Văn hoá học tập khác biệt ở ngân hàng ACB được “cha truyền con nối” từ ông Trần Mộng Hùng sang Chủ tịch Trần Hùng Huy ra sao?

Văn hoá học tập khác biệt ở ngân hàng ACB được “cha truyền con nối” từ ông Trần Mộng Hùng sang Chủ tịch Trần Hùng Huy ra sao?

Ông Trần Mộng Hùng sinh năm 1953, là 1 trong những cổ đông sáng lập của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ ngày đầu. Ông Hùng là Tổng Giám đốc đầu tiên của nhà băng này và giữ vai trò Chủ tịch HĐQT đến tháng 3/2008.

Năm 2008, ông Hùng lui về với vai trò cố vấn quản trị và sau đó quay trở lại ban lãnh đạo ACB vào thời điểm ngân hàng này lao đao trước cơn sóng dữ do ảnh hưởng vụ án bầu Kiên năm 2012.

Năm 2013, con trai ông Trần Mộng Hùng là Trần Hùng Huy được bầu làm Chủ tịch của ngân hàng khi mới 34 tuổi. Ông Trần Hùng Huy giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ACB liên tục từ đó cho đến nay.

Đến năm 2018, ông Trần Mộng Hùng chính thức rút khỏi Hội đồng Quản trị ACB. Thời điểm đó lợi nhuận ACB tăng gấp 2,4 lần so với năm liền trước. Và điều đáng nói, trên bảng cân đối tài sản, khoản mục “Dư nợ Nhóm 6 công ty”, khoản nợ xấu có liên quan đến “bầu Kiên” đã không còn xuất hiện.

Đây có lẽ là thời điểm mà cuộc chuyển giao quyền lực giữa cha con họ Trần diễn ra gần như trọn vẹn. Hiện nay, theo thông tin trên Báo cáo quản trị 2021 của ACB, vai trò của ông Trần Mộng Hùng là Cố vấn HĐQT và không còn nắm giữ cổ phần ACB.

Thành lập Ngân hàng bằng nền tảng kiến thức chuyên môn

Trước khi xây dựng cơ đồ tại ACB, ông Hùng từng là Giảng viên Trường cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng. Chính vì vậy, trong suốt nhiều năm, ông Hùng và cộng sự đã xây dựng ACB trên nền tảng kiến thức nghiệp vụ chắc chắn và bài bản.

Thời kỳ đỉnh cao, nhân sự của ACB thường được các nhà băng ngoài quốc doanh khác đánh giá cao vì nghiệp vụ vững; các quy trình về thẩm định khách hàng của ACB cũng được cho là “đầy đủ và chuẩn chỉ”.

Trước đây, nhân viên mới khi vào ACB đều phải trải qua khoá đào tạo nghiệp vụ với giảng viên là chính những “tiền bối” đang đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại Ngân hàng. Kết thúc khoá học, học viên sẽ làm bài thi, có kết quả “đạt yêu cầu” mới kết thúc giai đoạn đào tạo và chuyển sang giai đoạn thử việc.

Nếu hỏi chuyện 1 nhân sự làm ACB trên chục năm, bạn sẽ được nghe kể về những kỳ thi kiểm tra kiến thức nhân viên được tổ chức đều đặn hàng năm “cam go như thi đại học”.

Những cuộc thi này được tổ chức rất nghiêm túc, bộ câu hỏi phong phú, sát với thực tiễn công việc và luôn cập nhật chính sách, quy định mới nhất. Các “thí sinh” được yêu cầu phải làm bài thi một cách trung thực trong phòng có camera giám sát, không được sử dụng tài liệu, trao đổi,..

Sau đó, những người có điểm cao nhất sau vòng 1 trong toàn hệ thống sẽ tập trung lại để “thi đấu” vòng 2, có tên gọi là “Hội thi nhân viên giỏi nghiệp vụ”. Theo đó, “thí sinh” phải trả lời trực tiếp những câu hỏi phỏng vấn kiến thức chuyên sâu từ các Lãnh đạo tại các Phòng Ban ở Hội sở.

Người chiến thắng chung cuộc sẽ được vinh danh trong buổi tiệc sau đó, có bằng khen và tiền thưởng. Vài năm trở lại đây hoạt động “Hội thi nhân viên giỏi nghiệp vụ” không còn được tổ chức nhưng các kỳ thi kiểm tra kiến thức nhân viên vẫn đều đặn “đến hẹn lại lên”.

Văn hoá học tập khác biệt ở ngân hàng ACB được cha truyền con nối từ ông Trần Mộng Hùng sang Chủ tịch Trần Hùng Huy ra sao? - Ảnh 1.

