Truyện ngắn tác giả trẻ Huỳnh Trọng Khang ở TPHCM – Hội Nhà Văn Việt Nam

Vanvn- Huỳnh Trọng Khang sinh năm 1994, quê ở Châu Đốc, An Giang tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

Anh đã xuất bản hai tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ (NXB Hội Nhà văn 2016), Những vọng âm nằm ngủ (NXB Hội Nhà văn 2018) và một tập truyện ngắn nữa đã vào nhà in. Tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ xuất bản khi anh đang là sinh viên, được trao giải thưởng Sách Hay năm 2017. Huỳnh Trọng Khang đang sống và gắn bó với nghề chữ nghĩa viết lách tại TPHCM. Anh dấn thân, dần khẳng định mình và tìm chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

TRƯƠNG ANH QUỐC giới thiệu

Cô gái cắt đứt dây đàn của tôi

 

Nếu bạn muốn tìm một chốn không có đêm giữa Sài Gòn hoa lệ này, hãy thử đôi lần đến đường Bùi Viện. Tạo hóa trớ trêu. À không phải. Ngành giao thông vận tải trớ trêu, đã xô đẩy tôi trở thành cư dân của con đường này vào mùa thu của năm hai mươi tuổi.

Chuyện là tôi đã thuê một ngôi nhà với giá gần như cho ở ngoại ô để theo đuổi nghiệp nhạc sĩ. Tôi đã đóng cọc cả năm vậy mà ở chừng ba tháng thì nơi ấy bắt đầu làm đường. Khói bụi và tiếng ồn đẩy cái chốn thiên thai trở thành địa ngục, tôi đâm ra bực bội và cáu gắt không thể làm việc được nữa.

Tôi đem nỗi ưu tư của mình đến bar Bùi Viện giãi bày cùng thằng bạn, thế là nó đón tôi về ở cùng nơi căn gác ngay trên quán bar. Nó chỉ ngủ vào ban ngày, còn tôi chỉ ngủ về đêm nên cũng ít khi nào gặp nhau. Hành trang khi đó, tôi chỉ có vài đĩa nhạc, cây guitar, vài bộ đồ và một trái tim mơ mộng chưa xây xước chút nào, dù chẳng mấy khi trong túi có tiền và bụng thì lúc nào cũng sôi ong óc, nhưng thây kệ, rồi có ngày mỗi nốt nhạc tôi viết ra sẽ đổi thành vàng, các bầu sô sẽ hôn lên bàn tay Midas của tôi, các ca sĩ sẽ lượn lờ xung quanh để nhờ tôi chiếu cố cho họ một bài hát, trên môi các thiếu niên thiếu nữ trên vạn nẻo đường ngoài kia trú ngụ nhạc của tôi, và gió, và tiếng khóc… dường như chúng cũng khóc bằng nhạc của tôi. Những giấc mơ thường bay bổng vì chúng không có sức nặng, cho nên chúng trôi tuột từ não, qua tim, xuống bao tử và tiêu biến ở đó.

Tôi bắt đầu ăn mày tình thương của các cư dân Bùi Viện từ dạo đấy.

Buổi sáng, tôi phụ dọn dẹp quán để trừ vào tiền thuê nhà, dạy kèm cho con của các chủ quán, và cả xem bói cho các nàng phục vụ bàn, các nàng thi thoảng cũng ghé ngang căn gác chật chội của tôi, trong đó có một em không chỉ dừng lại ở việc ngó quanh để xác thực sự nghèo túng của những kẻ theo đường bút mực mà còn bước vào đời tôi và ra đi mãi mãi.

Một ngày nọ, như bão tố, em đạp cửa xông thẳng vào phòng tôi.

“Anh biết thằng này là thằng nào không?”, em tức giận giơ cao chiếc di động.

Dĩ nhiên tôi chẳng biết “thằng” ấy là thằng nào, vì em cứ huơ huơ như thế sao tôi nhận ra được, đã vậy chính khuôn mặt em tôi cũng không nhớ nổi, tôi biết tôi từng gặp em, nhưng thật khó lòng gắn một cái tên vào khuôn mặt ấy. Khuôn mặt dù đã cố làm già đi nhưng không che được nét trẻ con, khi giận, đôi môi bặm lại trông càng trẻ con hơn. Dưới lớp son phấn, nét trẻ thơ vẫn chưa mất đi, chúng ở lại trên khóe miệng, trong đôi mắt, trên cánh mũi phập phồng như những chú bê con lang thang trên cánh đồng hít hà mùi sữa động trên cỏ non, đấy là vùng cỏ non của em vậy, như một câu hát em đi trên cỏ non mọc ôm đôi bờ đường đê. Em đã bỏ lại đường đê nào, bỏ lại cầu dừa nào, bỏ lại cổng làng nào, bỏ lại vùng trời cỏ non nào để đi lạc xuống đây, vẫn như chú bê lần đầu đi vào thành phố tiếng lạc leng keng theo mỗi bước chân. Rồi một chiều nào xuống, lạc bầy không tìm được đường về, lang thang nơi đô hội lục tung những xó bùn lầy nước đọng để kiếm rác mà ăn. Con bê tội nghiệp, tôi nhìn em ngơ ngẩn hết đời, cái sự ngây thơ của em rồi sẽ cứu rỗi tôi, nếu Chúa còn ban ơn như đã từng ban ơn cho những cô gái nghèo vô tội.

Thấy vẻ mặt ngớ ngẩn của tôi em càng đổ quạu, chửi té tát: “Không chừng là anh viết, anh viết phải không?”.

Tôi đón lấy chiếc điện thoại, hóa ra em giận vì bài báo đề cập đến những cô gái làm phục vụ quán bar ở Bùi Viện, bài báo chẳng có gì đặc biệt trừ cái giọng dè bỉu và khinh bỉ lộ rõ.

“Tôi không viết nó”. Tất nhiên là vậy, dù tôi ước rằng mình đã viết, ý tôi là không nhất thiết phải viết về đời sống ở đây, ý tôi là tôi muốn một ngày nào đó có tờ báo nào đó sẽ đăng những bài viết của tôi, những cảm nhận về âm nhạc, chân dung các ca nhạc sĩ, họ sẽ cho tôi giữ một mục con con nào đó trong mấy chục trang báo to đùng ấy, để tôi có thể sống qua ngày bằng mấy đồng nhuận còm trong khi chờ đợi đến ngày ca khúc của tôi được vang lên trên sân khấu lớn. Nhưng mấy tay biên tập viên chẳng bao giờ nhìn ra được tài năng của tôi cả và thế là những bài báo vô vọng đó nằm chễm chệ trên facebook được vài lượt like của tôi, trước khi bị chôm để đăng lại trên mấy trang âm nhạc mấy chục ngàn lượt like nhưng chẳng ai biết tôi là tác giả cả.

