Tuyên Quang trong Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông 1947
Tuyên Quang trong Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông 1947
Thứ Sáu, ngày 3 tháng 12 năm 2021 – 15:37
Đã xem: 1881
- A+
- A-
Cách đây 74 năm, Thu Đông năm 1947, núi rừng Việt Bắc đã chứng kiến cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân đội viễn chinh Pháp với hải, lục, không quân đuợc trang bị vũ khí hiện đại và quân đội Việt Nam còn non trẻ, thiếu vũ khí, trang bị lạc hậu. Trong chiến dịch, quân và dân Tuyên Quang đã chiến đấu 48 trận, góp phần cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt hơn 1.300 tên địch, bắn chìm, phá hỏng 10 ca nô, tàu chiến, phá hủy 1 máy bay địch…góp phần quan trọng đập tan cuộc tấn công đầy tham vọng của quân đội viễn chinh Pháp, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
Minh họa: Tất Thắng
Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp huy động 12.000 quân tinh nhuệ được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện hiện đại mở một cuộc tiến công lớn, đánh thẳng vào trung tâm Việt Bắc, căn cứ địa chính của cuộc kháng chiến. Ngày 7 và ngày 8-10-1947, địch cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn bắt đầu cuộc tấn công lên Việt Bắc. Binh đoàn bộ binh thuộc địa do Bô-phrê chỉ huy từ Lạng Sơn theo đường số 4 lên Cao Bằng, Bắc Kạn bao vây Việt Bắc ở phía Đông và phía Bắc. Binh đoàn hỗn hợp bộ binh và lính thuỷ đánh bộ do Com-muy-nan chỉ huy từ Hà Nội ngược sông Hồng, sông Lô lên Tuyên Quang, đến Chiêm Hoá bao vây Việt Bắc ở phía Tây. Điểm hợp quân của 2 cánh quân tại Đài Thị (cách huyện lỵ huyện Chiêm Hoá 12 km về hướng Đông Bắc). Với kế hoạch hành quân trên, quân Pháp hình thành 2 gọng kìm lớn từ phía Đông và phía Tây kẹp chặt Việt Bắc, nhằm 3 mục tiêu: không cho ta liên lạc với Trung Quốc, loại trừ sự chi viện từ ngoài vào, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
Trước khi địch mở cuộc tấn công lên Việt Bắc, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh của Đảng, quân và dân Tuyên Quang đã có những chuẩn bị tích cực để tham gia kháng chiến, sẵn sàng đánh trả các cuộc tấn công của địch. Tháng 4-1947, Tỉnh đội Tuyên Quang được thành lập. Một số đồn công an được xây dựng tại những điểm trọng yếu. Mọi ngả đường vào vùng căn cứ địa đều được canh gác cẩn mật. Tỉnh có hàng vạn dân quân du kích, trong đó số có chất lượng, có khả năng chiến đấu khoảng trên 5.000 người. Ngoài lực lượng cảnh vệ của tỉnh, huyện, mỗi huyện có một trung đội du kích thoát ly, mỗi xã có một trung đội dân quân chiến đấu. Trên các trục đường bộ, nhân dân đã đào hàng ngàn hố nhỏ, hố chống tăng, đắp ụ, chặt cây làm chướng ngại vật cản đường hành quân của địch. Trên sông Lô, ta xây được 2 kè cản tàu chiến, ca nô. Một số bãi chông được cắm ở bãi sông, các triền bãi rộng mà địch có thể lợi dụng để nhảy dù, đổ bộ.
Sau nhiều lần bị chặn đánh trên đường hành quân, ngày 13-10-1947, binh đoàn Com-muy-nan chiếm được thị xã Tuyên Quang, rải quân đóng chốt một số điếm cao, các vị trí quan trọng trong vùng ven thị xã, tập kết quân đế theo đường thuỷ (sông Lô, sông Gâm) và đường bộ hành quân lên Chiêm Hoá hòng hội quân với binh đoàn Bô-phrê từ Bắc Kạn sang. Cũng từ thị xã, quân Pháp theo quốc lộ 2 đánh xuống Đoan Hùng, theo đường 13A (nay là Quốc lộ 37) qua Bình Ca thọc vào càn quét vùng Sơn Dương.
