Tỷ Phú Phạm Nhật Vượng là ai? Tiểu sử tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Tỷ Phú Phạm Nhật Vượng là ai? Tiểu sử tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Những năm gần đây khi nhắc đến tên của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không ai là không biết đến vị doanh nhân tài năng, người không ngừng cố gắng vì hoài bão “giấc mơ Việt”. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam với khối tài sản khổng lồ lên đến hơn 200 nghìn tỷ tính đến hết 31/12/2020.
Thành công là thế nhưng mà ít ai biết được rằng những thất bại, khó khăn mà vị doanh nhân này trải qua cũng không ít. Ông là đại diện cho tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm.
Hàng loạt những dự án tên tuổi đầy chất mạo hiểm và thử thách gắn liền với tên tuổi của vị tỷ phú này phải kể đến: Dự án xe hơi Vinfast, điện thoại thông minh Vsmart, hàng không Vinpearl, Hệ thống siêu thị Vinmart, …và sắp tới ông còn tham vọng đưa xe ô tô điện Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài bán ở thị trường Châu Âu quốc tế,…
Nếu như bạn đang tìm kiếm cho mình một hình mẫu để học hỏi, để có thể mạnh mẽ bước trên con đường khởi nghiệp của riêng mình thì chắc chắn cuộc đời và con đường gầy dựng sự nghiệp của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ mang đến cho bạn nhiều bài học giá trị quý báu.
1. Xuất thân trong một gia đình bình thường
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sinh ngày 5/8/1968 tại Hà Nội (một số thông tin cho rằng ông sinh ra tại An Lão, Hải Phòng) là con cả trong gia đình 5 thành viên. Dù sinh sống, học tập tại Hà Nội, nhưng quê gốc của ông lại ở Lộc Hà, Hà Tĩnh. Bên cạnh cha mẹ, ông còn 2 người em, 1 gái là bà Phạm Lan Anh (1970) và em trai Phạm Nhật Vũ (1972).
Cha ông là một quân nhân và mẹ thì làm nghề bán nước chè dạo. Cuộc sống của người Việt trong giai đoạn 1969 -1970 thật sự rất khó khăn vì đất nước mới trải qua chiến tranh. Gia đình nghèo lại đông anh em nên ông luôn nuôi ước mơ học thật giỏi để kiếm được nhiều tiền trang trải cho cuộc sống của cả gia đình.
Những năm 1980, thông qua mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước Đông Âu – đặc biệt là Liên Xô (cũ), Việt Nam đã gửi rất nhiều học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc nhất sang học tập, về kinh tế – tài chính đến khoa học – kỹ thuật. Thời kỳ đó, du học Liên Xô là niềm mơ ước thoát nghèo của nhiều thanh niên Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng cũng thuộc lớp thanh niên ưu tú khi đó. Năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng giành suất học bổng du học tại Học viện địa chất Moscow, chuyên ngành kinh tế và địa chất. Cũng từ đấy cuộc đời của cậu sinh viên nghèo đã từng bước bước sang một trang mới.
2. Khởi nghiệp ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường
Khi chia sẻ về cuộc sống của mình tại Nga lúc bấy giờ tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết ông cũng như bao người khác thôi, cũng phải bắt đầu từ những gì nhỏ nhất và bị thất bại khá nhiều. Ông cho hay ông đã bắt đầu mua bán từ khi còn là sinh viên Đại học.
“Tôi chỉ là một người bình thường thôi. Tôi đi học ở Liên Xô, rồi ở lại làm việc. Bắt đầu khởi nghiệp thực ra là từ năm thứ 3 đại học. Ở Moscow, tại Dom 5 (khu thương xá tập trung làm ăn buôn bán của người Việt tại Nga thời đó), mình cũng đi thuê một cái phòng để bán hàng nhưng buôn bán kém, cứ càng buôn càng lỗ. Sau đó mới mở cái nhà hàng tại Dom ấy luôn.
Đến đoạn sau thì nhập hàng từ Việt Nam sang. Hồi ấy buôn áo gió là đỉnh điểm, ban đầu kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng cuối cùng cũng lại mất sạch. Phá sản luôn, vì khi thị trường đi xuống mình phản ứng không đúng và không kịp. Sinh viên đã có kinh nghiệm gì đâu nên mới bị phá sản. Khi rời Moscow đi xuống Kharkov vẫn còn nợ 40.000 USD”.