Mặt em ngơ ra một chút. Nhìn tôi hối lỗi, sực nhớ ra điều gì liền ngồi xuống giường cạnh tôi. Lúc đó tôi chỉ mặc quần tà lỏn, chiếc váy của em còn ngắn hơn nữa, thế là hai cặp đùi non trẻ cạ sát vào nhau khiến tim tôi lạc đi hai nhịp.

“Hãy viết gì đó đi anh, viết để người ta không nhìn chúng em là con điếm mà là con người”.

Cô khẩn khoản nhìn tôi, đôi mắt hấp hái. Em xinh và tôi không biết thốt ra lời nào cho đỡ sáo rỗng hơn ngoài việc nói em xinh. Một bài báo? Nhưng nơi nào sẽ in nó cho tôi đây. Con người được định hình từ những định kiến, gái điếm thì không được phép lương thiện cũng như thầy giáo không được phép xăm mình. Đấy là tôi còn chưa nói đến cái định kiến nghệ sĩ thì phải nghèo, nó đeo bám tôi suốt không thôi, đến nỗi cái định kiến ấy hóa thành một lời nguyền, để những cô gái điếm vĩnh viễn không được lương thiện và những nghệ sĩ vĩnh viễn phải nghèo túng. Ai sẽ tin tôi, nếu tôi viết rằng hôm qua tôi vừa nói chuyện về Heidegger với một cô gái điếm thông thạo năm ngoại ngữ. Một trải nghiệm tuyệt vời, bạn thử tưởng tượng xem, thay vì một ông giáo già đầu hói ru ngủ với chất giọng đều đều như quạt máy lại là cô gái ăn mặc quyến rũ, nói về bản thể luận bằng đôi môi mọng chín của nàng, để rồi bạn phải giật mình tự hỏi mỗi khi thấy nàng khoác tay một người ngoại quốc vào khách sạn, liệu đó có phải là cô gái cùng mình nói về Heidegger? Và liệu khi khỏa thân bên nhau, da ấm và da ấm họ sẽ tiếp tục nói về Heidegger đến sáng, du khách nhận ra rằng mình phải về Đức ngay lập tức, phải chạy vội đến Meßkirch để hôn lên tấm bia mộ của triết gia vĩ đại.

Nhưng dĩ nhiên những chuyện ấy không bao giờ xảy ra. Đơn giản nếu tồn tại một cô gái điếm hiểu Heidegger thì tự nàng đã mâu thuẫn với chính nàng và chẳng có người đàn ông nào bỏ tiền ra, đi quá nửa vòng trái đất chỉ để nghe một thứ không có tác dụng gì hơn ngoài việc ru ngủ chính ông ta. Nếu như ông ta chỉ có nhu cầu ngủ, nếu như ông ta chỉ là một lão già khú bất lực đầy chán nản, dai đến tận cổ đến nỗi gái điếm ở chính quê hương ông ta không còn nhai nổi cái của nợ quắt quéo nữa, để ông phải lặn lội sang đây, men theo những con đường của lính lê dương hai trăm năm trước, tìm kiếm những cô gái có lòng trất ẩn, những cô gái có thể vừa thổi kèn vừa hát nhạc Lady Gaga hay nói với ông về một ông già đã chết cách nay mấy chục năm là Heidegger cũng được.

Nếu chuyện đó chưa thuyết phục, tôi xin hầu bạn một câu chuyện khác, một chuyện mà tôi biết, thật ra thì cũng chẳng dài dòng gì, chuyện là tôi chừng những cô điếm nhỏ gom góp tiền để một cô bé bỏ nghề trước đêm cô đi khách lần đầu. Bạn có tin được không, đến tôi còn không thể tin được, vậy thì làm sao tôi có thể thuyết phục mọi người tin mình đây chứ. Nhưng mà tôi chứng kiến tận mắt, tôi đã thấy họ moi móc từ chỗ cất giấu kín đáo nào không biết những tờ tiền cho cô gái quê có khát vọng đổi đời tỉnh mộng, rằng chỉ tiền boa thôi thì chẳng nhiều đến thế, rằng muốn boa khá thì phải thế này thế nọ, một thế này thế nọ thường đánh đổi bằng cả cuộc đời.

Nhưng em ơi, sao anh có thể từ chối đôi mắt non trong của em. Em nhìn đi, ngây thơ và ngơ ngác như thể đang lạc lối và bảo anh chỉ cho em một con đường, nhưng mà có đường nào để đi đây. Anh đành hẹn lần hẹn lữa, anh đành lãng tránh bằng cách chĩa mọi câu hỏi về em, mà câu trả lời từ em mỗi lần mỗi khác. Em chưa bao giờ cho tôi biết tên thật của mình, cô gái lúc nào cũng sọc vào buồng tôi như chỗ không người.

Em bảo em tên Lan, mồ côi cha, bị dượng hiếp, ở quê người ta khinh không ai lấy đành bỏ lên Sài Gòn. Nhiều khi em là Hồng, sinh viên nghèo phải nuôi mẹ bạo bịnh. Lúc uống cạn hai chai bia em là Ngọc, mơ làm diễn viên được lấy chồng đại gia. Và khi không còn mảnh vải nào trên người em là Mén, gặp gã sở khanh nên phải ráng đi làm nuôi con. Trước lúc ngủ say, em bảo em là Hường, con em gọi em là chị, tối em còn phải đi làm nên muốn ngủ một chút, chỉ một chút thôi và nhiệm vụ của tôi là ngồi canh cho em ngủ không quá mười lăm phút. “Nhá, nhớ nhá, chỉ mười lăm phút đồng hồ”, em nói khi mi đã khép, người bắt đầu co lại theo những tư thế kỳ cục.

