bà đã quen với những ngày tháng được kẻ trên người dưới kính trọng, nên không việc gì sau khi chết lại phải tranh giành địa vị với thê thiếp của Hoàng đế Ung Chính.

Một số người suy đoán rằng, để gia tộc Nữu Hỗ Lộc thị trở nên khác biệt, bà quyết định trở thành người đầu tiên trong các phi tần của Ung Chính đế được chôn cất riêng. Bằng cách này, bà cũng phần nào phản ánh được vị trí đặc biệt của Hoàng đế Càn Long.

4. Trong lịch sử đã từng có người từ chối chôn cất cùng với Hoàng đế

Trong lịch sử Trung Hoa, đã từng có vài người không chôn cất cùng Hoàng đế. Hiếu Trang Văn Hoàng hậu không được chôn cùng với Hoàng Thái Cực. Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu không chôn cùng Hoàng đế Thuận Trị. Thế nên, việc Sùng Khánh Hoàng Thái hậu không chôn cùng với Hoàng đế Ung Chính cũng là điều bình thường.

Cuộc đời của Hi Quý phi – Sùng Khánh Hoàng Thái hậu có quá nhiều giai đoạn để người đời nhắc tới. Không những là một người sống thọ nhất trong lịch sử Trung Hoa mà bà còn sống qua 3 triều đại nhà Thanh: Khang Hi – Ung Chính – Càn Long. 

Có thể nói rằng, bà là một trong số ít những phụ nữ vừa có tâm vừa có tầm trong lịch sử Trung Hoa, đặc biệt sống trong thời “Khang – Càn thịnh tế”, mọi vinh hoa phú quý trong đời đều đã nếm đủ cả.

(Nguồn: Kknews, 163)

Rate this post