Ung thư thứ phát là gì?

Ung thư thứ phát là gì?

Thứ Sáu ngày 20/05/2022

Ung thư thứ phát là một loại ung thư mới, xảy ra ở người đã bị ung thư trước đó, nên phân biệt với ung thư tái phát, ung thư tái phát xảy ra khi căn bệnh ung thư ban đầu quay trở lại, kể cả trường hợp cùng loại ung thư nhưng phát triển trên một bộ phận khác. 

Theo các thống kê thì cứ 6 người chẩn đoán mắc bệnh ung thư thì có một người bị ung thư thứ phát. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này

Nguyên nhân gây ung thư thứ phát

Các bác sĩ không thể chẩn đoán được ai sẽ bị ung thư thứ phát, nhưng các nguyên nhân có nguy cơ cao thì được thống kê như:

  • Do gen di truyền: Ung thư thứ phát có thể xuất phát từ gen di truyền, những gia đình có một hoặc một số thành viên bị ung thư hoặc mắc một số bệnh có liên quan đến ung thư.

  • Ung thư thứ phát có thể xảy ra sau khi điều trị: Một số bệnh nhân sau khi điều trị có thể còn sót lại lượng tế bào ung thư trong cơ thể, gây ra nguy cơ ung thư thứ phát rất cao.

  • Do các hoá trị, xạ trị: Một nguyên nhân cũng gây ra ung thư thứ phát là do các hóa trị và xạ trị khi điều trị ung thư, nguy cao này sẽ cao hơn nếu bệnh nhân là còn nhỏ tuổi như trẻ em, thiếu niên hoặc thanh niên.

  • Hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động.

  • Sống và làm việc trong một môi trường ô nhiễm, độc hại.

  • Thừa cân, béo phì.

  • Uống quá nhiều rượu, chất kích thích.

  • Một chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu khoa học.

Ung thư thứ phát là gì? 1

Gen di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư thứ phát

Có nên sàng lọc ung thư thường xuyên không?

Một việc nên làm là nên đi kiểm tra, sàng lọc ung thư thường xuyên để bác sĩ thăm khám, nếu bạn có nguy cơ mắc ung thư thì bác sĩ sẽ lên lịch để kiểm tra thường xuyên hơn so với những bệnh nhân khác. Hãy cung cấp thật chi tiết các thông tin về bệnh tình trước đây của bạn, quá trình điều trị và cả tiền sử ung thư của gia đình bạn để bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất có thể.

Ung thư thứ phát là gì? 2

Sàng lọc, tầm soát là việc cần làm để ngăn ngừa ung thư

Các triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư thứ phát

Những triệu chứng dưới đây rất dễ gặp ở những bệnh nhân ung thư thứ phát, có nhiều triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các căn bệnh thông thường khác nên tự mỗi cá nhân hãy tập cảm nhận, theo dõi chính cơ thể mình để kịp thời phát hiện và chữa trị càng sớm càng tốt. Các triệu chứng cụ thể như:

  • Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi.

  • Giọng nói thay đổi, hay ho, nhức đầu.

  • Không có cảm giác thèm ăn, chán ăn, khó nuốt, tiêu hoá chậm.

  • Nổi u cục, chảy máu, hoặc sưng tấy nhiều nơi trên cơ thể.

  • Luôn đau nhức, xương khớp mỗi khi vận động.

  • Thị lực kém.

  • Cơ thể không được linh hoạt.

  • Tâm trạng lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng.

Ung thư thứ phát là gì? 3

Đau nhức xương khớp là một trong những dấu hiệu của ung thư thứ phát

Nỗi sợ ung thư thứ phát hoặc tái phát

Chắc hẳn các bệnh nhân ai cũng bị ám ảnh về ung thư thứ phát, bên cạnh đó nỗi sợ căn bệnh ung thư đầu tiên quay lại cũng không hề nhỏ, hãy cùng làm việc với nhóm chuyên gia chăm sóc sức khỏe để làm rõ hơn những nguy cơ bạn có thể mắc phải và bạn phải làm gì để có thể giữ được sức khoẻ tốt nhất, phải làm gì để thay đổi lại diện mạo sau điều trị,…

Bạn có thể bày tỏ những lo lắng với người thân, các bác sĩ hoặc cũng có thể gia các hội nhóm những người cũng mắc bệnh tương tự bạn để cùng nhau giúp đỡ, vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý này.

Đối mặt với ung thư thứ phát

Phát hiện và điều trị ung thư thứ phát sớm rất quan trọng và có lợi cho việc chữa trị sau này, hãy chắc chắn rằng bác sĩ biết rõ về căn bệnh ung thư đầu tiên cũng như phương pháp điều trị và sức khỏe, thể trạng của bạn. Khi mắc phải ung thư thứ phát thì trước tiên bạn hãy mạnh mẽ đối diện với nó, bình tĩnh nhớ lại kinh nghiệm trước đây mình đã làm gì để vượt qua căn bệnh ung thư đầu tiên và từ đó hãy phối hợp với các chuyên gia, bác sĩ xây dựng một phác đồ điều trị hợp lý nhất.

Bạn cũng có thể cân nhắc lựa chọn lại bệnh viện hay trung tâm đã từng điều trị trước đây, cũng có thể nhờ sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia, bác sĩ đã từng chữa trị cho bạn hoặc lựa chọn một nhóm khác có kinh nghiệm, kiến thức cao hơn trong việc điều trị này.

Liệu có ngăn chặn được ung thư thứ phát?

Rất khó để kiểm soát các yếu tố gây ra ung thư, nhất là bạn đã bị ung thư trước đó nhưng các bác sĩ đã liệt kê ra một số việc bạn có thể làm để giảm thiểu nguy cơ ung thư, cụ thể như:

  • Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư.

  • Tập thể dục thường xuyên và xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh.

  • Không hút thuốc.

  • Hạn chế sử dụng rượu, chất kích thích. 

  • Bạn có thể nói chuyện với một chuyên gia di truyền về việc kiểm tra đột biến gen có liên quan đến ung thư. Nếu các xét nghiệm cho thấy bạn có đột biến, bạn có thể chọn phương pháp điều trị để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư trong tương lai.

Ung thư thứ phát là gì? 5

Tập thể dục và ăn uống khoa học là một phương pháp ngăn chặn ung thư thứ phát

Câu hỏi đặt ra cho nhóm chăm sóc sức khỏe

Cũng như căn bệnh ung thư đầu tiên, thì đối với ung thư thứ phát này bạn cũng nên liệt kê ra các câu hỏi cần hỏi như sau:

  • Nguyên nhân của bệnh ung thư thứ phát lần này là gì?

  • Đột biến gen có phải là nguyên nhân gây ra ung thư thứ phát lần này không?

  • Lựa chọn điều trị của tôi là gì?

  • Nên nói chuyện, trình bày với ai về những lo lắng, quan tâm của mình là hợp lý và tốt nhất.

  • Liệu ung thư thứ phát có thể chữa khỏi không? Tôi có nên mong đợi gì từ đợt điều trị này?

  • Tôi có nên sử dụng thực phẩm chức năng điều trị ung thư không?

  • Tôi phải làm gì để cuộc điều trị được tiến triển tốt nhất?

Bất cứ ai khi đối diện với căn bệnh ung thư đều lo lắng, hụt hẫng và cảm giác đó cũng tương tự đối với ung thư thứ phát. Hãy mạnh mẽ đối diện, bình tĩnh phối hợp với các chuyên gia, bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Hoàng Trang

Nguồn tham khảo: Y học Cộng đồng

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Rate this post