Tôi để cho em ngủ trên giường, em nhẹ như không, giá đời em cũng nhẹ như thân thể em, hẳn mọi chuyện sẽ khác. Qua từng câu chuyện của em, mọi thứ cứ nặng dần, em là nàng Sheherazade đem đến buồng tôi mọi câu chuyện bi hài trên khắp thế gian. Rốt cuộc thì giữa mớ hỗn độn đó, đâu là thật và em là ai? Như một đứa trẻ em cuộn chặt lại trong mớ suy nghĩ rối bời, trong giấc ngủ chợt đến cùng với nó là phép màu tẩy xóa tất cả những uế tạp của hiện thực. Hai má bầu bỉnh phúng phính, hằn lên những đường chỉ máu khiến tôi suýt chút nữa không kiềm nổi cám dỗ mà bún vào, nhưng thay vì thế tôi chỉ nhẹ nhàng xoa đôi má ấy, em mơ ngủ nắm lấy bàn tay tôi, để yên trên cổ mình, ngọ nguậy như một chú cún con. Trong một phần tư giây cuộc đời đó, tôi nghĩ tôi đã yêu em hay có thể tôi đã yêu lại cuộc đời này bằng cách yêu em, trong một phần tư giây ngắn ngủi, khi nhìn em ngủ, thế giới lại trở về vẻ vô tội của nó, cứ như chưa có băng hà hay phấn trắng, không có thiên thạch hay trôi dạt lục địa, không có chiến tranh, không có nạn đói. Nhưng thế giới chỉ vô tội được một phần tư giây trong giấc ngủ của em, sau đó nó lại trả về nguyên trạng của mình với tất cả các sự kiện đã diễn ra, không thể nào vãn hồi lại được.

Tôi nằm dưới sàn tiếp tục nốc bia rồi thiếp đi không hay, để yên bàn tay mình cho em nắm, tôi kết nối lại với thế giới này qua em, giữa tỉnh và ngủ, giữa chiêm bao phi thường và thức giấc trần trụi, nếu cần cứu rỗi, có lẽ tôi sẽ cầu xin dưới chân em, nơi thân thể em, giáo đường duy nhất, nơi môi em khát và tay tôi run, nơi nước mắt tôi đến được thế giới thông qua đôi mắt của em, chảy dọc theo sóng mũi em, đọng lại nơi khóe miệng em, rớt xuống cằm, rỏ vào cái hư vô bên dưới thăm thẳm cứ mở rộng ra.

Khi tỉnh dậy em đã đi mất rồi. Còn lại mình tôi giữa căn phòng. Tôi định bật một đĩa nhạc lên nghe, nhưng chợt nhớ tôi đã bán chúng trên hội đồ cũ rồi. Thế là tôi ghim tai nghe rồi mở MP4 nghe. Quả là không bằng đĩa, Billie Eilish đang rĩ rà Wish You Were Gay, tự nhiên tôi buồn quá đỗi, trần nhà cứ thấp dần, mặt sàn thì cứ càng ngày càng cứng, cái nóng trùm xuống, ngọ nguậy bò khắp cơ thể. Hình như tôi bị say nắng trong chính căn phòng của mình, cơ thể tôi hành sốt, bên tai vẫn là giọng Billie Eilish rề rà, ảo não mà đẩy thân nhiệt lên cao.

Đặng đó tôi suýt chết, tôi nằm bẹp suốt tuần lễ liền. Trong quãng thời gian đó, dường như có chuyện gì đang diễn ra làm xáo động khu Bùi Viện mà tôi không biết. Tôi hỏi em nhưng em không trả lời, chỉ đều đặn đến săn sóc tôi.

“Thằng đó vô cảm”, em làu bàu trong lúc lấy miếng hạ sốt dán lên trán tôi.

“Anh nghĩ mình sắp xong rồi”, tôi nói mê sảng biết rằng thiệt tình bệnh không đến nỗi đó. Nhưng những lúc này tôi chỉ muốn mình lâm vào thế cận tử, cảm nhận sự sống sắp lìa bỏ mình, để rũ rượi, mềm yếu, để được thương khóc, để người khác lo cuống cuồng, “em có thể lấy cây đàn”, tôi nắm đôi bàn tay xương xương của em, “không, em có thể lấy mọi thứ của anh”.

“Chỉ nói xàm”, em đánh bẹp lên trán tôi, “sốt mấy độ vậy không chết đâu”. Nói rồi, em đứng dậy bỏ đi.

“Ở lại được không”, vẫn cái giọng mèo mắc mưa, tôi nói.

Em đứng ở lối ra, một tay vịn nắm cửa, ngoái lại nói: “Đừng nhõng nhẽo”, rồi đi mất.

Tôi không nhìn rõ khuôn mặt em lúc đó, em chỉ mắng yêu hay đang hờn giận gì tôi chăng? Tôi cũng không biết nữa, hình như tôi đã làm gì sai. Em để tôi ở lại băn khoăn với những câu hỏi hư vô, tôi biết có gì đó thoảng qua, thậm chí cả hai cũng không đoán định được điều chi, nhưng thứ đó lững lờ và cứ mãi lững lờ không cách chi tiêu biến được, nó ở đó, án ngữ giữa hai người, ngày càng phình rộng, đẩy cả hai dạt ra xa nhau. Những dự cảm lờ mờ ẩn hiện, rồi bị choáng ngợp bởi sức mạnh nghiệt ngã của thời gian.

Ngày hôm sau, rồi nhiều ngày hôm sau nữa, em lại đến tìm tôi, dọn dẹp phòng, sắp xếp lại bản thảo, thỉnh thoảng còn giúp tôi đánh máy bài tập. Em không nói gì về bài báo, nhưng trong mắt có gì đó chờ đợi, đặc biệt là cái nhìn của em mỗi khi nằm cạnh tôi.

“Em đang nghĩ gì đó em?”

Chúng tôi đang nằm trên giường, vẫn quần áo đàng hoàng. Em xoay lưng về phía tôi, mũi tôi cọ vào tóc em, chúng vẫn còn vương mùi thuốc lá. Em thở nhẹ, không có vẻ gì là mệt mỏi, tôi cọ đầu gối mình lên đùi em.

“Nhột” em dịch người về trước.

“Em đang nghĩ gì đó em”

“Hông gì hết”

“Em ngủ đi”

“Ừm”

Tôi nhìn đồng hồ trong bóng tối lờ mờ, ánh đèn từ bar đối diện hắt vào căn phòng, ba giờ hơn. Thường phải bốn giờ em mới tới, không phải ngày nào cũng vậy, chỉ khi bạn em dẫn người về phòng. Những khi như vậy em lại mua bia đến chỗ tôi, hoặc chỉ đơn giản sà lên giường, đẩy tôi dịch vào phía trong rồi cứ thể nằm ngủ ngon lành. Em ngáy rất lớn, làm tôi phải đeo tai nghe thì mới át hết tiếng được.

Tôi đặt bàn tay lên bầu ngực em.