Nằm trong mặt trận Sông Lô-đường số 2, mục tiêu chiếm đóng, càn quét chủ yếu của gọng kìm phía Tây Việt Bắc của quân Pháp, chiến sự tại Tuyên Quang diễn ra khá dồn dập. Về cơ bản có thể chia thành 3 giai đoạn ngắn: Giai đoạn 1 (từ ngày 11-10 đến cuối tháng 10-1947), từ thị xã Tuyên Quang địch tấn công càn quét Chiêm Hoá các vùng lân cận thị xã; giai đoạn 2 (cuối tháng 10 đến 21-11-1947) quân Pháp rút lui từng phần từ Chiêm Hoá về Tuyên Quang, đồng thời tiếp tục các hoạt động càn quét về hướng Sơn Dương; giai đoạn 3 (từ ngày 22-11 đến ngày 15-12- 1947) quân Pháp rút khỏi thị xã Tuyên Quang, tiến sâu vào Sơn Dương đồng thời đưa quân tiếp viện lập gọng kìm càn quét vùng Thiện Kế (thuộc huyện Sơn Dương), vùng tiếp giáp giữa núi Hồng và Tam Đảo sau đó rút lui hoàn toàn khỏi Tuyên Quang.
Ở giai đoạn đầu, quân và dân Tuyên Quang đã phối hợp cùng bộ đội tổ chức các cuộc phục kích trên quốc lộ 2, đường bộ đi Chiêm Hoá và trên sông Lô, sông Gâm, làm chậm bước hành quân của địch. Ngày 11 và 12-10, ta phục kích bắn chìm tàu chiến địch ở bến phà Bình Ca. Từ ngày 15-10 đến 22-10-1947, quân Pháp liên tục bị phục kích, vấp phải địa lôi ở km 5 đến km 7 đường Tuyên Quang – Hà Giang. Trận phục kích địa lôi của tự vệ thành Tuyên Quang tại km 7 ngày 22-10- 1947 đã tiêu diệt gần 100 tên, bẻ gãy cuộc hành quân của 1 tiểu đoàn Pháp. Cánh quân thuỷ hành quân theo sông Lô, sông Gâm lên Chiêm Hoá gặp nhiều khó khăn vì mắc cạn, bị phục kích. Trong khi đó, quân Pháp từ Bắc Kạn đánh sang không thấy cánh quân phía Tây từ Tuyên Quang lên nên đã rút lui. Kế hoạch hợp quân tại Đài Thị vào trung tuần tháng 10-1947 của quân Pháp đã không thực hiện được.
Không thực hiện được mục tiêu của kế hoạch hành quân, quân Pháp buộc phải bỏ Đầm Hồng, rút về Chiêm Hoá tìm cách rút lui về Tuyên Quang. Ngày 1-11-1947, trên đường rút khỏi Chiêm Hoá, cả 2 toán quân thuỷ, bộ của địch đều bị phục kích tại Vật Nhèo (thuộc xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa), gần 200 tên bị tiêu diệt, 2 ca nô, thu 2 đại liên, 2 khẩu 30 ly 2 và hàng trăm súng trường, tiểu liên.
Đến tháng 11-1947, theo đường bộ và đường sông, quân Pháp rút khỏi Chiêm Hoá về Tuyên Quang. Ngày 4-11-1947, cánh quân bộ của địch lọt vào trận địa phục kích của ta tại cầu Cả (thuộc xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa), gần 100 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ. Trong các ngày 7 và 8-11, quân địch tiếp tục bị phục kích. Chúng chia đội hình thành 2 bộ phận. Một bộ phận ra sông Gâm để rút về Tuyên Quang bằng ca nô bị ta phục kích tại Hòn Lau vào ngày 10-11-1947 bắn cháy, bắn chìm 3 tàu chiến và ca nô, tiêu diệt hon 200 tên. Bộ phận rút về theo đường số 2 bị bộ đội và du kích thoát ly của Hàm Yên phục kích tại km 21 đến km 24 (đường Tuyên Quang – Hà Giang phải mở đường máu tắt qua Lang Quán theo dọc sông rút về Tuyên Quang.
Trong khi cuộc hành quân của địch lên Chiêm Hoá bị ta bẻ gãy thì các cuộc hành quân xung quanh thị xã Tuyên Quang và tiến vào Sơn Dương của địch cũng liên tục bị chặn đánh. Sau khi đánh thắng trận đầu vào các ngày 12 và 13-10-1947, mở đầu cho chiến thắng sông Lô, bộ đội chủ lực được sự hỗ trợ của du kích tiếp tục chốt chặt con đường Bình Ca – Sơn Dương. Ngày 3-11-1947, gần 100 tên Pháp phải bỏ mạng khi chúng đổ bộ xuống Bình Ca hòng tiến vào Sơn Dương. Cùng ngày, dân quân du kích gài thuỷ lôi, địa lôi tại bến đò Văn Yên (Thắng Quân – Yên Sơn) tiêu diệt hàng chục tên Pháp, làm hư hỏng nặng 02 ca nô.