Vì là sinh viên ít kinh nghiệm nên việc thất bại là bình thường nhưng chính những bài học thực tiễn đó lại khiến cho ông có những tiến bộ đáng kể sau đó.
3. Khởi đầu lại với lĩnh vực nhà hàng
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp và kết hôn với người bạn gái đại học, ông cùng vợ chuyển tới thành phố Kharkov, mở một cửa hàng ăn lấy tên Việt Nam Thăng Long. Theo tờ Fast Salt Times của Ukraine, cửa hàng ăn của ông Vượng đặt tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã bắt đầu lại và lần này thành công đã mỉm cười với ông. Là một người có tầm nhìn và đã nhạy hơn với thị trường đã giúp ông có một chiến lược kinh doanh.
“Đồ ăn ngon, giá cả phải chăng và hợp túi tiền, nhà hàng của ông Vượng đã nhanh chóng phát triển và trở nên nổi tiếng với không chỉ người dân Kharkov mà với cả những du khách tới thành phố”, cựu thị trưởng thành phố Kharkov Michael Pilipchuk nhớ lại.
4. Mở công ty sản xuất mì ăn liền
Giai đoạn những năm 1990, do khủng hoảng kinh tế tài chính, những kệ hàng trong siêu thị Kharkov trống không và người dân buộc phải mua nhiều loại sản phẩm bằng tem phiếu. Nhận thấy đây là thời điểm lý tưởng cơ hội ngàn năm có một, ông Vượng về Việt Nam mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ, quay tay đưa sang Ukraine và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa.
Để có tiền kinh doanh, ông Vượng đã đánh liều đi vay 10.000 USD từ bạn bè với lãi suất 8% và vay ngân hàng Châu Âu với lãi suất 12%.
Sự xuất hiện của mỳ “Mivina” vào năm 1995 rất đúng thời điểm nên nhanh chóng trở nên phổ biến ở đất nước Ukraine. Chỉ trong vòng một năm, doanh số cán mốc 1 triệu gói mỳ. Đến năm 2004, thương hiệu mỳ tôm của ông đã chiếm lĩnh 97% thị phần tại Ukraine, đến năm 2007 ông bắt đầu sản xuất thêm nhiều loại thực phẩm đóng hộp khác.
Từ thành công tại Ukraine, ông Vượng mở rộng nhà máy, tiếp đó đưa thương hiệu Mivina tới hơn 30 quốc gia khác trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel… Ngoài sản phẩm đầu tiên là mỳ ăn liền, ông còn sản xuất khoai tây nghiền, thành lập nhà máy chuyên sản xuất gia vị, nhà máy chuyên đóng gói, là các công ty con của Tập đoàn Technocom, tiền thân của Vingroup hiện nay.
5. Đầu tư bất động sản Việt Nam với tầm nhìn vượt trội
Tỷ Phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ thời điểm Technocom phát triển mạnh ông chỉ nghĩ kiếm đủ 2 triệu USD rồi nghỉ hưu nhưng mà có vẻ như người ta nói đúng là “Thời đến là không kịp cản”. Ông làm tới đâu thắng tới đó.
Từ năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng bắt đầu đầu tư về nước với việc mở 2 công ty bất động sản ở Việt Nam là Vinpearl năm 2000 và Vingroup năm 2002. Đây là một trong những bước ngoặt lớn. Ông có những tư duy tầm nhìn “mạo hiểm” nhưng cũng chính vì vậy mà vị tỷ phú này gặt hái thành công lớn.
Nhiều câu chuyện kể lại rằng trước khi xây dựng Vinpearl Land và Vincom, ông Phạm Nhật Vượng đã đích thân sang Phuket Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, và sang Singapore để tìm hiểu về trung tâm thương mại.
Đảo Hòn Tre ở Nha Trang là địa điểm được lựa chọn xây dựng Vinpearl Land đầu tiên với tham vọng biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ý tưởng này vào thời điểm đó bị nghi ngờ là “ném tiền xuống biển”.