“Em mệt”

Thế là tôi tiu nghỉu rụt tay lại, quay lưng thở dài một tiếng. Bức tường sơn xanh phủ lớp cáu bẩn khiến không còn nhận ra sắc màu nguyên bản của nó, trên đó lại còn lóm đóm xỉ mũi của thằng bạn cùng phòng trét lên. Cái thằng ra đường lúc nào cũng bảnh tỏn, đầu tóc lán mượt, quần áo thơm phức, vậy mà đống đồ nó ném ở góc phòng ruồi bâu vo ve mấy tháng nay, đến mức tôi không ngửi được phải đi dọn dẹp. “Hắc Quản Gia của tao”, nó ôm chầm lấy tôi, reo lên nũng nịu. Tên ma cô đó chịu cho tôi ở cùng cũng vì tính sạch sẽ. Ngay hồi đi học nó đã biết điều này. Trong lớp, thi thoảng nó lại quay sang cười nhăn nhở nhìn tôi mà không nói gì, một hồi lâu tôi phải lên tiếng:

“Lại gì nữa đây”

“Gôm” nó khúm núm xòe hai bàn tay trước mặt, kiên quyết giữ nguyên cái mặt đê tiện của mình.

Nó là vậy, ẩu tả và đoản tính. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy chút biểu hiện tiềm năng gì để bây giờ trở thành ma cô dắt gái, giữ xe vũ trường hay bảo vệ quán bar. Cả bây giờ nó vẫn giữ cái bộ mặt hài hước đó, tôi không thể tưởng tượng được cảnh nó nắm cổ ai đó xách đi, hoặc đánh người ta vỡ đầu, có khi nó không bao giờ lâm vào cảnh ấy, mà biết đâu được.

“Sao mày không đi thi Thách Thức Danh Hài”

Lại giương cái bộ mặt cười đến tận mép tai.

“Tao nói thiệt, mày định ở đây cả đời sao?”

Nó vứt chiếc áo đẫm mồ hôi xuống sàn, khoe ra tấm lưng đầy sẹo như cố ý cho tôi thấy, lục đục đi vào nhà tắm:

“Mày có để ý bố già ngồi dưới nhà suốt ngày không”

Giọng nó hòa với tiếng vòi sen. “Bố già” nó đang nhắc là ông cụ với bộ râu hùm bạc trắng, che gần hết mặt, sự tốt tươi của bộ râu đối nghịch với thân thể đen đúa, quắc quéo như phải phơ dưới mặt trời của cuộc đời này quá lâu. Dù trời nóng hay trời lạnh, áo quần ông lúc nào cũng như nhau. Sơ mi cộc tay không bao giờ cài hết nút, để phập phồng hình xăm không rõ là gì. Quần tả lỏn cũn cỡn, tréo nguẩy khoe ra hàng chữ xăm dọc từ đầu gối xuống cổ chân: “Hận đời đen bạc”. Ông cứ ngồi đó, không hút thuốc thì uống cafe, đôi mắt hun hút như thể trước mặt ông là một không gian khác song song với không gian hiện thực ngoài kia. Tôi chưa bao giờ thấy ông trò chuyện với ai, chỉ đoán chắc ông sống ở một ngôi nhà nào đó trong hẻm. Chỉ thiếu điều ai đó cắm trước mặt ông mấy cây nhang với nải chuối là tự khắc biến ông thành một vị Thổ Thần của khu này. Một pho tượng Thổ Thần có hình thù kỳ lạ, im lặng phù hộ cho những người đi qua trước mặt ông với lòng thành kính.

“Ổng thì sao?”

“Không biết”, nó vẫn ở trong nhà tắm, nghe chừng như đang gội đầu, “nghe nói ngày xưa ổng cũng như tao”, nó ngừng lại một chút, “làm nghề giống tao, ổng ở đây bao nhiêu năm rồi không ai biết mà từ lâu cũng không biết ổng làm gì sống, ổng chỉ ngồi đó thôi”.

“Mày định giống hả?”

Nó trần truồng bước ra, nước nhễu từng dòng xuống khuôn mặt nó. Cái của nợ lạnh teo quắp lại. Nó cứ tồng ngồng như vậy riết rồi quen, vừa xỏ quần vừa nói vọng về phía tôi:

“Dính rồi biết sao được, như con Ngọc đó, giờ mày biểu nó bỏ làm sao bỏ”

“Ngọc nào?”

“Cái con ôm mày xà nẹo hoài còn gì”

“Ẻm nói ẻm tên Hồng…”, tôi ngập ngừng, “hoặc Lan gì đó”

Nó tư lự một hồi: “Cúc, Mận, Đào gì cũng được”

Rồi nó bỏ đi, không nói thêm gì nữa. Hình như người ở đây ai cũng mang phong thái ấy, chẳng bao giờ lắng nghe người khác, và dường như cũng không ngại ngần phô bày thân thể của mình. Như em chẳng hạn, cứ thích xong vào phòng tôi như giáp lá cà (dù tôi nhớ rằng đã khóa cửa cẩn thận), cởi phăng quần áo, cứ thể đi vào phòng tắm xối nước ào ào, miệng không ngừng hô: “Mát quá! Đã quá”. Xong rồi lau mình qua loa, phóng thẳng vào giường tôi, quấn chặt mền nằm ngủ.

Như vừa nãy em cũng ùa vào giường tôi như thế, chỉ khác lần này vẫn còn nguyên quần áo. Thấy tôi có vẻ giận dỗi, em quay sang ôm chầm lấy tôi.

“Sao vậy”

“Không biết”

“Lại gặp khách trời đánh hả”

“Không phải”

“Chứ sao?”

“Buồn quá”

“Giờ sao”

“Ca cho em một bản đây”

Hai đứa lòm còm ngồi dậy, em vớ lấy cây đàn ở đầu giường đưa cho tôi. Quỳ trên nệm, một tay chống, còn một tay để xuôi theo đùi, chăm chú nhìn tôi so đàn. Tôi vừa đệm vừa cất lời hát câu đầu tiên trong bài The end of the world thì em suỵt:

“Ca bài nào tiếng Việt á”

Tôi chặc lưỡi rồi chuyển sang bài Còn tuổi nào cho em. Ngập trong phòng là thứ không khí đen đặc của đêm bị pha loãng bởi thứ ánh sáng từ muôn thứ bảng hiệu, đèn đường, cả âm thanh xôn xao từ trăm chiesc máy phát nhạc không phân định rõ tiếng gì nữa, cũng biến thành một thứ hình sắc, lèn vào đêm, tách nó ra, hé mở trong không gian hai kẻ cô độc đang bảo vệ mình bằng thứ thanh âm xưa cũ. Chúng tôi không bao giờ được sống trong thời ấy, chúng tôi mơ tưởng về nó, đến mức chúng tôi có thể hoài niệm về nó.