Hai gọng kìm phía Đông và phía Tây không hợp điểm lại được ở Đài Thị theo dự kiến, là thất bại lớn của địch cho thấy rõ ràng sự mạo hiểm và thảm hại của chúng trong kế hoạch tấn công bao vây, càn quét căn cứ địa Việt Bắc. Quân Pháp buộc phải chuyển qua bước 2 của chiến dịch mà thực chất là cuộc rút lui có kế hoạch khỏi Việt Bắc.
Từ ngày 21-11-1947, quân Pháp chia làm 3 toán rút khỏi thị xã Tuyên Quang theo 3 đường: theo đường số 2 xuống Đoan Hùng, theo sông Lô và theo đường Bình Ca – Sơn Dương. Toán rút theo đường số 2 tới km 5 bị bộ đội phục kích bằng địa lôi làm chết một số tên. Chúng cho một đơn vị rút qua chợ Ruộc ra sông Lô, cũng bị vấp địa lôi chết 30 tên. Ngày 23-11, toán quân Pháp bị chặn đánh ở Bình Ca khi chúng kéo vào Sơn Dương cũng bị chặn đánh, thiệt hại gần một đại đội. Cánh quân rút theo sông Lô bị pháo kích ở Phan Lương (Sơn Dương).
Đồng thời với việc rút quân khỏi thị xã Tuyên Quang và trên Mặt trận sông . Lô, Pháp tập trung khoảng 600 quân tại Việt Trì để tiếp viện cho các mũi rút quân của chúng. Cuối tháng 11, một tiểu đoàn quân Pháp từ Phúc Yên đã hành quân qua Vĩnh Yên rồi lên Thiện Kế (Sơn Dương) hòng đánh quét, họp thành một mũi dùi mạnh để lập hai gọng kìm Tuyên Quang – Phủ Đoan và Bình Ca – Thiện Kế nhằm càn quét khu vực Sơn Dương, đồng thời yểm trợ cho cánh quân từ Bình Ca rút về theo đường Sơn Dương – Thiện Kế.
Ngày 4-12-1947, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Sơn Dương. Một toán theo đường Thiện Kế về Vĩnh Yên, toán khác định vượt qua Đèo Khế sang Đại Từ liên lạc với cánh quân Bô-phrê nhưng bị phục kích tại Đèo Khế, buộc phải quay lại, nhập vào cánh quân rút theo đường Thiện Kế – Vĩnh Ninh – Đạo Trù – Vĩnh Yên. Ngày 15-12, quân Pháp rút khỏi Sơn Dương – Tuyên Quang. Gọng kìm sông Lô của quân Pháp bị bẻ gẫy hoàn toàn.
Cuối tháng 12-1947, chiến dịch tấn công Việt Bắc của quân Pháp hoàn toàn thất bại. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên của ta tại căn cứ địa Việt Bắc, trong chiến dịch này, quân dân ta tiêu diệt 3.300 địch, làm bị thưong 1.300 tên, bắt sống 270 tên và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.
Là địa bàn tác chiến trọng yếu, quân dân Tuyên Quang và các đơn vị bộ đội chủ lực đã có những trận đánh xuất sắc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ an toàn căn cứ địa kháng chiến, thực hiện thắng lợi Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Bô Tổng chỉ huy. Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ Khu 10, dựa vào thế hiểm yếu của núi rừng, sông, với phương châm dùng vũ khí địch đánh địch, đánh địch bằng mọi loại vũ khí có trong tay, lực lượng vũ trang của tỉnh đã vận dụng chiến thuật du kích “cách đánh chim sẻ”, đánh địch cả khi chúng hành quân lẫn lúc chúng dừng chân nghỉ ngơi, đánh địch cả trên sông lẫn trên bộ, cả khi chúng tấn công, khi chúng rút chạy. Trong toàn chiến dịch, quân, dân Tuyên Quang đã tham gia chiến đấu 48 trận, trong đó có 30 trận độc lập tác chiến, 18 trận hợp đồng tác chiến với bộ đội chủ lực) góp phần tiêu diệt 1.300 tên địch, bắn cháy, bắn hỏng 10 ca nô, tàu chiến, phá hủy 01 máy bay. Với chiến thắng Sông Lô, quân và dân Tuyên Quang đã góp phần đập tan âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của giặc Pháp, bảo toàn được căn cứ địa Việt Bắc, Bác Hồ cùng cơ quan đầu não kháng chiến.
Nguyễn Văn Đức