Truyền thuyết Mục Quế Anh đại phá Thiên Môn Trận – Truyện xưa tích cũ
Truyền thuyết Mục Quế Anh đại phá Thiên Môn Trận
Mục Quế Anh, một số bản dịch dịch nhầm thành Mộc Quế Anh là một nhân vật trong các giai thoại về Dương gia tướng. Theo đó, bà được mô tả là một nữ tướng dũng cảm, kiên quyết và trung thành, được xem là hình tượng của một người phụ nữ kiên định trong văn hóa Trung Hoa.
Là con gái của Mộc Vũ, trại chủ Mộc Kha Trại. Nàng là đệ tử của Trần Thế Di Thái sư phụ. Ông nổi danh với Lục Sát Kỳ Môn Trận. Ông còn có một đệ tử nữa là Gia Lục Hào Nam. Y là sư huynh của Mộc Quế Anh. Hào Nam lòng dạ bất chính, nhiều tham vọng, nên sư phụ từ bỏ, tuy nhiên y đã học được một số pháp thuật để đặt bày huyền trận. Gia Lục Hào Nam nguyên là thái tử của Bắc Hán. Thân phụ của Hào Nam bị quân Tống hại nên luôn mang lòng báo hận, phục thù.
Để thực hiện di nguyện của cha, Gia Lục Hào Nam liền đầu quân cho nhà Liêu. Vốn Liêu và Tống có mối xung đột lâu dài, gây nên chiến tranh, giành dân, lấn đất loạn lạc suốt mấy mươi năm. Sau khi về với Liêu, Gia Lục Hào Nam đổi sang tên mới Sa ha lông Gia Lục Hào Nam. Y đầy tham vọng và âm mưu lớn, mượn binh Liêu xâm lược để tiêu diệt Tống quốc, rồi khôi phục Hán Triều như lời trăn trối của vua cha. Hào Nam được Thái Hậu nước Liêu phong làm Quốc Sư.
Thấy đệ tử sa ngã, sư phụ của Gia Lục Hào Nam hết lòng khuyên nhủ nhưng y không nghe, còn lập mưu giết chết ông rồi lấy cắp bí kíp “Tinh Tú Thiên Môn trận”. Mộc Quế Anh phát hiện sư phụ bị hại, nàng vừa đau buồn vừa oán hận, rồi an táng sư phụ chu đáo. Hào Nam biết Mộc Quế Anh đã phát giác việc mình giết sư phụ, liền đem quân truy giết. Quế Anh suýt chút thì vong mạng, may chạy thoát thân vào một sơn trang, ở đây nàng tìm thấy dấu tích của Thái Sư Phụ để lại chỉ cách phá “Thiên Môn Trận”. Ông vốn là người đắc đạo nên đã sớm đoán biết được có ngày sẽ bị hại chết. Ông dặn đệ tử muốn phá được “Thiên Môn trận” cần phải giải được tà thuật trước. Trong Mộc Kha Trại có một loại linh mộc có thể hủy đi sự linh nghiệm của tà thuật có tên gọi là Giáng Long Mộc. Do đó Mộc Quế Anh trở thành người duy nhất biết cách phá trận đồ “Thiên Môn”.
Hai nước Tống Liêu chinh chiến liên miên. Nước Liêu bày “Thiên Môn Trận” – trận đồ bất khả chiến bại và thách thức quân đội Tống phá trận trong một trăm ngày. Dương Lục Lang, người con trai thứ sáu của dòng họ Dương, một gia đình trung quân ái quốc, đưa binh nghênh chiến, nhưng lại bị đại tướng quân Gia Luật Hào Nam của Liêu Quốc bài trận bao vây. Con trai duy nhất của Dương Lục Lang là Dương Tôn Bảo xả thân cứu cha. Nghe nói, muốn phá được Thiên Môn trận cần phải mượn được một vật quý của Mộc Kha Trại, Dương Tôn Bảo đã gặp Mộc Quế Anh, nữ thiếu chủ của trại Mộc. Gặp nữ nhân dung mạo uy nghi, khí khái phi phàm hơn cả nam nhi, chàng đã đem lòng yêu nàng sau đó hai người sau đó kết nghĩa phu thê.
Hào Nam tay nắm bách vạn hùng binh, lại có được Thiên Môn trận, ào ạt tấn công tới biên giới Tống quốc, lúc này đang dưới thời trị vì của vua Tống Nhân Tông. Dương Tôn Bảo thống lĩnh tam quân nhưng cũng thất bại, tử nạn trước Thiên Môn trận. Lúc này, các vị trí thống lĩnh trong quân đội đều do nữ giới trong Dương Gia tướng đảm nhận. Lịch sử Trung Quốc gọi là các nữ tướng Dương gia. Họ chiến đấu can trường và dũng cảm nhưng cuối cùng vẫn thất bại trước Thiên Môn trận. Thời hạn một trăm ngày sắp tới gần, có người tiến cử Mộc Quế Anh con dâu nhà họ Dương, cũng là người duy nhất biết cách phá trận đồ.
Người đời nói rằng, lưỡi kiếm của nàng vung lên huy hoàng như Hậu Nghệ bắn rơi chín mặt trời. Nàng tung hoành giữa trận như rồng giữa trời xanh, nàng tấn công như sấm sét, và khi bình yên, nàng như mặt nước phẳng lặng huyền ảo cùng ánh trăng lung linh. Tài năng của nàng sớm gây ấn tượng với quân đội hai nước Tống – Liêu ngay trong trận chiến đầu tiên. Mộc Quế Anh được giao quyền thống lĩnh quân đội.
Như một võ tướng kỳ cựu, Mộc Quế Anh sắp xếp lại tướng sĩ, lập chiến kế thiêu trụi toàn bộ lương thực của kẻ thù. Thiếu cỏ, kỵ binh Liêu – cánh quân chủ chốt trở nên vô dụng. Thiếu lương thực, hàng nghìn quân hùng mạnh không còn sức chiến đấu. Nàng chỉ huy quân tả xung hữu đột, dùng Giáng Long Mộc phá từng nước một trong bảy mươi hai nước của “Thiên Môn trận”. Quân đội Tống đánh từng trận thắng lợi và thu lại đất bị xâm chiếm. Mộc Quế Anh với tài năng và sự dũng cảm đã khiến danh tiếng Dương gia tướng vang xa. Khi ca khúc khải hoàn trở về, nàng mới chỉ mười chín tuổi. Nữ nhân anh tài được ghi công Mộc Quế Anh Đại Tướng.