Em nằm xuống, gối đầu trên đùi tôi, mắt mở to, bài hát kết thúc, tôi chuyển sang Hát với dòng sông, như thể có một dải không khí trắng đục nào đó kéo xuống, một dòng sông hình thành từ không khí, chảy dọc qua trước mặt chúng tôi, em lặng ngắm nhìn dòng sông đó, thắc mắc nó trôi về đâu. Tôi cảm nhận đùi mình ươn ướt, tôi biết em đang khóc, những giọt nước mắt của tôi chảy ra từ khóe mắt của em. Tôi lấy tay xoa mặt em, cảm nhận dòng nước mắt, những dòng lệ chảy xuống từ thinh không thành sông vô ảnh.

Em lòm còm ngồi dậy, đột ngột, khiến tôi phải dừng đàn.

“Anh có nghĩ em là người tốt không?” Em tròn xoe mắt nhìn tôi, tự nhiên đến nỗi tất cả những gì nghiêm trọng trong nghi vấn đó bỗng nhẹn như không.

“Ý em là sao?”

“Ý anh là em không tốt hả?” Trong sắc giọng của em không có vẻ gì là giận dỗi.

“Không, ý anh là tại sao em lại tự nhiên hỏi vậy?”

Em quay đi, chợt bóng tối ập xuống, cứ như thể tất cả những ngọn đèn trên khắp thế gian đều đồng loạt tắt hết, chỉ còn con người trơ trọi hồi hộp đợi chờ điều sắp xảy ra, một điều không ai đoán định được.

Tôi vòng tay ôm em, kéo cả hai ngả xuống giường. Em không phản đối, cũng không nói thêm gì.

“Em là người tốt nhất mà anh biết” tôi thì thầm vào tai em.

“Thật không?”

“Thật”

“Người tốt thì sẽ được hạnh phúc đúng không?”

“Ừ”

“Anh chắc chứ?”

“Chắc”

Em kéo bàn tay tôi, cọ cọ lên cổ mình.

“Cúp điện phải không?”

“Chắc vậy”

Tôi ghì siết em trong vòng tay.

“Anh sợ hả?”

“Không có”

Em trở người, rúc vào ngực tôi, hơi thở em âm âm hòa vào cái nóng của mùa hè thiêu cháy lòng ngực tôi. Mồ hôi nhễ nhại, da thịt hai đứa dính dốp, cởi phăng chiếc áo phông nhưng không tài nào cởi em ra khỏi mình. Di di ngón tay lên những đốt xương ngực, ngón tay em dịch dọc theo hõm xương. “Anh ốm quá”, em khẽ nói, “nóng quá, không ngủ được”.

Em hôn nhẹ lên vú tôi, nhồn nhột, tôi cười khúc khích, nhưng em không dừng lại, cứ mút ở đấy, thật lâu, thật lâu. Tôi biết vị mặn của da thịt tôi đang trên đầu lưỡi em, cũng như mùi nách ngây ngấy của em đang ngự trong mũi tôi. Tôi hít lấy hít để nó, núm vú căng lên, cảm giác có gì trong tôi đã thoát ra ngoài thế giới thông qua đầu vú, râm ran từ từ xa dần, tôi xoa đầu em, định nói rằng tôi muốn em dừng lại, kết thúc, tôi muốn nói rằng dường như có gì đó trong tôi đang trốn đi, biến mất, và tôi không muốn, không muốn chút nào. Nhưng rốt cuộc tôi đã không nói được gì cả.

“Cứ tự nhiên, coi như tao chết rồi nhe”

Thằng cà chớn đó từ đâu xông vào, lấy gì đó rồi chạy vội đi. Lúc này tôi mới nhận ra, trên người mình, và cả em nữa, không còn mảnh vải nào. Như lúc nãy, tôi định nói rằng em nên dừng lại, cũng như tôi nên dứt khoát hơn, bảo em rằng em là cô gái thánh thiện, rằng em xứng đáng được mọi người đàn ông trên trái đất này quỳ gối dưới chân, rằng cuộc đời em rồi sẽ tốt đẹp, rằng khoảnh đời này sẽ kết thúc, rằng tôi muốn khóc, rằng tôi muốn nghiến chặt em giữa hàm răng mình. Nhưng tôi không làm gì, đã không làm gì, ngoài duy nhất một việc là ngủ thiếp đi.

Một buổi sáng khi tôi tỉnh dậy, em đã đi mất rồi, tôi phát hiện ra cây đàn của mình đã bị cắt hết dây. Một buổi sáng, tôi thức dậy trần trụi cùng cây đàn trụi dậy, thế giới đã khác. Tôi đã lờ mờ hình dung được cảnh này. Chắc chắn phải kết thúc như thế.

Tôi bỏ đi ngay trong đêm đó. Nhiều năm nay tôi chưa gặp lại em. Tôi không biết tên em, tuổi tác, hay quê quán. Tôi chỉ nhớ đôi mắt đầy thương tổn của em, cùng thứ em đã lôi ra khỏi cơ thể tôi để trả lại cho thế gian này.

Nếu bạn đi trên đường Bùi Viện và gặp cô gái có đôi mắt như thế, hãy đưa cho em đọc truyện ngắn này, hãy báo là tôi vẫn khỏe, rằng chẳng ai tin chúng ta đâu, người ta chỉ tin vào những định kiến và trật tự, người ta vẫn giết nhau hằng ngày nhân danh sự thật trong khi chẳng ai tin chúng ta đâu, người ta chỉ tin vào những định kiến và trật tự, người ta vẫn giết nhau hằng ngày nhân danh sự thật trong khi chẳng có sự thật nào.

Thay vì viết cho em một bài báo, tôi tặng em truyện ngắn này, bởi vì chỉ trong văn chương, người ta mới chấp nhận một cô gái điếm lương thiện.

Tuyết nữ

 

Ngọn núi chìm trong mây, chỉ còn thấy phần đỉnh, dường như hơi lạnh tỏa ra từ đó, cứ thế lan dần tưởng chừng cả không khí cũng đóng băng thành một màn sương tuyết mờ đục che mất tầm nhìn.

Anh gọi điện xuống quầy lễ tân. “Đường đã thông chưa?”. Như bao lần khác, anh nhận được lời xin lỗi. Khách sạn đãi anh bữa trưa như một cách bồi hoàn vì sự bất tiện trận bão tuyết gây ra. Bữa trưa với anh không quan trọng. Anh có hẹn nghe tiếng chuông chùa vào đêm giao thừa. Ngày mai là cuối năm rồi mà chùa Asakuzi vẫn còn cách nhà trọ hai tiếng đi ô tô.