Nhiều nhân sự đã nghỉ việc, nhưng vẫn lưu giữ những tấm Giấy khen Hội thi nhân viên giỏi nghiệp vụ như kỷ niệm đẹp với Ngân hàng – Hình ảnh nhân vật cung cấp

Nhờ những cuộc thi như thế này, nhân viên tại ACB luôn phải ý thức trau dồi kiến thức, cập nhật văn bản, chính sách để đáp ứng yêu cầu công việc và tư vấn cho khách hàng những thông tin tốt nhất.

“Văn hoá học tập” được tiếp nối từ đời Cha sang đời Con

Dưới thời của ông Hùng, ACB từ một ngân hàng cổ phần nhỏ bé đã vươn lên trở thành ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam. Thế nhưng, bản thân ông Hùng lại rất ít khi xuất hiện trước công chúng với tư cách Chủ tịch Ngân hàng.

Sau này khi ông lui về làm cố vấn, hình ảnh và thông tin của ông càng ít công khai. Thi thoảng, độc giả nghe được thông tin hiếm hoi nào đó của ông thông qua 1 lời tâm sự hoặc nhận xét nào đó liên quan đến con trai ông – chủ tịch Hùng Huy

Huy rất giống ông Hùng ở tinh thần học tập không ngừng nghỉ. Đặc biệt, Huy học được ở cha mình cách dùng người, đó chính là nhân tố cốt lõi giúp Huy thành công“, một lãnh đạo kỳ cựu tại ACB từng nhận xét về ông Trần Hùng Huy như vậy.

Hay như trong cuộc phỏng vấn với báo Trí thức trẻ, khi được hỏi về việc lấy bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Golden Gate (Mỹ), ông Trần Hùng Huy cho biết: “Khi còn nhỏ, Huy thấy ba má luôn học thêm kiến thức mới, như má học thêm tiếng Anh từ thời xưa khi còn chưa phổ biến ở Việt Nam. Ở nhà, ba giờ đã hơn 65 tuổi mà vẫn tiếp tục tìm tòi, học hỏi thêm nhiều thứ nên thói quen cần phải học thêm gì đó ngấm vào mình từ nhỏ…“.

Không dừng ở bằng tiến sỹ, năm 2010 ông Huy lại tiếp tục “đi học” theo 1 cách khác. Ông dành ra 2 năm làm việc ở Tập đoàn tài chính Rothschild (Anh quốc) để tích luỹ kiến thức về “universal banking” để tìm hiểu về chiến lược trở thành một tập đoàn tài chính với ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, vàng….

Ông Huy đã tâm sự với báo giới, khi đọc “Bank 3.0” – ông bị ám ánh đến mức gửi dịch và làm một bản in nội bộ cho ban điều hành ACB tham khảo vì thấy đó là một xu hướng quan trọng trong tương lai (fintech). Sau này, Bank 3.0 cũng được một nhà xuất bản dịch và phát hành rộng rãi.

Cùng với việc ý thức sâu sắc về những đối thủ cạnh tranh mới, định hướng chiến lược của ACB không còn là “ngân hàng bán lẻ tốt nhất” nữa mà là “Intergrated financial platform to serve customer needs”.

Trung tâm đào tạo (Training Center) của ACB trên đường Mạc Đĩnh Chi (TPHCM) cũng được đổi tên thành Learning Hub, với không gian tiền sảnh được thiết kế giống như một thư viện, với nhiều chỗ cho nhân viên ACB có thể trao đổi với nhau.

Văn hoá học tập khác biệt ở ngân hàng ACB được cha truyền con nối từ ông Trần Mộng Hùng sang Chủ tịch Trần Hùng Huy ra sao? - Ảnh 2.

Hình ảnh Learning Hub của ACB

Giải thích thêm về Learning Hub, ông Huy nói: “Khi quan sát sự thay đổi của ngành tài chính ở châu Á, mình thấy mọi thứ diễn biến quá nhanh, có thể thay đổi hoàn toàn chỉ sau vài năm. ACB từng có bề dày về đào tạo nhân viên với kinh nghiệm hơn 25 năm nhưng bạn chỉ dạy người khác những điều đã biết trong quá khứ, còn tương lai với sự thay đổi của thị trường thì không thể. Đó là lý do cần phải đổi khái niệm từ Training Center thành Learning Hub”.

Người đứng đầu ACB nói thêm, Learning Hub là một khái niệm chứ không đơn thuần là một địa điểm vật lý. Khái niệm học tập của “người ACB” thay đổi từ Chủ tịch, Tổng giám đốc, các cấp quản lý khác đến nhân viên, đó là cùng nhau chia sẻ kiến thức, cách tự làm mới mình.

“Chỉ như vậy, người ACB mới có thể tìm ra cách tiến vào tương lai và tạo ra một văn hóa học tập mới, riêng có ở đây”, ông Huy nhận xét.


An Vũ

Theo

Rate this post