Năm 2006, Vinpearl Land Nha Trang (lúc đó có tên gọi Hòn Ngọc Việt) ra đời với 225 phòng khách sạn và tổ hợp vui chơi đa chức năng nhanh chóng trở thành địa điểm thu hút du khách nhất nhì Việt Nam, và là kiểu mẫu để sau này Vinpearl nhân rộng mô hình khắp cả nước.
Một năm sau, ông Vượng tiếp tục khai trương Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu – tổ hợp thương mại lớn đầu tiên ở Hà Nội. Ba năm sau, tuyến cáp treo vượt biển nổi tiếng nối đất liền Vinpearl Land Nha Trang được đưa vào vận hành và là một trong những tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới (cho đến năm 2018).
6. Quyết định rút hẳn về Việt Nam
Là một doanh nhân giàu có thành đạt, vào thời điểm đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết ông thường xuyên bay đi vừa đi vừa về giữa nhiều nước và Việt Nam. Cho đến một ngày ông bất ngờ đọc được một tin tức về vụ một máy bay Airbus của Air France bị rơi xuống biển mất tích. Ông nghĩ rằng cứ bay suốt như vậy lỡ máy bay mà rơi y như vậy thì khổ cho vợ con nên ông quyết định về hẳn Việt Nam. Đó là vào năm 2008.
Quyết định là làm, năm 2010, ông Vượng bán Technocom cho tập đoàn Nestle của Thụy Sĩ . Thời điểm ông rời đi, Technocom vẫn là một tên tuổi lớn trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Ukraine, có hai nhà máy ở Kharkov với doanh thu lên tới 100 triệu USD/năm. Technocom có 1.900 nhân viên, sản phẩm của công ty này được xuất sang 20 quốc gia, trong đó có Nga, các nước Baltic, Đức, Hungary, Israel, Ba Lan và Romania.
“Khi mình rời đi, thị phần của mình trong mảng mỳ ăn liền khoảng trên 90%, bột canh quanh quanh 80%; 7 năm liền mình giữ thị phần hầu như không giảm. Trong khi đối thủ có lúc chi đỉnh điểm 34 triệu USD cho quảng cáo, mình chi khoảng 2 triệu USD, mà chủ yếu là để mua áo lông ngỗng phát cho đội bán hàng ngoài chợ; vậy mà đối thủ hầu như không chiếm được thị phần của mình”
Năm 2011, 2 công ty cổ phần Vinpearl và công ty cổ phần Vincom được sáp nhập lại bằng cách hoán đổi cổ phần. Đến giữa tháng 2 năm 2012, cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) phát hành thêm cho mục đích sáp nhập được chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đó đến nay bất động sản luôn là thế mạnh của Tập đoàn Vingroup.
Năm 2013, Phạm Nhật Vượng trở thành người Việt Nam đầu tiên được tạp chí Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của thế giới, ở vị trí 974 với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Thứ hạng của ông tăng đều theo các năm và tới nay tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng ở vị trí 286 top những người giàu nhất hành tinh, với tổng tài sản trị giá 7,3 tỷ USD.
Trong lĩnh vực bất động sản, hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị, nghỉ dưỡng của tập đoàn này đã ra đời và thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị cũng như khu du lịch tại Việt Nam. Sự thành công nhanh chóng của lĩnh vực bất động sản của Vingroup tạo đà giúp doanh nghiệp này mở rộng ra hàng loạt lĩnh vực khác trong hệ sinh thái khép kín mang họ “Vin” gồm: Trung tâm thương mại Vincom, Bệnh viện VinMec, trường học VinSchool-VinUni, siêu thị Vinmart (hiện đã bán cho Masan).
7. Hoài bão với giấc mơ xe thương hiệu Việt
Có thể nói năm 2016 là một năm đánh dấu tên tuổi của vị tỷ phú ngày càng bay cao bay xa hơn trong lòng người dân Việt khi ông quyết định đầu từ mạnh vào công nghệ và công nghiệp. Đây được xem là quyết định mạo hiểm lớn theo như nhiều người nhận xét.