Anh nhớ thuở còn là du học sinh, mỗi khi gần đến giao thừa, anh lại cùng Yuki gom hết số tiền làm thêm để đến đây. Ô cửa đục màu sương. Yuki liếm ngón tay, vẽ lên kính một trái tim tròn trịa. Lúc ấy anh đang ở ngoài vườn, tập mấy bài thể dục buổi sáng như thói quen từ hồi nhỏ. Khi anh thực hiện động tác xoay vai, khuôn mặt Yuki hiện ra sau khung cửa nàng vừa tạo ra khiến anh mỉm cười. Một bông tuyết chạm khẽ vào mũi, anh tưởng chừng nó sẽ bay lên nhưng rồi nó cứ đong lại đó mãi. Anh hắt hơi rõ to. Yuki trông thấy, thoạt tiên còn cố nhịn cười, nhưng cuối cùng đành chịu thua, tiếng cười giòn tan vỡ ra cùng với những lớp băng nhũ đọng trên mái nhà.

Anh cùng cả lớp đến vùng này lần đầu năm 28 tuổi. Mái ngói ngôi chùa đội những chiếc nón tuyết trắng muốt. Lúc đó anh và Yuki vẫn chưa yêu nhau. Như sau này anh vẫn tự hỏi: Rốt cuộc mình yêu nàng trước hay là nàng yêu mình trước? Để tự cười mình, ôi dào, có gì đâu mà quan trọng.

Lần ấy, không hiểu sau trưởng nhóm phân công anh và Yuki đi nhặt củi đốt lửa trại. Khu rừng năm đó trong không khí buổi sáng mùa đông thoang thoảng mùi cỏ. Anh đi phía trước còn Yuki đi phía sau, cố tình dẫm lên những bước chân của anh lưu trên tuyết.

Gió thổi rất mạnh. Chảy qua hai bên tai. Anh ngẩng đầu nhìn trời. Những bông tuyết cuồn cuộn bay trên đầu như dải ngân hà chao đảo nơi thinh không. Không hiểu sao lúc đó Yuki chợt nhớ đến một truyện ngắn của Chekhov, vậy là nàng thầm thì: “Em yêu anh”.

Anh tưởng mình nghe nhầm, quay lại hỏi: “Em vừa nói phải không?”. Yuki lắc đầu. Anh lại bước tới trước. Yuki nhìn gáy anh, muốn tán mạnh cho gã ngốc ấy tỉnh ra, nhưng rồi nàng lại thầm thì: “Em yêu anh”.

Gió mang những lời đó đến tai anh, trai tim trẻ trai đập rộn. Anh ngoái đầu nhìn Yuki vừa hoài nghi vừa hy vọng. Yuki đáp lại ánh mắt ấy bằng nụ cười tủm tỉm: “Không phải Yuki này nói đâu, mà Yuki-onna đang nói với anh đó, coi chừng, tối nay nó sẽ đến tìm anh”.

Anh biết Yuki-onna chứ, huyền thoại về con ma tuyết trong hình hài một thiếu nữ trắng muốt, lang thang trong đêm tuyết trắng hù dọa những kẻ lỡ bước như anh. Đột nhiên Yuki than mỏi chân rồi cứ thế ngồi bệt xuống tuyết.

“Cứ ngồi đó mãi rồi bạn sẽ biến thành bức tượng bồ tát bằng tuyết đấy”, anh bảo, cố chờ Yuki đứng dậy, nhưng nàng vẫn ngồi yên một chỗ. “Bạn có gì ăn không, mình đói?”. Yuki hỏi. Anh tìm trong áo khoác thì chỉ còn hộp nước trái cây. Bàn tay lạnh cóng của Yuki đón hộp nước từ tay anh, lóng ngóng làm rơi xuống tuyết, mất hút dưới cái nền trắng xốp.

“Lạ quá, tuyết có dày lắm đâu”, Yuki tư lự.

***

Cơn hắt hơi đột ngột cắt ngang dòng hồi tưởng của anh. Trong phòng có máy sưởi nhưng vẫn lạnh. Anh lấy trong hành lý chai dầu xanh, xoa vào lòng bàn chân. Anh thấy mình cũng già cả như ông bà mình, đi đến đâu cũng phải mang theo chai dầu gió.

“Thưa quý khách, phục vụ phòng đây ạ”, một cậu trai trẻ tuổi kéo cửa bước vào, đặt xuống trước mặt anh mà ly trà bốc khói. Anh không quan tâm, đầu óc anh vẫn còn vướng vất những kỷ niệm. Chàng trai không vội đi mà dừng lại, khịt khịt mũi, rồi nói với chất giọng như vọng lại từ một phương trời khác: “Anh là người Việt Nam ạ”.

Anh ngước nhìn chàng trai có nước da ngăm, người gầy nhưng rắn rỏi. “Ờ, cậu…”. Anh chưa dứt lời thì cậu chàng đã giới thiệu: “Em Huy, người Hà Nội…” rồi cứ thế anh chàng nói một lèo. Từng tiếng cố làm ra vẻ Hà Nội dần dần xa rời thủ đô để chuyển vào một vùng phương ngữ mà phải cố lắm anh mới nghe ra được. Huy đang nói thứ tiếng mà có lẽ lâu lắm anh không được đem ra sử dụng, ngôn ngữ mà mỗi đêm anh độc thoại với cái bóng trên vách tường. Anh cứ để cho cậu nói, đến mệt rồi thôi. Trong mớ hỗn độn của những chữ cứ xô nhau thoát ra khỏi miệng, anh biết được cậu sang đây du học đã năm năm. Trước đây bạn bè Việt Nam đông, nhưng dần dần tản mát hết, có đứa trụ được vài tuần lễ, có đứa hết hạn không chịu về, bị bắt, trốn lại, rồi người ta không cho qua nữa. Huy mở điện thoại khoe anh hình gia đình ở quê. Một tấm ảnh gia đình như bao tấm ảnh gia đình khác, những khuôn mặt được gắn nụ cười, diện lên mình bộ quần áo chỉ mặc một lần vào dịp Tết, che đậy những đôi vai chai sạn vì gánh gồng, những bàn chân rạn nứt, che đậy những giấc mơ muôn hình vạn trạng nhưng khuôn mặt nào cũng ngẩng lên, hướng về phía trước.

Và anh nhớ lại gia đình mình, sao họ lại giống nhau đến thế, người cha, người mẹ nào cũng vậy. Những đôi mắt cố thâu hết vào nó sự kỳ vọng nhưng lại cũng cố che giấu sự kỳ vọng. Nhìn đôi mắt đó làm sao anh nỡ sao nhãng chuyện học, làm sao anh không quần quật làm thêm. Cầm tiền trong tay, làm sao anh nỡ sa đà những chuyến đi, những cuộc vui. Anh cách biệt mọi người từ đó, rồi nhiều năm trôi qua, bao mùa tuyết tan và bao mùa tuyết phủ, bao lần Tuyết Nữ lang thang trong những khu rừng trắng xóa chờ đợi một hành nhân lạc bước lỡ đường.

Rồi mùa xuân đến, những lời anh nghe từ Yuki, anh tự hỏi rằng không biết nó là đùa hay thật, là thực hay hư và đó có phải là lời của nàng không, hay chỉ là trí tưởng tượng của anh vẽ vời trong cái buổi tuyết trắng nọ. Nhiều lần anh định nhắn tin hỏi nàng, nhưng thấy thật vô duyên. Hai người vẫn là bạn Facebook của nhau, thi thoảng nàng vẫn vào bình luận mấy dòng trạng thái “thả thính” của anh, nhưng chưa bao giờ anh dám hỏi. Quê anh không có tuyết, không bao giờ mùa đông, rừng nhiệt đới gió mùa. Còn ở đây bốn mùa thay đổi, lòng người cũng nhạy cảm với những chuyển nhịp của đất trời. Anh sẽ không bao giờ ở lại Nhật Bản. Nàng sẽ không bao giờ sống ở Việt Nam. Ngày xưa có hai kẻ yêu nhau mỗi năm một lần đạp lưng quạ gặp nhau. Ngày nay có những kẻ yêu nhau đáp những chuyến bay ngàn dặm để tự tình trong những giờ ngắn ngủi. Nhưng sẽ được bao lâu?

“Này, anh gặp ma đấy hả”, Huy khều, lôi anh khỏi cái dáng bất động cứ chăm chú nhìn ra ngoài khoảnh sân, nơi tuyết đổ mỗi lúc một dày thêm. Nếu ngày mai đường sá chưa thông thoáng, anh sẽ đi bộ. Khởi hành từ lúc sáng sớm, đến chỗ giao thông thuận lợi rồi bắt xe, có thể kịp đến chùa Askuzi đúng giao thừa. “Không, không có gì”, anh đáp. Huy chào anh rồi cáo lui, phảng phất sự thất vọng trước sự hờ hững của người đồng hương. “Khoan”, anh giữ Huy lại, “Cầm lấy”, đưa chai dầu xanh về phía trước. Huy không nói gì, anh tiếp lời, “Để đỡ nhớ nhà”, Huy cúi gập người chín mươi độ rồi quay đi.

Anh rơi nhanh vào giấc ngủ, chập chờn.

***

“Hình như tụi mình đi lạc rồi”, Yuki nói, bó củi trên tay hai người bắt đầu nặng dần. Chiều buông. Đâu đó một cánh chim mùa đông vút lên nơi bìa rừng. “Ở nước anh sướng thật, chẳng bao giờ có mấy thứ tuyết khó chịu như thế này”, Yuki than vãn. Anh chỉ cười trừ, anh biết ở nơi không có tuyết ấy, chẳng còn gì đã đợi anh cả. Anh không đợi mùa xuân vì không có khái niệm mùa xuân, chỉ có một mùa nóng ẩm chói chang.

Anh chỉ muốn gió thổi lên nữa, ngọn gió ban nãy, để đem những lời thì thầm của Yuki đến tai anh.

Điện thoại không có sóng và hai bàn chân rã rời. Anh và Yuki chỉ tìm được đường về khi đi ngang căn chòi của người kiểm lâm. Họ đã đi quá xa khỏi điểm cắm trại. Người kiểm lâm ở giữa rừng một mình, ông pha trà và thết họ món canh đậu hũ.

Tiếng chuông từ đâu vọng lại.

“Chuông chùa Asakuzi đấy”, người kiểm lâm reo lên. Cả ba im lặng. Năm Cũ vừa khoác chiếc áo mùa đông của nó lên đường, và Năm Mới hân hoan thế chỗ vào ngai vàng.

“Năm sau chúng mình lại cùng nghe tiếng chuông chùa Asakuzi đêm giao thừa nhé”. Yuki quay sang nói, má em ửng hồng. Anh chưa kịp hiểu chuyện đã vội gật đầu.

Tiếng chuông chùa Asakuzi vẫn vọng về khe khẽ.

***

Khi trời chưa rạng bình minh, anh đã lên đường. Tuyết vẫn rất dày. Ba lô trên vai và bản đồ trong tay, anh cứ thế mà bước.

Bọn trẻ con hai má đỏ hồng trêu anh: “Đừng đi vào rừng vào mùa đông. Kẻo gặp Tuyết Nữ đấy biết không.” Anh quay lại, le lưỡi trêu chúng. Anh chẳng tin vào con ma tuyết chuyên dụ các lữ khách đi lạc này. Cứ thế anh tiến về phía trước. Không quên nhắn cho Yuki anh sẽ đến chùa như lời hẹn.

“Em vẫn còn nhớ lời hẹn sáu năm trước chứ” hai tháng trước anh gửi cho Yuki một tin nhắn, một tin nhắn mất nhiều năm anh mới dám bấm từng ký tự gửi nàng. Anh có thể thấy phía bên kia “đã xem” nhưng phải hai ngày sau nàng mới trả lời: “Anh sẽ qua Nhật à?”

“Ừm. Nhật”

“When we were young”

Đó là tên một bài hát của Adele mà cả nàng và anh cùng thích. Rốt cuộc thì hai người chẳng xa nhau lắm đâu, họ nghe những thứ nhạc giống nhau, đọc những loại sách giống nhau, cuối tuần anh vẫn ăn sushi ở phố Nguyễn Huệ và nàng vẫn có thể ăn chả giò ở Ginza. Cả thế giới cả anh cả nàng loãng dần như trái đất cũng đang tan ra trước biến đổi khí hậu. Anh rốt cục cũng đâu khác chi những gã trai đang tất tả ở phố Wall hay Hongkong, những bộ vest đen, những khuôn mặt mệt mỏi, những nụ cười rạn nứt phô trương trước mặt đối tác. Anh cũng dùng iphone, anh cũng xem phim Marvel, đâu có gì ngăn cản anh trở thành một phần của cái tinh cầu cô độc này. Anh vẫn nói chuyện với Yuki gần như hàng ngày. Ở Sài Gòn anh vẫn thấy được lễ hội pháo hoa ở Osaka, cũng như nàng có thể nhìn ra những hạt bụi mịn phủ xuống Hà Nội dù đang ở Tokyo. Đến đây, anh thấy việc nàng ở Việt Nam hay anh sẽ sinh sống ở Nhật trở thành khả dĩ. Đồng hồ điểm sáu giờ sáng, đâu đó tiếng một con chim rừng rúc lên, dậy vang rồi lẫn vào mênh mông tuyết. Bản thân anh cũng dễ tan vào đây lắm chứ. Đêm nay anh sẽ nói với nàng rằng, nếu muốn, họ sẽ kết hôn. Nếu muốn, họ sẽ kiếm những công việc sáu tháng ở Việt Nam và sáu tháng ở Nhật Bản. Kết lại với nhau, họ sẽ trở thành gia đình du mục của thời hiện đại, chuyển chỗ sinh tồn mỗi lúc mùa sang.