Đây là 2 lĩnh vực không hề liên quan đến nền tảng kinh doanh chủ đạo của Vingroup trước đó (bất động sản và thương mại dịch vụ), được đánh giá là cực kỳ “khó làm” vì rào cản gia nhập quá lớn, đầu tư lớn cả về tài chính – công nghệ – nhân sự – chuỗi cung ứng, chưa kể những đại gia hiện hữu trong lĩnh vực này đều có thâm niên kỳ cựu và thương hiệu mạnh.
Chỉ 1 năm sau, Vingroup công bố kế hoạch Dự án sản xuất ô tô VinFast đầy tham vọng cùng hàng loạt sự điều chuyển mục tiêu của toàn tập đoàn.
8. Tham vọng về Thương hiệu Việt xứng tầm quốc tế
“Tôi có mong muốn cháy bỏng là xây dựng được một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp và nổi tiếng trên thế giới, giúp con cháu sau này có thể tự hào về đất nước, về dân tộc của mình và qua đó truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ.
Vingroup sau một thời gian dài dấn thân, miệt mài phấn đấu đã có được những điều kiện ban đầu để bắt tay vào việc này. Hơn thế nữa, hiện nay tất cả các thành viên của Vingroup đều thể hiện quyết tâm và mong muốn được đóng góp toàn bộ trí lực để thực hiện thành công sứ mệnh này”
Sau hàng loạt những nghi ngại ban đầu giờ đây Vinfast đã bắt đầu khẳng định được vị trí của mình tại thị trường xe Việt. 3 năm qua cũng đã cho thấy bản lĩnh đáng gờm và tăng tốc ngoạn mục của hãng xe Việt:
Ra mắt nhà máy ô tô hiện đại, với dây chuyền sản xuất robot hoàn toàn tự động trong vỏn vẹn 21 tháng kể từ ngày đầu khởi công dự án (2/9/2017 tại KCN Đình Vũ – Cát Hải – Hải Phòng); Mua lại hãng xe GM Việt Nam; Thành lập Viện Công nghệ Ô tô tại Úc; Công bố kế hoạch sản xuất xe ô tô điện và dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vào năm 2021; Lên kế hoạch mở nhà máy tại Mỹ, sau khi thành lập văn phòng nghiên cứu với 50 thành viên tại San Francisco để chuẩn bị cho việc bán ô tô tại California vào năm 2022…
Giờ đây, ông Vượng có thể tự hào khi hằng ngày chứng kiến xe VinFast đã chạy khắp các con phố ở đô thị. Dòng xe “quốc dân” như Fadil thậm chí trở thành dòng bán chạy nhất tháng 2 vừa qua với doanh số 1.090 xe, bỏ xa “vua doanh số” Toyota Vios.
Cuối năm 2019, ông Phạm Nhật Vượng từng cho biết về tham vọng xuất khẩu ô tô điện VinFast sang thị trường Mỹ khi đầu tư 2 tỷ USD cho việc này. công ty xe ô tô của tập đoàn Vingroup chuẩn bị cho ra mắt các mẫu xe điện mới nhất trên khắp các showroom tại Bắc Mỹ và châu Âu vào tháng 3 năm tới. Mục tiêu lớn lao của VinFast là cạnh tranh trực tiếp với Tesla trên toàn cầu.
Công ty nói rằng họ vẫn đang tiếp tục tuyển dụng lãnh đạo cấp cao từ nhiều hãng xe hơi lớn gồm cả Tesla, BMW, Porsche, Toyota và Nissan, quyết tâm trở thành đế chế xe ô tô điện thông minh toàn cầu.
Trong số ‘nhân tài’ được Vinfast chiêu mộ, ông Snyder từng là cựu Chủ tịch phát triển kinh doanh toàn cầu của Tesla. Ở Tesla, ông đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Đáng chú ý trong số đó có thể kể đến thành tích xây dựng đội ngũ bán hàng với doanh thu 500 triệu USD hàng năm khi nắm giữ vị trí Tổng Quản lý Tesla Motors khu vực Tây Nam, và tiếp tục đào tạo đội ngũ bán hàng mang về doanh thu 1 tỷ USD hàng năm khi ở vị trí Tổng Quản lý kiêm Giám đốc bán hàng khu vực miền Tây.