Anh dùng điện thoại định vị, nhưng sóng mỗi lúc một yếu dần cho đến khi chính nó cũng mất dạng như những tiếng chim mỗi lúc một thưa. Nơi đây mặt trời không chiếu đến, trời u u không dợn chút hơi ấm. Lòng đầy phấn khởi, bước chân anh càng nhanh hơn. Nhưng đi chừng mười phút thì một cơn bão tuyết kéo đến dữ dội. Phải rồi, mình không đến được chùa nhưng Yuki có thể đến quán trọ anh nghỉ lại mà. Phải rồi, cứ thế mình cứ trở về và hẹn nàng đến, tuy không gian không lý tưởng bằng, nhưng mình sẽ nói kế hoạch đời mình và kế hoạch đời nàng. Vậy là anh chấm dứt cuộc phiêu lưu vào miền hoang dã kéo dài ba mươi phút.

Ông chủ nhà trọ nhác thấy anh quay lại liền đon đả chào. Anh nhìn quanh, tìm kiếm Huy nhưng không thấy. Ông chủ nhìn anh ngờ vực: “Không biết tiên sinh đang tìm ai?”

“Huy-san, cậu phục vụ người Việt Nam”

Ông chủ vừa nghe, liền chạy vội ra khỏi quầy, nắm tay anh kéo vào một góc.

“Tiên sinh đã gặp nó rồi à?”, ông thì thầm, anh gật đầu xác nhận. Thấy thế khuôn mặt ông chủ liền nhăn lại đầy khó chịu: “Tiên sinh làm ơn đừng tiết lộ với ai về cái thằng Việt Nam ấy. Tôi không biết sao tiên sinh nhận ra xuất thân của nó, nhưng ở đây chúng tôi vờ nó là người Nhật, cũng không dễ phát hiện ra. Nhưng tiên sinh đừng nói với ai, nó làm công chui, mấy năm trước Yuki-onna (Tuyết Nữ) suýt giết nó trong rừng, nhưng nhờ chúng tôi cứu được, nhưng bạn nó thì không. Nó cứ khóc lóc xin ở lại, xin đừng báo cảnh sát, nên chúng tôi làm phước để nó ở lại đây. Ở đây chúng tôi gọi nó là Kaonashi (Vô Diện), chẳng những không mặt, nó còn không tên và không nhân thân. Tôi không biết nó đã kể gì với tiên sinh, tôi lạy tiên sinh đừng báo với nhà chức trách. Tối nay tôi sẽ đuổi nó đi, cái bọn Việt Nam vừa lười vừa lắm chuyện, đáng lẽ phải biết thân biết phận mà im đi.”

Anh vội ngăn ông: “Không tôi sẽ không báo với ai. Chỉ xin ông, cứ cho anh ta ở lại đây làm việc”.

Ông chủ có khuôn mặt nhìn như cá thờn bơn xoa tay dạ dạ, tiễn anh về phòng. Sự thật vừa rồi đập vào đầu khiến anh choáng váng, lẩn thẩn bước đi. Lúc lướt ngang một căn phòng đang mở cửa, anh nghe tiếng quát tháo, một viên quản lý, người cao dong dỏng đang hét vào một thanh niên đang quỳ gối, dập đầu đầy hối lỗi, trong khi viên quản lý hét lên về sự lười biếng của anh ta, về thói dậy muộn, về việc anh phải tăng ca nhiều hơn, tiện thể y ném luôn cùi giấy xuống người đang quỳ, rằng đừng bao giờ để nhà vệ sinh hết giấy.

Anh không chịu nổi, dợm bước bỏ đi, vừa chăm chú nhìn kẻ tội nghiệp đang chịu lăng mạ. Anh ta ngước nhìn, quay sang anh. Ánh mắt hai người gặp nhau, anh vội vàng trở về phòng mình.

Làn nước nóng khiến anh khuây khỏa. Tuyết Nữ và Vô Diện. Anh nhận mình vào bồn tắm, tứ chi rệu rã. Anh thấy mình ở đây vào lúc này thật tào lao. Lãng mạn thật đấy, nhưng tào lao, chẳng có gì ở đây dành cho anh cả. Cái gã trong gương đang nhìn anh kia cũng vậy, dường như xa lạ. Anh rờ khuôn mặt trắng trẻo nhẵn nhụi của mình. Cũng khá giống người Nhật đấy. Nhưng lão chủ nhà trọ không nhớ rằng lão đã ghi vào sổ lưu trú một cái tên Việt Nam hay sao? Hoặc là lão còn chẳng biết một cái tên Việt Nam thì chữ viết như thế nào? Có thể trong mắt lão tất cả người nước ngoài đều vô diện, những yêu ma quỷ quái vật vờ chốn sơn thôn hẻo lánh này. Họ có thể thấy khuôn mặt đau khổ của Huy lúc này, khi chạm phải đôi mắt anh. Khuôn mặt của một kẻ kiệt đường để thôi bám víu vào những lời nói dối, bất lực đến mức nước mắt cứ ngấn lên mà không hay. Anh sẽ nhớ mãi cái dáng quỳ đó, như trong một bức tranh Nhật cổ. Huy đã quỳ dưới sự chứng kiến của anh, như thể anh làm nhục cậu khi đứng đó trong thân phận lữ khách bình thường, như những người Nhật.

Yuki gọi anh, Tuyết Nữ của lòng anh đó. Nhưng anh không còn muốn bắt máy nữa, thậm chí nếu không bị cơn bão tuyết ngăn lại, anh muốn trở về nước ngay, để da anh được đen đi dưới ánh mặt trời, để được uống cafe bên những người Việt vẫn cười khà khà trước mọi bi kịch. Yuki gọi anh, Tuyết nữ của lòng anh đó. Nhưng anh quên nói với nàng anh không bao giờ chịu nổi cái ẩm ướt của mùa đông, của tuyết. Yuki gọi anh, lòng anh xáo trộn, anh đã bị nàng dụ hoặc, Tuyết nữ của lòng anh, đợi anh trong khu rừng tuyết. Xuyên qua khu rừng ấy, giữa những cây cỏ bị bọc bởi băng giá, anh thấy từng hàng từng hàng những con yêu quái vô diện đứng lẫn khuất, hai tay buông xuôi, chúng đang hướng về phía anh.

HUỲNH TRỌNG KHANG

Rate this post